QPTD -Thứ Năm, 20/07/2023, 08:33 (GMT+7)
Tỉnh Hà Tĩnh thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ, hậu phương Quân đội

Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công,... và hậu phương Quân đội là những hoạt động mang nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tĩnh quan tâm, chung sức thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả thiết thực, thể hiện tình cảm trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc.

Hà Tĩnh là vùng đất có truyền thống cách mạng; là một trong những địa phương có đóng góp lớn cùng cả nước làm nên thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hà Tĩnh vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương trực tiếp, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và là vùng trọng điểm phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Tĩnh đã phát huy sức mạnh tổng hợp, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, khai thông những tuyến đường huyết mạch, vận chuyển người, vũ khí kịp thời cho tiền tuyến chiến đấu giành thắng lợi. Phát huy truyền thống “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”,... Hà Tĩnh đã góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của dân tộc. Bên cạnh những đóng góp to lớn đó, Hà Tĩnh cũng chịu nhiều hy sinh, mất mát cũng như những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Với sự cống hiến, hy sinh của toàn thể Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trong Tỉnh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, Hà Tĩnh là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước ghi nhận, tri ân và dành sự quan tâm đặc biệt1.

Thấm nhuần sâu sắc truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, lãnh đạo, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh  luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về thương binh, liệt sĩ, người có công, chính sách hậu phương Quân đội. Trên cơ sở đó, Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện công tác chính sách và hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” sát với thực tiễn địa phương, thu được kết quả đáng khích lệ. Nổi bật là, tiến hành rà soát, thẩm định hồ sơ, giải quyết chính xác, kịp thời chế độ đối với người có công, người tham gia kháng chiến và các trường hợp tồn đọng về chính sách sau chiến tranh; kiểm tra, xác minh, kết luận rõ hồ sơ thương binh, liệt sĩ, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, đúng đối tượng, khắc phục có hiệu quả những vướng mắc, phát sinh trong tổ chức thực hiện. Tỉnh tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”; hỗ trợ gia đình quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình gặp thiên tai, dịch bệnh, người mắc bệnh hiểm nghèo; tu sửa, nâng cấp nghĩa trang, chăm sóc mộ liệt sĩ; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng. Từ năm 2016 đến nay, các địa phương trong Tỉnh hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 49 “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 2.000 lượt đối tượng; thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công, tặng sổ tiết kiệm cho thân nhân của liệt sĩ,… với tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng; chi trả gần 211 tỉ đồng cho gần 92.000 người tham gia kháng chiến và dân công hỏa tuyến; 100% thân nhân của quân nhân được cấp thẻ bảo hiểm y tế và thụ hưởng đầy đủ chế độ khám, chữa bệnh, v.v. Hằng năm, Tỉnh tặng hàng nghìn suất quà vào dịp lễ, Tết và tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, như: gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà cựu chiến binh, thương binh, thân nhân liệt sĩ, đối tượng chính sách; dâng hương nghĩa trang liệt sĩ. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, toàn Tỉnh đã huy động hỗ trợ xây dựng mới 4.096 nhà ở cho người có công, hộ khó khăn với tổng kinh phí hơn 392 tỉ đồng. Tri ân các liệt sĩ hy sinh năm 2020 tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Tỉnh kịp thời tặng 06 sổ tiết kiệm trị giá 600 triệu đồng cho các gia đình; hỗ trợ xây dựng 06 nhà tình nghĩa và tuyển dụng thân nhân vào công tác trong Quân đội, v.v. Thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2013 - 2020, Tỉnh đã tiếp nhận, xác minh hàng nghìn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; hoàn chỉnh danh sách 2.241 liệt sĩ, lập bản đồ mộ liệt sĩ tại các địa phương; tổ chức khảo sát, tìm kiếm, quy tập được 185 hài cốt liệt sĩ trong và ngoài nước. Những kết quả đó là nguồn động viên to lớn về vật chất, tinh thần đối với các đối tượng chính sách, người có công, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương.

Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân Tỉnh, thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh

Thời gian tới, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh tiếp tục khó khăn do bị ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; việc huy động bố trí nguồn lực cho thực hiện chế độ, chính sách xã hội còn hạn hẹp; thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ ngày càng khó khăn hơn,... tác động không nhỏ tới việc thực hiện công tác chính sách trên địa bàn. Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ, hậu phương Quân đội và hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang trong Tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác thương binh, liệt sĩ và chính sách hậu phương Quân đội. Trên cơ sở quán triệt các thông tư, hướng dẫn của cấp trên, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng; hoàn thành cơ sở dữ liệu liệt sĩ, lập bản đồ, quy tập hài cốt liệt sĩ; huy động tốt nhất các nguồn lực để giúp đỡ đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; giải quyết dứt điểm chính sách tồn đọng sau chiến tranh; nâng cao hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, v.v. Trong tình hình hiện nay, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chính sách, cùng với đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn đối với công tác này, cần chú trọng kiện toàn Ban Chỉ đạo về giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công; Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; lãnh đạo, chỉ đạo địa phương thành lập các ban chỉ đạo, hội đồng chính sách xã (phường, thị trấn), tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và giải quyết vướng mắc nảy sinh; định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; kiên quyết khắc phục những hạn chế, nhất là những vi phạm trong thực hiện chế độ, chính sách.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò của công tác chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương Quân đội. Để làm được điều đó, cần tiếp tục phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và quá trình thực hiện các chế độ, chính sách trên địa bàn. Trong đó, cần đi sâu làm rõ nội dung cơ bản được thể hiện trong các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với dân công hỏa tuyến và người tham gia kháng chiến; Chỉ thị số 169-CT/QUTW, ngày 29/12/2020 của Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội giai đoạn 2021 - 2025; các chính sách mới ban hành, điều chỉnh cùng những thuận lợi, khó khăn trong tổ chức thực hiện, v.v. Qua đó, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, phát huy tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và nhân dân, thực hiện có hiệu quả chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương Quân đội.

Ba là, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện. Theo đó, cơ quan quân sự các cấp cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng và đoàn thể địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tốt công tác quan trọng này theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trước mắt, cùng với làm tốt các hoạt động thăm, tặng quà các đối tượng chính sách; lập hồ sơ xét duyệt và đề nghị giải quyết chế độ thương binh, liệt sĩ chặt chẽ, khoa học, các cơ quan chức năng cần phối hợp, rà soát, giải quyết kịp thời những vướng mắc về chế độ, chính sách; tập trung xét duyệt và giải quyết dứt điểm chính sách tồn đọng sau chiến tranh; chi trả chế độ cho người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng. Phối hợp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, v.v. Về lâu dài, cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần nghiên cứu, vận dụng linh hoạt nhiều hình thức hoạt động, phát triển mô hình hay, cách làm sáng tạo, từng bước “xã hội hóa” hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và kết hợp chặt chẽ công tác này với các chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, các phong trào thi đua, “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công”, “Dân vận khéo”.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Thực tiễn cho thấy, công tác chính sách nói chung, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn nói riêng sẽ ngày càng khó khăn, bởi thời gian đã lùi xa và những thông tin liên quan cũng mờ nhạt và ít dần. Vì thế, Tỉnh cần tích cực huy động các nguồn lực, tập trung rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tăng cường thu thập, xác minh thông tin liệt sĩ. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 515 của Tỉnh, các cơ quan chuyên môn, nòng cốt là cơ quan quân sự các cấp và đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Các cơ quan chuyên môn tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong và ngoài nước, nhất là các địa bàn trọng điểm giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quốc phòng, phối hợp với các địa phương Bô-ly-Khăm-xay, Khăm-muộn, Thủ đô Viêng-chăn trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ bên nước bạn Lào. Thực hiện tiếp nhận, an táng đúng quy định, khoa học, phù hợp với phong tục, tập quán địa phương; kiên quyết không để xảy ra sai sót.

Cùng với đó, Tỉnh tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phong cách ứng xử,... xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách đủ về số lượng, chất lượng ngày càng cao, có tâm, có tầm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công tác chính sách, bảo đảm công khai, minh bạch, thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

VÕ TRỌNG HẢI, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh
___________________

1 - Tỉnh có 26.469 liệt sĩ; 37.364 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 10.025 bệnh binh.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.