QPTD -Thứ Sáu, 12/08/2022, 07:36 (GMT+7)
Tỉnh Ninh Thuận kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn và cả nước là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là nội dung quan trọng, được tỉnh Ninh Thuận chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo bằng các giải pháp mang tính chủ động, sáng tạo, sát thực tiễn, thúc đẩy Tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Nằm trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Ninh Thuận là địa bàn ven biển; đầu mối giao nhau giữa Quốc lộ 1A và Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên; có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua, sân bay quân sự Thành Sơn và là một trong những địa phương giữ vai trò trung tâm về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước,… nên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã quán triệt sâu sắc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh vào thực tiễn địa bàn; trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 31/8/2018 của Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023; chủ động, quyết liệt trong tổ chức thực hiện, biến khó khăn, thách thức thành tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tiềm lực cho quốc phòng, an ninh. Đáng chú ý, cùng với phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, Tỉnh ưu tiên đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là cảng biển, hệ thống đường bộ, thủy lợi; thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư vào các dự án, khu - cụm công nghiệp và các chương trình, dự án,... đưa Tỉnh phát triển thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước; đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; hình thành nhiều khu đô thị, các vùng kinh tế động lực tạo không gian, diện mạo mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, v.v. Nhờ đó, ba năm gần đây, mặc dù bị tác động lớn từ đại dịch Covid-19, nhưng Ninh Thuận vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GRDP thuộc nhóm đứng đầu cả nước (thứ tư trong 63 tỉnh, thành phố); đến cuối năm 2021, GRDP bình quân đầu người và thu ngân sách nhà nước của Tỉnh lần lượt tăng gấp 50 lần và 130 lần so với năm 1992; tiềm lực, thế trận quốc phòng, quân sự không ngừng được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; nâng tầm vị thế của Tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước nhanh, bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ quốc phòng quân sự năm 2021

Hiện tại và những năm tới, mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng Ninh Thuận vẫn phải đối diện với khó khăn, thách thức từ dịch bệnh; biến đổi khí hậu; nguồn lực đầu tư công, chính sách phát triển năng lượng tái tạo còn những hạn chế nhất định; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp yêu cầu, v.v. Thực tiễn đó đòi hỏi Tỉnh phải đẩy mạnh thực hiện mục tiêu: “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”1, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và toàn dân trong cụ thể hóa phương châm hành động “Đoàn kết - Sáng tạo - Kỷ cương - Phát triển - Tăng tốc - Hiệu quả” vào thực tiễn, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu mức tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,84%/năm, đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người tăng gấp ba lần so với năm 2021. Đồng thời, thường xuyên củng cố, tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.

Hiện thực hóa mục tiêu trên, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” và Quyết định số 165/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; gắn đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo cơ sở phát triển các tiềm lực cho quốc phòng, an ninh. Nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương, “biến không thể thành có thể”, Tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển các lĩnh vực có lợi thế, như: năng lượng tái tạo, công nghiệp ven biển, du lịch nghỉ dưỡng cấp cao, khu đô thị mới, nông nghiệp công nghệ cao, v.v. Trước mắt, Tỉnh đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện (Mỹ Sơn, Tân Mỹ,…), tạo cơ sở hoàn thành và triển khai hiệu quả Đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước. Về lâu dài, Tỉnh chủ trương xây dựng một số địa bàn thành vùng kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển chung trong toàn Tỉnh. Để làm được điều đó, Tỉnh tích cực huy động mọi nguồn lực phát triển các đô thị; trong đó, xây dựng Phan Rang - Tháp Chàm thành thành phố thông minh, triển khai xây dựng các đô thị mới: Phù Hà, Đầm Cà Ná, Mỹ Phướng, Sông Dinh,… đẩy nhanh dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná (giai đoạn 1); lấp đầy các khu, cụm công nghiệp Cà Ná, Du Long, Phước Nam, Quảng Sơn. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án du lịch trọng điểm, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú,... phục vụ phát triển du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tiếp tục đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế “xanh, bền vững”.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, Tỉnh đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu; trọng tâm vào chuyển đổi số nông nghiệp thông minh; tiếp tục đầu tư hoàn thiện vùng nông nghiệp công nghệ cao: tôm giống và rau an toàn An Hải, Thành Sơn - Phước Sơn; bảo tồn tài nguyên rừng và biển, nhất là khu dự trữ sinh quyển thế giới Vườn Quốc gia Núi Chúa, v.v. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đẩy mạnh phát triển hệ thống thủy lợi, giao thông kết nối tạo cơ sở hạ tầng, điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển.

