QPTD -Thứ Sáu, 10/08/2018, 09:16 (GMT+7)
Thái Bình coi trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh

Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Đối với Thái Bình - địa bàn ven biển, án ngữ trên hướng phòng thủ chiến lược của đất nước thì việc kết hợp đó càng có ý nghĩa quan trọng, đã và đang được Tỉnh tập trung thực hiện, với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc và thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng về kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo cơ sở quan trọng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của Tỉnh không ngừng tăng. Năm 2017, GDP của Tỉnh đạt trên 11,2%, cao hơn mức tăng 10,06% của năm 2016; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,46%; công nghiệp và xây dựng tăng 22,1%; dịch vụ tăng 8,34%,… đã khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các giải pháp kinh tế được ban hành. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, thể thao, chính sách an sinh xã hội,… được quan tâm và đạt kết quả tốt. Đến nay, toàn Tỉnh có 87% làng, khu phố đạt chuẩn văn hóa, 100% số hộ có phương tiện nghe, nhìn; 746 trường học đạt chuẩn quốc gia, v.v. Công tác quốc phòng, an ninh thường xuyên được tăng cường cả lực lượng và thế trận, góp phần bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Hội nghị ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng
năm 2018 của Đảng ủy Quân sự Tỉnh

Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh chưa thật bền vững, còn theo chiều rộng, phụ thuộc nhiều vào vốn và tài nguyên; kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Trong khi đó, lợi dụng những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội, nhất là việc quản lý đất đai, đền bù, giải tỏa các dự án, các thế lực thù địch đẩy mạnh xuyên tạc, kích động chống phá. Vì thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh là vấn đề rất quan trọng, cả trước mắt và lâu dài, cần được nghiên cứu kỹ, thực hiện đồng bộ, với nhiều giải pháp, bước đi thích hợp.

Trước hết, tập trung nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang và toàn dân về sự cần thiết phải kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu, nhằm thống nhất nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện chủ trương đúng đắn, quan trọng này. Theo đó, Tỉnh triển khai đồng bộ, chặt chẽ công tác giáo dục, tuyên truyền ở tất cả các cấp với nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, phù hợp; trong đó và trước hết, tập trung giáo dục, bồi dưỡng làm cho đội ngũ cán bộ các cấp nhận thức sâu hơn về quan hệ mật thiết hữu cơ giữa phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh; giữa bảo vệ và tự bảo vệ, lấy tự bảo vệ là chủ yếu, nhất là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, nhấn mạnh tác hại và những hệ lụy của việc coi nhẹ yếu tố quốc phòng, an ninh; kiên quyết khắc phục nhận thức chỉ chú trọng vào lợi ích kinh tế hoặc phát triển kinh tế bằng mọi giá. Trên cơ sở đó, Tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, lực lượng,… căn cứ vào đặc điểm, nhiệm vụ để xác định mục tiêu, yêu cầu, nội dung, chương trình, kế hoạch để thực hiện kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh.

Để tạo cơ sở khoa học vững chắc cho quá trình nhận thức, Tỉnh chú trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng theo quy định. Thời gian qua, việc thực hiện công tác này về cơ bản đã đi vào nền nếp, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức, nhất là thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trước những phát triển mới của tình hình, thời gian tới, Tỉnh tiếp tục kiện toàn, đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp theo hướng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan Quân sự, Công an và các ngành có liên quan chủ động nghiên cứu, biên soạn, bổ sung hệ thống giáo trình, tài liệu cũng như đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng ở cơ sở, đảm bảo sát tình hình thực tiễn. Tiếp tục nghiên cứu, mở rộng đối tượng tham gia giáo dục, bồi dưỡng, nhất là đối với chức sắc, chức việc tôn giáo, các chủ doanh nghiệp, chủ hộ tàu thuyền đánh bắt trên biển; chú trọng lồng ghép giáo dục, bồi dưỡng thông qua các đợt tập huấn về quốc phòng, an ninh, diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, chiến đấu phòng thủ xã, phường, thị trấn,… và qua các phương tiện thông tin đại chúng, v.v. Qua đó, góp phần làm cho các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân hiểu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh về mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; xác định quyết tâm, trách nhiệm trong triển khai thực hiện.

Cùng với nâng cao nhận thức, Tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường thế trận quốc phòng, an ninh cả trong quy hoạch tổng thể và triển khai thực hiện của từng ngành, lĩnh vực. Thái Bình vốn là tỉnh thuần nông, nhưng lại có nhiều tiềm năng về tài nguyên, như: khí, điện than, biển cùng nguồn nhân lực dồi dào, tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian qua, trên địa bàn Tỉnh đã có hàng trăm dự án đầu tư được triển khai, với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, song cũng phát sinh những phức tạp mới. Vì thế, trên cơ sở quy hoạch tổng thể về kinh tế - xã hội, Tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, thẩm định, giám sát kỹ việc phân vùng, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, khu đô thị mới gắn với quy hoạch quốc phòng, an ninh để điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Trong đó, Tỉnh chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch và nông nghiệp nông thôn; gắn quy hoạch với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng theo một kế hoạch thống nhất. Theo đó, các dự án, khu công nghiệp của Tỉnh đã được quy hoạch liên kết chặt chẽ từ dự án Cồn Vành, Cồn Đen, khu nuôi trồng thủy sản, cảng biển đến các dự án nội địa, như: khu công nghiệp Tiền Hải, cụm công nghiệp Cửa Lân, Vũ Ninh và dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình,… tạo thành thế trận bờ - biển - đảo liên hoàn, vững chắc. Đi liền với công tác quy hoạch, Tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển kết hợp với tăng cường quốc phòng, an ninh ở khu vực này. Đến nay, Tỉnh đã hoàn thành việc nâng cấp, làm mới 870,6 km đường giao thông, nhất là các tuyến đường ra hướng biển, như: quốc lộ 39B - Cồn Nhất, đường Vô Hối - Diêm Điền, đường Thái Thụy - Thái Thịnh,… với số vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng; hoàn thành và đưa vào sử dụng hàng chục cầu cảng; nạo vét hệ thống kênh mương; đưa dân cư ra sinh sống ở các cồn, bãi mới,… góp phần tạo thế trận quốc phòng, an ninh ngày càng vững chắc.

Trên nền tảng đó, thời gian tới, Tỉnh tập trung triển khai thực hiện tốt Dự án Khu kinh tế ven biển Thái Bình rộng trên 30.580 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 2017) theo hướng kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng. Để làm được điều đó, Tỉnh chỉ đạo các ngành, lực lượng và địa phương tổ chức khảo sát, điều tra kỹ để tham gia lập quy hoạch chi tiết, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Dự án. Theo đó, việc quy hoạch phải hình thành các khu công nghiệp; cảng và dịch vụ cảng; du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí; vùng nuôi trồng thủy sản, rừng phòng hộ; khu dân cư đô thị và hành chính, v.v. Từng bước triển khai các hạng mục theo đúng lộ trình đề ra, đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo tồn, phát huy giá trị của hệ sinh thái biển cũng như các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn gắn với xây dựng các tiềm lực của khu vực phòng thủ các cấp; trọng tâm là tiềm lực và lực lượng quân sự, an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trước hết, Tỉnh coi trọng phát triển các ngành kinh tế lưỡng dụng, được tính toán bố trí trên các địa bàn, làm cơ sở để hình thành căn cứ hậu phương, khu hậu cần - kỹ thuật,… cho khu vực phòng thủ tỉnh, huyện. Trong đó, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến có tính lưỡng dụng, các vùng chuyên canh theo chuỗi sản phẩm giá trị cao,… tạo tiềm lực sâu rộng cho quốc phòng để sẵn sàng huy động khi cần thiết. Trên cơ sở thành quả kinh tế đạt được, Tỉnh đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: giao thông, thông tin liên lạc, y tế và các công trình phòng thủ dân sự trên địa bàn,… đảm bảo vừa phục vụ dân sinh vừa sử dụng cho quốc phòng khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, Tỉnh tập trung xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; coi trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và tham gia tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở chính trị, làm công tác dân vận và làm nòng cốt trong phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, v.v. Riêng với lực lượng dân quân tự vệ, cùng với thực hiện đúng theo Luật định, Tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân trong việc xây dựng, huy động lực lượng dân quân tự vệ và phương tiện cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định. Đến nay, lực lượng dân quân tự vệ của Tỉnh chiếm 1,31% so với số dân; lực lượng dự bị động viên xếp đủ 100% biên chế đầu mối đơn vị. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2020, toàn Tỉnh có 286 cán bộ Ban Chỉ huy quân sự xã (phường, thị trấn) và 300 đến 350 sĩ quan dự bị được đào tạo chuyên ngành quân sự bằng nguồn ngân sách của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng các khu tái định cư, bảo vệ môi trường sinh thái, v.v.

Nhờ có nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp và hiệu quả, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh của tỉnh Thái Bình đã đạt nhiều thành quả đáng khích lệ. Đây là một trong những cơ sở, tiền đề quan trọng để Tỉnh cùng với cả nước thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá NGUYỄN ĐỨC DŨNG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.