QPTD -Thứ Năm, 26/12/2024, 09:30 (GMT+7)
Tỉnh Bình Định xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Trước yêu cầu cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tỉnh Bình Định đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tạo nền tảng, môi trường thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững. 

Nằm ở phía Bắc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; có bờ biển dài, với nhiều cảng biển có giá trị; đồng thời, là trung điểm của các tuyến giao thông huyết mạch: đường biển, đường sắt, đường bộ Bắc - Nam và là cửa ngõ ra Biển Đông thuận lợi nhất của khu vực Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia,... nên tỉnh Bình Định giữ vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của Quân khu 5 và vùng Duyên hải miền Trung. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương chiến lược, nhất quán của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới,… Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, trọng tâm hướng vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ các cấp, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Kinh tế - xã hội phát triển khá, các tiềm lực, nhất là tiềm lực kinh tế, chính trị tinh thần, “thế trận lòng dân” được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định; khu vực phòng thủ Tỉnh được xây dựng ngày càng vững chắc. Đến nay, Tỉnh đã hoàn thiện quy hoạch đất quốc phòng, khu quân sự và lập hợp phần quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế tích hợp vào quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, từng bước triển khai xây dựng các công trình phòng thủ, căn cứ hậu phương, căn cứ chiến đấu,… phù hợp với thế trận phòng thủ của Quân khu. Lực lượng vũ trang Tỉnh được xây dựng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, sẵn sàng xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng, an ninh.

Thủ trưởng Quân khu tặng quà các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Diễn tập khu vực phòng thủ Tỉnh năm 2023.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, của Đảng, Nhà nước về công tác quốc phòng, quân sự nói chung và xây dựng nền quốc phòng toàn dân nói riêng của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chưa thật đẩy đủ; nguồn lực đầu tư cho xây dựng tiềm lực, thế trận quân sự khu vực phòng thủ còn khó khăn. Công tác phối hợp giữa các lực lượng trong khu vực phòng thủ và chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang địa phương có mặt còn hạn chế so với yêu cầu, nhiệm vụ.

Thời gian tới, bên cạnh yếu tố thuận lợi là cơ bản, Tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch,… làm nảy sinh những khó khăn mới trong quản lý xã hội; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. Mặt khác, Bình Định cũng là địa bàn các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”,… tăng cường các hoạt động chống phá, v.v. Trước tình hình đó, cùng với triển khai toàn diện các mặt công tác, Tỉnh chủ trương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự, trọng tâm là xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, tạo nền tảng, môi trường thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững.

Thực hiện mục tiêu xác định, trước hết, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phát huy vai trò tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, đặc biệt là quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII); Kết luận số 64-KL/TW, ngày 30/10/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X); Luật Quốc phòng, v.v. Trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung hoàn thiện các đề án, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện phù hợp thực tế địa phương, cơ sở. Đẩy mạnh rà soát, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả; trọng tâm vào điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch đội ngũ cán bộ các cấp giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, quan tâm kiện toàn, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong khu vực phòng thủ, như: ban chỉ đạo khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, phòng không nhân dân, hội đồng cung cấp, v.v.

Cùng với đó, Tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Phát huy kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phát huy vai trò nòng cốt tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính trị, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân, nhất là cán bộ chủ trì trong hệ thống chính trị, chủ tàu thuyền, chủ doanh nghiệp, chức sắc, chức việc tôn giáo. Đồng thời, quan tâm thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, hậu phương quân đội, xóa đói, giảm nghèo, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất; quan tâm giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đảm bảo an dân, yên dân, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Xây dựng tiềm lực kinh tế, quân sự vững mạnh, sẵn sàng chuyển thành thực lực đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là nội dung cốt lõi trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Quán triệt tinh thần đó, Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của trên, trọng tâm là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, hướng trọng tâm vào 05 trụ cột tăng trưởng1 và 03 đột phá chiến lược2 đảm bảo tính lưỡng dụng cao. Trước mắt, tập trung rà soát, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư phát triển điện gió, năng lượng sạch, công nghiệp sản xuất thép, chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, khoáng sản, sản xuất dược phẩm, linh kiện điện tử, bán dẫn. Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các tuyến đường sắt đô thị kết nối Quy Nhơn - Nhơn Hội - Phù Cát và vùng phụ cận. Xúc tiến quy hoạch xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp sản xuất gia công hàng điện tử, bán dẫn nhằm tận dụng lợi thế vận tải hàng không của sân bay Phù Cát; đồng thời, tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng, v.v.

Để đảm bảo mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, Bộ Chỉ huy Quân sự tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và cơ quan chức năng Quân khu thẩm định chặt chẽ các dự án kinh tế liên quan đến quốc phòng; đồng thời, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân Tỉnh rà soát, điều chỉnh bổ sung hoàn thiện Quy hoạch tổng thể thế bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn theo Nghị định số 164/2018/NĐ-CP, ngày 21/12/2018 của Chính phủ. Trong đó, tập trung làm tốt Quy hoạch thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ giai đoạn 2021-2030; ban hành các văn bản chỉ đạo củng cố quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở các huyện, thị xã, thành phố, khu vực biên giới biển. Đăng ký, quản lý chặt chẽ các cơ sở công nghiệp lưỡng dụng, phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế, nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo, sẵn sàng chuyển từ tiềm lực thành thực lực quốc phòng.

Cùng với đó, Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Tỉnh và Quân khu đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang tinh, gọn, mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các đề án, kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sỹ, chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thường xuyên rà soát, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống văn kiện, phương án  tác chiến, kế hoạch phối hợp, hiệp đồng với Công an, Biên phòng và các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu trên địa bàn theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Tổ chức huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự các cấp chặt chẽ, đúng quy định, duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ nền nếp xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của cơ quan Quân sự, Công an, Biên phòng và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá ĐỖ XUÂN HÙNG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
___________________
        

1 - (1).  Tập trung phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị cao. (2). Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. (3). Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, nâng cao giá trị sản xuất. (4). Phát triển đô thị nhanh và bền vững. (5). Phát triển mạnh dịch vụ cảng, logistics.

2 - (1). Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Tỉnh. (2). Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. (3). Tập trung ưu tiên hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.