Thứ Năm, 24/04/2025, 11:38 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Luật Nghĩa vụ Quân sự (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 19-6-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2016. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các tổ chức và công dân quán triệt, thực hiện công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2016 đúng quy định, đạt hiệu quả cao.
Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ (gọi tắt là tuyển quân) hằng năm là nội dung quan trọng trong nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của các địa phương, đơn vị, nhằm tuyển chọn những công dân đủ phẩm chất chính trị, văn hóa, sức khỏe,... làm nhiệm vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân theo luật định và tạo nguồn cán bộ cơ sở sau khi xuất ngũ trở về địa phương.
Năm 2015, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, công tác tuyển quân đã nâng cao chất lượng, tuyển đủ 100% chỉ tiêu, không có bù đổi. Công tác tuyên truyền, giáo dục về thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với công dân tốt hơn; việc tổ chức sơ tuyển, khám tuyển chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, đúng quy định của pháp luật. Để bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các địa phương chú trọng tuyển chọn, gọi nhập ngũ công dân có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học vào Quân đội. Đại đa số các địa phương thực hiện tốt, nhiều địa phương đã tuyển chọn được số lượng lớn công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng vào phục vụ trong Quân đội; tiêu biểu là các thành phố: Hà Nội đạt gần 50%, Hồ Chí Minh: 39%, Hải Phòng: 20,2%, Đà Nẵng: 26%, Cần Thơ: 22,2%; các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đạt khoảng 9,9%, các tỉnh còn lại đạt gần 5%. Các địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ tuyển quân để phục vụ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9 đã tuyển đủ số lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quy định.
Với sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đơn vị, lễ giao nhận quân hằng năm được tổ chức trang trọng, an toàn và tiết kiệm, thực sự trở thành Ngày Hội tòng quân - nét đẹp văn hóa mang tính truyền thống có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội bằng nhiều hình thức, như: tổ chức tặng quà, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình nghèo, gia đình chính sách, tổ chức hội trại, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo khí thế sôi nổi; các tỉnh, thành phố tiêu biểu là: Thái Nguyên, Yên Bái, Ninh Bình, Nghệ An, Đồng Nai, Tiền Giang, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Để kịp thời rút kinh nghiệm, chỉ đạo thực hiện công tác tuyển quân ngày càng tốt hơn, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi kiểm tra và dự lễ giao nhận quân tại nhiều địa phương. Các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng đã chủ động phối hợp hướng dẫn, theo dõi và bảo đảm kịp thời, đầy đủ các mặt cho địa phương, đơn vị trong quá trình thực hiện tuyển quân và nhận quân về đơn vị. Các cơ quan thông tấn, báo chí của Quân đội, Trung ương và địa phương kịp thời tuyên truyền, góp phần động viên công dân hăng hái lên đường nhập ngũ.
Năm 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015, có nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, như: đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ, thời hạn phục vụ tại ngũ, v.v. Để nâng cao chất lượng tuyển quân, các địa phương, đơn vị cần tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật mới được ban hành. Trong đó, tập trung làm rõ những nội dung mới của Luật, đó là: tiêu chuẩn tuyển quân, độ tuổi gọi nhập ngũ, trình độ văn hóa, thời hạn phục vụ tại ngũ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, nhất là công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ, v.v. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mọi công đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng, nòng cốt là cơ quan quân sự cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt việc đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ ngay từ cơ sở; đồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng về Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015 đến với mọi người dân. Cùng với công tác giáo dục, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần tăng cường các hình thức: tọa đàm, nói chuyện truyền thống, trực tiếp gặp gỡ động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình của công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ, giải thích rõ các vấn đề liên quan. Tổ chức thực hiện tuyển quân đúng quy trình, quy định của pháp luật, dân chủ, công bằng, công khai để công dân được biết, tự giác thực hiện.
Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, năm 2016 được xác định là năm đột phá về chất lượng tuyển quân theo Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015. Vì vậy, các địa phương cần chú trọng nâng cao chất lượng “đầu vào”, ưu tiên tuyển chọn những công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm để nâng cao chất lượng và giảm đào tạo trong Quân đội. Đồng thời, chú trọng tạo nguồn cán bộ cơ sở, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số (dưới 10.000 người) và các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Hai là, phát huy tốt vai trò nòng cốt của hội đồng nghĩa vụ quân sự và cơ quan quân sự cấp huyện, cấp xã; trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác tuyển quân. Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần thấy rõ tầm quan trọng của công tác tuyển quân và vai trò của hội đồng nghĩa vụ quân sự để có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Cơ quan quân sự địa phương thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các khâu, các bước trong quá trình tuyển quân, nhất là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tuyển quân của địa phương và đơn vị. Quá trình thực hiện phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm đúng nguyên tắc, dân chủ, công khai, công bằng; quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng công dân trong độ tuổi nhập ngũ; thực hiện tốt việc sơ tuyển, khám tuyển, xét duyệt và phát lệnh gọi nhập ngũ, bảo đảm đúng quy trình, thời gian và chất lượng. Bên cạnh đó, phải thường xuyên sâu sát, nắm chắc cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh mặt yếu, khâu yếu, kiên quyết không để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong quá trình tuyển quân.
