QPTD -Thứ Hai, 19/08/2013, 16:23 (GMT+7)
Tập đoàn Viễn thông Quân đội vững vàng hội nhập và phát triển

Trong chiến lược phát triển của mình, Tập đoàn Viễn thông Quân đội xác định mục tiêu đến năm 2015 trở thành một trong những tập đoàn chủ đạo của quốc gia về viễn thông và công nghệ thông tin, nằm trong Top 30 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới.

Để đạt được mục tiêu chiến lược đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã xác định lộ trình phát triển phù hợp, có biện pháp lãnh đạo sát, đúng và tổ chức thực hiện kiên quyết, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, tạo bước đi đột phá, đổi mới toàn diện.

Thượng tướng Ngô Xuân Lịch thăm dây chuyền công nghệ sản xuất điện thoại di động ở Công ty Thông tin M1 thuộc Tập đoàn
(Nguồn: qdnd.vn)

Sau 13 năm chính thức gia nhập thị trường viễn thông, với chiến lược sản xuất, kinh doanh đúng đắn, với cách làm sáng tạo, khác biệt, Viettel đã có bước phát triển vượt bậc1, trở thành doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng lưới lớn nhất Việt Nam, một trong 15 doanh nghiệp viễn thông phát triển nhanh nhất thế giới. Thương hiệu Viettel đã được khẳng định ở trong nước và quốc tế. Viettel đã xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2015 và tầm nhìn 2020, tập trung vào các lĩnh vực: viễn thông trong nước, viễn thông nước ngoài, sản xuất thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin, bất động sản và các ngành nghề khác, đưa viễn thông và công nghệ thông tin vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, triển khai kinh doanh truyền hình cáp... với mục tiêu tăng trưởng doanh thu bình quân hằng năm từ 15% đến 20%; trong đó, viễn thông trong nước tăng từ 13% đến 15%; viễn thông nước ngoài tăng từ 30% đến 40%. Viettel cũng quan tâm xây dựng giá trị văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp, bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang làm tăng nhu cầu phát triển các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin, Tập đoàn đồng thời phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các mạng viễn thông trong nước và quốc tế cùng những thách thức nội sinh, như: công tác quản lý tài sản, vật tư, hàng hóa, chất lượng phục vụ, thái độ giao tiếp với khách hàng, đối phó với tội phạm công nghệ ngày càng nhiều và tinh vi... Đây là những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển, đòi hỏi Tập đoàn phải sớm tìm ra giải pháp khắc phục.

Để vững vàng hội nhập và phát triển, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Viettel trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn, Tập đoàn đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

1. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới, tạo lợi thế để phát triển và hội nhập. Với quan điểm xuyên suốt “hạ tầng mạng lưới có trước, kinh doanh sau”, ngay từ những ngày đầu, Tập đoàn đã hoạch định con đường gia nhập thị trường viễn thông đúng hướng, sáng tạo và táo bạo. Viettel là doanh nghiệp thứ 4 tham gia thị trường di động tại Việt Nam, khi đã có 3 doanh nghiệp ra đời trước thống lĩnh thị trường (Vinaphone và Mobiphone nắm giữ 97% thị phần, Sphone nắm giữ 3% còn lại). Thực tiễn đó dường như không còn “cửa” cho Viettel. Nhưng bằng triết lý nghĩ khác, làm khác, chấp nhận làm việc khó để tìm cơ hội trong thách thức, Viettel đã nhìn thấy một thị trường rộng lớn là: nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đang là một tiềm năng bỏ ngỏ, khi các doanh nghiệp khác chỉ tập trung đầu tư vào thành thị và khu đông dân cư.

 Với tầm nhìn chiến lược và với khát khao biến thị trường viễn thông Việt Nam vốn bị coi là xa xỉ và đắt đỏ trở thành bình dân để mọi người đều có thể được hưởng tiện ích của dịch vụ này, lãnh đạo Tập đoàn đã đề ra quyết sách xây dựng hệ thống hạ tầng mạng lưới rộng khắp cả nước, quang hóa đến 90% số xã, mỗi xã có 01 trạm thu phát sóng (BTS). Kết quả sau 03 năm, Tập đoàn đã xây dựng được số trạm BTS bằng các doanh nghiệp khác làm trong 13 năm. Đặc biệt là, từ một doanh nghiệp khởi nghiệp gần như bằng hai bàn tay trắng, Viettel đã trỗi dậy, xây dựng mạng lưới lớn nhất Việt Nam với 200.000 km cáp quang, trên 56.000 trạm phát sóng cả 2G và 3G, góp phần tạo dựng hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin Việt Nam đạt mức cao nhất so với các nước đang phát triển, với tỷ lệ cáp quang trên đầu người cao gấp 10 lần trung bình thế giới; mật độ người dân sử dụng điện thoại cao hơn 40% trung bình thế giới; cung cấp Internet cho gần 40.000 trường học, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về phổ cập Internet đến người dân.

Không chỉ tạo ra sự khác biệt trong cách nghĩ, cách làm, lãnh đạo Tập đoàn luôn quan tâm xây dựng không gian sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực tự cường của cán bộ, nhân viên. Nhờ đó, Tập đoàn đã tự làm chủ toàn bộ quá trình từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng, đến vận hành khai thác hạ tầng mạng lưới, trở thành doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam tự xây dựng và khai thác mạng lưới mà không bị phụ thuộc vào đối tác nước ngoài; đồng thời, là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công lý thuyết về cự ly phát sóng của các trạm BTS sử dụng công nghệ GSM2. Viettel còn thực hiện việc tích hợp các thiết bị của nhiều nhà cung cấp khác nhau trong một trạm để không phụ thuộc vào thiết bị của bất kỳ nhà cung cấp nào. Việc làm chủ về xây dựng và khai thác mạng lưới cũng đã giúp Viettel tự chủ hoàn toàn trong việc thiết kế, lắp đặt hệ thống mạng lưới viễn thông tại Đông Timor trên cơ sở tái sử dụng hạ tầng của EVN Telecom.

Chính khả năng làm chủ hạ tầng mạng lưới đã tạo ra cho Viettel một lợi thế khác biệt, giúp Viettel có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách hàng, góp phần làm bùng nổ thị trường viễn thông Việt Nam; đồng thời, cũng là một trong những lợi thế khác biệt để Viettel chủ động hội nhập quốc tế với chiến lược “đầu tư quy mô lớn, tốc độ nhanh, lấy di động và băng rộng, mạng lưới rộng khắp và dịch vụ phổ cập là chiến lược thâm nhập thị trường”.

2. Tập trung đột phá xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhân tố con người trong quá trình phát triển, cùng với việc tạo ra tiềm lực vật chất, Tập đoàn chủ trương đột phá trong công tác tổ chức, tuyển chọn, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực và xác định đây là nhân tố nền tảng, then chốt, mang lại lợi thế và năng lực cạnh tranh, quyết định sự tồn tại và phát triển nhanh, bền vững.

Bằng các chính sách hấp dẫn, Viettel đã thu hút nguồn nhân lực có chất lượng ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khác hoặc được đào tạo tại các trường nổi tiếng ở nước ngoài về làm việc tại Tập đoàn; tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thực tiễn và khuyến khích, động viên cán bộ, nhân viên tự học tập, nghiên cứu; đồng thời, coi trọng chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, nhân viên yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với Tập đoàn. Trong vòng ba năm (2010 - 2012), Tập đoàn đã thu hút hơn 100 nhân sự có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; trong đó, nhiều người đã từng làm việc tại các vị trí quan trọng của các tập đoàn lớn trên thế giới. Hiện tại, Viettel có quy mô trên 25.000 lao động, trên 4.000 kỹ sư (trong đó có hơn 100 kiến trúc sư trưởng, kỹ sư đầu ngành), 60% cán bộ, nhân viên có trình độ đại học và trên đại học, có khả năng khai thác, nghiên cứu, làm chủ thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin và bước đầu sản xuất một số thiết bị quân sự. Đây là nguồn lực rất quý, quyết định sự phát triển hiện tại và lâu dài của Viettel, đồng thời là nguồn dự bị nhân lực cao cho Quân đội, sẵn sàng phục vụ khi đất nước có yêu cầu.

Mục tiêu mà Tập đoàn hướng tới là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, điều hành, cán bộ chuyên môn có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng; có trình độ kiến thức, năng lực thực tiễn giỏi, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có khả năng dẫn dắt trong quá trình xây dựng doanh nghiệp từ cơ sở. Theo đó, trên cơ sở dự báo nguồn nhân lực trong tương lai, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị chủ động phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu những người có tố chất tốt để bồi dưỡng nguồn cán bộ chủ trì; đồng thời, chủ động công tác quy hoạch kết hợp với đào tạo tại chỗ qua thực tiễn để giải quyết tốt giữa số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ. Cùng với đó, tích cực xây dựng phần mềm công tác quản lý, đánh giá đúng thực trạng cán bộ, nhất là về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu phát triển của Tập đoàn cả trước mắt và lâu dài.

3. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Đảng ủy Tập đoàn xác định đầu tư ra nước ngoài là chiến lược để Tập đoàn duy trì tốc độ phát triển nhanh và bền vững. Viettel đã tiên phong đi ra nước ngoài khi trong nước còn bộn bề khó khăn. Năm 2006, Viettel quyết định đầu tư vào Cam-pu-chia, thị trường nước ngoài đầu tiên của Viettel. Sau gần 03 năm đầu tư cho hạ tầng, Metfone (thương hiệu của Viettel tại Cam-pu-chia) đã trở thành công ty có hạ tầng viễn thông lớn nhất tại Cam-pu-chia và là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp đa dịch vụ viễn thông (cả di động, internet, cố định…). Chỉ sau 02 năm kinh doanh, Metfone đã trở thành doanh nghiệp viễn thông số 1 về hạ tầng, thuê bao và doanh thu. Sau thành công đó, Viettel quyết định đầu tư tại Lào và cũng chỉ sau 02 năm kinh doanh, Unitel (thương hiệu của Viettel tại Lào) cũng trở thành hãng viễn thông số 1 về hạ tầng, thuê bao và doanh thu tại đây. Năm 2011, Metfone nhận giải “Hãng viễn thông tốt nhất tại thị trường đang phát triển”; năm 2012 đến Unitel được trao danh hiệu này. Năm  2010, Viettel quyết định đầu tư vào viễn thông Haiti - một quốc gia vừa trải qua thảm họa động đất khiến nửa triệu người chết và tới 80% cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Mặc dù vấp phải rất nhiều khó khăn, Viettel đã không bỏ cuộc mà còn tạo nên một kỳ tích về xây dựng hạ tầng. Sau hơn một năm triển khai, Viettel đã tạo nên một mạng viễn thông có hạ tầng lớn nhất Haiti, phủ tới cả vùng sâu, vùng xa, nơi mà chưa một công ty nào tới trước đó. Sau hơn một năm kinh doanh, Natcom (thương hiệu của Viettel tại Haiti) đã trở nên gần gũi, quen thuộc với mọi người dân trên đất nước này. Năm 2011, Viettel tiếp tục đầu tư vào Mozambique, sau hơn một năm, công ty Movitel (thương hiệu của Viettel tại Mozambique) đã sở hữu mạng lưới lớn nhất, có vùng phủ rộng và sâu nhất tại Mozambique, góp phần đưa đất nước này trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về hạ tầng viễn thông và trở thành một trong ba quốc gia có hạ tầng cáp quang lớn nhất khu vực sau Nam Phi và Nigeria. Movitel đã được trao giải “Doanh nghiệp có giải pháp tốt nhất giúp cải thiện viễn thông vùng nông thôn châu Phi” năm 2012. Tính đến thời điểm hiện nay, Viettel đã đầu tư sang 7 nước với thị trường gần 110 triệu dân, lớn hơn thị trường trong   nước, tại 3 châu lục (gồm: Lào, Cam-pu-chia, Haiti, Mozambique, Peru, Đông Timor, Cameroon); đã kinh doanh ở 4 nước (gồm: Lào, Cam-pu-chia, Haiti, Mozambique), chuyển lợi nhuận về nước năm 2011 hơn 40 triệu USD, năm 2012 gần 77 triệu USD.

Với mục tiêu trở thành một công ty toàn cầu, đến năm 2015 có vùng phủ từ 300 - 400 triệu dân (gấp 3 - 4 lần dân số trong nước) tạo ra doanh thu chiếm từ 15% tổng doanh thu của Tập đoàn và đến năm 2020, có doanh thu lớn gấp 2 - 3 lần trong nước, Viettel đã và đang thực hiện chiến lược đầu tư quy mô lớn, tốc độ nhanh, lấy di động và băng rộng, mạng lưới rộng khắp và dịch vụ phổ cập là chiến lược thâm nhập thị trường, bảo đảm trở thành doanh nghiệp Top 3 ở bất kỳ nước nào mà Viettel thâm nhập trong vòng từ 2 - 4 năm. Viettel đã chủ động hội nhập và chấp nhận cạnh tranh toàn cầu để thích ứng với thương trường quốc tế.

Những thành công của Viettel khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ủy, Ban Giám đốc Tập đoàn cùng với sự đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn của tập thể cán bộ, công nhân viên. Đó cũng là nền tảng vững chắc để Tập đoàn Viễn thông Quân đội tiếp tục hội nhập và phát triển bền vững.

Thiếu tướng DƯƠNG VĂN TÍNH
Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn
_______________

1 - Từ năm 2000 đến năm 2012: doanh thu của Viettel tăng 2.600 lần (từ 53,7 tỷ lên 141.086 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế tăng 22.000 lần (từ 1,25 tỷ lên 27.514 tỷ đồng); tổng giá trị tài sản tăng 419.000 lần (từ 2,3 tỷ lên 96.529 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu tăng 9.300 lần (từ 6,6 tỷ lên 63.166 tỷ đồng).

2 - Hiện nay, các mạng điện thoại di động sử dụng công nghệ GSM đều lấy khoảng cách 35 km để thiết kế mạng. Tuy nhiên, theo tài liệu của các nhà cung cấp thiết bị: trạm BTS sử dụng công nghệ GSM có thể phát sóng tối đa tới 121 km, nhưng chưa có doanh nghiệp nào làm ngoài Viettel.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.