QPTD -Thứ Sáu, 15/04/2011, 02:17 (GMT+7)
Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam với công tác giáo dục quốc phòng-an ninh

Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam thành lập ngày 09-01-2006, trên cơ sở kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Là tập đoàn kinh tế đa lĩnh vực, đa ngành nghề (chủ yếu là bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin), giữ vai trò chủ lực trong cung cấp các dịch vụ chuyên ngành phục vụ Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh (QP-AN) và phục vụ đời sống của nhân dân. Tập đoàn có trên 9 vạn cán bộ, công nhân viên chức và người lao động ở 140 đơn vị trực thuộc, đơn vị thành viên, với mạng lưới thông tin trải rộng trên khắp cả nước. Đây cũng là lĩnh vực mà các thế lực thù địch và bọn tội phạm thường lợi dụng để chống phá chế độ. Do đó, giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức QP-AN cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên (HS,SV) trong Tập đoàn là yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

alt
Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2010) - Nguồn: VNPT
Quán triệt và thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị định của Chính phủ về công tác giáo dục quốc phòng-an ninh (GDQP-AN), những năm qua, nhất là từ năm 2006 đến nay, công tác GDQP-AN của Tập đoàn ngày càng đi vào nền nếp, đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Qua Tổng kết 10 năm thực hiện công tác này, Tập đoàn đã được Hội đồng GDQP-AN Trung ương đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong khối bộ, ngành Trung ương; được Chính phủ và Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen. Đặc biệt, năm 2010, Tập đoàn được Nhà nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác quốc phòng và xây dựng cơ sở vững mạnh (2004-2009).

Để có được kết quả đó, một trong những yếu tố quan trọng là Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) của Tập đoàn được quan tâm xây dựng vững mạnh, phát huy tốt vai trò tham mưu cho Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác QP-AN nói chung và công tác GDQP-AN nói riêng. Trên cơ sở hướng dẫn của trên, Tập đoàn đã nghiên cứu xây dựng và đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Ban CHQS Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Ban CHQS Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam và các ban CHQS viễn thông, bưu điện cấp tỉnh, huyện. Các ban CHQS trong Tập đoàn được tổ chức đúng cơ cấu, thành phần, có đủ số lượng, đảm bảo chất lượng; trong đó, chỉ huy trưởng, chính trị viên là cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị. Những năm qua, Ban CHQS đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn ban hành 26 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDQP-AN; Ban CHQS Tập đoàn ban hành 40 văn bản, tạo cơ sở pháp lý để công tác GDQP-AN được triển khai thực hiện nền nếp, thống nhất trong Tập đoàn. Trong quá trình thực hiện, Ban CHQS Tập đoàn luôn chủ động, tích cực hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng kế hoạch đề ra; đồng thời, phát huy vai trò, vị trí là đầu mối liên hệ với các cơ quan, nhất là Ban Thường trực Hội đồng GDQP-AN Trung ương để xin ý kiến chỉ đạo, giải quyết kịp thời những vướng mắc và lựa chọn hình thức, biện pháp GDQP-AN cho các đối tượng phù hợp với đặc thù của Tập đoàn và từng đơn vị thành viên. Điều đáng nói là, nhờ sự năng động của Ban CHQS nên việc triển khai công tác GDQP-AN của Tập đoàn đã có sự chuyển biến tích cực: từ thụ động (làm theo mệnh lệnh, chỉ thị của cơ quan GDQP-AN cấp trên) sang chủ động hoàn toàn về kế hoạch, thời gian... nên chất lượng, hiệu quả đạt được ngày càng cao.

Đối với công tác GDQP-AN cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và người lao động.

Đảng bộ Tập đoàn là đảng bộ Công ty mẹ, trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, với trên 18 ngàn đảng viên (trong đó có hơn 3 ngàn cán bộ chủ chốt các cấp) sinh hoạt ở 24 đảng bộ, 14 chi bộ cơ sở và 22 chi bộ trực thuộc. Để bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ này, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch chặt chẽ, khoa học và lựa chọn nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp, bảo đảm cho các đối tượng tham gia học tập theo quy định mà vẫn hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Hằng năm, các ban CHQS trong Tập đoàn phối hợp chặt chẽ với Hội đồng GDQP-AN, cơ quan quân sự cùng cấp, nắm chỉ tiêu, kế hoạch bồi dưỡng, trên cơ sở đó phân bổ và thông báo chỉ tiêu cho các cơ quan, đơn vị thành viên. Với đối tượng 1: Tập đoàn bố trí, sắp xếp để 100% cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng do Hội đồng GDQP-AN Trung ương tổ chức. Với đối tượng 2: cán bộ ở khu vực Thủ đô Hà Nội tham gia các lớp bồi dưỡng tại Học viện Chính trị, số còn lại tham gia các lớp bồi dưỡng do các quân khu tổ chức. Đến nay, 91% đối tượng 2 trong Tập đoàn đã được bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Đối tượng 3, 4 và 5, có số lượng lớn, địa bàn hoạt động rộng nên Tập đoàn vận dụng cả hai hình thức bồi dưỡng: những đồng chí có điều kiện sẽ tham gia các lớp bồi dưỡng do Tập đoàn tổ chức, mời giáo viên của các trường quân sự tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, quận về giảng dạy; hoặc do Ban CHQS phối hợp với các địa phương tổ chức tại địa bàn. Với cách làm đó, Tập đoàn đã phối hợp tổ chức được 70 lớp, bồi dưỡng cho 1.860 cán bộ thuộc đối tượng 3 (đạt 77%), 150 lớp bồi dưỡng cho gần 4 ngàn cán bộ đối tượng 4 (đạt trên 80%), 80 lớp bồi dưỡng cho 12.370 đảng viên đối tượng 5 (đạt 72%). Kết quả kiểm tra các lớp và các đối tượng đều đạt yêu cầu 100%, trong đó có từ 60% đến 70% khá, giỏi.

Từ chương trình, giáo trình, tài liệu do Bộ Quốc phòng ban hành, Tập đoàn chỉ đạo Ban CHQS các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, lựa chọn bổ sung vào chương trình giáo dục một số nội dung gắn với yêu cầu, nhiệm vụ và tính đặc thù của Ngành. Trong đó, tập trung giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; sự kết hợp giữa xây dựng, phát triển Tập đoàn và nhiệm vụ QP-AN; về âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch; về truyền thống vẻ vang của Ngành; những văn bản pháp quy trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin. Cùng với đó, Tập đoàn còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lồng ghép nội dung GDQP-AN với các cuộc vận động, các phong trào thi đua, nhất là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào Thi đua Quyết thắng; phát huy vai trò của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Nữ công, tổ chức các buổi giao lưu, nói chuyện thời sự, giáo dục truyền thống... để GDQP-AN cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động. Qua đó, góp phần làm cho các nội dung GDQP-AN thiết thực hơn, hình thức phong phú, bớt đi sự khô cứng, giúp cho các đối tượng dễ tiếp thu, sát với chức trách, nhiệm vụ và tình hình của các đơn vị.

Đối với công tác GDQP-AN cho HS,SV.

Hằng năm, Học viện Công nghệ Bưu chính- Viễn thông và các trường trung học bưu chính-viễn thông của Tập đoàn có gần 10 ngàn HS,SV học tập. Đây là các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin cho Tập đoàn và đất nước. Để khắc phục tình trạng đội ngũ giảng viên, giáo viên GDQP-AN còn thiếu, Tập đoàn chỉ đạo các trường đẩy mạnh bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ sĩ quan biệt phái và phối hợp với các trung tâm GDQP-AN, các trường quân sự để liên kết đào tạo hoặc thỉnh giảng; đồng thời, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ giáo viên GDQP-AN, phấn đấu đến năm 2016 có đủ giáo viên cho môn học theo tỷ lệ HS,SV. Trong quá trình GDQP-AN cho HS,SV, cùng với bảo đảm về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, các trường còn coi trọng phát huy thế mạnh của Ngành: ứng dụng các sản phẩm công nghệ thông tin, khai thác trang thông tin điện tử để phục vụ công tác giảng dạy và quản lý môn học. Nhờ đó, HS,SV tốt nghiệp các học viện, nhà trường của Tập đoàn đều hoàn thành môn học GDQP-AN theo quy định; kết quả kiểm tra có từ 55% đến 60 % HS,SV đạt khá, giỏi.

 Trong những năm qua, Tập đoàn đã phối hợp với Hội đồng GDQP-AN các cấp, cơ quan quân sự địa phương tổ chức kiểm tra hơn 60 đơn vị về thực hiện công tác GDQP-AN; qua đó, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những mặt còn hạn chế, phổ biến những kinh nghiệm và cách làm hay, biểu dương những tập thể và cá nhân điển hình trong công tác này, góp phần đưa công tác GDQP-AN vào nền nếp.

Để công tác GDQP-AN được tiến hành đúng kế hoạch, đạt hiệu quả cao, Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn còn thường xuyên quan tâm bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất theo yêu cầu, nhiệm vụ và tính đặc thù của công tác GDQP-AN. Căn cứ vào quy định về bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất và kế hoạch bồi dưỡng kiến thức QP-AN, 10 năm qua, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã chi trên 6 tỷ đồng cho công tác này. Cán bộ, công nhân viên chức và người lao động tham gia GDQP-AN được hưởng đầy đủ chế độ lương, thưởng như khi làm công tác chuyên môn; chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên GDQP-AN cũng được thực hiện đầy đủ theo quy định.

Thông qua công tác GDQP-AN, ý thức, trách nhiệm của các đối tượng, nhất là cấp ủy, chính quyền các cấp trong Tập đoàn đã có chuyển biến quan trọng; nhận thức của họ về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực QP-AN, nhất là về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường QP-AN, về phòng, chống âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đã được nâng lên. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Tập đoàn thực hiện tốt công tác QP-AN trong thời gian qua; trong đó, nổi bật là lực lượng tự vệ của Tập đoàn được tổ chức chặt chẽ, có số lượng hợp lý và hoạt động hiệu quả cao, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tham gia bảo đảm an ninh, an toàn các cơ quan, đơn vị và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn ở các địa bàn.

Tuy nhiên, công tác GDQP-AN của Tập đoàn cũng còn những hạn chế; đáng chú ý là, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có một số cán bộ chủ chốt của đơn vị thành viên nhận thức về công tác GDQP-AN chưa thật đầy đủ, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa cao.

Trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tích cực khắc phục những hạn chế, thiếu sót nhằm đưa công tác này đi vào chiều sâu, nền nếp, hiệu quả. Trong đó, tập trung củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban CHQS các cấp, tăng cường mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng, các quân khu và cơ quan quân sự các địa phương; mở rộng hình thức giáo dục qua mạng và truyền hình trực tuyến cho công nhân viên chức và người lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tạo sự chuyển biến toàn diện đối với công tác GDQP-AN, góp phần xây dựng Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam ngày càng vững mạnh.

HOÀNG ĐỨC SƠN

Phó BTĐU, Chính trị viên Ban CHQS Tập đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.