Thứ Sáu, 22/11/2024, 23:22 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân nói chung, trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói riêng là nội dung trọng yếu, thường xuyên, được Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng và toàn dân trong Tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt, với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, tạo thế, lực và môi trường thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững.
Bình Phước là tỉnh biên giới1, cửa ngõ giao thương kinh tế, văn hóa của khu vực Đông Nam Bộ với Vương quốc Campuchia, nên có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của khu vực và Quân khu 7. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Tỉnh đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, an ninh, nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về khu vực phòng thủ; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; trên cơ sở đó, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân vững mạnh. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sát tình hình thực tiễn, thu được kết quả đáng khích lệ. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc được nâng lên; hệ thống chính trị các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu. Đến nay, Tỉnh đã hoàn thiện quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và từng bước triển khai xây dựng các công trình phòng thủ, căn cứ hậu cần - kỹ thuật; điều chỉnh, bố trí dân cư trên từng địa bàn, nhất là tuyến biên giới2 phù hợp với thế trận phòng thủ của Quân khu. Lực lượng vũ trang Tỉnh được xây dựng theo hướng tinh, gọn, mạnh; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng, an ninh.
Từ những kết quả đã đạt được và trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bình Phước tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, đặc biệt là quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII), tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, tạo nền tảng, môi trường thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững.
Thực hiện mục tiêu xác định, trước hết, Tỉnh tập trung đột phá xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, an ninh; xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); Quyết định số 999-QĐ/TU, ngày 10/4/2018 của Tỉnh ủy về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh rà soát, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tinh, gọn, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với các lĩnh vực công tác, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Thông qua đó, nâng cao chất lượng nghiên cứu xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chương trình về công tác quân sự, quốc phòng địa phương và các kế hoạch, đề án về bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang. Trọng tâm đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng các tiềm lực quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận khu vực phòng thủ, cốt lõi là xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, phù hợp với yêu cầu và đặc thù của Tỉnh.
Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính trị, nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ chủ trì trong hệ thống chính trị, chức sắc, chức việc tôn giáo, đồng bào ở địa bàn biên giới, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch ngay từ cơ sở. Quan tâm thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách hậu phương Quân đội, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đẩy mạnh triển khai hỗ trợ bảo hiểm y tế, nhà ở, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng; giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đảm bảo an dân, yên dân, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.
Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của trên, trọng tâm là Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tỉnh tập trung nghiên cứu xây dựng chiến lược và hệ thống chính sách, quy hoạch phát triển toàn diện, đồng bộ. Trong đó, chú trọng cơ cấu lại các ngành kinh tế, lấy công nghiệp là trung tâm, phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ. Trước mắt, Tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông kết nối với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Đắk Nông, dự án đường sắt Hoa Lư - Dĩ An - Cái Mép,…). Từng bước hoàn chỉnh nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị, các tuyến tỉnh lộ và hệ thống đường giao thông đến các xã. Rà soát, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, ưu tiên ngành công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm: điều, cao su, gỗ, trái cây, v.v. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển vùng kinh tế động lực đến năm 2030, tập trung vào các khu vực: thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long, huyện Chơn Thành, huyện Đồng Phú,… thúc đẩy phát triển đồng đều ở tất cả các địa phương trong Tỉnh.
Để đảm bảo mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, thẩm định, giám sát kỹ việc phân vùng, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị mới gắn với quy hoạch quốc phòng, an ninh. Trong đó, tập trung rà soát, xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng giai đoạn 2021 - 2030; điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch, điều chỉnh dân cư, đưa dân ra sát khu vực biên giới theo Đề án số 811/ĐA-BTL, ngày 01/4/2019 của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn biên phòng giai đoạn 2019 - 2025. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là Ban Chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ, Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự; phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan Quân sự, Công an, Biên phòng trong tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Tích cực huy động, động viên nguồn lực từ ngân sách địa phương và xã hội cho xây dựng thế trận quân sự, phù hợp với quyết tâm, phương án tác chiến phòng thủ của các cấp. Chỉ đạo khảo sát, quy hoạch, quản lý chặt chẽ các cơ sở công nghiệp lưỡng dụng, các phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế, sẵn sàng chuyển từ tiềm lực thành thực lực quốc phòng và kế hoạch chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến bảo đảm khoa học, khả thi cao.
Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, có cơ cấu hợp lý, chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Theo đó, với lực lượng thường trực, Tỉnh tập trung xây dựng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, ưu tiên xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ quan Quân sự, Công an các cấp vững mạnh toàn diện, đủ năng lực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở địa phương, cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ giai đoạn 2021 - 2025; chú trọng điều chỉnh kế hoạch mở rộng lực lượng dân quân tự vệ trong các trạng thái quốc phòng phù hợp với nhiệm vụ của từng địa phương, cơ sở, nhất là dân quân cơ động, dân quân thường trực ở các địa bàn trọng yếu quốc phòng, an ninh. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, gần, gọn địa bàn, sẵn sàng huy động khi có tình huống. Cùng với xây dựng lực lượng, Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống văn kiện tác chiến; kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng: Quân sự, Công an, Biên phòng theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, Nghị định số 02/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nắm và dự báo chính xác tình hình, nhất là ngoại biên, biên giới, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tổ chức tốt diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự; diễn tập bảo đảm của các sở, ban, ngành,... nhằm nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của cơ quan Quân sự, Công an, Biên phòng và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương.
Cùng với các nội dung giải pháp trên, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang đẩy mạnh công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nhất là các địa bàn khó khăn, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, ngoại giao nhân dân theo đúng quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng; duy trì tốt mối quan hệ với chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh phía đối diện thuộc Vương quốc Campuchia, nhất là bảo vệ, phát huy giá trị Cụm công trình lưu niệm hành trình cứu nước của nguyên Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại khu vực X16, trở thành điểm đến của tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, phát triển, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
TRẦN TUỆ HIỀN, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân Tỉnh _______________
1 - Tỉnh có 258,939km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia.
2 - Giai đoạn 2019 - 2023, Tỉnh đã xây dựng được 09 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng với kinh phí trên 43 tỉ đồng.
Tỉnh Bình Phước,nền quốc phòng toàn dân,ngày càng vững mạnh
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng