QPTD -Thứ Năm, 04/10/2018, 10:22 (GMT+7)
Tổ chức, hoạt động của lực lượng vũ trang Quân khu 9 trong khu vực phòng phủ

Tổ chức, hoạt động của lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, sẽ tạo cơ sở, nền tảng để xây dựng lực lượng, thế trận vững chắc trong thế trận phòng thủ chung của khu vực và cả nước.

Quân khu 9 là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu cả về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại đối với khu vực phía Nam và cả nước. Đây cũng là một trong những trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch với nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Đặc biệt, những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Quân khu tuy vẫn giữ vững sự ổn định, song trên một số khu vực, nhất là ở tuyến biên giới, biển, đảo còn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, khó lường. Nhận thức rõ điều đó, trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng khu vực phòng thủ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, tạo cơ sở, nền tảng để tăng cường thế trận phòng thủ trên từng khu vực, địa bàn cũng như thế phòng thủ chung của toàn Quân khu. Qua đó, góp phần phòng, chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, hải đảo, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cơ sở đối với nhiệm vụ này còn hạn chế, nhất là tư tưởng chỉ coi trọng phát triển kinh tế, ít chú ý đến tăng cường quốc phòng, an ninh. Việc xây dựng các tiềm lực còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ; công tác xây dựng lực lượng vũ trang có mặt còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Việc đầu tư xây dựng các công trình, thế trận của khu vực phòng thủ ở một số địa phương còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, v.v.

Hiện nay và thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho toàn quân nói chung, lực lượng vũ trang Quân khu nói riêng những yêu cầu mới, rất cao. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, thâm độc, hòng gây mất ổn định chính trị để dễ bề can thiệp. Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các địa phương trên địa bàn Quân khu diễn ra với nhịp độ nhanh, vừa tạo ra những thuận lợi cơ bản, vừa phát sinh nhiều vấn đề phức tạp mới về an ninh nông thôn, ô nhiễm môi trường, vấn đề tội phạm,… nếu không được ngăn chặn, giải quyết kịp thời sẽ gia tăng, diễn biến khó lường. Tình hình đó đòi hỏi lực lượng vũ trang Quân khu và các địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc địa bàn, địa phương và Tổ quốc trong tình hình mới; trong đó, việc tổ chức, hoạt động của lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ cần được triển khai thực hiện nghiêm túc, với nhiều giải pháp đồng bộ.

Trước hết, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, thực sự làm nòng cốt để tăng cường tiềm lực quân sự, an ninh cho khu vực phòng thủ. Để làm được điều đó, Quân khu chú trọng xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức cho bộ đội về nhiệm vụ của Quân đội, Quân khu và đơn vị. Từ đó, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao quyết tâm, trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đi liền với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị, Quân khu đẩy mạnh rà soát, kiện toàn một bước về tổ chức lực lượng thường trực theo hướng “tinh, gọn, mạnh, linh hoạt”, ưu tiên bảo đảm quân số, vũ khí, trang bị cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; điều chỉnh thế bố trí, thành lập một số đơn vị, lực lượng mới theo chỉ thị của Bộ Quốc phòng, nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu trên hướng, địa bàn trọng điểm. Đồng thời, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập sát đối tượng, phương án, yêu cầu nhiệm vụ, vũ khí, trang bị biên chế và địa bàn hoạt động, nhất là trên địa bàn sông nước. Quá trình thực hiện, Quân khu yêu cầu các đơn vị phải vừa kế thừa kinh nghiệm truyền thống đánh giặc giữ nước của cha anh, vừa tích cực ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ, sử dụng vũ khí trang bị mới trong huấn luyện, nhằm nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cả trong tác chiến độc lập, tác chiến hiệp đồng trong điều kiện chiến tranh hiện đại.

Cùng với xây dựng lực lượng thường trực, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên có số lượng, thành phần, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, nhất là độ tin cậy về chính trị. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Dân quân tự vệ; chú trọng huấn luyện dân quân cơ động, binh chủng, dân quân biển. Phấn đấu từ nay đến năm 2020, lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn đạt 1,4% dân số; lực lượng dự bị động viên sắp xếp vào các đơn vị đạt 99,2%; 100% cấp phường, xã, thị trấn có chi bộ quân sự, trong đó có 96% có cấp ủy.

Bên cạnh đó, Quân khu đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng: Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển,… chủ động nắm chắc tình hình, dự báo, tham mưu đúng, kịp thời cho Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chỉ đạo cho lực lượng vũ trang đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, xâm phạm chủ quyền của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là khu vực biên giới, biển, đảo, các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh.

Hai là, phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, cốt lõi là xây dựng “thế trận lòng dân” trong khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Theo đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự, Hội đồng Giáo dục quốc phòng các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân; tập trung vào đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp, ngành, lực lượng và địa phương. Đồng thời, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục quốc phòng và an ninh cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên trên địa bàn. Để góp phần xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, Quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phối hợp với các cấp, ngành tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn trong sạch, vững mạnh; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trong tình hình hiện nay, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, việc xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc đã và đang là nội dung quan trọng, quyết định đến xây dựng, củng cố tiềm lực chính trị - tinh thần của khu vực phòng thủ. Thấu suốt điều đó, Quân khu chỉ đạo các đơn vị, căn cứ vào tình hình cụ thể, tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào “Lực lượng vũ trang Quân khu chung sức xây dựng nông thôn mới”; phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ, v.v. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo công tác hậu phương quân đội1, chính sách dân tộc, tôn giáo. Đây là công tác hết sức quan trọng, nhằm không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội và chế độ xã hội chủ nghĩa mà Quân khu phải tiếp tục phấn đấu thực hiện trong thời gian tới.

Ba là, chú trọng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế gắn liền với tăng cường quốc phòng và an ninh, xây dựng thế trận quân sự trong khu phòng thủ. Trong những năm qua, trên địa bàn Quân khu, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ đô thị hoá và phát triển cơ sở hạ tầng diễn ra nhanh, kéo theo đó là sự ra đời của nhiều khu công nghiệp, khu dân cư mới,… tác động trực tiếp đến nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ với cả hai chiều thuận, nghịch. Vì thế, thời gian tới, để gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng và an ninh, Quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, nhất là việc quản lý, thẩm định các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ. Đặc biệt chú ý đến những dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài, địa bàn trọng điểm, vị trí có giá trị quốc phòng, an ninh cao, như: biên giới, ven biển, các đảo; đẩy mạnh việc quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch thế trận quân sự đến năm 2020. Trong đó, chú trọng xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, cụm dân cư trên tuyến biên giới, tuyến đê ngăn mặn, trồng rừng ở những khu vực xung yếu; phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, cơ sở hạ tầng, như: mạng lưới giao thông, sân bay, bến cảng, bưu chính, viễn thông, y tế,... gắn với xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, công trình phòng thủ. Hiện nay, Quân khu đã chỉ đạo các tỉnh thực hiện tốt Quy hoạch xây dựng cụm điểm tựa trên tuyến biên giới2, xây dựng các công trình phòng thủ ven biển và trên các đảo giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo. Trước mắt, ưu tiên xây dựng sở chỉ huy thời chiến các cấp, căn cứ chiến đấu, các chốt chiến dịch, công trình chiến đấu trong cụm, tuyến dân cư biên giới, công trình phòng thủ đảo, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài.

Bốn là, đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao sức mạnh, tiềm lực quốc phòng khu vực phòng thủ. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, trực tiếp là Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Quân khu đã tích cực, chủ động triển khai nhiều chủ trương, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này. Theo đó, Quân khu chủ động phối hợp với Bộ Tư lệnh Lục quân, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Quân khu 5,… của Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia, tiếp tục tăng cường hợp tác trong nắm, trao đổi thông tin; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Cam-pu-chia. Các đơn vị lực lượng vũ trang những tỉnh biên giới chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng, tăng cường giúp Bạn trên lĩnh vực: y tế, giáo dục, phát triển nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng, v.v. Thông qua đó, tuyên truyền cho Bạn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia, các hiệp định, quy chế về biên giới, cửa khẩu; đẩy nhanh tốc độ phân định, cắm mốc trên biên giới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Thời gian tới, lực lượng vũ trang Quân khu tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trên địa bàn ngày càng vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên từng địa phương, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Trung tướng NGUYỄN HOÀNG THỦY, Tư lệnh Quân khu

______________

1 - Phụng dưỡng 476 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ thương binh nặng, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn hơn 1.800 triệu đồng; xây dựng 755 Nhà tình nghĩa; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách hơn 35.000 lượt người, v.v.

2 - Xây dựng, đưa vào hoạt động 31 chốt dân quân thường trực biên giới

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.