Thứ Sáu, 22/11/2024, 23:30 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự tồn tại, phát triển của mọi tổ chức, doanh nghiệp và nó càng quan trọng hơn khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên số. Đây cũng là nội dung nằm trong chiến lược phát triển đã, đang được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đặc biệt chú trọng để thực hiện sứ mệnh: tiên phong, chủ lực chuyển đổi số quốc gia, kiến tạo xã hội số, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những thành tựu mà Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đạt được trong quá trình xây dựng, phát triển có một nguyên nhân rất cơ bản, đó là: Viettel đã quyết liệt, kiên trì, nhất quán thực hiện có hiệu quả chiến lược xây dựng, phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như nền khoa học, công nghệ thế giới phát triển như vũ bão, chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu và diễn ra mạnh mẽ, mở ra cho Tập đoàn những cơ hội phát triển, không gian tăng trưởng mới, song cũng đặt ra những thách thức mới vô cùng to lớn. Để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030: “xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững, giữ vững vị trí là một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, có đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước; tiên phong trong chuyển đổi số và kiến tạo xã hội số”, Viettel tiếp tục đặt lên hàng đầu việc thực hiện chiến lược xây dựng con người bên cạnh hàng loạt các chiến lược phát triển khác.
Nhân lực số cho Tập đoàn công nghệ toàn cầu
Để thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình, Viettel đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu tại Việt Nam và thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về các năng lực công nghệ số, nghiên cứu công nghệ cao; mỗi lĩnh vực ngành phải sở hữu ít nhất 03 - 05 chuyên gia hàng đầu khu vực (không bao gồm các ngành đặc thù của Tập đoàn), 30% nhân sự của Tập đoàn là nhân sự thuộc lĩnh vực công nghệ số, sẵn sàng làm việc trong môi trường toàn cầu. Đồng thời, tích cực tạo nguồn bổ sung nhân lực chất lượng cao về sản xuất vũ khí, trang bị công nghệ cao, công nghệ thông tin, an toàn thông tin, an ninh mạng cho Bộ Quốc phòng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Tập đoàn triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Theo đó, Tập đoàn đã, đang đẩy mạnh xây dựng các chương trình phát triển nguồn lực công nghệ số đồng bộ trên 04 khía cạnh: quản trị số, đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và thu hút nhân tài số.
Về quản trị số, Tập đoàn tiến hành chuyển đổi từ thống kê dữ liệu sang chủ động phân tích, dự đoán xu thế sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác nhân sự. Tích hợp, đồng bộ kết quả đào tạo với hệ thống quản trị nhân sự, hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Từ đó, quản lý toàn diện hồ sơ đào tạo của học viên, từng bước đánh giá tác động trong dài hạn của công tác đào tạo đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ, chất lượng nguồn nhân lực tại các đơn vị. Hằng năm, Tập đoàn triển khai đánh giá việc chuyển đổi số của các đơn vị theo bộ tiêu chí, trong đó có 4/14 tiêu chí liên quan đến nội dung về nguồn nhân lực số1. Hiện nay, tỷ lệ nhân sự công nghệ số tại công ty mẹ chiếm khoảng 30% quân số. Đội ngũ này được tạo điều kiện tham dự các hội thảo chuyên ngành, chương trình đào tạo chứng chỉ chuyên môn quốc tế, như: CCBA, CBAP, PMP, Oracle Edu Technology Exam Subscription,... để nâng cao trình độ.
Trong đào tạo kỹ năng số, Tập đoàn đã xây dựng khung phạm vi, nội dung, chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung vào năng lực số, năng lực tự học; tiến hành đào tạo kiến thức, kỹ năng, thái độ và văn hóa số cho cán bộ, nhân viên. Đồng thời, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo các khung chương trình cơ bản, dài hạn, chuyên sâu và đào tạo chuyển giao công nghệ, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật, kinh doanh, công nghệ thông tin; thực hiện nghiêm quy định sử dụng tiếng Anh. Về cơ sở hạ tầng, xây dựng Học viện Viettel là cơ sở làm việc, học tập khoa học, hiện đại, có môi trường hài hòa với thiên nhiên, thuận lợi cho việc học tập, nghiên cứu, khơi dậy sự sáng tạo2. Đồng thời, chú trọng phát triển, xây dựng hệ thống học tập trực tuyến Elearning/LMS cung cấp cơ sở dữ liệu học tập thống nhất. Đối với tài liệu chuyển đổi số, được xây dựng và liên tục cập nhật, hiệu chỉnh các bài giảng về chuyển đổi số, cẩm nang tư vấn chuyển đổi số, công nghệ 4.0,… cho 100% cán bộ, nhân viên. Hằng năm, Tập đoàn tổ chức gần 100 khóa đào tạo cho hơn 30.000 học viên theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Về nhân lực số, Tập đoàn đưa hoạt động quản trị nhân tài vào áp dụng trong thực tế, cá thể hóa đến từng nhân sự; nâng cao chất lượng và mở rộng chương trình chuyển đổi số xuất sắc (Viettel DX Excellence) nhằm hình thành đội ngũ nhân tài đủ mạnh trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu công nghiệp - công nghệ cao. Tăng cường công tác đào tạo gắn với yêu cầu công việc, quy hoạch trong chiến lược phát triển của Tập đoàn; trong đó, ưu tiên ngành công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu, khoa học công nghệ; các nội dung, chương trình nhằm chuyển đổi, nâng cao năng lực số. Đồng thời, quan tâm đào tạo nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ có năng lực đảm nhiệm chức vụ quản lý, chỉ huy. Thời gian tới, Tập đoàn triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động ngành: liên kết hồ sơ đào tạo với hồ sơ cán bộ, nhân viên, công cụ quản lý học tập cá nhân, nền tảng điện toán học tập, số hóa các hoạt động, quy trình triển khai đào tạo, đồng bộ hóa hệ thống lịch đào tạo với lịch công tác, khung năng lực phát triển nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên.
