QPTD -Thứ Hai, 18/09/2017, 07:49 (GMT+7)
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đẩy mạnh thực hiện công tác quốc phòng

Trước diễn biến phức tạp của tình hình an ninh, nhất là an ninh hàng không hiện nay, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, bảo vệ an toàn vận tải cùng cơ sở hạ tầng và thiết bị hàng không là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong công cuộc đổi mới của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tiền thân là công ty 100% vốn nhà nước, nay chuyển thành Công ty cổ phần (Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con) trực thuộc Bộ Giao thông vận tải. Nhiệm vụ trọng tâm của Tổng Công ty là kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa hàng không và thực hiện các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho vận chuyển hàng không, như: bay chụp ảnh địa hình, khảo sát địa chất, bay hiệu chuẩn đài dẫn đường hàng không. Đặc biệt, Tổng Công ty còn được giao nhiệm vụ bay chuyên cơ; tham gia tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu y tế, bay phục vụ các nhiệm vụ: chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Đồng thời, sản xuất, bảo dưỡng, sữa chữa, kinh doanh trang bị, thiết bị, phương tiện kỹ thuật và cơ sở hạ tầng hàng không; qua đó, không chỉ đóng góp vào nguồn ngân sách Nhà nước, nâng cao đời sống vật chất cho cán bộ, nhân viên, mà còn tăng khả năng cạnh tranh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và thương hiệu hàng không Việt Nam.

Trước nhiệm vụ nặng nề đó, Tổng Công ty phải vừa nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, tích lũy kinh nghiệm để đáp ứng mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp và yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, chống nguy cơ khủng bố, tấn công mạng, tranh chấp không gian bay, v.v. Do đặc điểm địa bàn hoạt động rộng, cả trong nước và nước ngoài, trong điều kiện môi trường khí hậu, thủy văn phức tạp, qua nhiều loại địa hình (đất liền, biển, đảo, sa mạc), cạnh tranh hàng không khốc liệt đã và đang đặt ra cho Tổng Công ty không ít khó khăn, thách thức. Để hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc xác định: trước hết, phải bám sát và phục tùng tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Bộ Giao thông vận tải; đồng thời, tiến hành nhiều khâu, bước đột phá mạnh mẽ, nhằm đưa Tổng Công ty phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng với kỳ vọng của Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ và nhân dân cả nước. Theo đó, Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Công ty chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác quốc phòng, quân sự, phấn đấu bảo đảm đủ sức tự bảo vệ và bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan, đơn vị, cơ sở vật chất, kho tàng, sân bay, an ninh hàng không, tạo môi trường thuận lợi cho Tổng Công ty hoạt động, kinh doanh đạt hiệu quả theo phương châm: “thực hiện mỗi bước phát triển dịch vụ vận tải, sản xuất, kinh doanh hàng không là một bước tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng”. Để làm được điều đó, Tổng Công ty mà trực tiếp là Ban Chỉ huy Quân sự Tổng Công ty đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, thống nhất nhận thức, sáng tạo, quyết đoán, thận trọng trong tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực.

Chú trọng công tác tham mưu ban hành các văn bản, chỉ thị và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Với tư cách vừa là cơ quan tham mưu, vừa là nơi trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, hằng năm, Ban Chỉ huy Quân sự đã bám sát đặc điểm, nhiệm vụ của Tổng Công ty, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về công tác quốc phòng, quân sự trong các bộ, ngành, địa phương, trọng tâm là Nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và Chỉ thị công tác quốc phòng, quân sự của Bộ Giao thông vận tải để tham mưu cho Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc xây dựng, ban hành kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện. Nổi bật là, Chỉ thị 38/CT-TCTHK, ngày 08-01-2016 của Tổng Giám đốc về “Công tác quốc phòng, quân sự năm 2016”, Kế hoạch 08/KH-TCTHK-BCHQS, ngày 03-02-2016 của Chỉ huy trưởng Quân sự Tổng Công ty về “Giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2016”, Kế hoạch 15/KH-TCTHK, ngày 02-02-2017 của Tổng Giám đốc về “Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự năm 2017”. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ huy Quân sự Tổng Công ty cụ thể hóa và hướng dẫn, tổ chức cho cơ quan quân sự các công ty, đơn vị thuộc quyền thực hiện. Để công tác này đạt hiệu quả thiết thực, Ban Chỉ huy Quân sự Tổng Công ty đã trực tiếp chỉ đạo cơ quan cấp dưới tiến hành đúng quy trình, từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực thiện, kiểm tra, giám sát đến sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Do đặc điểm hoạt động của Tổng Công ty chủ yếu là sản xuất, kinh doanh, cán bộ đảm nhiệm công tác quân sự phần lớn là kiêm nhiệm nên việc thực hiện nhiệm vụ có không ít khó khăn. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy Quân sự đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, tạo nguồn và bổ nhiệm các chức danh kiêm nhiệm quân sự, bảo đảm đúng người, đúng việc, phát huy tốt sở trường, năng lực, trách nhiệm của cán bộ kiêm nhiệm quân sự các cấp trong thực tiễn công tác. Nhờ đó, Ban Chỉ huy Quân sự Tổng Công ty thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đủ sức làm tham mưu và duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, chế độ giao ban quân sự, báo cáo công tác quốc phòng, quân sự với Bộ Giao thông vận tải và Cục Dân quân tự vệ - Bộ Quốc phòng. Đồng thời, tích cực phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cơ quan quân sự các địa phương trong địa bàn hoạt động của Tổng Công ty và với Cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân để xây dựng các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động vận tải hàng không, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh. Đây là nội dung có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện công tác quốc phòng, quân sự của Tổng Công ty. Vì vậy, Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc đặc biệt coi trọng ngay từ khâu quán triệt các chỉ thị, văn bản của trên đến việc hiện thực hóa thành kế hoạch. Theo đó, Tổng Công ty đã chỉ đạo các công ty cổ phần, đơn vị thuộc quyền phát huy vai trò nòng cốt của các ban chỉ huy quân sự và đội ngũ cán bộ quân sự kiêm nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên theo Chỉ thị 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới”; Quy định 07-QĐ/BTCTW, ngày 16-4-2008 của Ban tổ chức Trung ương về tiêu chuẩn kiến thức quốc phòng và an ninh của các đối tượng; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, cũng như các văn bản, chỉ thị về giáo dục quốc phòng và an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải. Qua đó, làm cho các đối tượng nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, đơn vị, không phận và an ninh hàng không trong tình hình mới. Cơ quan quân sự các cấp của Tổng Công ty đã tích cực nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục theo hướng: sát đặc điểm cơ quan, đơn vị, thiết thực, hiệu quả và vững chắc. Do điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất quốc phòng - an ninh còn hạn chế, Tổng Công ty chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức giáo dục, bồi dưỡng tại cơ quan với gửi đi bồi dưỡng tại các học viện, nhà trường Quân đội (tập trung vào Trường Quân sự của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và của Quân khu 7), các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh,… nhằm nâng cao trình độ, kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Hằng năm, Ban Chỉ huy Quân sự chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, cơ quan quân sự địa phương trên địa bàn đứng chân để xây dựng kế hoạch, mở lớp bồi dưỡng và cử cán bộ tham gia các lớp do cấp trên triệu tập. Từ năm 2010 đến tháng 6 - 2017, Tổng Công ty đã tổ chức và gửi đi bồi dưỡng được 106/144 cán bộ thuộc diện đối tượng 1 và 2 (đạt 73,6% chỉ tiêu); 480/716 cán bộ thuộc đối tượng 3 (đạt 67% chỉ tiêu) và hàng nghìn cán bộ thuộc đối tượng 4. Lực lượng này đã phát huy vai trò chủ chốt trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vận tải, kinh doanh dịch vụ hàng không và nhiệm vụ bảo vệ an ninh, an toàn cơ sở vật chất kỹ thuật, địa bàn hoạt động của Tổng Công ty.

