QPTD -Thứ Hai, 29/07/2024, 08:51 (GMT+7)
Tỉnh Hòa Bình tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Là địa bàn chiến lược của Quân khu 3, tỉnh Hòa Bình đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ này, góp phần tăng cường sức mạnh quốc phòng, giữ vững ổn định địa bàn, tạo môi trường thuận lợi để Tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình là tỉnh miền núi, nằm ở giáp ranh giữa ba khu vực: Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng; có nhiều tuyến giao thông thủy, bộ thuận lợi, trở thành cửa ngõ, cầu nối quan trọng kết nối với nhiều vùng, khu vực của đất nước. Đây cũng là vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phong phú, đa dạng, giàu tiềm năng phát triển du lịch, nơi xây dựng “công trình thế kỷ” - Nhà máy thủy điện Hòa Bình; địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em (riêng đồng bào Mường chiếm khoảng 63% dân số toàn Tỉnh), v.v. Đặc biệt, đây là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn với độ che phủ rừng cao, có nhiều hang động tự nhiên và nhiều công trình kinh tế, quốc phòng quan trọng của quốc gia, nên có vị trí chiến lược cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và nguồn lực phong phú, đa dạng, Hòa Bình hội tụ đủ các điều kiện để phát triển “xanh, bền vững, toàn diện”.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 3 kiểm tra lực lượng quân y xử lý tình huống trong diễn tập khu vực phòng thủ Tỉnh năm 2023.

Phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh luôn coi trọng nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, nhất là xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh và đạt kết quả khá toàn diện. Rõ nét nhất là nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từng bước được nâng lên; đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện, “thế trận lòng dân” được xây dựng vững chắc và phát huy mạnh mẽ. Lực lượng vũ trang Tỉnh được xây dựng theo hướng tinh, gọn, mạnh, có chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao; tiềm lực quốc phòng và thế trận khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, v.v.

Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu, địa hình và do lịch sử để lại, Hòa Bình vẫn là tỉnh nghèo, đời sống nhân dân ở một số xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình hình an ninh nông thôn, vấn đề dân tộc, tôn giáo vẫn tồn tại những nhân tố có thể gây mất ổn định; hoạt động vận chuyển, buôn bán ma túy, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, v.v. Thực tiễn đó đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Tỉnh cần tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tạo môi trường thuận lợi để Hòa Bình phát triển ngày càng văn minh, giàu đẹp; trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ giải pháp sau:

Trước hết, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, nhằm thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận cao từ cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và toàn dân đối với nhiệm vụ quan trọng này. Để đạt hiệu quả thiết thực, nội dung tuyên truyền, giáo dục phải đảm bảo sâu rộng, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, tập trung vào các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc1 trong tình hình mới. Cùng với đó, đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh, truyền thống cách mạng của quê hương Hòa Bình cho thế hệ trẻ, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Là địa bàn có nhiều đơn vị Quân đội đứng chân, nên trong quá trình thực hiện, bên cạnh đa dạng các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là chuyên mục, chuyên trang quốc phòng, an ninh của các địa phương, cần kết hợp chặt chẽ với các đơn vị để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn Tỉnh. Đồng thời, thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống của các dân tộc, sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư để lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục đến từng đối tượng, từng người dân, v.v.

Hai là, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh. Là địa phương có diện tích rộng nhưng mật độ dân cư thấp, dân tộc thiểu số chiếm 3/4 dân số, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, Tỉnh cần tăng cường huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh. Để thực hiện có hiệu quả, Tỉnh tập trung thực hiện tốt các kế hoạch, quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, lấy phát triển công nghiệp làm đột phá, du lịch làm mũi nhọn, nông lâm nghiệp làm nền tảng, nhằm khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu phát triển. Nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh đẩy mạnh thực hiện mô hình tập trung đa cực, 02 hành lang kinh tế2 và 03 vùng phát triển3; trong đó, thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn đóng vai trò trung tâm, khu vực động lực phát triển phía Đông và là cầu nối với Hà Nội, vùng trung du và miền núi phía Bắc, v.v. Chú trọng nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch phát triển giữa các địa phương, phấn đấu hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Quan tâm bảo vệ môi trường, phát triển rừng và đa dạng sinh học, nhất là rừng đầu nguồn thủy điện sông Đà, bảo đảm phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược (giao thông, điện, viễn thông, đô thị, y tế, giáo dục,...), phù hợp với quy hoạch chung của Tỉnh, gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, mang tính lưỡng dụng cao, gắn kết với thế trận khu vực phòng thủ, tạo sự kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế. Tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhân rộng mô hình “Làng, bản văn hóa, quốc phòng, an ninh”4 ở địa bàn đặc biệt khó khăn,…vừa góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, vừa giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.

Ba là, xây dựng lực lượng vũ trang Tỉnh vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Theo đó, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Tập trung xây dựng cơ quan quân sự các cấp vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” gắn với xây dựng Đảng bộ Quân sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; tổ chức huấn luyện, diễn tập chặt chẽ, duy trì nghiêm kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, sẵn sàng chiến đấu cao, v.v. Xây dựng lực lượng dự bị động viên “hùng hậu, rộng khắp”, đủ số lượng, chất lượng chính trị cao, đúng cơ cấu thành phần, trình độ quân sự, chuyên môn giỏi; lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, chất lượng cao, thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ rừng, v.v. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp với lực lượng Công an theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ và phối hợp với các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, xử lý triệt để mọi tình huống ngay từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ.

Bốn là, thường xuyên chăm lo xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Trên cơ sở thế trận phòng thủ chung của Quân khu 3, các công trình quan trọng của quốc gia và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh chủ động thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp xây dựng khu vực phòng thủ. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ; chú trọng nghiên cứu, bố trí các công trình quân sự trọng điểm, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, phương án tác chiến, đặc điểm địa bàn và thế bố trí lực lượng vũ trang của Tỉnh, Quân khu và các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn. Để thực hiện tốt điều đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành tham mưu cho Tỉnh điều chỉnh các dự án trong quy hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo nền tảng vững chắc về tiềm lực và thế trận quân sự, quốc phòng. Là địa bàn có nhiều đơn vị Quân đội đóng quân, nhiều công trình kinh tế, quân sự quan trọng của quốc gia; vì vậy, quá trình xây dựng khu vực phòng thủ, Tỉnh chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh chồng chéo, chồng lấn, gây lãng phí, bảo đảm thế trận liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, hỗ trợ hiệu quả cho nhau khi có tình huống xảy ra. Tận dụng lợi thế địa hình rừng núi, Tỉnh kết hợp chặt chẽ giữa xây mới với cải tạo, nâng cấp các hang động tự nhiên thành công trình quân sự, quốc phòng trọng yếu; trong đó, tập trung xây dựng, cải tạo một số căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, hệ thống đường cơ động, đường hầm; căn cứ hậu cần - kỹ thuật, v.v. Do ngân sách đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng, quân sự còn hạn hẹp, Tỉnh huy động các nguồn lực sẵn có, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm, tập trung xây dựng những công trình thiết yếu, quan trọng trước và từng bước triển khai những công trình còn lại theo lộ trình, kế hoạch đã xác định.

Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Tỉnh cùng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tin tưởng rằng nền quốc phòng toàn dân của Hòa Bình sẽ ngày càng được xây dựng vững mạnh, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc địa bàn chiến lược của Tổ quốc.

Đại tá ĐINH ĐÌNH TRƯỜNG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
__________________
       

1 - Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, v.v.

2 - Hành lang kinh tế Đông - Tây (định hướng phát triển dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf, công nghiệp,… ), hành lang kinh tế phía Đông (định hướng phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, ngôi nhà thứ hai và nông nghiệp sạch).

3 - Vùng ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao; vùng không gian tăng trưởng công nghiệp mới; vùng phát triển công nghiệp mang tính địa phương.

4 - Hiện nay, toàn Tỉnh có 38 “làng, bản văn hóa, quốc phòng, an ninh”.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.