QPTD -Thứ Hai, 22/04/2024, 15:53 (GMT+7)
Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam chủ động hội nhập, phát triển

Trước những khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam chủ trương tiếp tục kiên trì thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2030; phát huy những giá trị cốt lõi, nắm chắc tình hình, tận dụng thời cơ, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, chủ động hội nhập, phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng.

Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam - Binh đoàn 18 là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trực thuộc Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù, cung cấp các dịch vụ trực thăng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Những năm gần đây, cùng với yêu cầu cao của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, xung đột quân sự diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới,… tác động sâu sắc tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty. Nhu cầu sử dụng dịch vụ trực thăng trong thăm dò, khai thác dầu khí giảm đáng kể; thị trường bay du lịch, dịch vụ có sự canh tranh của nhiều hãng hàng không tư nhân, v.v. Nhưng với trí tuệ, bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, Tổng Công ty đã có nhiều chủ trương, biện pháp đột phá phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, tìm hướng đi mới, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và sản xuất kinh doanh, tạo bước phát triển mới, giữ vững uy tín, thương hiệu. Tổng Công ty nhiều năm liên tục đạt doanh nghiệp loại A, là một trong những doanh nghiệp quốc phòng, an ninh hoạt động hiệu quả nhất của Quân đội với tỷ suất lợi nhuận/doanh thu đạt 10% - 15%. Năm 2023, Tổng Công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng1, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc; kết quả sản xuất kinh doanh giữ vững đà tăng trưởng, năng suất lao động bình quân đạt 897 triệu đồng/người, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng khen ngợi, đánh giá cao.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm, làm việc tại Tổng Công ty.

Thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, Tổng Công ty đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức và nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết. Để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, vững bước hội nhập, phát triển, Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Tổng Công ty chủ trương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp xây dựng, phát huy giá trị cốt lõi của Tổng Công ty: “An toàn - Chuyên nghiệp - Bền vững” lên tầm cao mới.

Trước hết, tập trung xây dựng, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển. Đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho hoạt động của Tổng Công ty đúng hướng, đạt hiệu quả cao. Quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Tổng Công ty tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá chính xác những thuận lợi, khó khăn, thách thức, nắm chắc nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng và tình hình thị trường. Trên cơ sở đó, rà soát điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện Chiến lược, Kế hoạch sản xuất kinh doanh, Kế hoạch đầu tư phát triển của Tổng Công ty giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, tập trung xây dựng Tổng Công ty thành nhà cung cấp dịch vụ trực thăng hàng đầu Việt Nam, có công nghệ trực thăng thuộc nhóm đầu khu vực, năng lực canh tranh mạnh, kinh doanh có hiệu quả, uy tín, thương hiệu cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và các nhiệm vụ bay chuyên cơ, cấp cứu y tế, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Thực hiện mục tiêu xác định, Tổng Công ty chỉ đạo các đơn vị thành viên bám sát mục tiêu Chiến lược sản xuất, kinh doanh, cụ thể hóa thành nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch thực hiện, đảm bảo tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, đi sâu thực hiện các giải pháp về phát triển thị trường, quản trị thương hiệu. Theo đó, Tổng Công ty tiếp tục duy trì cung cấp dịch vụ bay dầu khí cho các doanh nghiệp đang khai thác dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi phía Nam; phục vụ các công ty có nhu cầu thăm dò, phát triển mỏ; phối hợp với đối tác cung cấp máy bay phục vụ các công ty dầu khí trong khu vực ASEAN với chính sách giá phù hợp, cạnh tranh nhất. Đối với thị trường bay dịch vụ thương mại, công ích, chú trọng chất lượng các dịch vụ cung ứng, cải thiện hiệu quả vận hành, truyền thông về dịch vụ máy bay trực thăng; tiếp tục duy trì các hoạt động bay chuyên cơ, cứu hộ, cứu nạn theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Quốc phòng. Cùng với đó, Tổng Công ty chủ động tiếp cận với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn, công ty lớn để tìm kiếm cơ hội hợp tác cung cấp dịch vụ bay thương mại, công ích. Đối với thị trường bay xuất khẩu, tiếp tục tìm kiếm các đối tác có uy tín, xây dựng liên minh với các công ty trực thăng khác tại từng thị trường nhằm tận dụng thế mạnh của nhau. Đẩy mạnh thực hiện lộ trình để từng bước thống nhất thương hiệu và phát huy sức mạnh của hệ thống cũng như hỗ trợ các sản phẩm dịch vụ mới của Tổng Công ty, trong đó, coi trọng việc thống nhất bộ nhận diện thương hiệu cho toàn bộ hệ thống trong truyền thông, quảng bá, chọn Logo và Slogan ấn tượng vào thời điểm thích hợp để tạo dấu ấn riêng, nhất là trong quan hệ quốc tế.

Bay đưa, đón khách ra giàn khoan.

