Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:34 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Ngày 18-5-2017, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết 425-NQ/QUTW “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, các ngành, đơn vị có liên quan và các doanh nghiệp Quân đội cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp; trong đó, đặc biệt coi trọng làm tốt công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Từ kết quả, kinh nghiệm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Quân đội trong nhiều năm qua và yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, lần này, việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Quân đội được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, với mục tiêu và quyết tâm cao. Trong đó, trọng tâm là: sáp nhập, cơ cấu lại các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng có cùng ngành nghề, quy mô nhỏ, hình thành doanh nghiệp có quy mô lớn, hợp lý, thương hiệu mạnh; kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn triệt để đối với doanh nghiệp không hoặc ít có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp không cổ phần hóa được hoặc sản xuất, kinh doanh thua lỗ kéo dài, mất cân đối nghiêm trọng về tài chính.
Theo đó, tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp Quân đội trong những năm tới sẽ có những thay đổi quan trọng. Quá trình thực hiện sẽ có không ít lực cản, khó khăn, phức tạp; lực lượng dôi dư lớn; nhiều vấn đề liên quan đến quân sự, quốc phòng, chính sách xã hội cần giải quyết, v.v. Điều đó không chỉ tác động đến cơ cấu tổ chức mà còn tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhân viên, người lao động và gia đình họ. Để thực hiện có hiệu quả chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đòi hỏi toàn quân, trực tiếp là các ngành, đơn vị có liên quan và các doanh nghiệp Quân đội cần triển khai toàn diện, quyết liệt các giải pháp. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác đảng, công tác chính trị, thực hiện đồng bộ và kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này; trong đó, tập trung làm tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, chủ động làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, người lao động, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện. Cấp ủy, tổ chức đảng, người chủ trì các doanh nghiệp và đơn vị có doanh nghiệp cần lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thông tin, tuyên truyền về nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Trong đó, tập trung quán triệt, giáo dục để cán bộ, nhân viên, người lao động, nhất là ở các doanh nghiệp thuộc diện cơ cấu lại (sáp nhập, cổ phần hóa, thoái vốn, giải thể hoặc phá sản) nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng; thấy được tính tất yếu của việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cùng những thuận lợi, khó khăn, thách thức, v.v. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, thông suốt về tư tưởng; tin tưởng, đồng thuận cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, xây dựng quyết tâm cao trong thực hiện. Mặt khác, cần thông tin đầy đủ, minh bạch, công khai phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp để người lao động được biết, được bàn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Cùng với đó, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp cần tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời rút kinh nghiệm, biểu dương những tập thể, cá nhân có nhận thức tốt, trách nhiệm chính trị cao, dám nghĩ, dám làm, có hình thức và biện pháp phù hợp, sáng tạo trong tổ chức thực hiện; đồng thời, giải quyết kịp thời, thỏa đáng tâm tư, nguyện vọng của người lao động, không để phát sinh vấn đề nổi cộm. Đặc biệt, cần chủ động phát hiện, phê phán, chấn chỉnh những nhận thức, hành động lệch lạc và kiên quyết đấu tranh với tư tưởng cục bộ, ngại đổi mới, né tránh cổ phần hóa, các biểu hiện cơ hội, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, v.v.
Hai là, tiến hành đồng bộ, chặt chẽ công tác tổ chức, đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Để tiến hành sắp xếp, đổi mới đúng hướng, đạt hiệu quả cao, cấp ủy, chủ trì đơn vị có doanh nghiệp và các doanh nghiệp Quân đội cần bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của cấp trên, xây dựng nghị quyết lãnh đạo, xác định rõ chủ trương, kế hoạch, lộ trình và các biện pháp thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn. Về nguyên tắc, mọi nội dung về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp phải được cấp ủy thảo luận, quyết định theo phân cấp. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc diện sáp nhập, cổ phần hóa, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng phương án, mô hình tái cấu trúc; xây dựng chủ trương lãnh đạo kiện toàn tổ chức biên chế, thực hiện công tác cán bộ, công tác chính sách, quản lý tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên quan. Đồng thời, đề ra chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau tái cấu trúc. Tập trung vào các vấn đề trọng tâm, như: xây dựng cơ chế lãnh đạo, hoạt động giữa cấp ủy đảng, hội đồng thành viên, hội đồng quản trị; xây dựng các thiết chế, quy chế, quy định về vai trò của người quản lý, người đại diện chủ sở hữu, định hướng chiến lược phát triển, chiến lược sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, v.v. Quá trình thực hiện, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp và đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ động thực hiện tốt công tác cán bộ, nhất là lựa chọn, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ trì doanh nghiệp, người quản lý, người đại diện chủ sở hữu. Có giải pháp tổng thể để giữ gìn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các đối tượng thuộc lĩnh vực quân sự đặc thù. Trước hết, quán triệt, thực hiện đúng quy định của Bộ Quốc phòng về việc điều động, luân chuyển cán bộ, nhân viên có đủ tiêu chí từ khối hạch toán sang dự toán và có phương án sử dụng, điều chuyển phù hợp trong nội bộ từng doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp trong cùng đầu mối trực thuộc, giữa các doanh nghiệp trong Quân đội và cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Cùng với các công việc nêu trên, cần chủ động củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của cấp trên về việc thành lập mới, sáp nhập, tiếp nhận, chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên sau khi doanh nghiệp được sắp xếp lại. Đồng thời, có biện pháp đẩy mạnh hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp Quân đội, đảm bảo giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp.
Ba là, tích cực nghiên cứu đề xuất và thực hiện tốt công tác chính sách, nhất là chế độ, chính sách đối với người lao động trong các doanh nghiệp thuộc diện sáp nhập, cổ phần hóa, giải thể hoặc phá sản. Đây là giải pháp rất quan trọng, nếu thực hiện tốt sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy quá trình sắp xếp, đổi mới, góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp; ngược lại, sẽ tạo lực cản và nảy sinh những vấn đề rất phức tạp. Theo đó, các cơ quan chức năng, đơn vị có doanh nghiệp và doanh nghiệp Quân đội cần hết sức coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác chính sách chặt chẽ, đồng bộ; kết hợp thực hiện tốt các chế độ, chính sách hiện hành với nghiên cứu đề xuất ban hành mới, bảo đảm ổn định đời sống cán bộ, nhân viên, người lao động cả trước mắt và lâu dài. Một trong những mấu chốt cần tập trung giải quyết khi doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa, sáp nhập, giải thể, phá sản là vấn đề lao động, việc làm. Các đơn vị, doanh nghiệp cần rà soát, xây dựng phương án bố trí, sắp xếp việc làm, giải quyết số lao động phải chuyển đổi vị trí, dôi dư, phù hợp với lộ trình sắp xếp, đổi mới của doanh nghiệp và các quy định của pháp luật. Trước hết, ưu tiên bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ, nhân viên, người lao động đang làm việc có phẩm chất, năng lực tốt, giàu kinh nghiệm và có nguyện vọng tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp. Mặt khác, cần nắm chắc số lượng lao động dôi dư; dự kiến đề xuất các hướng giải quyết chính sách; tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách hiện hành, động viên cả về vật chất, tinh thần đối với số cán bộ, nhân viên, người lao động phải nghỉ hưu trước tuổi, phục viên, thôi việc, v.v. Trên cơ sở định hướng của Bộ Quốc phòng và tình hình thực tế, các cơ quan chức năng cần nhạy bén, chủ động nghiên cứu, đề xuất các biện pháp về tổ chức và bảo đảm đào tạo nghề, đào tạo lại, giới thiệu xuất khẩu lao động,… cho số lao động dôi dư, giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập và có cơ hội phát triển trong thị trường lao động. Cùng với đó, rà soát lại các chính sách hiện hành, kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các chế độ, chính sách, phù hợp với quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, đáp ứng sự phát triển của thực tiễn, bảo đảm an sinh, giữ vững ổn định tình hình chính trị - xã hội, tạo điều kiện thực hiện tốt chủ trương sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách với các mặt công tác khác ở tất cả các cấp, trong suốt quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Quân đội. Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Quân đội là vấn đề lớn, hệ trọng. Vì vậy, phải kết hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách với các mặt công tác khác; kết hợp chặt chẽ trên từng mặt hoạt động (tổ chức lực lượng, quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh, v.v.), trong suốt quá trình, cả trước, trong, sau sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Quân đội ở tất cả các cấp, từ các cơ quan tham mưu, chỉ đạo chiến lược đến từng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan, không được coi nhẹ yếu tố nào, giai đoạn nào, cấp nào. Việc kết hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ giữa các mặt công tác trên là cơ sở quan trọng, tạo sức mạnh tổng hợp, đảm bảo cho chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội được quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng định hướng, đúng kế hoạch, đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất. Để bảo đảm thực hiện tốt sự kết hợp đó, cần kiện toàn thành phần Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Quân đội cấp Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo của đơn vị có doanh nghiệp với sự tham gia của các cơ quan chủ trì, tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách, cơ quan tổ chức lực lượng, công đoàn, v.v. Đối với cơ quan chính trị các cấp có doanh nghiệp và từng doanh nghiệp, phải xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, bộ phận làm công tác tư tưởng, công tác tổ chức - cán bộ, công tác chính sách và với các cơ quan liên quan khác để chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất. Từng cơ quan, bộ phận làm công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động nghiên cứu, tham mưu và chỉ đạo thực hiện các nội dung có liên quan để thúc đẩy tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt tình hình, nhất là phát hiện những tồn tại, vướng mắc, vấn đề mới nảy sinh, để cùng thống nhất phối hợp giải quyết. Căn cứ lộ trình thực hiện sắp xếp, đổi mới, cơ quan chính trị các cấp có doanh nghiệp và từng doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; qua đó, đề xuất Ban Chỉ đạo và cấp có thẩm quyền các chủ trương, biện pháp giải quyết tốt các vấn đề về tư tưởng, tổ chức và chính sách, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thiếu tướng, TS. TRẦN VĂN MINH
sắp xếp đổi mới,doanh nghiệp Quân đội
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng