QPTD -Thứ Năm, 16/06/2011, 08:41 (GMT+7)
Tập đoàn Viễn thông Quân đội phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với tham gia xây dựng cơ sở chính trị-xã hội

 Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh (SXKD) kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ quốc phòng-an ninh (QP-AN), góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội của đất nước là mục tiêu hàng đầu mà Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tích cực phấn đấu thực hiện.

 


Thiếu tướng Dương Văn Tính phát biểu trong Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Viễn thông Quân đội (tháng 10-2010)

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (TĐVTQĐ) là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng (BQP), vừa SXKD các dịch vụ bưu chính-viễn thông, tham gia phát triển KT-XH, vừa bảo đảm thông tin vu hồi phục vụ nhiệm vụ QP-AN, giữ vững và phát triển năng lực quốc phòng, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân uỷ Trung ương, BQP, Đảng uỷ, Ban Giám đốc (BGĐ) Tập đoàn luôn có quan điểm, chủ trương, chiến lược phát triển phù hợp; biện pháp lãnh đạo sát, đúng; tổ chức thực hiện kiên quyết, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, tạo bước đi đột phá, đổi mới toàn diện, từng bước phát triển nhanh, bền vững; từ một Tổng công ty trở thành một Tập đoàn kinh tế mạnh, góp phần tăng cường năng lực phục vụ nhiệm vụ QP-AN và xây dựng cơ sở chính trị-xã hội ở các địa phương vững mạnh.

Ra đời sau các doanh nghiệp cùng ngành nghề, để bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững, TĐVTQĐ đã chủ trương “đi tắt, đón đầu”, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến nhất của thế giới vào xây dựng hạ tầng mạng lưới, phát triển các loại hình dịch vụ; trong đó, lấy dịch vụ viễn thông làm trụ cột. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể và kế hoạch từng giai đoạn, Tập đoàn đã lựa chọn, ứng dụng chính xác công nghệ mới vào dịch vụ kinh doanh; thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, không ngừng nâng cao chất lượng mạng lưới và các loại hình dịch vụ, vừa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QP-AN. Cùng với đó, Tập đoàn đã từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài; xây dựng hệ thống quy chế, chính sách, cơ chế vận hành; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, quản lý, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên sâu và tính chuyên nghiệp cao; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; kết hợp chặt chẽ công tác tổ chức, chính sách, tư tưởng; sử dụng đòn bẩy kinh tế, khuyến khích phát triển tài năng, kích thích tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả SXKD.

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, Tập đoàn đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học tiên tiến của thế giới vào SXKD, chủ động xây dựng, phát triển nhanh và bền vững mạng lưới, tạo cơ sở đẩy mạnh kinh doanh các loại hình dịch vụ đạt chất lượng tốt. Tập đoàn đã xây dựng được 4 trục cáp quang Bắc-Nam, với công nghệ tiên tiến, cùng các đường vòng, tuyến rẽ và các tuyến vu hồi được quang hoá tới cấp huyện trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, vùng biển, đảo trong cả nước, với tổng chiều dài trên 127.000 km. Đầu tư xây dựng 47.559 trạm phát sóng điện thoại di động (cả 2G và 3G), phủ sóng tới các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (kể cả huyện đảo Trường Sa)... Đến nay, Viettel là doanh nghiệp viễn thông có mạng lưới cáp quang dài nhất, dung lượng lớn nhất, số trạm nhiều nhất, vùng phủ sâu và rộng nhất, số lượng thuê bao điện thoại di động lớn nhất Việt Nam. Điểm nổi bật là, các dịch vụ viễn thông Viettel luôn bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, thuận lợi cho khách hàng trên toàn hệ thống trong cả nước; thương hiệu Viettel đã tạo ra ưu thế cạnh tranh về giá cả, thu hút hàng triệu khách hàng lựa chọn sử dụng, góp phần phá thế độc quyền, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực viễn thông. Với phương thức phục vụ thuận lợi, giá dịch vụ hợp lý, đến nay, Viettel đã thu hút 35,8 triệu thuê bao di động thực hoạt động, trên 250 ngàn điện thoại cố định, gần 3 triệu điện thoại cố định không dây (Homephone) và trên 300 ngàn thuê bao Internet; đứng đầu về thị phần thuê bao di động Việt Nam (chiếm hơn 40% thị phần). Cùng với lĩnh vực viễn thông, Tập đoàn còn chú trọng đầu tư phát triển dịch vụ bưu chính, cung cấp các dịch vụ phát hành báo chí và chuyển phát nhanh trong toàn quốc. Thông qua việc làm của mình, TĐVTQĐ đã góp phần thiết thực vào việc phát triển KT-XH, thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế, trước hết về kinh tế của đất nước.