Tăng cường xây dựng lực lượng tự vệ. Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc xác định, đây là lực lượng giữ vai trò nòng cốt trong bảo đảm an ninh, an toàn cho Tổng Công ty, tạo cơ sở, nền tảng cho hoạt động kinh doanh dịch vụ hàng không đạt hiệu quả. Vì vậy, Tổng Công ty tập trung xây dựng lực lượng tự vệ đủ về số lượng, vững về tổ chức và mạnh về chuyên môn quân sự. Thực hiện chỉ đạo của Cục Dân quân tự vệ, Bộ Giao thông vận tải và sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự các địa phương nơi Tổng Công ty đặt trụ sở, hằng năm, Tổng Công ty chủ động rà soát, kiện toàn, bổ sung hệ thống tổ chức cơ quan, đơn vị quân sự đầy đủ biên chế theo quy định. Đến nay, Tổng Công ty đã cơ bản kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan quân sự các cấp từ cấp Tổng Công ty đến đơn vị cơ sở, với hàng chục ban chỉ huy quân sự, hàng chục trung đội tự vệ, bảo đảm cơ cấu, thành phần hợp lý và phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị. Để nâng cao chất lượng tổng hợp, nhất là chất lượng chính trị cho lực lượng này, một mặt, Tổng Công ty chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ bảo vệ an ninh, an toàn cơ quan, đơn vị, sân bay, kho tàng và an toàn bay; mặt khác, tích cực tổ chức huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn quân sự, trọng tâm là nâng cao khả năng xử lý các tình huống an ninh nhạy cảm, phức tạp nảy sinh trong thực tiễn hoạt động vận tải, kinh doanh hàng không. Trong huấn luyện, Ban Chỉ huy Quân sự Tổng Công ty đã thực hiện đúng, đủ quy trình các bước huấn luyện theo quy định của điều lệ công tác tham mưu, huấn luyện dân quân, tự vệ (lập kế hoạch, tiến trình biểu; liên hệ giáo viên, chuẩn bị thao trường, bãi tập, vật chất, đội mẫu; thực hành huấn luyện; duy trì luyện tập; kiểm tra, hội thao đánh giá kết quả và tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm). Cùng với đó, Tổng Công ty chủ động hiệp đồng với cơ quan Quân sự, Công an các quận, huyện tham gia diễn tập phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống cháy nổ, bảo đảm chặt chẽ, an toàn, đạt kết quả tốt. Công tác đăng ký, quản lý lực lượng dự bị động viên và phân loại chất lượng trang bị kỹ thuật quân sự, kỹ thuật hàng không được theo dõi chặt chẽ, sẵn sàng huy động phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi cần thiết. Nhờ đó, vừa qua, nhiều tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, được Bộ Giao thông vận tải, Cục Dân quân tự vệ khen thưởng và đánh giá cao.

Với cách làm sáng tạo đó, sau 3 năm cổ phần hóa, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã bứt phá, vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu quốc gia với các tiêu chí: mạnh về vận tải, sản xuất, kinh doanh dịch vụ hàng không, vững về quốc phòng, quân sự, ổn định về chính trị, tổ chức; khẳng định thương hiệu, đẳng cấp hãng hàng không “4 sao”, tiếp tục phấn đấu đạt tiêu chuẩn “5 sao” và đang vững bước trên con đường đổi mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

BÙI ĐÌNH NGHIỂM, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Tổng Công ty

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.