Cùng với đó, Tổng Công ty tăng cường đầu tư, đón đầu công nghệ, vươn lên làm chủ trang bị kỹ thuật hiện đại, tạo đột phá về chất lượng dịch vụ. Trước mắt, tập trung đầu tư cơ cấu lại đội máy bay, ưu tiên bổ sung máy bay thế hệ mới thay thế số máy bay cũ và giảm chủng loại máy bay, tập trung khai thác các chủng loại phù hợp với nhu cầu của khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng sức cạnh tranh. Đẩy mạnh thực hiện các dự án củng cố, nâng cấp các căn cứ, sân bay hiện có; tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng mới các căn cứ tại Năm Căn, Côn Đảo, phục vụ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và quân sự, quốc phòng. Tiếp tục đề nghị trên nghiên cứu bố trí đất tại các sân bay: Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Phan Thiết, Phú Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ mở rộng kinh doanh phù hợp với yêu cầu phát triển, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kinh tế với quốc phòng. Cùng với đầu tư mua sắm, hiện đại hóa đội bay, Tổng Công ty đẩy mạnh nghiên cứu cải tiến nâng cao hiệu quả sử dụng máy bay dòng Mi; cải thiện năng lực bảo dưỡng, sửa chữa các hệ máy bay hiện có, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành bay, bảo đảm kỹ thuật, sửa chữa, bảo dưỡng, huấn luyện. Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế ISO 9.000; xây dựng và vận hành hệ thống quản lý an toàn hàng không (SMS); tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý điều hành.

Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố then chốt, quyết định, động lực đảm bảo cho Tổng Công ty phát triển nhanh, bền vững và đủ sức cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh hội nhập. Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý, phi công, kỹ thuật hàng không,… của Tổng Công ty cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tuy nhiên, còn mất cân đối về lứa lớp, kế cận, kế tiếp không vững chắc, trình độ, năng lực trên một số mặt chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, để giữ vững sự ổn định và phát triển, Tổng Công ty quyết liệt triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là việc tạo nguồn, bồi dưỡng, chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ phi công, nhân viên kỹ thuật hàng không; đồng thời, có giải pháp đồng bộ để thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc. Trước mắt, Tổng Công ty tập trung xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chuẩn chức danh, đánh giá năng lực cán bộ, phi công,… để thực hiện các biện pháp quản trị nhân lực hiện đại. Tiến hành rà soát, đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, phi công hiện có, trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch, kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, sử dụng phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Riêng đối với phi công, Tổng Công ty yêu cầu phải được đào tạo cơ bản, chuyên sâu, sử dụng thành thạo nhiều loại máy bay trực thăng hiện đại. Thực hiện điều đó, cùng với tuyển chọn, cử đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong nước và nước ngoài, Tổng Công ty tích cực ứng dụng tiến bộ công nghệ cải tiến, nâng cao hiệu quả cách thức đào tạo phi công; tăng cường cho “thuê ướt”, “thuê khô” máy bay giúp phi công học hỏi tích lũy kinh nghiệm hoạt động trong môi trường quốc tế, đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng.

Để tiếp tục xây dựng, phát triển giá trị cốt lõi, vững bước hội nhập, phát triển, Tổng Công ty chú trọng đảm bảo đầy đủ, kịp thời kỹ thuật hàng không và nâng cao chất lượng công tác đảm bảo an toàn bay. Trong đó, tập trung vào củng cố hệ thống quản lý chất lượng an toàn; sửa đổi, bổ sung hệ thống tài liệu theo yêu cầu của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; tuân thủ nghiêm các yêu cầu của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và Cục Hàng không Việt Nam về quản lý, khai thác bay; Quy định của Bộ Giao thông vận tải về Chương trình an ninh hàng không. Duy trì nghiêm chế độ, nền nếp trong các giai đoạn bay; nâng cao chất lượng công tác đảm bảo của các ngành chuyên môn, nhất là công tác bảo đảm kỹ thuật hàng không. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá, gia hạn các chứng chỉ khai thác theo tiêu chuẩn Chứng chỉ người khai thác máy bay (AOC), Chứng chỉ tổ chức bảo dưỡng tàu bay (AMO) và Chứng chỉ tổ chức huấn luyện hàng không (ATO). Tăng cường huấn luyện, nâng cao trình độ cho các thành phần nhiệm vụ, nhất là huấn luyện xử lý tình huống bất trắc trên không cho phi công, thành viên tổ bay; tổ chức giảng bình, rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện và kiên quyết khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác an toàn bay và phấn đấu giữ vững an toàn bay.

Cùng với các nội dung giải pháp trên, Đảng ủy, Ban lãnh đạo Tổng Công ty tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì có đủ phẩm chất, năng lực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, làm tốt công tác quán triệt, giáo dục nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động thấy rõ sự hiện diện mỗi cánh bay trực thăng của Tổng Công ty trên từng địa bàn, ở từng thời điểm là sự khẳng định chủ quyền đất nước. Từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, quyết tâm giữ vững và phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, vững bước hội nhập, phát triển.

Thiếu tướng KIỀU ĐẶNG HÙNG, Tư lệnh Binh đoàn 18, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty
________________
        

1 - Trong 05 năm qua, Binh đoàn đã tổ chức hàng trăm chuyến bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng; thực hiện tốt nhiệm vụ bay cấp cứu y tế, cứu nạn tại Trường Sa, cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả thiên tai,… đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.