QPTD -Thứ Hai, 13/02/2012, 14:11 (GMT+7)
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam gắn sản xuất, kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh

alt
Ảnh mang tính minh họa
 Kết hợp sản xuất, kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh là mục tiêu, giải pháp mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới, lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc.

 

Là một tập đoàn kinh tế nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực dầu khí. Hơn 50 năm xây dựng, phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Ban lãnh đạo PVN luôn chăm lo xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong Tập đoàn; tích cực đổi mới toàn diện, đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thành viên hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX,KD) theo định hướng phát triển chung của Tập đoàn.

Với định hướng đúng đắn, sự nỗ lực vượt bậc, sự đoàn kết nhất trí cao từ các cấp lãnh đạo đến đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức trong toàn Tập đoàn, PVN đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững, đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh (QP-AN) và đối ngoại. Đến nay, PVN đã xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, thăm dò và khai thác, chế biến, lọc hóa dầu - khí đến tàng trữ, phân phối sản phẩm dầu khí và đã thực sự trở thành một trong những tập đoàn kinh tế mạnh của cả nước, khẳng định vai trò trụ cột, đầu tầu của nền kinh tế quốc dân. Từ ngày thành lập đến nay, Tập đoàn đã khai thác trên 283 triệu tấn dầu và 73 tỷ m3 khí; gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 1.330,17 triệu m3 dầu quy đổi; tổng doanh thu 1.735.273 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân gần 20%/năm, chiếm 17% đến 22% GDP của cả nước; nộp ngân sách nhà nước 674.620 tỷ đồng. Trong 10 năm liền (2001 - 2011), PVN luôn duy trì mức nộp ngân sách nhà nước bằng 25% đến 30% tổng thu ngân sách của cả nước. Riêng năm 2011, tổng doanh thu đạt 675.000 tỷ đồng (tăng 41% so với 2010); nộp ngân sách nhà nước ước đạt 160.000 tỷ đồng; đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật (VC-KT) đạt 483.430 tỷ đồng. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển SX,KD, Tập đoàn luôn quan tâm chăm lo thực hiện tốt nhiệm QP-AN, như: tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, xác định thềm lục địa, lãnh hải, triển khai thực hiện nhiều dự án củng cố QP-AN và an sinh xã hội ở các địa bàn trọng điểm về QP-AN, như: quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK và ở các địa phương khác, với tổng số tiền gần 1.862 tỷ đồng.

Những năm gần đây, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, Tập đoàn đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết  11/ NQ-CP của Chính phủ; đồng thời, chủ động khắc phục mọi khó khăn, nghiên cứu tìm ra những giải pháp và những bước đi riêng; trong đó, ưu tiên đẩy mạnh sản xuất ở những lĩnh vực có thế mạnh; rà soát công tác đầu tư công, tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vào lĩnh vực cốt lõi. Tập đoàn đã xây dựng chiến lược phát triển dài hạn (2010 - 2015); tập trung vào ba giải pháp đột phá: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ và nâng cao năng lực quản lý. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào khâu then chốt là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật chuyên ngành có đủ năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài.

Các hoạt động SX,KD của PVN có tính đặc thù (địa bàn hoạt động rộng, trên khắp cả nước, ở vùng sâu, vùng xa, từ biên giới đến hải đảo, đặc biệt là việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trên các vùng biển xa; các hoạt động dầu khí trên bờ, đa số là các công trình, dự án trọng điểm của Nhà nước về dầu khí,...). Để đảm bảo an ninh, an toàn cho các hoạt động SX,KD dầu khí, các công trình dầu khí trên biển, Tập đoàn đã chủ động ký kết Quy chế phối hợp với các đơn vị, như: Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân và Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục Tình báo (Bộ Công an); phối hợp cùng với Bộ Tư lệnh Hải quân xây dựng kế hoạch, phương án hiệp đồng, sẵn sàng điều động các phương tiện, tàu thuyền phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP) khi có tình huống trên biển. Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn đã tích cực tham gia các đoàn công tác của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương tham gia đàm phán, thương thảo với các nước có liên quan về quyền lợi trên vùng Biển Đông, như: Trung Quốc, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a,... nghiên cứu chung các đề án về thăm dò, khai thác dầu khí; cử cán bộ, chuyên viên tham gia các nhóm chuyên viên thuộc Ban Chỉ đạo nhà nước về Biển Đông và Vịnh Bắc Bộ; làm việc với Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Thái Lan về phân định chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần xác định và bảo vệ chủ quyền, các cơ sở dịch vụ khoa học - kỹ thuật trên vùng biển, đảo của Tổ quốc. Với vai trò là thành viên của Uỷ ban Tìm kiếm, cứu nạn trên không, trên biển, Tập đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức và duy trì Đội tàu dịch vụ kỹ thuật dầu khí (trực ban 24/24 giờ trong ngày), sẵn sàng tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trên biển khi có yêu cầu. Đồng thời, Tập đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị thành viên tích cực, chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương ven biển tham gia diễn tập các phương án bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc, được Bộ Tổng tham mưu đánh giá cao và khen thưởng.

Công tác QP-AN được PVN triển khai sâu rộng, toàn diện ở tất cả các cấp. Các đơn vị thành viên tích cực thực hiện nhiệm vụ QS,QP theo đúng sự chỉ đạo của cơ quan quân sự địa phương (nơi đơn vị đặt trụ sở); chủ động xây dựng các phương án tác chiến trong việc đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự xã hội nơi có các hoạt động SX,KD; chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm nhân lực, cơ sở VC-KT sẵn sàng đối phó với chiến tranh xâm lược và tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro (nay là Liên doanh Dầu khí Việt – Nga Vietsovpetro) và các đơn vị khác có các hoạt động dầu khí trên biển đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Hải quân trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn dầu khí và tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; đầu tư kinh phí thực hiện tìm kiếm thăm dò dầu khí (địa chấn 2D, 3D) ở các vùng biển, qua đó góp phần khẳng định chủ quyền trên biển của Tổ quốc. Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ và ký hợp đồng với Lữ đoàn 128 (nay là Công ty 128) Hải quân để bảo vệ các công trình dầu khí trên vùng mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng và một số mỏ khác. Hằng năm, Tập đoàn cùng với Liên doanh Dầu khí Việt – Nga Vietsovpetro và Công ty 128 Hải quân tổ chức làm việc với các địa phương ven biển Nam Trung bộ, Tây Nam bộ để tuyên truyền, hướng dẫn về nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn dầu khí.

Cùng với đó, PVN cũng thường xuyên quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về công tác QS,QP để tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng trong Ngành; xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thành viên tổ chức thực hiện. Ban Chỉ huy Quân sự Tập đoàn và các đơn vị thành viên được củng cố, kiện toàn bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu phù hợp, hoạt động huấn luyện quân sự, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng ngày càng nền nếp, hiệu quả. Lực lượng tự vệ (LLTV) và lực lượng dự bị động viên (DBDV) của Tập đoàn được xây dựng theo đúng Luật Dân quân tự vệ và Pháp lệnh về lực lượng DBĐV; được tổ chức biên chế, huấn luyện theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng, nhất là về chính trị, thực sự là những chiến sĩ tiên phong, đi đầu trên mặt trận SX,KD, dũng cảm, kiên cường trong bảo vệ tài sản, cơ sở VC-KT của Nhà nước, đơn vị, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Các đơn vị dầu khí hoạt động trên biển thực sự đã trở thành tiền đồn, “pháo đài” vững chắc trên biển, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, Tập đoàn luôn bảo đảm ngân sách hoạt động QS,QP chế độ, chính sách đối với LLTV, lực lượng DBDV theo đúng quy định và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

Bên cạnh đó, Tập đoàn đã làm tốt công tác an sinh xã hội, như: hỗ trợ 580 tỷ đồng cho các chương trình biển đảo; 440 tỷ đồng cho thực hiện các dự án chắn sóng, chiếu sáng và năng lượng sạch cho quần đảo Trường Sa và các nhà giàn DK (giai đoạn 2006 - 2010); phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, làm Nhà đại đoàn kết cho đồng bào ở vùng sâu, biên giới với số tiền trị giá hàng trăm tỷ đồng. Riêng năm 2011, Tập đoàn đã phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng, sửa chữa 2 nhà giàn (DK14 và DK15) với tổng kinh phí gần 1.500 tỷ đồng; cùng với Bộ Tư lệnh Hải quân thực hiện Chương trình nước sạch cho nhân dân và bộ đội ở quần đảo Trường Sa và các nhà giàn với kinh phí gần 300 tỷ đồng.

Những kết quả phát triển vượt bậc, toàn diện và bền vững của Tập đoàn trong thời gian qua đã minh chứng cho sự kết hợp đúng đắn, chặt chẽ giữa hoạt động SX,KD với thực hiện nhiệm vụ QP-AN. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hiện nay, để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ SX,KD gắn với thực hiện nhiệm vụ QP-AN, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, Tập đoàn đã đề ra phương hướng và các giải pháp thực hiện đồng bộ; trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm:

1- Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, trực tiếp là các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 theo Kết luận của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; huy động mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung đẩy mạnh SX,KD, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, kế hoạch được Chính phủ giao; gắn SX,KD với thực hiện tốt nhiệm vụ QS,QP. Tiếp tục giữ vững là đơn vị kinh tế đầu tầu, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh sản xuất, góp phần cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia.

2- Cụ thể hóa các kế hoạch, chỉ tiêu SX,KD thành các chương trình hành động cụ thể, chỉ đạo quyết liệt việc tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch tăng tốc phát triển, kế hoạch phát triển trung và dài hạn, kế hoạch SX,KD hằng năm của Tập đoàn, đẩy mạnh đầu tư, triển khai có hiệu quả các dự án trọng điểm.

3- Chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp đã ký giữa Tập đoàn với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an,... Tích cực tham gia diễn tập các phương án, kế hoạch tác chiến khu vực phòng thủ nơi đơn vị đặt trụ sở. Chủ động bổ sung, điều chỉnh các phương án SSCĐ theo đúng quy định; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, lực lượng, phương tiện sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng khi có yêu cầu. Chỉ đạo các đơn vị thành viên thi đua SX,KD và xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn.

4- Chỉ đạo các đơn vị thường xuyên củng cố, kiện toàn ban chỉ huy quân sự theo đúng quy định, xây dựng và thực hiện tốt quy chế hoạt động; sắp xếp đủ cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm làm công tác QS,QP theo Thông tư liên tịch 135/2005/TTLT-BQP-BNV. Củng cố tổ chức, xây dựng LLTV theo đúng kế hoạch của cơ quan quân sự địa phương, bảo đảm quy mô, số lượng, chất lượng và độ tin cậy cao. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyển quân, đăng ký nghĩa vụ quân sự, xây dựng, quản lý lực lượng DBDV. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc nâng cao hiệu quả hoạt động SSCĐ và tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cơ quan, xí nghiệp; tích cực tham gia phòng, chống bão lũ, cháy nổ, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ và các hoạt động liên quan tới nhiệm vụ QS,QP đối với LLTV và DBĐV.

5- Thực hiện tốt công tác bảo đảm ngân sách, kinh phí cho các hoạt động QS,QP các chế độ, chính sách đối với LLTV, DBĐV; tích cực tham gia thực hiện chính sách hậu phương quân đội và các chế độ, chính sách xã hội khác; xây dựng "Quỹ Đền ơn đáp nghĩa" theo Chỉ thị 244/CT-ĐUQSTW ngày 23-6-2008 của Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương) về lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội.

6- Phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức quần chúng: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng Tập đoàn phát triển vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ SX,KD và bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ QP-AN trong giai đoạn mới.

PHẠM XUÂN CẢNH

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn,

Chính trị viên Ban CHQS Tập đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.