Trước mắt, các địa phương cần tập trung rà soát, kiện toàn hội đồng nghĩa vụ quân sự, hội đồng khám sức khỏe đúng, đủ thành phần, bảo đảm chất lượng để công tác tuyển quân năm 2016 được tiến hành đúng kế hoạch. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn kỹ các nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015 và quy trình, quy định về công tác tuyển quân, nắm chắc đối tượng được nhập ngũ, được tạm hoãn gọi nhập ngũ và được miễn gọi nhập ngũ theo quy định của Luật. Ban chỉ huy quân sự cấp xã thường xuyên chủ động nắm nguồn, quản lý nguồn chặt chẽ, nhất là những trường hợp đi làm ăn xa; thực hiện phương châm “tuyển người nào chắc người đó”, tổ chức tốt công tác sơ tuyển để giảm tỷ lệ gọi khám tuyển sức khỏe so với chỉ tiêu nhập ngũ (chỉ tiêu nhập ngũ 1, gọi khám không quá 4; tỷ lệ phát lệnh gọi nhập ngũ dự phòng không quá 5%). Ngoài ra, các địa phương cần tập trung chỉ đạo làm tốt việc đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự tại địa phương; thường xuyên tổ chức các đoàn công tác để phúc tra nắm nguồn sẵn sàng nhập ngũ tại các nhà trường, tổ chức, doanh nghiệp,… nơi công dân đang học tập, công tác.
Ba là, thực hiện tốt công tác hiệp đồng giữa địa phương giao quân và đơn vị nhận quân trong quá trình tuyển nhận, phục vụ tại ngũ của công dân. Các địa phương cần hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị nhận quân để hoàn chỉnh các thủ tục, bàn giao đầy đủ về số lượng, chất lượng công dân nhập ngũ cho đơn vị; trong đó, chú trọng đảm bảo chất lượng không để xảy ra trường hợp phải trả về địa phương; chấp hành nghiêm quy định “không bù đổi” của Bộ Quốc phòng. Các đơn vị nhận quân, tuy không phải thực hiện “3 gặp, 4 biết” như trước đây nhưng vẫn phải chủ động cử cán bộ về địa phương nắm chắc tình hình công dân nhập ngũ; giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh. Các đơn vị được giao nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới cần chủ động làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt; nhất là chuẩn bị cán bộ khung trực tiếp huấn luyện, quản lý chiến sĩ mới phải chú ý tuyển chọn đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đảm bảo thực sự là chỗ dựa tinh thần cho bộ đội để họ xác định trách nhiệm xây dựng đơn vị, xây dựng Quân đội; chăm lo đảm bảo tốt nhất nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập,… để chiến sĩ mới yên tâm, gắn bó với đơn vị ngay từ những ngày đầu; đồng thời, giải quyết tốt mối quan hệ giữa đơn vị, gia đình, địa phương trong suốt quá trình quân nhân tại ngũ. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần tăng cường phối hợp, bám sát địa phương, đơn vị để chủ động chỉ đạo chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh theo chức trách, thẩm quyền được giao.
Bốn là, bảo đảm tốt chế độ, chính sách trong công tác tuyển quân. Các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo và đảm bảo tốt các mặt cho địa phương, đơn vị trong công tác tuyển quân theo quy định của Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015. Các địa phương, đơn vị quan tâm thực hiện tốt hơn về chính sách hậu phương quân đội, tạo điều kiện cho quân nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ tại ngũ và nhanh chóng ổn định cuộc sống khi trở về địa phương. Các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài Quân đội chủ động phối hợp với địa phương, đơn vị tổ chức tốt việc hướng nghiệp cho quân nhân chuẩn bị xuất ngũ. Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện tốt Đề án “Đổi mới và phát triển dạy nghề trong Quân đội giai đoạn 2013 - 2020” và Đề án “Dạy nghề cho thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự và giới thiệu việc làm sau khi xuất ngũ giai đoạn 2013 - 2020”. Qua đó, tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu, khả năng, trình độ của từng quân nhân sau khi xuất ngũ, tạo điều kiện cho họ có việc làm, thu nhập ổn định, nhằm động viên, khích lệ công dân sẵn sàng nhập ngũ.
Kết quả công tác tuyển quân năm 2016 sẽ tác động lớn đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong năm và những năm tiếp theo. Vì vậy, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và kết quả đạt được để thực hiện tốt công tác quan trọng này, góp phần xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thiếu tướng TÔ VIẾT BÁO, Cục trưởng Cục Quân lực
Tuyển quân,Luật Nghĩa vụ
Tỉnh Lào Cai đẩy mạnh thi đua “dân vận khéo” 24/04/2025
Trường Sĩ quan Lục quân 1 nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 14/04/2025
Xây dựng ngành Xe máy - Vận tải Quân đội vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ 28/03/2025
Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên vững mạnh về chính trị 28/03/2025
Thanh niên Quân đội sẵn sàng xung kích, tiên phong bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc 24/03/2025
Binh chủng Công binh nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc 17/03/2025
Tỉnh Nam Định tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 17/03/2025
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội 24/02/2025
Binh đoàn 15 nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng 18/02/2025
Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới 13/02/2025
Xây dựng ngành Xe máy - Vận tải Quân đội vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ
Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên vững mạnh về chính trị
Trường Sĩ quan Lục quân 1 nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
Tỉnh Lào Cai đẩy mạnh thi đua “dân vận khéo”