Thử nghiệm hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần
tại Đà Nẵng (tháng5-2011)
Thực hiện đường lối của Đảng về mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, TĐVTQĐ là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam thực hiện đầu tư ra nước ngoài; hiện đã triển khai mạng lưới và kinh doanh dịch vụ tại Lào, Cam-pu-chia, Hai-ti và đã được cấp phép tại Pê-ru, trúng thầu tại Mô-dăm-bích. Đến nay, Viettel đã đầu tư hàng trăm triệu USD xây dựng mạng truyền dẫn, mạng di động, mạng cố định và Internet, kết nối cáp quang giữa nước ta với các nước bạn; trong đó, Việt Nam là trung tâm viễn thông của 3 nước trên bán đảo Đông Dương. Vị thế của Tập đoàn ngày càng được khẳng định là nhà khai thác, cung cấp dịch vụ hoàn chỉnh trong lĩnh vực bưu chính-viễn thông của Việt Nam, Viettel là doanh nghiệp viễn thông duy nhất lọt vào Top đoạt giải thương hiệu mạnh trong thời kỳ kinh tế thế giới suy thoái và lọt vào Top 5 doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận cao (xếp thứ 4 trong tổng số 4.000 doanh nghiệp) của Việt Nam; Viettel nằm trong Top 20 mạng di động lớn nhất thế giới trong tổng số 784 nhà cung cấp dịch vụ trên toàn cầu và xếp thứ 2 trong tổng số 58 nhà cung cấp dịch vụ di động khu vực Đông Nam Á.

Cùng với nhiệm vụ SXKD, TĐVTQĐ đã kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Mạng lưới của Viettel được BQP xác định là hạ tầng thứ hai của thông tin quân sự, thực hiện vu hồi trong thời bình và sẵn sàng chuyển sang phục vụ chiến đấu khi có tình huống. Mạng Viettel đã thực hiện cấp luồng quân sự cho các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và các địa phương cả nước; vu hồi cho mạng thông tin quân sự tại các địa bàn trọng điểm về QP-AN. Mạng di động Viettel phủ sóng khắp mọi miền đất nước, trong đó có các khu kinh tế-quốc phòng, toàn tuyến biên giới trên đất liền và các vùng biển, đảo, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa chưa được phủ sóng quốc gia, trực tiếp phục vụ nhiệm vụ QP-AN; đồng thời, thường xuyên bảo đảm kịp thời, chất lượng cao cho truyền báo Quân đội nhân dân hằng ngày đến các điểm in báo các khu vực trên toàn quốc..., góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân cả nước. Bên cạnh đó, TĐVTQĐ còn là nơi thu nhận, đào tạo và giữ gìn đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, sẵn sàng bổ sung vào quân đội khi có nhu cầu; tham gia khảo sát, thiết kế, nhập khẩu thiết bị và xây lắp các công trình thông tin quân sự; thực hiện các chính sách xã hội của BQP; hằng năm, Tập đoàn đóng góp cho ngân sách quốc phòng hàng chục tỷ đồng.


  “SXKD luôn gắn liền với tham gia xây dựng cơ sở chính trị-xã hội ở địa phương vững mạnh” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tập đoàn thường xuyên chú trọng thực hiện tốt. Đảng uỷ, BGĐ Tập đoàn xác định: thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ tạo môi trường thuận lợi và là nền tảng bền vững cho thực hiện thắng lợi nhiệm vụ SXKD và QP-AN cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, Đảng uỷ, BGĐ Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị, bộ phận thường xuyên chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, nhân dân các địa phương, với các cơ quan, đơn vị và lực lượng vũ trang thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng địa bàn an toàn… thông qua việc ký kết và thực hiện nội dung, chương trình, các quy chế phối hợp. Với quan điểm: SXKD không thuần tuý chạy theo lợi nhuận mà phải chú trọng hài hoà giá trị KT-XH, nhất là với những địa bàn vùng sâu, khó khăn; phát huy thế mạnh của mình, Tập đoàn đã trực tiếp giúp cơ sở phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Đến nay Tập đoàn đã kết nối Internet miễn phí cho 100% trường phổ thông trong cả nước; hoàn thành 90,7% chương trình quang hoá xã (trong đó cấp tín hiệu quang đến 9.425 xã đạt 85%) và triển khai đạt 93% chương trình mỗi xã 1 trạm BTS. Thực hiện quy chế phối hợp, Viettel đã kịp thời cung cấp số liệu, list điện thoại theo yêu cầu, đúng theo quy định của pháp luật; đồng thời, phát hiện, phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý những đối tượng quá khích, có hành vi phá hoại tài sản nhà nước, quân đội… Qua đó, đã kịp thời ngăn chặn đối tượng xấu lợi dụng dịch vụ Viettel để vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn, giữ vững an ninh chính trị, nhất là các khu vực trọng yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển KT-XH.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong Lễ khởi công kết nối Mạng Giáo dục ở tỉnh Điện Biên
Trong quá trình hoạt động, Đảng uỷ, BGĐ Tập đoàn luôn coi trọng bồi đắp giá trị văn hoá quân sự và vận dụng sáng tạo các giá trị văn hoá vào xây dựng văn hoá của Viettel với phong cách riêng biệt, chắt lọc những truyền thống tốt đẹp của quân đội vào hoạt động SXKD, đề cao tính kỷ luật, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua thách thức để phát triển trong môi trường cạnh tranh quyết liệt của cơ chế thị trường. Phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận SXKD, với triết lý “kinh doanh luôn gắn với trách nhiệm xã hội và cộng đồng”, những năm qua, Tập đoàn luôn chủ động, tích cực tham gia các chương trình “đền ơn, đáp nghĩa”, từ thiện để tri ân nhân dân và các thế hệ đi trước thông qua thực hiện các chương trình “Nối vòng tay lớn”, “Quỹ tấm lòng Việt”, “Trái tim cho em”, “Tiếp lửa truyền thống, vang mãi khúc quân hành”, “Một thời hoa lửa”, hỗ trợ xây dựng Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Hàng Dương-Côn Đảo, ủng hộ đồng bào vùng bão lụt... đã mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Trong 3 năm (2008 – 2010), Tập đoàn đã hỗ trợ các hoạt động chính sách, xã hội... với số tiền trên 150 tỷ đồng (riêng năm 2010 là 86,9 tỷ đồng). Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008 của Chính phủ, trong 2 năm (2009 và 2010), Tập đoàn đã giúp đỡ 3 huyện nghèo (Bá Thước, Mường Lát - Thanh Hoá và ĐắkRông - Quảng Trị) với số tiền gần 45 tỷ đồng để thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo theo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Chính phủ; hỗ trợ kinh phí 2 tỷ đồng để xây dựng 2 trạm thu, phát sóng truyền hình tại 2 xã vùng sâu (Hang Kia, Pà Kò, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình) được Thủ trưởng BQP biểu dương và chính quyền, nhân dân các địa phương đánh giá cao.

Cùng với các giải pháp trên, Tập đoàn còn chú trọng chỉ đạo các đơn vị, các chi nhánh, các trạm thực hiện tốt việc kết hợp SXKD với công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giúp nhân dân nâng cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, góp phần giữ vững an ninh chính trị tại cơ sở, đảm bảo cho Tập đoàn SXKD đúng hướng, đạt hiệu quả, sẵn sàng đáp ứng tốt nhiệm vụ QP-AN.

Nhờ có định hướng đúng đắn, bước đi phù hợp, TĐVTQĐ đã khẳng định sự phát triển nhanh và bền vững, mang lại hiệu quả toàn diện cả về KT-XH, QP-AN. Quy mô sản xuất được mở rộng, năng lực về vốn, công nghệ tăng lên nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao: riêng 5 năm (2006-2010), Tập đoàn đóng góp cho BQP 650 tỷ đồng. Hiện nay Viettel đã phủ sóng 100% các đồn biên phòng, Quần đảo Trường Sa và dọc duyên hải; cung cấp hạ tầng truyền dẫn tới cấp xã...

Trong thời gian tới, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, TĐVTQĐ tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, thực hiện “đi tắt, đón đầu”, xây dựng doanh nghiệp theo hướng Tập đoàn đa ngành nghề, đa sở hữu; trở thành Tập đoàn viễn thông hàng đầu tại Việt Nam, Tập đoàn công nghệ thông tin lớn trong khu vực và trên thế giới và là doanh nghiệp mạnh của Nhà nước trong quân đội, góp phần phát triển KT-XH, phục vụ tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng DƯƠNG VĂN TÍNH

Bí thư Đảng uỷ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.