Thứ Bảy, 23/11/2024, 15:59 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Chủ trương xuyên suốt của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là: phát huy nội lực, phấn đấu không ngừng vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 249/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; có chức năng, nhiệm vụ cơ bản là: trồng mới cao su, khai thác, chế biến và xuất khẩu mủ, gỗ cao su cùng các sản phẩm khác phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tăng cường quốc phòng - an ninh (QP-AN). Ra đời trong bối cảnh nền kinh tế đất nước có nhiều khó khăn do chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, song Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã chủ động, sáng tạo, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh (SX,KD), từng bước khẳng định và thể hiện rõ vai trò của một tập đoàn kinh tế nhà nước; nòng cốt, chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp của nền kinh tế quốc gia. Nhờ xác định đúng hướng, đầu tư hiệu quả, hoạt động SX,KD của Tập đoàn phát triển khá nhanh, bền vững. Cùng với đó, Tập đoàn còn chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn thực hiện tốt công tác QP-AN. Với những thành tích đạt được, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (4-2011); Công ty Cổ phần cao su Đồng Phú và Nông trường Long Nguyên, thuộc Công ty Cao su Dầu Tiếng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Lễ đón nhận Huân chương Sao vàng (4-2011)
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 – 2015, tầm nhìn đến năm 2020; trong đó, xác định rõ nhiệm vụ phát triển SX,KD gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ QP-AN.
Về SX,KD, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là một trong những tập đoàn kinh tế mạnh, có quy mô lớn, với 134 đơn vị thành viên, trên 123.400 cán bộ, công nhân viên. Tập đoàn hiện đang quản lý trên 334.000 ha đất trồng cao su, tập trung chủ yếu ở các địa bàn chiến lược miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Bắc (Bắc Bộ); ngoài ra, có 9 dự án đầu tư ở Lào, 16 dự án đầu tư ở Cam-pu-chia. Năm 2011, Tập đoàn đã khai thác 269.953 tấn mủ cao su, đạt 102,06% so với kế hoạch. Năng suất bình quân đạt 1,635 tấn/ha; trong đó, có 5 công ty: Đồng Phú, Phú Riềng, Phước Hòa, Tây Ninh, Tân Biên và 34 nông trường đạt năng suất bình quân trên 2 tấn/ha. Tập đoàn hiện có 44 nhà máy, xí nghiệp chế biến mủ cao su, với công suất thiết kế 433.000 tấn/năm. Trong năm 2011, toàn Tập đoàn đã chế biến 311.343 tấn mủ cao su các loại; doanh thu đạt 33.489,24 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 11.692,74 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 3.571,9 tỷ đồng; tiền lương bình quân đạt trên 7,7 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân gần 9 triệu đồng/người/tháng, tăng 27% so với năm 2010.
Hiện nay, Tập đoàn đã hoàn thành Đề án Tái cấu trúc doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đề án được thiết lập trên nguyên tắc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: hoạch định lại ngành nghề sản xuất cốt lõi, cổ phần hóa theo lộ trình Chính phủ phê duyệt, thoái vốn ngoài ngành chính, sắp xếp lại mô hình tổ chức,... để đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế. Ngoài việc xác định 3 ngành nghề chính là: trồng, khai thác cao su, công nghiệp cao su và chế biến gỗ, Đề án cũng trình Chính phủ cho phép bổ sung ngành đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp là ngành chính. Về lĩnh vực trồng, khai thác cao su, quy hoạch diện tích cao su của Tập đoàn đến năm 2015 là 500.000 ha, với quy hoạch chi tiết tại từng vùng, miền; tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng cao su; thực hiện liên kết với người dân trồng cao su theo hướng: người dân góp đất, ăn chia theo sản phẩm hoặc trở thành cổ đông, hưởng cổ tức. Đối với các ngành nghề khác phải triệt để thoái vốn; riêng một số ngành, như: tư vấn đầu tư, xây dựng, đường giao thông BOT,... có định hướng thoái vốn ở mức độ nhất định. Đến năm 2015, tổng giá trị thoái vốn là 1.407 tỷ đồng; số vốn đầu tư ngoài ngành chính là 2.400 tỷ đồng, bằng 6% tổng vốn chủ sở hữu của Tập đoàn.
Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nội dung tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm và Hướng dẫn số 876/BTC-TCDN của Bộ Tài chính về việc thực hiện tiết giảm 5-10% chi phí, giảm giá thành sản phẩm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các công ty thành viên triển khai thực hiện; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, phát động phong trào thi đua tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm đến từng cán bộ, công nhân viên trong đơn vị; coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành SX,KD. Đồng thời, Tập đoàn đề ra các biện pháp triển khai hoạt động SX,KD nhằm bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu được giao, với quan điểm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm phúc lợi và cải thiện đời sống cho người lao động; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, nên Tập đoàn đang đề nghị Chính phủ cho Ngành được tiếp tục phát triển cao su ở Tây Nguyên và miền Trung theo hướng chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cao su; đồng thời, lồng ghép vào chương trình phát triển cao su để thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Những việc làm đó không chỉ khẳng định chính sách đầu tư đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với ngành Công nghiệp Cao su nói chung, mà còn phản ánh sự đóng góp tích cực của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với quan điểm: “Thực hiện tốt nhiệm vụ QP-AN là góp phần thực hiện tốt mục tiêu đổi mới, đẩy mạnh SX,KD”, Tập đoàn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thành viên cụ thể hóa việc thực hiện gắn kết hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; coi đó là nhân tố quan trọng đảm bảo cho Tập đoàn tiếp tục phát triển. Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn luôn quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, nhất là những nội dung cơ bản về tăng cường QP-AN trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các quân khu, địa phương về QP-AN. Trên cơ sở đó, Tập đoàn tăng cường công tác quốc phòng, xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn toàn Ngành thực hiện nhiệm vụ QP-AN; chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện nghiêm túc Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh về lực lượng Dự bị động viên và thực hiện nhiệm vụ QP-AN.
Huấn luyện lực lượng tự vệ
Trong chiến lược xây dựng và phát triển của Tập đoàn cũng như trong các dự án, kế hoạch mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hiện đại hóa các trang thiết bị, máy móc, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực,... Tập đoàn đều chú trọng tính toán đến các yếu tố vừa đảm bảo yêu cầu phát triển SX,KD của Ngành, vừa đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực QP-AN. Đối với các dự án mở rộng diện tích trồng mới, tái canh, phát triển hạ tầng cơ sở các khu vực công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp chế biến nguyên liệu cao su, Tập đoàn đều phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong khảo sát, thẩm định từ khi quy hoạch đến thiết kế, thi công để đảm bảo các công trình vừa đáp ứng được nhiệm vụ phát triển sản xuất, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trong thế trận của khu vực phòng thủ địa phương; sẵn sàng chuyển các hoạt động SX,KD từ thời bình sang thời chiến và huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi có tình huống chiến tranh. Đến nay, Tập đoàn đã đầu tư xây dựng được hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông các loại, xây dựng hệ thống thủy điện, thủy lợi, hệ thống cống thoát nước, các nhà máy, xí nghiệp, các bệnh viện, trạm y tế nông trường, trạm y tế đội sản xuất... Các công trình này trước hết phục vụ sản xuất, chăm sóc sức khỏe cán bộ, công nhân trong Ngành và nhân dân, nhưng khi có tình huống, có thể chuyển sang phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Tập đoàn luôn chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) các cấp, đảm bảo thực hiện tốt chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN được giao. Đến nay, Ban CHQS của Tập đoàn đảm bảo chất lượng, số lượng; đã bổ sung Chính trị viên phó đúng quy định của Luật Dân quân tự vệ. Các đơn vị thành viên có Ban CHQS cấp công ty và Phòng Thanh tra bảo vệ quân sự. Tập đoàn hiện có 33 công ty thành lập Ban CHQS, các đơn vị còn lại do Phòng Thanh tra quân sự của đơn vị kiêm nhiệm. Các đơn vị tự vệ được tổ chức gắn với tổ chức SX,KD của từng công ty. Chỉ huy trưởng tự vệ thường do đồng chí phó giám đốc kiêm nhiệm, chính trị viên do phó bí thư đảng ủy đảm nhiệm, chỉ huy phó lực lượng tự vệ là các đồng chí Trưởng phòng, Phó phòng Thanh tra, bảo vệ - quân sự kiêm nhiệm. Giám đốc các nông trường, xí nghiệp trực tiếp làm chỉ huy trưởng; bí thư hoặc phó bí thư làm chính trị viên các đại đội tự vệ... Các giám đốc, phó giám đốc, bí thư đảng ủy công ty, nông trường, xí nghiệp hầu hết là những đảng viên đã qua quân ngũ, được bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo phân cấp.
Lực lượng tự vệ của Tập đoàn được xây dựng theo quy mô và tổ chức biên chế thích hợp với từng địa bàn, cơ sở sản xuất, có chất lượng tổng hợp và trình độ sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao. Trong quá trình xây dựng, Tập đoàn chú trọng bảo đảm cơ cấu, thành phần lực lượng hợp lý, số lượng và tỷ lệ thích hợp, phấn đấu nâng cao tỷ lệ đảng viên trong lực lượng tự vệ, nhất là đối với các nông trường, xí nghiệp hoạt động trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu về QP-AN và các doanh nghiệp liên doanh. Đến nay, Tập đoàn có gần 11 nghìn cán bộ, chiến sĩ tự vệ, được biên chế trong 70 đại đội, 340 trung đội, gồm các binh chủng bộ binh, phòng không, thông tin, công binh...; trong đó, một số đơn vị thành viên còn được biên chế đại đội pháo phòng không. Cán bộ, chiến sĩ tự vệ luôn xác định rõ ý thức, trách nhiệm, tự giác tham gia các hoạt động bảo vệ địa bàn, phối hợp tuần tra canh gác, bảo vệ thành quả sản xuất và tham gia lao động có hiệu quả. Cùng với đó, Tập đoàn còn chú trọng phối hợp với các đơn vị bộ đội, công an, biên phòng xây dựng và tổ chức luyện tập các phương án tác chiến; thống nhất kế hoạch quản lý, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; kịp thời phát hiện và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, ngăn chặn các hoạt động phá hoại, vi phạm pháp luật, xâm phạm chủ quyền, biên giới quốc gia; tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị, lãnh đạo, quản lý, phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân trên từng vùng, từng địa bàn đứng chân. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đó, Tập đoàn và các đơn vị thành viên không ngừng củng cố mối quan hệ gắn bó với chính quyền và nhân dân địa phương, tạo dựng được “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
LÊ MINH CHÂU
Phó Tổng Giám đốc, Chỉ huy trưởng Ban CHQS Tập đoàn
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng