QPTD -Thứ Hai, 23/11/2020, 07:55 (GMT+7)
Tỉnh Yên Bái xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, tích cực triển khai xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Tỉnh Yên Bái nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh. Những năm gần đây, Tỉnh có bước phát triển khá toàn diện, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực Tây Bắc của Tổ quốc. Tuy nhiên, Yên Bái vẫn là tỉnh nghèo, kinh tế - xã hội phát triển chậm; đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Nhận thức rõ điều đó, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; trong đó, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là nội dung bao trùm, xuyên suốt.

Thủ trưởng Bộ CHQS Tỉnh thăm quan mô hình học cụ tại Lễ ra quân huấn luyện năm 2020

Trước hết, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gn với thế trận an ninh nhân dân. Trọng tâm là: Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X); Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ và các chiến lược quân sự, quốc phòng, an ninh, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, v.v. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa, xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án về công tác quốc phòng, quân sự, xây dựng khu vực phòng thủ,… phù hợp với đặc điểm của Tỉnh. Trong đó, xác định rõ phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác quân sự, quốc phòng; chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trách nhiệm của toàn dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, v.v. Vì vậy, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành toàn diện, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân; phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan Quân sự, Công an trong tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Đặc biệt, Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về quốc phòng, tạo nền tảng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Cùng với đó, Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong toàn Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân. Thời gian qua, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phát huy vai trò Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh, chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh tổ chức thực hiện tốt Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, đưa công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh của Tỉnh đi vào chiều sâu, với nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Đáng chú ý là, việc mở rộng đối tượng tham gia giáo dục, bồi dưỡng, nhất là đối với chức sắc, chức việc các tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ; lồng ghép, đưa nội dung giáo dục, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh vào hoạt động của các tổ chức, hướng mạnh về cơ sở đã đạt được kết quả tích cực1, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Nhằm tạo nguồn lực vật chất, tăng cường tiềm lực cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, Tỉnh có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Việc kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh được Tỉnh chủ động triển khai ngay từ trong chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các sở, ban, ngành và địa phương. Thường xuyên rà soát, xác lập các vùng phát triển công nghiệp phù hợp đặc thù từng vùng, địa phương và đánh giá hiệu quả các khu, cụm công nghiệp để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Chủ động triển khai hoạt động xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường và một số ngành công nghiệp vừa và nhỏ nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Tỉnh chủ trương đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển đô thị; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông, thông tin, viễn thông, thủy lợi, v.v. Trong quá trình triển khai, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phát huy vai trò nòng cốt thẩm định, giám sát chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án có yếu tố nước ngoài và khu vực trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Đến nay, các dự án đã được triển khai như: Khu công nghiệp phía Nam, Minh Quân, Âu Lạc; cụm công nghiệp Bảo Hưng, Yên Thế, Thịnh Long,…; nhà máy sản xuất tôn Hoa Sen, màng film, bao bì, chế biến Cacbonat Canxi và phụ gia nhựa công nghệ cao,…; các tuyến cầu và đường dẫn: Bách Lẫm, Tuần Quán, Cổ Phúc, đường nối Quốc lộ 32C với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường nối Quốc lộ 32C với tỉnh lộ 172, 173,… có tính lưỡng dụng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Cùng với đó, Tỉnh đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng làng, xã, cụm làng, xã chiến đấu trong khu vực phòng thủ; tích cực triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về giáo dục - đào tạo, y tế, lao động, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân,… củng cố lòng tin, sự đồng thuận của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở.

Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh là nội dung cốt lõi trong xây dựng tiềm lực, thế trận nền quốc phòng toàn dân. Thực hiện nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về vấn đề này, Tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; Quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ; Kế hoạch xây dựng căn cứ hậu phương và Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, v.v. Hiện nay, cơ quan quân sự các cấp tiếp tục rà soát, tham mưu cho Tỉnh điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2035, phù hợp với quy hoạch phát triển khu vực hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thời gian qua, Tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ cấp huyện, Quy hoạch các công trình phục vụ quốc phòng,... phù hợp với thực tế địa phương. Trên cơ sở các đề án, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh và các địa phương huy động các nguồn lực, từng bước đầu tư xây dựng theo lộ trình đã xác định. Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Yên Bái đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ, ưu tiên xây dựng các công trình thiết yếu trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, khu cực phòng thủ then chốt,... và đạt được kết quả tích cực. Bên cạnh đó, Tỉnh chú trọng cải tạo, củng cố các công trình quân sự có sẵn, địa hình có giá trị chiến thuật, thực hiện quản lý chặt chẽ từ cơ sở.

Quán triệt và thực hiện chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 về tổ chức lực lượng, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh luôn chủ động nắm chắc tình hình, tích cực tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, có cơ cấu hợp lý, chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và làm nòng cốt trong phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ, cứu nạn ở địa phương, cơ sở. Hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Quân khu xây dựng quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, đề bạt, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ các cấp; rà soát, kiện toàn tổ chức biên chế các cơ quan, đơn vị và địa phương theo quy định, ưu tiên cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đơn vị làm nhiệm vụ A2, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện “3 đột phá”2; quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ. Đến nay, bộ đội thường trực của Tỉnh đạt 95,6% biên chế; lực lượng dự bị động viên được xắp sếp vào các đầu mối đơn vị đạt 91,5% theo biên chế, trong đó tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 75,4%; lực lượng dân quân tự vệ đạt 2,0% so với số dân, trong đó đảng viên chiếm 24,1%.

Cùng với xây dựng lực lượng, Tỉnh chú trọng xây dựng, điều chỉnh bổ sung hoàn chỉnh hệ thống văn kiện tác chiến; kế hoạch phối hợp, hiệp đồng giữa cơ quan Quân sự với Công an theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ; các kế hoạch: động viên quốc phòng; phòng không nhân dân; phòng, chống lụt, bão, cháy rừng, tìm kiếm, cứu nạn,... và tổ chức huấn luyện, diễn tập chặt chẽ, đúng quy định. Giai đoạn 2010 - 2020, Tỉnh đã hoàn thành 100% các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện và diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã. Qua đó, nâng cao một bước chất lượng tổng hợp của lực lượng địa phương và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trong xử lý tình huống quốc phòng, an ninh.

Kết quả và kinh nghiệm đạt được là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn ngày càng vững mạnh, đi vào chiều sâu, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX, sớm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá TRẦN CÔNG ỨNG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
____________

1 - Trong 10 năm (2010 - 2020), Tỉnh đã có 54.997 lượt cán bộ được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo phân cấp, đạt 98,3% kế hoạch; 1.551 chức sắc, chức việc các tôn giáo và 749 già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh.

2 - “3 đột phá”: chuyển biến vững chắc về kỷ luật; nâng cao chất lượng huấn luyện; quản lý chặt chẽ vũ khí, trang bị kỹ thuật.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.