QPTD -Thứ Hai, 08/01/2024, 06:46 (GMT+7)
Tỉnh Lâm Đồng tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là chủ trương chiến lược, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Đối với tỉnh Lâm Đồng - một trong những tỉnh thuộc địa bàn chiến lược Tây Nguyên, thực hiện tốt nội dung này càng có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn vững mạnh được Tỉnh hết sức coi trọng, triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Lâm Đồng là tỉnh miền núi, nằm ở cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, với nhiều cảnh đẹp và khu du lịch nổi tiếng, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống; nơi tập trung các cơ quan khoa học, kỹ thuật, công trình lớn1 nên có vị trí quan trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch và quốc phòng, an ninh. Do đó, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, sẵn sàng đối phó với các tình huống phức tạp về quốc phòng, an ninh, nhất là trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên là thường xuyên, trọng yếu.

Những năm qua, với phương châm “Phát huy cao độ tinh thần đổi mới, kỷ cương, trách nhiệm, nêu gương, dám nghĩ, dám làm, biến thách thức thành cơ hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI”, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Lâm Đồng đã nỗ lực, quyết tâm, chủ động khắc phục khó khăn, đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đạt được kết quả khá toàn diện. Nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từng bước được nâng lên; tiềm lực quốc phòng không ngừng được củng cố; lực lượng vũ trang được xây dựng vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao; thế trận khu vực phòng thủ được xây dựng ngày càng vững chắc2, v.v.

Khẩu đội Pháo phòng không 37mm huấn luyện sẵn sàng chiến đấu

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn chưa sâu, kỹ; nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự chưa cao; khả năng huy động và bố trí nguồn lực xây dựng các công trình quân sự trong khu vực phòng thủ gặp nhiều khó khăn; việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh ở một số cấp, ngành có lúc chưa thực hiện chặt chẽ, v.v.

Thời gian tới, dự báo tình hình khu vực Tây Nguyên cũng như địa bàn Lâm Đồng cơ bản ổn định, nhưng ở một số địa phương vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định; các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá, chia rẽ mối đoàn kết giữa các dân tộc,… ảnh hưởng đến nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình đó, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Tỉnh cần nỗ lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tạo môi trường thuận lợi để Tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; tập trung vào một số giải pháp sau:

Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ chủ trì các cấp thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong tình hình mới.

Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải đảm bảo sâu rộng, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, dễ nhớ, dễ hiểu và phù hợp với từng đối tượng. Trong đó, tập trung vào các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu 7 và của Tỉnh về sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc3 trong tình hình mới; đồng thời, đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh; giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng của quê hương Lâm Đồng cho thế hệ trẻ, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về hình thức, bên cạnh giáo dục, quán triệt thông qua giao ban, hội họp, học tập nghị quyết, chỉ thị,… Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh với tổ chức tham quan, nghiên cứu, học tập trực tiếp tại các di tích lịch sử cách mạng, đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn.

Hai làtập trung phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh. Với vị trí địa lý thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch, Tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung biến những lợi thế thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia, quốc tế. Tiếp tục quảng bá và phát triển thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với các sản phẩm rau, quả, hoa, cà phê…; tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao thông qua các chương trình, sự kiện, như: Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng, Festival Hoa Đà Lạt; xúc tiến mở lại một số chuyến bay charter (đột xuất) từ sân bay Liên Khương tới Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia. Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước, tạo thuận lợi để huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có giá trị cao, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các khu công nghiệp Lộc Sơn, Phú Hội đẩy mạnh hoạt động và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tiếp tục kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia các dự án tại Khu công nghiệp Phú Bình, Khu du lịch Đankia - Suối Vàng, Khu đô thị Nam sông Đa Nhim, v.v.

Trên nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh tập trung xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh vững chắc; trong đó, ưu tiên nguồn lực cho các công trình phòng thủ, nhất là các công trình giao thông, y tế và thông tin viễn thông,... bảo đảm tính lưỡng dụng, tạo sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và ngược lại, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Lực lượng tham gia diễn tập Phòng chống bạo loạn năm 2022

Ba là, tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đây là giải pháp quan trọng, là linh hồn và chất keo kết dính để huy động và nhân lên sức mạnh của các tiềm lực khác. Vì vậy, Tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị nội bộ, tích cực đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các hành động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước, Quân đội với Nhân dân. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ và phục vụ nhân dân; chăm lo và phát huy vai trò đội ngũ chức sắc, chức việc, cốt cán các tôn giáo, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời, làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân ngay tại cơ sở, không để tạo thành điểm nóng.

Bốn là, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Cơ quan quân sự các cấp đẩy mạnh kiện toàn lực lượng thường trực theo đúng biểu tổ chức, biên chế mới và tổ chức huấn luyện, diễn tập nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, có trình độ quân sự, chuyên môn giỏi; lực lượng dự bị động viên hùng hậu, đủ số lượng, chất lượng cao; chú trọng xây dựng và thành lập mới các đơn vị tự vệ trong các doanh nghiệp, nhất là trong khu công nghiệp Lộc Sơn, Phú Hội. Làm tốt công tác phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ; chú trọng kiện toàn chi bộ quân sự cấp xã, phấn đấu trong nhiệm kỳ 100% chi bộ có chi ủy. Đồng thời, tăng cường phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, nhất là phối hợp giữa lực lượng Quân sự và Công an trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Năm là, xây dựng Tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc. Trên cơ sở thế trận phòng thủ của Quân khu 7 và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, Tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xây dựng khu vực phòng thủ; trong đó, tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban chỉ đạo: phòng thủ dân sự, xây dựng khu vực phòng thủ các cấp; phát huy vai trò thường trực của cơ quan quân sự. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu quân sự, lập hợp phần quy hoạch tổng thể bố trí đất quốc phòng gắn với phát triển kinh tế và tích hợp vào quy hoạch của Tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh vị trí, xây dựng, nâng cấp một số sở chỉ huy, căn cứ hậu phương, hậu cần, kỹ thuật, hệ thống công sự, trận địa; quản lý chặt chẽ các công trình phòng thủ; cải tạo, sửa chữa các hang động tự nhiên làm nơi cất giữ vật chất hậu cần, kỹ thuật, v.v.

Đồng thời, kết hợp, phát huy sức mạnh của Nhà nước và nhân dân trong xây dựng các công trình khu vực phòng thủ. Thường xuyên điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án tác chiến, phương án động viên lực lượng, phương tiện của nền kinh tế phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và sẵn sàng huy động, mở rộng khi cần thiết, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tạo tiền đề hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Lâm Đồng trở thành địa phương giàu mạnh, đa bản sắc, dẫn đầu khu vực Tây Nguyên.

Đại tá NGUYỄN BÌNH SƠN, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
_____________________
         

1 - Cảng hàng không Liên Khương, Tổ hợp Bauxite Nhôm - Tân Rai, Học viện Lục quân, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, v.v.

2 - Năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của Tỉnh đạt 5,63%; tổng thu ngân sách đạt 13.213 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu gần 930 triệu USD, GRDP bình quân đầu người đạt 85,2 triệu đồng/người/năm; tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cho 03 huyện; công tác tuyển quân đạt 100% kế hoạch; có 140/142 chi bộ quân sự cấp xã có chi ủy; mở 35 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; giáo dục quốc phòng và an ninh cho 59 trường học, v.v.

3 - Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021 - 2025, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.