QPTD -Thứ Hai, 08/10/2012, 14:12 (GMT+7)
Thị xã Dĩ An thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược trên địa bàn

Nằm ở trung tâm khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, Thị xã Dĩ An luôn quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Đồng chí Bí thư Thị ủy Dĩ An động viên thanh niên lên đường nhập ngũ
 

Thị xã Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương, có diện tích tự nhiên 6.010 ha, số dân gần 350 ngàn người. Trên địa bàn Thị xã có 6 khu, 2 cụm công nghiệp tập trung, với diện tích quy hoạch được duyệt 828,64 ha. Đến nay, có 5/6 khu công nghiệp (KCN) tỷ lệ lắp kín, đạt 100%, riêng KCN Phú Mỹ, đạt 77%. Ngoài ra, trên địa bàn Thị xã còn có 778 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 19.514 tỷ đồng, bằng 50,05% kế hoạch năm (tăng 19,21% so với cùng kỳ năm 2011). Tổng giá trị sản xuất thương mại tăng 35%; nông nghiệp 0,86%; văn hoá - xã hội có bước phát triển, đời sống của nhân dân từng bước cải thiện... Những kết quả đạt được là cơ sở để Thị xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng - an ninh (QP-AN).

Trước yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ địa phương thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH, Thị xã Dĩ An chủ trương: “Tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương nhằm hoàn thiện, ổn định môi trường thuận lợi để phát triển công nghiệp; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong các loại hình sản xuất để phát triển kinh tế theo hướng bền vững; tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị theo Đề án quy hoạch chung xây dựng đô thị Dĩ An...; tăng cường các biện pháp giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội,...”1. Theo đó, Thị xã đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Các dự án lớn đang được thực hiện, như: đường Tân Đông Hiệp - Tân Bình, đường Chùa Ba Na, đường và hệ thống thoát nước ngã 4 Chiêu Liêu - Cầu 4 Trụ, đường ngã 3 Ông Xã đi KCN Sóng Thần 2; tập trung cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án cầu Đồng Nai mới, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, khu tái định cư Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, khu di tích cách mạng và sinh thái Hố Lang,... Thị xã đang thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, đô thị, đất đai, môi trường và kế hoạch chỉnh trang khu dân cư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt. Cùng với việc thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển thương mại - dịch vụ chất lượng cao giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020 (mang tính đột phá), Thị xã đang nâng cấp, đầu tư xây dựng mới chợ của các phường gắn với việc sắp xếp lại các chợ tự phát theo hướng văn minh thương mại; xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế có đủ năng lực đầu tư vào các loại hình thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao và các loại hình dịch vụ chất lượng cao trên lĩnh vực giáo dục, y tế đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, Thị xã đang tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để tăng thêm nguồn lực, góp phần nâng cao chất lượng ở các bậc học; đưa Cuộc vận động “2 không” và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động đi vào chiều sâu, đạt kết quả thiết thực. Thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; khống chế, không để xảy ra dịch bệnh; chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại bệnh lây lan và các vấn đề sức khỏe phát sinh trong quá trình phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh công tác giáo dục, vận động và tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về dân số; duy trì mức sinh thay thế một cách vững chắc. Tăng cường quản lý nhà nước về lao động, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động; phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu về giảm nghèo, dạy nghề, việc làm, vốn vay cho học sinh - sinh viên và các chính sách an sinh xã hội khác theo kế hoạch đề ra.

Hướng đến năm 2015 và những năm tiếp theo, Thị xã chủ trương kết hợp chặt chẽ quy hoạch các cụm dân cư với kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn lao động có kỹ thuật cao. Trong đó, chú trọng phát triển hệ thống các trường phổ thông, trường đào tạo nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên, góp phần nâng cao dân trí và đào tạo thợ kỹ thuật cho thanh niên đến tuổi lao động và bộ đội xuất ngũ, nhằm phục vụ cho sự nghiệp CNH,HĐH và yêu cầu QP-AN theo kế hoạch chung, thống nhất của tỉnh Bình Dương. Thị xã chỉ đạo các ngành Quân sự, Công an tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ trong việc nắm tình hình cơ sở, giải quyết kịp thời các vụ việc về an ninh, trật tự, bảo vệ an toàn địa bàn, nhất là khu vực trọng yếu.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, Thị ủy, Uỷ ban nhân dân (UBND) Thị xã luôn chú trọng kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực QP-AN, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, bảo đảm mỗi bước tăng trưởng về kinh tế là một bước tăng cường về QP-AN. Đây cũng là vấn đề mang tính tất yếu của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt đối với Dĩ An - một Thị xã mới được thành lập, đang đẩy mạnh tiến trình CNH,HĐH, tiếp tục mở hướng, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Cơ cấu kinh tế của Thị xã đang được chuyển đổi đúng hướng, với tỷ trọng tương ứng: công nghiệp 75,63%, thương mại - dịch vụ 24,26%, nông nghiệp 0,11%; các vùng nông thôn đang từng bước đô thị hoá; tốc độ tăng trưởng kinh tế đang ổn định ở mức cao (16%). Hiện tại, Thị xã đã hoàn thành quy hoạch phân khu 1/2.000 các phường: Dĩ An, An Bình, Đông Hòa, Bình An, Bình Thắng và đang xúc tiến quy hoạch hai phường còn lại (Tân Bình, Tân Đông Hiệp); triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH giai đoạn 2012 - 2020. 

Trong quá trình thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, Thị xã chỉ đạo các cấp, các ngành gắn kết chặt chẽ kinh tế với QP-AN, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Các dự án đầu tư xây dựng kinh tế đều được thẩm định về mặt QP-AN, nhất là các dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài. Thị uỷ, UBND Thị xã khi xem xét, phê duyệt các dự án đều nghiên cứu kỹ ý kiến tham mưu của các cơ quan chức năng nhằm tránh sai sót, phiến diện, bảo đảm đạt được mục tiêu phát triển KT-XH và tăng cường QP-AN. Các dự án đã triển khai thực hiện, như: KCN Sóng Thần I, Sóng Thần II, các cụm công nghiệp, công trình giao thông vận tải, xây dựng cơ bản, bưu chính viễn thông, thoát nước đô thị,... đều gắn với nhiệm vụ bảo đảm QP-AN, có thể chuyển từ sản xuất thời bình sang thời chiến và sẵn sàng động viên phục vụ nhiệm vụ chiến đấu theo yêu cầu đặt ra. Nhiều nhà máy, xí nghiệp (kể cả của Tỉnh và Trung ương trên địa bàn Thị xã) đã được đưa vào quy hoạch trước mắt và lâu dài, theo kế hoạch động viên nguồn tiềm lực quốc phòng (lực lượng, phương tiện) khi có tình huống chiến tranh.

Để kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với QP-AN, Thị uỷ, UBND Thị xã luôn coi trọng giáo dục, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân. Ngoài số cán bộ được cử đi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo phân cấp, Thị xã thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đối tượng 4, 5 và chức sắc, chức việc các tôn giáo; trong đó, tập trung quán triệt sâu sắc nhiệm vụ QP-AN để cấp ủy các phường, chi bộ ấp, khu phố và ban ngành, đoàn thể các cấp... nâng cao nhận thức, nắm vững các quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khoá IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo ngành, địa phương theo chức danh, chức trách được phân công đã coi trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng, QP-AN với KT-XH trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH.

Cùng với nhiệm vụ phát triển KT-XH, Thị ủy, UBND Thị xã thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng LLVT địa phương vững mạnh, có sức chiến đấu cao, thực sự làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn. Hằng năm, Thị ủy, UBND Thị xã đều ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo của tỉnh Bình Dương về QP-AN. Trên cơ sở đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng LLVT địa phương vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng cơ quan quân sự, công an Thị xã và các phường vững mạnh toàn diện, đủ sức làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền về công tác QP-AN. Thường xuyên thực hiện điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn kiện, kế hoạch, phương án tác chiến cả 2 cấp (Thị xã, phường); đồng thời, chỉ đạo cơ quan quân sự, công an thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện và tổ chức diễn tập theo phương án. Trong huấn luyện, tập trung nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT, bảo đảm sát với thực tế, phương án tác chiến; coi trọng huấn luyện nâng cao khả năng phòng, chống “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, tác chiến bảo vệ trị an, khắc phục thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Năm 2011, Thị xã đã chỉ đạo hai phường Tân Bình, Tân Đông Hiệp tổ chức thành công thực hành diễn tập tác chiến - trị an; năm 2012, chỉ đạo hai phường Đông Hòa, An Bình tổ chức thành công diễn tập phòng thủ. Bên cạnh đó, Thị xã còn tổ chức kiểm tra các địa phương, đơn vị trên địa bàn về công tác trực ban, trực chiến, trực phòng không và các chốt dân quân trọng điểm; duy trì thực hiện tốt công tác phối hợp hai ngành Công an và Quân sự theo Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong xây dựng LLVT, Thị xã đang tập trung thực hiện Đề án xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 945/QĐ-UBND và Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND tỉnh Bình Dương về xây dựng Ban Chỉ huy Quân sự phường vững mạnh toàn diện giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, Thị xã tổ chức xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ thường trực, tại chỗ và cơ động, bảo đảm độ tin cậy về chính trị, cơ cấu thành phần phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và khả năng thực tế của địa phương. Ngoài việc xây dựng các đơn vị dân quân binh chủng, tự vệ cơ quan, Thị xã đang triển khai thí điểm tổ chức và hoạt động của trung đội tự vệ trong khu công nghiệp Sóng Thần 1 và chỉ đạo cơ quan quân sự Thị xã xúc tiến triển khai xây dựng tự vệ ở các doanh nghiệp có tổ chức đảng; tiếp tục hoàn thành việc xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan Công an, Quân sự theo kế hoạch đề ra. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các LLVT thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, trước hết là giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH và thực hiện nhiệm vụ QP-AN tuy là bước đầu, song đó là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu: “Xây dựng và phát triển Dĩ An thành đô thị giàu đẹp, văn minh” mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thị xã Dĩ An lần thứ X (nhiệm kỳ 2010 - 2015) xác định.

ĐẶNG MINH HƯNG

Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy

                  

1 - Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thị xã Dĩ An lần thứ X (nhiệm kỳ 2010 - 2015).

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.