QPTD -Thứ Tư, 13/09/2023, 16:46 (GMT+7)
Tỉnh Hà Nam xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc

Xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc là chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước ta đòi hỏi từng địa phương và cả nước phải triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp; nâng cao chất lượng xây dựng các tiềm lực; phát huy vai trò của lực lượng vũ trang,... là những nội dung chủ yếu đã, đang được tỉnh Hà Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nằm ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, đầu mối giao thông quan trọng nối liền Hà Nội với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Bắc, tỉnh Hà Nam có vị trí quan trọng về nhiều mặt, nhất là kinh tế, quốc phòng, an ninh. Những năm qua, cùng với tích cực phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư tạo sự bứt phá, phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, Tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Trong đó, xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh đạt kết quả tích cực cả về tiềm lực và thế trận, tạo cơ sở quan trọng để giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo cho Hà Nam phát triển nhanh, bền vững.

Bên cạnh kết quả đạt được cũng còn không ít khó khăn, thách thức đan xen đặt ra cho Tỉnh trong xây dựng khu vực phòng thủ. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và nhân dân về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa đầy đủ, trách nhiệm tham gia thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương còn hạn chế; sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có mặt chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, còn biểu hiện của tư tưởng tuyệt đối hóa về kinh tế, phát triển kinh tế bằng mọi giá; tình hình an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo còn tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định, v.v.

Thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh trao chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ đối tượng 3

Nhận thức sâu sắc chủ trương chiến lược của Đảng và những thuận lợi, khó khăn, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt, đồng bộ xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, phù hợp với điều kiện, đặc điểm địa bàn, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Hà Nam trở thành thành trì bảo vệ cửa ngõ phía Nam Thủ đô.

Trước hết, Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tổ chức xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước về xây dựng khu vực phòng thủ, nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Kết luận số 64-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, Nghị định số 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ, Luật Phòng thủ dân sự, v.v. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng khu vực phòng thủ. Thực hiện chức năng được giao, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ trì, phối hợp tham mưu, giúp Tỉnh xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, đề án lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai xây dựng khu vực phòng thủ. Trọng tâm là bổ sung, hoàn thiện cơ chế, quy chế xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ các cấp; xây dựng, ban hành các văn bản nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng; hướng dẫn công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất quốc phòng, công trình quân sự; xây dựng đề án và tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ các cấp, nâng cao hiệu quả vận hành cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu, lực lượng vũ trang là nòng cốt”. Chủ động tham mưu củng cố, kiện toàn các tổ chức khu vực phòng thủ ở các cấp, như: Ban Chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ, Hội đồng Cung cấp khu vực phòng thủ, Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân, v.v. Đồng thời, duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng hoạt động các hội đồng, ban chỉ đạo, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ quan trọng này từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Cùng với đó, Tỉnh đẩy mạnh xây dựng các tiềm lực khu vực phòng thủ, trước hết là tiềm lực chính trị, tinh thần. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tiếp tục tham mưu, phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Phát huy chức năng “đội quân công tác”, lực lượng vũ trang Tỉnh tích cực làm công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Đặc biệt, tham mưu cho Tỉnh nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, ngành, chức sắc, chức việc tôn giáo, chủ doanh nghiệp,… nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, tham gia xây dựng nông thôn mới, hoạt động đền ơn, đáp nghĩa,... góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn vững mạnh.

Khẩu đội tự vệ Pháo Phòng không 37mm Nhà máy xi măng Vicem Bút Sơn tổ chức huấn luyện

Quán triệt chủ trương phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, Tỉnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư nhằm phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ; khai thác tiềm năng, lợi thế và tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số quốc gia,… phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, an ninh. Trước mắt, Tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh công nghiệp xây dựng, xác định đây là lĩnh vực then chốt tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, thúc đẩy tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; tiếp tục quy hoạch, xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển các công trình dân sinh, mạng lưới đường giao thông có tính lưỡng dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thế trận khu vực phòng thủ, đáp ứng yêu cầu khi có tình huống xảy ra. Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện; quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, xây dựng các công trình trong khu vực phòng thủ đã được phê duyệt, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tiếp tục rà soát, thẩm định chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt là dự án ở địa bàn nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp huy động nguồn lực, ưu tiên cân đối, bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ. Từ kinh nghiệm thực tiễn rút ra, Tỉnh chỉ đạo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phấn đấu hoàn thành các công trình trọng điểm trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, khu vực phòng thủ then chốt,… theo kế hoạch1.

Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh làm nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ. Đây là nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa cả trước mắt và lâu dài đối với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân nói chung, xây dựng khu vực phòng thủ nói riêng. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, có chất lượng tổng hợp, trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu cao. Đẩy mạnh quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Nghị quyết số 266-NQ/ĐU, ngày 12/5/2022 của Đảng ủy Quân khu 3 về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo trong lực lượng vũ trang Quân khu. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Tỉnh theo hướng tinh, gọn, mạnh, có tổ chức, biên chế đúng quy định, cơ cấu đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương trong tình hình mới. Tiếp tục xây dựng lực lượng thường trực theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng hợp lý, chất lượng cao. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Chỉ huy Quân sự tham mưu cho Tỉnh chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng lực lượng dân quân cơ động, lực lượng tự vệ ở các khu công nghiệp,… nhất là xây dựng tự vệ trong các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Tăng cường đăng ký, quản lý nguồn dự bị động viên và phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế, trực tiếp nâng cao sức mạnh, tiềm lực quân sự của khu vực phòng thủ Tỉnh, sẵn sàng huy động khi có tình huống.

Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, hội thao, hội thi. Trước mắt, làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức thành công Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Hà Nam năm 2023 nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; năng lực làm tham mưu của cơ quan Quân sự, Công an và các ban, ngành đoàn thể; khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn kiện tác chiến sát với thực tế của địa phương; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu, luyện tập thuần thục các phương án tác chiến, kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng với Công an theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ, thường xuyên nắm, dự báo tình hình, nhất là ở các khu công nghiệp, địa bàn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh từ cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ, tạo tiền đề để Hà Nam phát triển toàn diện, bền vững, là tỉnh khá của Vùng đồng bằng sông Hồng vào năm 2030, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.

Đại tá LƯỜNG VĂN THẮNG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
__________________ 

1 - Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng các hạng mục công trình sở chỉ huy, căn cứ hậu cần - kỹ thuật, căn cứ hậu phương cấp tỉnh, cấp huyện, trường bắn, thao trường huấn luyện tổng hợp cấp tỉnh.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.