QPTD -Thứ Hai, 11/06/2012, 08:48 (GMT+7)
Tập đoàn Viễn thông Quân đội gắn chiến lược kinh doanh với an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh

Quán triệt các nghị quyết của Đảng và Chính phủ, Tập đoàn Viễn thông Quân đội luôn gắn chiến lược kinh doanh của mình với bảo đảm an sinh xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh. Đó cũng là nền tảng để Tập đoàn tồn tại, phát triển nhanh và bền vững trong 23 năm qua.


Tập đoàn Viễn thông Quân đội (VIETTEL) là tập đoàn kinh tế Nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng; là một trong 12 tập đoàn kinh tế Nhà nước - lực lượng chủ đạo trong khu vực kinh tế Nhà nước và của nền kinh tế quốc dân. Trước thời điểm đi vào kinh doanh dịch vụ viễn thông, VIETTEL chỉ là một doanh nghiệp nhỏ với trên 100 cán bộ, công nhân viên và số vốn chỉ có 2,3 tỷ đồng. Sau hơn một thập kỷ kinh doanh viễn thông, VIETTEL đã trở thành một doanh nghiệp Nhà nước có tên tuổi trên bản đồ viễn thông quốc gia và thế giới. Tính đến hết năm 2011 so với năm 2000, doanh thu của Tập đoàn tăng 3,9 nghìn lần (từ 30 tỷ đồng lên 117.300 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu tăng 17,8 nghìn lần (từ 2,3 tỷ đồng lên 41.000 tỷ đồng), lợi nhuận tăng gần 20.000 lần (từ 1 tỷ đồng lên gần 20.000 tỷ đồng - đứng thứ hai trong gần 500.000 doanh nghiệp của Việt Nam), nộp ngân sách nhà nước tăng gần 20.000 lần (từ 500 triệu đồng lên 10.000 tỷ đồng). Trong 3 năm gần đây (2009, 2010, 2011), mặc dù bị tác động bởi khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước gặp khó khăn, đa số doanh nghiệp Việt Nam thua lỗ, nhưng doanh thu của VIETEL vẫn tăng từ 60.000 tỷ đồng năm 2009 lên 117.300 tỷ đồng năm 2011. Với sự phát triển đó, so với các doanh nghiệp viễn thông trên thế giới, năm 2011, VIETTEL đứng thứ 80 về doanh thu, nhưng đứng thứ 30 về lợi nhuận, là một trong 15 doanh nghiệp viễn thông phát triển nhanh nhất thế giới.

Sở dĩ có bước phát triển nhanh và bền vững như thế, VIETTEL không có bí quyết nào khác ngoài việc xác định và thực hiện đúng chiến lược kinh doanh; gắn chặt việc thực hiện chiến lược kinh doanh với đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh (QP-AN). Tất cả những vấn đề đó đã và đang được biểu hiện sinh động qua một số hoạt động thực tiễn chủ yếu sau đây:

1- Gắn chiến lược kinh doanh với an sinh xã hội.

Đối với doanh nhiệp, mục tiêu của kinh doanh là lợi nhuận và thực tiễn đã có không ít doanh nghiệp chỉ nhằm đạt được mục tiêu này. Nhưng với VIETTEL, Tập đoàn luôn kết hợp lợi nhuận với trách nhiệm xã hội, thậm chí đặt trách nhiệm xã hội lên trước lợi nhuận với triết lý: “Cho trước, nhận sau”, “Nền tảng cho một doanh nghiệp phát triển là xã hội”. Trong khi hầu hết các nhà kinh doanh viễn thông chỉ tập trung đầu tư hạ tầng ở đô thị, khu công nghiệp, vùng đông dân cư - khu vực chi phí đầu tư ít nhưng đạt doanh thu và lợi nhuận ngay; Tập đoàn chú trọng đến thị trường nông thôn, hướng đến người nghèo vì mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Thực tế là, Tập đoàn thực hiện đầu tư hạ tầng mạng lưới tới mọi miền của đất nước (cả nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo), với giá “bình dân”, phù hợp với khả năng của người nghèo, góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Cùng với kinh doanh hướng đến người nghèo, Tập đoàn còn đầu tư và cung cấp dịch vụ internet miễn phí cho 39.500 trường học và cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; triển khai internet đến 98,6% học viện, nhà trường Quân đội. Hoạt động này đã tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về viễn thông và công nghệ thông tin.

Hậu quả 2 cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để lại còn rất lâu dài đối với nhân dân ta. Vì vậy, trong chiến lược kinh doanh của mình, VIETTEL đã cam kết tái đầu tư cho xã hội và trên thực tế đã thực hiện đúng cam kết thông qua việc gắn kết các hoạt động sản xuất, kinh doanh với các hoạt động xã hội. Hàng loạt chương trình được VIETTEL thực hiện hoặc tài trợ thực hiện, như: “Trái tim cho em”, “Phẫu thuật nụ cười”, “Nối vòng tay lớn”, “Như chưa hề có cuộc chia ly”, “Chúng tôi là chiến sĩ”, “Quỹ tấm lòng Việt”... Đó là những hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa xã hội to lớn và giá trị nhân văn sâu sắc, được Chính phủ và công chúng đánh giá cao. Đặc biệt, quán triệt Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, Tập đoàn đã nhận hỗ trợ 3 huyện nghèo (Bá Thước, Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị) thoát nghèo trong giai đoạn 2010 - 2015.

2- Gắn chiến lược kinh doanh với phát triển kinh tế biển, góp phần xây dựng thế trận QP-AN trên biển.

Là một doanh nghiệp Quân đội, Tập đoàn xác định việc đầu tư hạ tầng mạng lưới viễn thông của mình không chỉ phục vụ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là mạng lưới thông tin quân sự dự phòng và vu hồi trong cả thời bình và thời chiến. Trong khi Việt Nam có vùng biển rộng trên 1 triệu ki-lô-mét vuông (gấp trên 3 lần diện tích đất liền), có tới 30% dân số cả nước sống và làm việc trên các vùng biển, đảo, ven biển, nhưng lại chưa có một hạ tầng thông tin liên lạc (TTLL) tương xứng. Thấy được thực tế đó, VIETTEL đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 bằng Dự án: “Phát triển mạng lưới hạ tầng viễn thông tại các vùng biển, hải đảo Việt Nam - Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng”. Tuy vậy, khi bắt tay vào triển khai Dự án, Tập đoàn đã gặp vô vàn trở ngại, bởi chi phí đầu tư cho một trạm thu phát sóng trên biển đảo thường gấp 4 lần trạm thu phát sóng trên đất liền, nhưng hiệu quả chưa thể tính toán hết được. Đó là chưa nói đến khó khăn trong việc triển khai và vận hành, khai thác. Song, phát huy bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, coi khó khăn, thách thức là cơ hội để trải nghiệm và khẳng định mình, nên Tập đoàn vẫn quyết tâm đầu tư các trạm thu phát sóng thông tin di động dọc bờ biển và tại các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Tính đến nay, sau 3 năm triển khai dự án, VIETTEL đã có hàng trăm trạm thu phát sóng trên biển, đảo, trong đó có đảo Trường Sa và các nhà giàn, giàn khoan, phủ sóng tại 100% đảo có dân và vùng dọc bờ biển đất nước.

Với kết quả trên, VIETTEL đã đóng vai trò lớn trong việc phát triển hệ thống TTLL trên các vùng biển của Tổ quốc. Bên cạnh việc phủ sóng biển, đảo, tháng 4-2010, Tập đoàn đã tài trợ 58 bộ máy tính, USB và SIM cho bộ đội trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ hai đơn vị đọc được 39 đầu báo điện tử. Tiếp đó, tháng 8-2011, với thông điệp “Cùng ngư dân ra khơi”, Tập đoàn chính thức cung cấp gói cước SEA+ dành riêng cho ngư dân. Đây là gói cước có những tính năng đặc biệt, như tính năng thông báo khẩn cấp bằng tin nhắn qua đầu số 1111 và là gói cước không giới hạn thời gian sử dụng. Thông qua gói cước này, ngư dân được cung cấp miễn phí bản tin về thời tiết biển, về các số điện thoại khẩn cấp để liên lạc trong trường hợp ngư dân gặp nguy hiểm cần hỗ trợ. Ngoài các khu vực trên, Tập đoàn đang tích cực phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam triển khai phủ sóng các giàn khoan Đại Hùng, Thanh Long, Bạch Hổ…; trong đó, giàn khoan Đại Hùng dự kiến sẽ triển khai xong trong tháng 6-2012.

Việc VIETTEL phủ sóng thành công trên biển, đảo đã đáp ứng nhu cầu TTLL, ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và ngư dân trên biển, đảo, làm cho Trường Sa và các đảo tiền tiêu của Tổ quốc “gần” hơn với đất liền. Thành công này cũng giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ huy của các lực lượng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trong phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn nhanh chóng hơn. Đó chính là biểu hiện sinh động về kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng thế trận QP-AN trên biển, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Đảng và của nhân dân: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”.

3- Gắn chiến lược kinh doanh với xây dựng ngành công nghiệp sản xuất thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin, trong đó có thiết bị thông tin quân sự.

Trong khi phần lớn các doanh nghiệp chủ yếu đi vào khai thác công nghệ, mua sắm thiết bị, VIETTEL quan tâm xây dựng ngành công nghiệp sản xuất thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin, trong đó có thiết bị thông tin quân sự. Trong định hướng chiến lược này, Tập đoàn đặt ra 2 mục tiêu (2 cấp độ) cần phải đồng thời giải quyết; đó là cấp độ quốc gia và cấp độ quân sự. Về cấp độ quốc gia, Tập đoàn xác định phải hình thành ngành công nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin1. Về cấp độ quân sự, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Quân ủy Trung ương, sự quản lý trực tiếp, thống nhất và toàn diện của Bộ Quốc phòng, Tập đoàn sẽ hướng vào mục tiêu sản xuất, hiện đại hóa phương tiện kỹ thuật thông tin quân sự và một số loại khí tài khác. Đích đến của mục tiêu này trước hết là tạo ra sự độc lập, tự chủ của Quân đội ta về khí tài, thiết bị thông tin quân sự - những sản phẩm bấy lâu nay ta vốn lệ thuộc vào nước ngoài và thường phải chi phí lớn; mặt khác, nhằm bảo đảm cho các khí tài, thiết bị đó phù hợp hơn với đặc điểm khí hậu Việt Nam, với nghệ thuật tác chiến của bộ đội ta.

Để vừa đồng thời đảm bảo chiến lược kinh doanh của mình, vừa kết hợp thực hiện tốt nhiệm vụ QP-AN, Tập đoàn sẽ đóng vai trò là trung tâm hiệp đồng, phối hợp, cùng với các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng…, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất các loại khí tài thông tin quân sự, các vật tư kỹ thuật và một số trang bị, khí tài khác theo cơ chế thống nhất. Cơ chế này bảo đảm sự đồng thuận, minh bạch về lợi ích giữa các bên và bảo đảm bí mật quốc phòng, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ của bên nào và tránh đầu tư trùng lắp, chồng chéo, kém hiệu quả. Đây là cơ sở để Tập đoàn tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, Tập đoàn sẽ cùng với các bên liên quan đạt được mục tiêu đã xác định, góp phần xây dựng Quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

4- Tập trung phát triển cốt lõi, kết hợp đầu tư phát triển ở trong nước với chủ động hội nhập quốc tế.

Thay vì chạy theo xu hướng đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chủ yếu (như rất nhiều doanh nghiệp khác), VIETTEL tập trung phát triển cốt lõi, tận dụng và phát huy tối đa thế mạnh, nguồn lực của mình gắn với việc chủ động hội nhập quốc tế. Với quan điểm nhất quán đó, Tập đoàn đầu tư mạnh vào phát triển hạ tầng và thuê bao. Tính đến hết năm 2011, VIETTEL là mạng có dung lượng và vùng phủ sóng lớn nhất Việt Nam với 51.000 trạm thu phát sóng, 137.000 km cáp quang, quang hóa 87% số xã trên toàn quốc và số di động đạt 40 triệu thuê bao. Chính vì tập trung phát triển cốt lõi, Tập đoàn đã không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh, khả năng cạnh tranh, tích lũy được nhiều kinh nghiệm bổ ích về tầm nhìn chiến lược, phương pháp đánh giá thị trường, tìm kiếm thị phần và trình độ quản lý doanh nghiệp.

Đi đôi với đầu tư phát triển viễn thông ở trong nước, trước bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, VIETTEL chủ động hội nhập quốc tế với những bước đi phù hợp. Hiện nay, Tập đoàn đã triển khai hạ tầng mạng lưới tại 5 nước (Cam-pu-chia, Lào, Ha-i-ti, Pê-ru và Mô-dăm-bích), trong đó đã chính thức kinh doanh tại thị trường 4 nước (Cam-pu-chia, Lào, Ha-i-ti và Mô-dăm-bích) với gần 7 triệu thuê bao. Tại Cam-pu-chia và Lào, mạng VIETTEL đã trở thành mạng lớn nhất. Đây là thành công bước đầu rất quan trọng giúp Tập đoàn tự tin, tiếp tục đầu tư vào các quốc gia khác (theo đúng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra là đến năm 2015, VIETTEL sẽ đầu tư vào 10 đến 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 300 đến 400 triệu dân).

Các hoạt động thực tiễn trên phản ánh sinh động quyết tâm của Tập đoàn trong việc quán triệt, hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng và Chính phủ trên lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN và đối ngoại. Đó cũng là sự thể hiện trọng trách của một tập đoàn kinh tế Nhà nước với Đảng, Quân đội và nhân dân, góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc dân, tạo cơ sở để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

 Trung tướng HOÀNG ANH XUÂN

Tổng Giám đốc Tập đoàn

                  

1 - Hiện nay ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào đầu tư cho sản xuất, chế tạo các sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất viễn thông và công nghệ thông tin, mà chủ yếu dừng lại ở công đoạn gia công, lắp ráp.


Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.