Quá trình triển khai, Tỉnh chủ trương phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, lấy phát triển con người làm trung tâm; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội lấy phát triển kinh tế đơn thuần. Theo đó, Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo; rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục giữa các vùng trong Tỉnh; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo; đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học; huy động các nguồn lực, đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác này; phấn đấu đến hết năm 2022 có trên 55% trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Chú trọng đào tạo nghề theo hướng ứng dụng, thực hành, gắn đào tạo với doanh nghiệp và giải quyết việc làm; triển khai đào tạo, đào tạo lại lao động nông thôn, người thuộc hộ nghèo, lao động thất nghiệp. Đồng thời, chú trọng thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe nhân dân; chính sách an sinh xã hội, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện, có nét đặc sắc riêng, nhất là văn hóa của đồng bào Raglai, Chăm tạo nền tảng cho Tỉnh phát triển toàn diện, nhanh, xanh và bền vững.

Cùng với đó, Tỉnh đặc biệt chú trọng kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh từ trong quy hoạch, kế hoạch đến quá trình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn và toàn Tỉnh. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện Kết luận số 57-KL/TW, ngày 16/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, quốc phòng, an ninh với kinh tế, Tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát và đề nghị thẩm định, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, đô thị, vùng nông thôn phù hợp với quy hoạch xây dựng thế trận quân sự của khu vực phòng thủ, bảo đảm các lĩnh vực, hoạt động kinh tế đều tính toán, kết hợp hài hòa với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là trong phân vùng, quy hoạch khu công nghiệp, đô thị mới, v.v. Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, Tỉnh tiếp tục chỉ đạo cơ quan Quân sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành địa phương huy động, bố trí ngân sách phù hợp xây dựng các hạng mục công trình quân sự, chú trọng các công trình trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần các cấp, bảo đảm ngày càng vững chắc. Tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng; lập quy hoạch, sử dụng đất quốc phòng một cách tổng thể và từng giai đoạn, tích hợp vào từng quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, bảo đảm bố trí quốc phòng phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Để không ngừng tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, sắp sếp các đơn vị thường trực tinh, gọn, mạnh theo quy định; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ2, dự bị động viên có quy mô, số lượng hợp lý, phù hợp với từng địa phương, coi trọng chất lượng và độ tin cậy cao. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ Tỉnh, huyện, diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã chặt chẽ, chất lượng, bảo đảm các vị trí, thành phần thuần thục, thông suốt trong vận hành cơ chế khi có tình huống về quốc phòng, an ninh. Trong tình hình hiện nay, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Tỉnh coi trọng chỉ đạo việc phát huy vai trò của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan Quân sự, Biên phòng, Công an của Tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng của Hải quân, Cảnh sát biển đứng chân trên địa bàn trong nắm và trao đổi tình hình, hiệp đồng chiến đấu, bảo vệ vững chắc địa bàn, cũng như xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc về an ninh, kiên quyết đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Tỉnh. Bằng quyết tâm cao, nỗ lực, đoàn kết của quân, dân và cả hệ thống chính trị; bằng kinh nghiệm, bản lĩnh, thành quả trong 30 năm qua tạo thêm động lực, khí thế, tầm nhìn chiến lược mới; Ninh Thuận phấn đấu sớm thực hiện được các mục tiêu đề ra, góp phần biến khát vọng xây dựng địa phương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc thành hiện thực.

TRẦN QUỐC NAM, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh
___________________    

1 - Thủ tướng Chính phủ phát biểu ngày 17/4/2022 khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

2 - Hiện Tỉnh có trên 8.300 dân quân tự vệ với tỷ lệ đảng viên đạt trên 24%; 33 tiểu đội dân quân thường trực tại 33 xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh; 61/65 xã, phường có nhà làm việc riêng cho ban chỉ huy quân sự.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.