Việc thu hút nhân tài số được Tập đoàn đặc biệt chú trọng thông qua việc xây dựng cơ chế, chính sách tuyển dụng chuyên nghiệp, hiệu quả để thu hút chuyên gia, nhà quản lý hàng đầu tại Việt Nam và thế giới về làm việc, cộng tác, nhất là trong các lĩnh vực: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, công nghệ thông tin, nghiên cứu và phát triển. Ban hành, triển khai chính sách tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, nhân sự người nước ngoài và đẩy mạnh tạo nguồn ứng viên chất lượng cao, thu hút tài năng công nghệ mới, thực tập sinh tài năng, tuyển chọn nhân sự xuất sắc cho các ngành trọng điểm. Đồng thời, xây dựng chương trình thu hút nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu công nghệ cao và thực hiện hiệu quả chương trình hợp tác với các trường đại học lớn, v.v. Đến nay, Tập đoàn đã xây dựng được bộ giải pháp công nghệ chuyển đổi số toàn diện trên nhiều lĩnh vực, cùng đội ngũ nhân sự chất lượng cao luôn sẵn sàng đáp ứng tốt yêu cầu thời cuộc về chuyển đổi số; xây dựng nguồn lực giảng viên nội bộ chất lượng cao, sẵn sàng tiên phong trong đào tạo, lan tỏa tri thức trong nước và quốc tế3.
Nhân lực số phục vụ quốc gia và quốc phòng, an ninh
Song song với các hoạt động đào tạo nội bộ, Viettel đẩy mạnh công tác đào tạo thay đổi tư duy, nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng văn hóa số kết hợp giới thiệu xu hướng chuyển đổi số của thế giới cho các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội và đã đạt những kết quả nổi bật. Đáng chú ý, Tập đoàn phối hợp với Bộ Tư lệnh 86, Quân chủng Hải quân, Tổng cục Hậu cần, Cục Nhà trường tổ chức tập huấn công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho hơn 1.400 lượt cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong toàn quân; thử nghiệm ứng dụng học tập hàng ngày tại 22 nhà trường Quân đội để tìm giải pháp đào tạo chuyển đổi số. Phối hợp, hỗ trợ tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cho cán bộ quản lý, giảng viên các học viện, nhà trường tại Học viện Viettel. Bên cạnh đó, Tập đoàn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh cho một số bộ, ngành Trung ương, địa phương, đạt kết quả tốt.
Những năm tới, việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng càng trở nên cấp thiết. Phát huy vai trò là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội tập trung xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn lực, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình nâng cao năng lực số trong toàn quân; tham gia trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số trong Quân đội. Trong đó, coi trọng gắn đào tạo nguồn nhân lực với triển khai đề án chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng; từng bước đưa công tác đào tạo chuyển đổi số và tác chiến không gian mạng vào đào tạo tại các học viện, nhà trường Quân đội. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại trường với bồi dưỡng trong thực tế công tác, vận hành hệ thống, ứng dụng công nghệ mới. Tăng cường đào tạo, cấp chứng chỉ công nghệ thông tin của một số hãng lớn, như: Cisco, Microsoft, chứng chỉ bảo mật, an toàn thông tin,... theo nhu cầu của từng chuyên ngành và các đơn vị trong toàn quân.
Trong bối cảnh công tác giáo dục, đào tạo nói chung, trong Quân đội nói riêng dần được đưa lên môi trường số và ứng dụng công nghệ mới, Viettel sẽ đồng hành tham gia trong các hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và chia sẻ chuyển giao tri thức với các chương trình do Bộ Quốc phòng tổ chức. Nghiên cứu, cung cấp các giải pháp đại học số để thúc đẩy chuyển đổi số trong các học viện, nhà trường, khuyến khích cá nhân chủ động trong học tập, bổ sung kiến thức, tri thức. Trước mắt, Tập đoàn tập trung triển khai mô hình đại học số tại Học viện Lục quân, sau đó nhân rộng ra các học viện khác. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các học viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị chuyên ngành triển khai công tác đào tạo để phát huy thế mạnh của mỗi bên, khai thác có hiệu quả hạ tầng cơ sở vật chất, công tác tổ chức đào tạo, nội dung, kiến thức, tri thức, v.v. Chủ động triển khai các giải pháp giám sát, bảo đảm an toàn thông tin trong toàn bộ các học viện, nhà trường Quân đội để đảm bảo nội dung, bài giảng được bảo vệ an toàn tuyệt đối.
Cùng với đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội tiếp tục phát huy vai trò chủ chốt, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp thúc đẩy việc chuyển đổi số, đóng góp nguồn lực chất lượng cao, đáp ứng xu thế phát triển chung, đưa Việt Nam trở thành đất nước phát triển công nghệ cao, là đối tác quan trọng của những cường quốc về công nghệ trên thế giới.
Thiếu tướng NGUYỄN THANH NAM, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn _______________________
1 - Bao gồm: chính sách đãi ngộ thúc đẩy công nghệ số, kỹ năng số, tuyển dụng nhân sự công nghệ số và áp dụng công nghệ trong học tập.
2 - Học viện Viettel được Diễn đàn Kiến trúc thế giới công nhận là 01 trong 12 trường học đẹp nhất thế giới năm 2017.
3 - Hiện nay, Tập đoàn có 155 giảng viên nội bộ, trong đó có 03 tiến sĩ, 60 thạc sĩ ngành Công nghệ thông tin.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội,nguồn nhân lực,chuyển đổi số,quốc phòng,an ninh
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng