Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:13 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Quản lý nhà nước về quốc phòng là một nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD); là biện pháp quan trọng đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự (QP,QS) địa phương đạt hiệu quả thiết thực, đúng Luật Quốc phòng. Ý thức rõ điều đó, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này.
Là một tỉnh miền núi, nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh (QP-AN) đối với Quân khu 1 và cả nước. Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ trung tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), mà còn coi trọng triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ QP-AN, nhất là công tác quản lý nhà nước về quốc phòng và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Điểm nổi bật trong công tác quản lý nhà nước về quốc phòng ở Thái Nguyên là: triển khai chặt chẽ, đồng bộ và toàn diện ở tất cả các cấp. Nhờ đó, những nội dung lớn của nhiệm vụ QP,QS như: xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn được củng cố ngày càng vững chắc; tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ (KVPT) Tỉnh, huyện được tăng cường; chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương được nâng cao. Sự phối hợp hoạt động giữa lực lượng an ninh với quân sự được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Mặt khác, hệ thống chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể của Tỉnh được xây dựng vững mạnh, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng lên; lòng tin, sự đồng thuận của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương được tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc… Đó là những nhân tố quan trọng tạo cơ sở cho nền kinh tế của Tỉnh phát triển nhanh, khá toàn diện (tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2005 - 2010 đạt hơn 11%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 17,4 triệu đồng, thu ngân sách tăng bình quân đạt 23,1%/năm); kết cấu hạ tầng KT-XH (điện, đường, trường, trạm,…) phát triển nhanh, bền vững; chính sách an sinh xã hội có chuyển biến tích cực. Năm 2010, tỉnh Thái Nguyên đã xóa được nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11%; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện…
Từ thực tiễn có thể khẳng định, một trong những nguyên nhân cơ bản của việc thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quốc phòng ở địa phương là Tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự các cấp trong việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện chức năng tham mưu giúp uỷ ban nhân dân (UBND) cùng cấp về công tác quan trọng này. Trên cơ sở đó, UBND Tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, đoàn thể triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quốc phòng, trong đó hết sức coi trọng quản lý nhà nước về quốc phòng.
Trước hết, Tỉnh tăng cường quản lý đối với công tác giáo dục QP-AN, coi đây là một nội dung trọng tâm thường xuyên, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và của toàn dân đối với công tác QP-AN, tạo cơ sở vững chắc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ QP,QS ở địa phương. Theo đó, UBND Tỉnh chỉ đạo các huyện (thị xã, thành phố), các ban, ngành của Tỉnh tổ chức tốt việc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác giáo dục QP-AN, nhất là Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ về giáo dục QP-AN cho mọi đối tượng; tập trung kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp, bảo đảm đủ số lượng, đúng thành phần, cơ cấu hợp lý; xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch công tác sát với đặc điểm, tình hình địa phương. Cơ quan quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương tiến hành rà soát, phân loại đối tượng, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo phân cấp. Trong quá trình tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN, Tỉnh tích cực đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, khu vực. Nhờ được triển khai chặt chẽ, nền nếp nên công tác giáo dục QP-AN của Tỉnh đạt hiệu quả thiết thực; Hội đồng giáo dục QP-AN và cơ quan thường trực của Hội đồng (cơ quan quân sự) luôn xác định rõ trách nhiệm, phát huy tốt vai trò tham mưu cho UBND Tỉnh thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giáo dục QP-AN. Đến nay, Tỉnh đã gửi đi đào tạo và tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại địa phương cho các đối tượng được 61.683 đồng chí, đạt 94,67%; trong đó, đối tượng 1 đạt 100%; bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 106 vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo; giáo dục QP-AN cho 581.620 lượt học sinh, sinh viên; kết quả: 100% đạt yêu cầu, trong đó, tỷ lệ khá, giỏi: 80%. Qua đó, đã nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong Tỉnh về quan điểm, đường lối QP-AN của Đảng; vị trí, vai trò của công tác QP,QS địa phương; quyền lợi và nghĩa vụ của công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ quê hương, đất nước.