QPTD -Thứ Năm, 18/10/2012, 03:18 (GMT+7)
Thanh niên Quân đội chủ động, sáng tạo, xung kích tham gia xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Thanh niên Quân đội đã xung kích đi đầu và có nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Phong trào.

Ngay sau khi Đảng, Nhà nước ta phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” (tháng 6-2011), Tổng cục Chính trị (TCCT) phát động Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ban Thanh niên Quân đội nhận thấy, đây là phong trào thi đua yêu nước, có sức hấp dẫn thanh niên; là cơ hội để Tuổi trẻ Quân đội cống hiến. Thực tế cho thấy, phần đông cán bộ, chiến sĩ trẻ đều xuất thân từ nông thôn; nhiều đơn vị Quân đội đóng quân ở nông thôn. Đó là điều kiện thuận lợi để Thanh niên Quân đội tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, khẳng định vai trò của tuổi trẻ Quân đội trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ, nhất là ở địa bàn chiến lược.

Trên cơ sở quán triệt Kế hoạch số 21/KH-CT và Hướng dẫn số 22/HD-CT của TCCT, Kế hoạch số 356 KH/TWĐTN của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban Thanh niên Quân đội đã ban hành Hướng dẫn số 42/HD-TN, ngày 15-02-2012 về thực hiện kế hoạch hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” thông qua việc phát động Phong trào thi đua “Tuổi trẻ Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới” với các nội dung, chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể và triển khai phát động thực hiện thống nhất trong toàn quân. Thực hiện chủ trương đó, 100% các cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc đã xây dựng kế hoạch và ban hành hướng dẫn thực hiện đến các tổ chức cơ sở đoàn. Qua triển khai thực hiện, Phong trào “Tuổi trẻ Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới” đã bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ. Tiêu biểu trên một số nội dung như sau:

Một là, Phong trào đã xác định được điểm nhấn, thể hiện được tinh thần chủ động, sáng tạo của tuổi trẻ Quân đội, được dư luận xã hội ghi nhận, các tổ chức đoàn trong cả nước tổ chức học tập, làm theo. Điểm nhấn của Phong trào được xác định bằng Chương trình xây dựng “Ngôi nhà 100 đồng”, được triển khai thực hiện từ tháng 01-2012. Chương trình này xuất phát từ ý tưởng bài dự thi “Ngôi nhà 100 đồng” của tuổi trẻ Bộ Tổng Tham mưu, đã đoạt giải Nhất trong phong trào “Hiến kế tặng Đoàn” của tuổi trẻ cả nước. Nội dung Chương trình “Ngôi nhà 100 đồng” là: các ngôi nhà được xây dựng từ tiền tiết kiệm của tất cả cán bộ đoàn viên, thanh niên đang học tập, công tác trong Quân đội, mỗi người, mỗi ngày 100 đồng; trị giá mỗi ngôi nhà 50 triệu đồng. Ngôi nhà được gắn biển “Thanh niên Quân đội - Tặng - Ngôi nhà 100 đồng”. Phương thức tiết kiệm để xây dựng Quỹ “Ngôi nhà 100 đồng” rất đa dạng; có thể từ những việc rất nhỏ, như: thu nhặt giấy báo cũ, vỏ đồ uống hay việc đăng ký với cấp ủy, chỉ huy đơn vị để tăng gia, sản xuất thêm giờ của các chi đoàn... Vì vậy, Chương trình rất dễ thực hiện, phù hợp với mọi mô hình tổ chức đoàn cơ sở. Đến nay, các cơ sở đoàn trong toàn quân đã đăng k‎ý trong năm 2012 xây dựng được ít nhất 100 “Ngôi nhà 100 đồng”. Tính đến ngày 10-6-2012, toàn quân đã triển khai xây dựng được 65 nhà, mỗi nhà trị giá 50 triệu đồng. Ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Chương trình đã được cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn nhiều địa phương thừa nhận và đang có những hình thức học tập, làm theo.


Tuổi trẻ Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp phát động phong trào tiết kiệm xây dựng "Ngôi nhà 100 đồng"  nhân Tháng Thanh niên 2012. (Nguồn: qdnd.vn)
 

Hai là, Phong trào đã xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, cách làm phù hợp với đặc điểm công tác đoàn và phong trào thanh niên trong Quân đội. Nổi bật là, Ban Thanh niên Quân đội đã huy động nguồn lực trong toàn quân và phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Bình triển khai xây dựng 1,5km đường bê tông tại xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, trị giá 1,5 tỷ đồng; trong đó, Ban Thanh niên Quân đội tham gia 750 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Đầu tháng 7-2012, con đường đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Ban Thanh niên Quân đội còn phối hợp với Báo Tuổi trẻ Thủ đô và Viện Thủy công, Viện Khoa học (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai làm công trình nước sạch (lắp dựng các bể chứa nước mưa bằng vật liệu Composet) phục vụ nhân dân và Đồn Biên phòng trên địa bàn xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, trị giá trên 400 triệu đồng. Ngoài ra, bằng việc đóng góp công sức cùng với nhân dân trên các địa bàn đóng quân, tuổi trẻ Quân đội đã tham gia xây dựng các hạng mục công trình theo tiêu chí nông thôn mới; tham gia hơn 47.000 ngày công lao động giúp dân tiến hành tu sửa, thi công làm mới 3.469 km đường giao thông nông thôn, nạo vét hơn 10.000 km kênh thuỷ lợi; phối hợp với Đoàn Thanh niên khối trực thuộc Trung ương Đoàn và các đơn vị Quân đội ở cơ sở, các địa phương xã hội hóa hơn 5 tỷ đồng để bảo dưỡng các hạng mục công trình, như: nhà văn hóa, trường học, công trình vệ sinh... Qua  thực hiện thành công các công trình trọng điểm nói trên, có thể thấy: trọng tâm, trọng điểm của Phong trào “Tuổi trẻ Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới” đã hướng vào việc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là góp phần cải tạo, xây mới hệ thống giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi vì cộng đồng. Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, vấn đề xây dựng hệ thống giao thông và các công trình phúc lợi công cộng là một trọng điểm đòi hỏi nguồn lực lớn nhất. Trên thực tế, đây cũng là nội dung mà tuổi trẻ Quân đội có thể tham gia tích cực, đầy đủ nhất. Để thực hiện tốt vấn đề này, Ban Thanh niên Quân đội đã chú ý huy động nguồn lực nội bộ từ các tổ chức đoàn trong Quân đội; đồng thời, tăng cường kêu gọi, liên kết với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong cộng đồng. Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch tu sửa các Nghĩa trang Liệt sĩ trên địa bàn cả nước, Ban Thanh niên Quân đội đã tổ chức tu sửa Nghĩa trang Liệt sĩ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với dự toán khoảng 400 triệu đồng. Công trình đã hoàn thành vào dịp Ngày Thương binh – Liệt sĩ vừa qua. Hiện nay, Ban Thanh niên Quân đội đang phối hợp với Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương và Tỉnh đoàn Quảng Nam khảo sát và tổ chức tu sửa Nghĩa trang Liệt sĩ xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Trong tháng 7-2012, toàn quân đã huy động hơn 25.000 cán bộ, đoàn viên, thanh niên hành quân về các Nghĩa trang Liệt sĩ trên các địa bàn đơn vị đóng quân, tiến hành tu sửa, nâng cấp, tổng dọn vệ sinh, quét vôi ve trên các phần mộ liệt sĩ và xung quanh khu vực Nghĩa trang; phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại các Nghĩa trang Liệt sĩ trên các địa bàn đơn vị đóng quân. Có thể nói, việc tu sửa các Nghĩa trang Liệt sĩ không chỉ là hành động “Đền ơn đáp nghĩa”, có tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn trực tiếp góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần ở nông thôn. Cả nước hiện có trên 2.000 Nghĩa trang Liệt sĩ, trong đó, rất nhiều Nghĩa trang đang xuống cấp cần được đầu tư tu bổ, sửa sang. Làm tốt điều đó là hành động tri ân sâu sắc của tuổi trẻ Quân đội đối với những người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng; đồng thời, cũng để lại dấu ấn sâu sắc với cộng đồng, xã hội. Hiện tại, Ban Thanh niên Quân đội phối hợp với các cơ quan chức năng để đẩy mạnh hơn nữa Chương trình này trong toàn quân, toàn quốc. Như vậy, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là xây dựng, sửa sang hệ thống giao thông nông thôn và chăm sóc, tu bổ, sửa sang các Nghĩa trang Liệt sĩ, Thanh niên Quân đội đang dần khẳng định vị trí trọng tâm, trọng điểm của mình trong Phong trào “Tuổi trẻ Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Ba là, Phong trào đã thu hút rộng rãi các đơn vị, tổ chức đoàn và mọi đoàn viên, thanh niên trong Quân đội tham gia. Nhìn rộng trên địa bàn cả nước, đâu đâu cũng có hoạt động của tuổi trẻ Quân đội giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, như: tuyên truyền và giúp nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, xây dựng các mô hình kinh tế gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chiếu phim phục vụ nhân dân; thu hoạch hoa màu, sửa chữa nhà cửa giúp đỡ nhân dân trên các địa bàn đơn vị đóng quân; ủng hộ cho đồng bào vùng bị thiên tai lương thực, thực phẩm (tại địa bàn Quân khu 9); tặng giống, vốn, công cụ sản xuất cho đối tượng chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (tại địa bàn Quân khu 3)... Cùng với đó, các hoạt động bảo vệ nguồn nước sạch, bảo vệ dòng sông quê hương, phòng chống cháy rừng, làm sạch hơn 100 km bờ biển; phối hợp vận động nhân dân hạn chế sử dụng túi ni lông, xây dựng văn minh đô thị, khu dân cư xanh - sạch - đẹp; đăng ký đảm nhận tu sửa, củng cố nơi ăn, ở, sinh hoạt, xây dựng môi trường văn hoá trong đơn vị; xây dựng và thực hiện tốt mô hình “Chi đoàn không có cán bộ, đoàn viên thanh niên hút thuốc lá”; tổ chức tập huấn, tuyên truyền bảo vệ môi trường, các kỹ năng ứng phó, phòng chống khắc phục thiên tai, bão lũ, dịch bệnh... đã thu hút mọi cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong Quân đội tham gia. Tuy số lượng, chất lượng, hiệu quả các hoạt động này ở mỗi đơn vị có khác nhau, nhưng đã góp phần làm nên bức tranh chung, sinh động, đa dạng về Phong trào “Tuổi trẻ Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Với những thành công bước đầu, có thể khẳng định: tuổi trẻ Quân đội đã có nhiều đóng góp vào Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong thời gian tới, các tổ chức đoàn trong Quân đội sẽ tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản, như: tiếp tục giáo dục, nâng cao nhận thức để mọi cán bộ, đoàn viên, thanh niên, mọi tổ chức đoàn, tham gia có hiệu quả hơn nữa vào phong trào xây dựng nông thôn mới; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch đã được cấp ủy, chỉ huy các cấp phê duyệt; uốn nắn, chấn chỉnh những nơi không thực hiện theo kế hoạch hoặc có biểu hiện làm lướt, làm qua loa. Đặc biệt, các cấp chú ý tổng kết các mô hình hiệu quả, cách làm hay để biểu dương, khen thưởng, phổ biến nhân rộng trong toàn quân; phát huy vai trò năng động của các tổ chức đoàn và đội ngũ cán bộ, đoàn viên để tìm ra những mô hình, cách làm mới phù hợp với đặc điểm hoạt động của thanh niên Quân đội; huy động sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đối với phong trào của thanh niên Quân đội... Giải quyết tốt các vấn đề cơ bản nêu trên sẽ tạo nguồn động lực lớn, góp phần đưa Phong trào “Tuổi trẻ Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới” phát triển ngày càng sâu rộng.

Thiếu tá THÁI ĐỨC HẠNH

Trưởng Ban Thanh niên Quân đội

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.