QPTD -Thứ Hai, 10/02/2020, 07:02 (GMT+7)
Toàn quân nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Những năm vừa qua, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn những bất trắc khó dự báo; các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Diễn biến trên Biển Đông có những phức tạp mới,… đặt ra cho toàn quân yêu cầu rất cao trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, toàn quân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu; chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống về quốc phòng, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Nổi bật là, cơ quan tham mưu chiến lược đã chủ động nghiên cứu, đánh giá và dự báo chính xác tình hình, giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước có đối sách linh hoạt, phù hợp, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống về quân sự, quốc phòng, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ. Toàn quân duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, biển, đảo, biên giới, nội địa, các địa bàn trọng điểm và không gian mạng. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, các lực lượng trên biển, trực tiếp là Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng đã duy trì lực lượng ứng trực thường xuyên, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, đúng đối sách, góp phần giữ vững chủ quyền, lãnh thổ, môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, được Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.

Các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống kế hoạch, phương án tác chiến; kế hoạch chuyển lực lượng vũ trang và các địa phương từ thời bình sang thời chiến, v.v. Nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện, diễn tập chiến dịch, chiến lược, diễn tập khu vực phòng thủ,… có nhiều đổi mới, sát đối tượng, địa bàn, phương án tác chiến. Đáng chú ý là, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tổ chức thành công các cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ, diễn tập tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng quy mô lớn; diễn tập theo kế hoạch1. Qua đó, rút ra những vấn đề thiết thực để hoàn thiện các phương án, nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của các lực lượng. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác đăng ký, quản lý, kiện toàn lực lượng dân quân tự vệ, quân nhân dự bị; tổ chức huấn luyện, diễn tập và kiểm tra chặt chẽ, nghiêm túc, nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ, nhất là các đơn vị động viên khẩn cấp và dân quân biển, dân quân tự vệ ở địa bàn trọng điểm; thường xuyên rà soát nhân lực, tàu thuyền, đáp ứng yêu cầu huy động tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi có tình huống, v.v.

Để tăng cường tiềm lực, thế trận, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã nghiên cứu đề xuất để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vùng trời, biển, đảo, về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại; giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên các hướng, khu vực trọng điểm, v.v. Trong đó, tập trung đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng, về kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế; quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội,… nhằm thực hiện tốt phân vùng chiến lược, tăng cường thế trận quốc phòng, an ninh, nhất là trên hướng biên giới, biển, đảo và các địa bàn chiến lược. Bằng các biện pháp đồng bộ, đến nay, các địa phương đã hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 trên phạm vi cả nước; Quy hoạch vị trí sơ tán các bộ, ngành Trung ương; xây dựng đường tuần tra biên giới, hệ thống các công trình phòng thủ trên tuyến đảo, biên giới, địa bàn trọng điểm đúng tiến độ, bảo đảm liên kết chặt chẽ các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố với thế trận phòng thủ của các quân khu.

Các cơ quan, đơn vị Quân đội thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Công an; xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an toàn địa bàn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và quốc tế tổ chức tại Việt Nam2, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Kịp thời phối hợp với các bên liên quan giải quyết các vụ việc vi phạm Hiệp định về quy chế quản lý biên giới đất liền, không để nảy sinh phức tạp, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của một số cán bộ, chiến sĩ về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu chưa thật đầy đủ, còn tư tưởng chủ quan, xem nhẹ. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong nắm, nghiên cứu, dự báo tình hình có nội dung chưa kịp thời; soạn thảo, điều chỉnh văn kiện, kế hoạch tác chiến, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống,… có điểm còn hạn chế.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, xung đột vũ trang, khủng bố, tấn công mạng, v.v. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Trước hết, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác sẵn sàng chiến đấu, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị 46-CT/TW, ngày 22-6-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Chỉ thị 12/CT-TM, ngày 14-7-2018 của Tổng Tham mưu trưởng về việc tăng cường công tác nắm tình hình, sẵn sàng chiến đấu, phối hợp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, v.v. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ, nâng cao nhận thức, ý thức sẵn sàng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ; chủ động phát hiện, đấu tranh kiên quyết khắc phục những biểu hiện giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác.

Cơ quan, đơn vị trong toàn quân phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình thế giới, khu vực và trong nước, vùng trời, vùng biển, đảo, biên giới, nội địa, ngoại biên, không gian mạng, nhất là tình hình Biển Đông và các địa bàn trọng điểm quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở đó, nhận định, đánh giá, dự báo chính xác âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, dự kiến các tình huống có thể xảy ra, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy phương án và biện pháp xử lý chính xác, kịp thời, không để bị động bất ngờ. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu theo Chỉ lệnh 14/CL-BQP, ngày 28-3-2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhất là thành phần kíp trực tại sở chỉ huy các cấp, trực chỉ huy, trực ban ở các cơ quan, đơn vị; quy định về dự trữ vũ khí, trang bị, phương tiện, vật chất bảo đảm cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Thường xuyên nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn kiện sẵn sàng chiến đấu và tổ chức luyện tập, diễn tập chặt chẽ, sát thực tế, đối tượng, địa bàn tác chiến. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, các địa bàn trọng điểm và không gian mạng, v.v. Đối với các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ các sự kiện chính trị quan trọng, trong dịp lễ, Tết,… phải xây dựng kế hoạch riêng, chú trọng hiệp đồng các lực lượng theo từng nhiệm vụ, phương án. Các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu phải duy trì quân số trực 100%, thường xuyên kiểm tra, bổ sung đầy đủ lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Tổ chức tốt việc tuần tra canh gác bảo vệ mục tiêu trọng yếu; quản lý chặt chẽ quân số, vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm an toàn tuyệt đối kho tàng và doanh trại của đơn vị.

Cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với Công an và các sở, ban, ngành tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống ngay từ cơ sở, không để lan rộng, kéo dài, tạo thành điểm nóng. Tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra kết quả thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của các cơ quan, đơn vị, địa phương, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm, nâng cao chất lượng, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng THÁI ĐẠI NGỌC, Cục trưởng Cục Tác chiến

_____________

1 - Năm 2019, toàn quân đã tổ chức hàng trăm cuộc diễn tập tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; diễn tập tác chiến phòng thủ; diễn tập thực nghiệm; diễn tập đối kháng các cấp. Trong đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Quân khu 5, Quân khu 9, Quân đoàn 1 tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ có xử lý tình huống quốc phòng, an ninh; diễn tập chống biểu tình, bạo loạn, khủng bố; diễn tập tác chiến phòng thủ địa bàn sông nước; diễn tập tác chiến phản công; diễn tập ứng phó sự cố an toàn thông tin, phòng, chống tấn công mạng, v.v.

2 - Nổi bật là, năm 2019, Quân đội đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an bảo vệ an toàn tuyệt đối cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội; đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un thăm cấp nhà nước và Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump thăm Việt Nam, được dư luận quốc tế đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.