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị định số 119/2004/NĐ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 36/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thái Nguyên chú trọng phát huy vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác quản lý nhà nước về quốc phòng trong kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN; xây dựng thế trận QPTD gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân; xây dựng KVPT vững chắc. Sự nghiệp đẩy mạnh CNH,HĐH và chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hiện nay là chủ trương lớn của Đảng, là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của Tỉnh phát triển nhanh. Song, bên cạnh mặt tích cực là cơ bản cũng đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, với thách thức không nhỏ trong công tác quản lý nhà nước về quốc phòng đối với cả nước nói chung và Thái Nguyên nói riêng. Điều đó thể hiện trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thẩm định các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển KT-XH, nhất là các dự án kinh tế trọng điểm có vốn đầu tư nước ngoài; trong kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN; trong quản lý đất quốc phòng, các công trình quốc phòng trên địa bàn... Vì vậy, UBND Tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về quốc phòng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện, Tỉnh coi trọng quản lý ngay từ trong xây dựng quy hoạch tổng thể, kế hoạch, dự án phát triển KT-XH của các cấp, các ngành, trên tất cả các lĩnh vực theo chủ trương, định hướng đã xác định. Tỉnh thường xuyên chỉ đạo cơ quan quân sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan chức năng của Tỉnh quản lý chặt chẽ các hang động tự nhiên, các công trình quốc phòng, đất quốc phòng, cầu cống, bến vượt, các khu vực địa hình có giá trị quân sự; tham gia khảo sát, thẩm định và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai các dự án phát triển KT-XH… Chủ trương của Tỉnh là: việc kết hợp đó phải đảm bảo được cả mục tiêu KT-XH và QP-AN; với yêu cầu: mỗi bước phát triển KT-XH là một bước tăng cường tiềm lực vật chất - kỹ thuật KVPT và thế trận QPTD trên địa bàn, tạo cơ sở vững chắc để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QP,QS địa phương trong thời bình và sẵn sàng bảo đảm nhu cầu QP-AN khi xảy ra chiến tranh. Thực hiện sự chỉ đạo của Quân khu, Tỉnh kịp thời điều chỉnh, bổ sung quyết tâm, hệ thống kế hoạch, phương án tác chiến phòng thủ các cấp phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QP,QS; đồng thời, xây dựng kế hoạch và tích cực luyện tập phòng chống cháy rừng, lụt bão, tìm kiếm cứu nạn để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Công tác huấn luyện, diễn tập KVPT cũng được Tỉnh chỉ đạo, quản lý chặt chẽ; cơ chế hoạt động QP-AN được vận hành tốt, ngày càng hoàn thiện. Thực hiện Nghị định 152 của Chính phủ về xây dựng KVPT và căn cứ vào chỉ tiêu Quân khu giao, Tỉnh phấn đấu 5 năm tổ chức diễn tập KVPT Tỉnh 1 lần; hằng năm tổ chức diễn tập cho 2 huyện (thị xã, thành phố) và diễn tập tác chiến - trị an cho 25% số xã (phường, thị trấn). Cùng với đó, Tỉnh hết sức coi trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn ngân sách quốc phòng trên cấp, kết hợp với huy động nguồn ngân sách địa phương bảo đảm cho hoạt động QP,QS ở địa phương. Trong đó, coi trọng đầu tư xây dựng KVPT Tỉnh, huyện (căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, công trình quốc phòng), đảm bảo nhu cầu hoạt động thực hiện nhiệm vụ QP-AN của LLVT cả trong thời bình và thời chiến. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành 2 trục đường cơ động, hệ thống công sự, trận địa trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương của Tỉnh và nâng cấp 4 tuyến đường giao thông liên huyện; đầu tư xây dựng cụm kho kỹ thuật của KVPT. Hiện nay, Tỉnh đang tiến hành khảo sát để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch động viên công nghiệp, nhằm không ngừng tăng cường tiềm lực QP,QS, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về quốc phòng được Thái Nguyên đặc biệt coi trọng là xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện, đủ sức làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ QP,QS địa phương. Trước hết, Tỉnh tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, sự chỉ đạo của UBND Tỉnh đối với việc xây dựng cơ quan quân sự các cấp vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, đủ sức tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về quốc phòng và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng ở địa phương, cơ sở. Tỉnh chú trọng xây dựng LLVT địa phương có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, có chất lượng tổng hợp, trình độ SSCĐ cao, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; duy trì, thực hiện nghiêm túc sự phối hợp giữa Quân đội với Công an theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ trong trao đổi xử lý thông tin, phối hợp đấu tranh ngăn ngừa mọi hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Lực lượng dân quân tự vệ luôn được Tỉnh chỉ đạo xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”, đúng Luật Dân quân tự vệ; quản lý, huấn luyện chặt chẽ, bảo đảm đúng thành phần, số lượng hợp lý, đạt tỷ lệ 1,73% so với số dân; đảm bảo chất lượng, nhất là chất lượng chính trị. Đối với lực lượng dự bị động viên, Tỉnh chỉ đạo thực hiện chặt chẽ từ khâu tạo nguồn, đăng ký, sắp xếp nguồn, quản lý, huấn luyện, SSCĐ đến việc bảo đảm chế độ, chính sách; quản lý chặt chẽ phương tiện, vật tư, kỹ thuật theo kế hoạch động viên đã xác định.
Cùng với đó, UBND Tỉnh thường xuyên duy trì tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực chất việc thực hiện nhiệm vụ QP,QS ở các địa phương, cơ sở và các sở, ban, ngành. Tỉnh chỉ đạo trong nhiệm kỳ, mỗi địa phương, cơ sở phải được thanh tra, kiểm tra ít nhất 1 lần; định kỳ 6 tháng, hằng năm, các cấp, cơ quan, đơn vị tiến hành sơ kết, tổng kết công tác QP,QS. Qua đó, nhằm đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra những chủ trương, biện pháp sát, đúng trong thực hiện nhiệm vụ QP,QS địa phương, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về quốc phòng.
Phát huy vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của mình, UBND tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quốc phòng ở địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN mà Nghị quyết Đại hội XVIII của Đảng bộ Tỉnh đã đề ra.
DƯƠNG NGỌC LONG
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND Tỉnh
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng