QPTD -Thứ Năm, 07/02/2019, 11:02 (GMT+7)
Toàn quân tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là một nhiệm vụ chính trị - “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của Quân đội ta. Quán triệt sâu sắc điều đó, những năm qua, toàn quân đã tích cực, chủ động phát huy vai trò xung kích, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nổi bật là nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn không ngừng được nâng cao. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp thường xuyên được kiện toàn, duy trì hoạt động có nền nếp. Công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân có sự chuyển biến rõ nét, đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, trúng, đúng, kịp thời, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị đã tích cực xây dựng, rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống phương án, kế hoạch; chủ động chuẩn bị toàn diện, chu đáo về lực lượng, vật chất, phương tiện; tăng cường huấn luyện, luyện tập, diễn tập và duy trì nghiêm nền nếp, chế độ canh trực, sẵn sàng cơ động phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Công tác phối hợp, hiệp đồng giữa Quân đội với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương trong nắm, dự báo tình hình, huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” và triển khai xử lý các tình huống, sự cố bảo đảm chặt chẽ, tạo thế chủ động, vững chắc, ứng phó kịp thời với các loại hình sự cố, thiên tai, v.v. Vì vậy, những năm qua, mặc dù tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường theo chiều đa dạng về loại hình, cực đoan cả về tính chất, quy mô, cường độ, mức độ tàn phá, diễn ra trên hầu hết địa bàn cả nước, nhưng lực lượng vũ trang nói chung, Quân đội nói riêng đã chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả. Với tinh thần tất cả “vì nhân dân phục vụ”, cán bộ, chiến sĩ Quân đội không quản khó khăn, nguy hiểm, luôn đi đầu, có mặt sớm nhất, kịp thời nhất ở nơi xảy ra thiên tai, sự cố, thể hiện rõ vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt, chỗ dựa tin cậy của chính quyền và nhân dân trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn1, được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân đánh giá cao. Qua đó, góp phần tăng cường tình đoàn kết máu thịt quân dân, tô thắm thêm truyền thống, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2 vận chuyển lương thực tiếp tế cho nhân dân Bản Mười, xã Sơn Lương (Văn Chấn, Yên Bái) bị nước lũ cô lập năm 2018.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn có mặt chưa thật đầy đủ. Trình độ, kỹ năng, phương án xử lý các tình huống, nhất là tình huống khẩn cấp, phức tạp còn hạn chế. Công tác dự báo, nắm tình hình, phối hợp, hiệp đồng với địa phương và các lực lượng có lúc, có nơi thiếu nhịp nhàng, v.v.

Trong những năm tới, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, dự báo tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trái quy luật và ngày càng khốc liệt. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa nhanh; tình trạng phát triển một số dự án kinh tế thiếu bền vững làm gia tăng nguy cơ, tiềm ẩn các loại sự cố. Để tiếp tục phát huy vai trò xung kích, nòng cốt, thực hiện tốt nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một làtăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đây là nguyên tắc, giải pháp quan trọng hàng đầu, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này. Theo đó, các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc hơn nữa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ phòng, chống sự cố, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường”; Nghị quyết 689-NQ/QUTW, ngày 10-10-2014 của Quân ủy Trung ương về “Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố - cứu hộ, cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Trên cơ sở đó, chủ động xây dựng nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, các kế hoạch, chương tình hành động sát với tình hình của cơ quan, đơn vị, đặc điểm địa bàn; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường quán triệt nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho bộ đội và thông tin, tuyên truyền về kết quả, kinh nghiệm của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện,… góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân về vấn đề này. Về nhận thức, toàn quân thấu triệt đây là nhiệm vụ chính trị mà mọi cán bộ, chiến sĩ có nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện. Để đạt hiệu quả, các đơn vị cần tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục; chú trọng phối hợp với các cơ quan truyền thông, nhất là các cơ quan báo chí Quân đội tăng cường tuyên truyền kết quả, kinh nghiệm ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Quân đội, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, những cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm quên mình cứu giúp nhân dân trong thiên tai, bão lũ. Cùng với đó, cần tích cực đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của đơn vị, làm tốt công tác động viên, khen thưởng và chủ động ngăn ngừa, đấu tranh với tư tưởng chủ quan, xem nhẹ, ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, biểu hiện thờ ơ, vô cảm trước những thiệt hại, mất mát của nhân dân, v.v. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Cục Cứu hộ - Cứu nạn tiếp tục bám sát thực tiễn, tích cực nghiên cứu, làm tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những nội dung ở tầm vĩ mô để đề xuất với Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trương, giải pháp phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt, lâu dài.

Hai làchủ động làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng cơ động triển khai lực lượng, phương tiện xử lý mọi tình huống sự cố, thiên tai, kiên quyết không để bị động bất ngờ. Trước tính chất phức tạp, khó lường của sự cố, thiên tai, để ứng phó, xử lý kịp thời, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn, cháy nổ, cháy rừng, cứu sập, ứng phó với bão mạnh, siêu bão và các kế hoạch bảo đảm về thông tin liên lạc, hậu cần, kỹ thuật, kế hoạch phối hợp, hiệp đồng,… sát với tình hình thực tế. Tổ chức duy trì nghiêm chế độ ứng trực, công tác phối hợp nắm tình hình, dự báo, thông báo, cảnh báo ở các cấp, nhất là ở giai đoạn cao điểm của thiên tai, bão, lũ. Các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan quân sự, Bộ đội Biên phòng các địa phương cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp xây dựng, hoàn chỉnh kế hoạch ứng phó với 12 tình huống thảm họa quốc gia được xác định tại Quyết định 1041/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020”, bảo đảm hệ thống, khoa học, sát yêu cầu nhiệm vụ của từng lực lượng và điều kiện, đặc điểm địa bàn. Đặc biệt, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, điều hành, huy động nguồn lực, cơ chế trao đổi thông tin, quy chế phối hợp trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn cần tích cực phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ cùng địa phương điều tra, khảo sát nắm chắc chất lượng các công trình đê, kè, hồ, đập, sông, suối trọng điểm, khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao về thiên tai để chủ động phương án phòng, chống. Tiếp tục phối hợp thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản do sự cố, thiên tai gây ra.

Thời gian tới, Bộ Quốc phòng tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư mua sắm phương tiện, trang bị, nhất là trang thiết bị chuyên dụng, nhằm nâng cao khả năng cơ động, năng lực thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các đơn vị. Đồng thời, coi trọng kiện toàn lực lượng chuyên trách, phối hợp với địa phương đẩy mạnh xây dựng lực lượng tại chỗ, nhất là ở các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa; tăng cường huấn luyện, luyện tập, diễn tập ở các cấp và phổ biến kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó với thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng. Trong đó, tập trung huấn luyện toàn diện cho các lực lượng ở cơ sở theo chương trình cứu hộ, cứu nạn phổ thông, huấn luyện chuyên sâu cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm. Tổ chức tốt diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn gắn với diễn tập khu vực phòng thủ; chú trọng luyện tập, diễn tập ứng phó với bão, lụt, lũ quét, sự cố đê điều, sập đổ công trình, sạt lở đất, sự cố hóa chất phóng xạ, v.v. Qua đó, nâng cao khả năng cơ động, năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng và rèn luyện bản lĩnh, ý chí cho bộ đội, đảm bảo ứng phó có hiệu quả trước mọi tình huống .

Ba là, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Hợp tác quốc tế về lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã, đang là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi khách quan, nhằm huy động, kết hợp sức mạnh nội lực với ngoại lực, cùng chung tay giải quyết vấn đề “nóng” về môi trường, sự cố, thiên tai, thảm họa đang diễn ra hiện nay. Từ kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, toàn quân, trước hết là các cơ quan của Bộ Quốc phòng, theo chức năng được giao, tiếp tục quán triệt nắm vững đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, quy chế của Bộ Quốc phòng, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành liên quan đẩy mạnh quan hệ, hợp tác song phương, đa phương với quân đội các nước trong khu vực và thế giới để tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ trong chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, trang thiết bị; xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo, đánh giá nguy cơ các loại hình thiên tai, thảm họa. Tích cực thúc đẩy cơ chế hợp tác với lực lượng vũ trang các nước trong khu vực về hỗ trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai, triển khai các chương trình tìm kiếm cứu nạn cả trên đất liền và trên các vùng biển, đảo. Trước mắt, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị tham gia “Diễn tập cứu trợ thảm họa, dịch bệnh” trong Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc; diễn tập cứu hộ, cứu nạn khu vực biên giới trên địa bàn Quân khu 7 của nước ta với Quân khu 2 của Vương quốc Cam-pu-chia; diễn tập ứng phó thiên tai khẩn cấp khu vực ASEAN; xây dựng kế hoạch thực hiện Công ước SAR 79 giai đoạn 2019 - 2025, v.v. Thông qua đó, tạo cơ hội để Quân đội tiếp xúc, chia sẻ kinh nghiệm về huấn luyện, quản lý, phòng ngừa thiên tai, sự cố và các biện pháp ứng phó, khắc phục, giảm nhẹ thiên tai; hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và mua sắm các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng hiện đại, nâng cao năng lực phòng, chống, ứng phó hiệu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Trung tướng NGÔ QUÝ ĐỨC, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Chánh Văn phòng ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn
____________

1 - Năm 2018, toàn quân đã tham gia xử lý 2000 vụ việc, cứu sống 4.701 người và 228 phương tiện (trong đó cứu nạn được 38 vụ, với 150 người và 08 phương tiện nước ngoài); kêu gọi, hướng dẫn 3.357.216 người và 740.350 phương tiện hoạt động trên biển biết hướng đi của bão để chủ động phòng tránh; di dời được 135.158 hộ và 681.265 người đến nơi an toàn, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.