QPTD -Thứ Sáu, 19/04/2013, 18:35 (GMT+7)
Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam gắn sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh

Kết hợp sản xuất, kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh là mục tiêu xuyên suốt của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam trong tiến trình hội nhập, phát triển, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 

Đài điều khiển vệ tinh Quế Dương (Hà Nội)

Trên cơ sở quán triệt, thực hiện quan điểm của Đảng về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, xác định chủ trương, giải pháp phát triển Tập đoàn bền vững, đúng hướng, đúng sự chỉ đạo của Chính phủ. Kết quả nổi bật là: đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời việc chấn chỉnh tổ chức bộ máy; điều hành sản xuất, kinh doanh (SX,KD) theo hướng linh hoạt, hiệu quả; chủ động nghiên cứu, đổi mới xây dựng, hoàn thiện và ban hành các cơ chế quản lý kinh tế nội bộ phù hợp với đặc thù của Tập đoàn, tạo thuận lợi cho các đơn vị thành viên hoạt động SX,KD đúng luật, đồng thời, tạo cơ sở vững chắc cho lộ trình tái cơ cấu Tập đoàn trong thời gian tới; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh (QP-AN), v.v..

Năm 2012, cũng như các tập đoàn kinh tế nhà nước khác, hoạt động SX,KD của VNPT chịu những tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế trong nước và khu vực; thị trường các dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT), nguồn nhân lực tiếp tục có sự cạnh tranh quyết liệt... Mặc dù vậy, VNPT vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch SX,KD và tiếp tục khẳng định là Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và CNTT. Tập đoàn vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững; tổng doanh thu đạt 130.390 tỷ đồng (vượt 0,3% chỉ tiêu kế hoạch); tổng lợi nhuận đạt 8.660 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước: 7.561 tỷ đồng. Năng lực tài chính của Tập đoàn tiếp tục được củng cố, ổn định, nguồn vốn được bảo toàn và phát triển; tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên và người lao động không ngừng nâng cao, v.v.

Trước yêu cầu phát triển đất nước trong điều kiện mới và những thách thức đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó có VNPT, để “đứng vững và phát triển”, hoàn thành tốt nhiệm vụ SX,KD kết hợp chặt chẽ giữa SX,KD với nhiệm vụ QP-AN, Tập đoàn xác định: phải có sự nỗ lực cao hơn, chủ động, sáng tạo hơn, đổi mới “nếp nghĩ, cách làm” mạnh hơn trên tất cả các mặt công tác, hoạt động. Trước hết, phải tiếp tục quán triệt, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết 123-NQ/ĐUTĐ của Đảng ủy Tập đoàn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hoạt động SX,KD; trong đó, chú trọng tăng cường sức cạnh tranh, đẩy mạnh đột phá vào những lĩnh vực trọng tâm, then chốt của Tập đoàn có thế mạnh để tạo bước phát triển nhanh, vững chắc. Đặc biệt, Tập đoàn đẩy nhanh việc tái cơ cấu các danh mục đầu tư, thoái vốn tại một số doanh nghiệp ngoài lĩnh vực kinh doanh chính; cắt giảm nhiều dự án đầu tư, hoãn, giãn tiến độ các dự án chưa thực sự cấp bách với tổng giá trị lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Đồng thời, VNPT huy động mọi nguồn lực đầu tư hiện đại hóa các mạng truyền thông (mạng di động và mạng cố định); dồn, gộp và khai thác hiệu quả các thiết bị hiện có; nâng cao chất lượng mạng lưới, dịch vụ và bảo đảm an toàn các tuyến truyền dẫn, tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí đầu tư… Những thành tựu đó là nền tảng vững chắc để VNPT tiếp tục nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin, nội dung thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước; đáp ứng yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm QP-AN…; hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao. VNPT là đơn vị đi đầu trong việc triển khai thực hiện Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT - truyền thông, Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Tháng 3-2012, Tập đoàn đã chính thức đưa Mạng Truyền số liệu chuyên dùng vào quản lý, khai thác phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước tới các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trên cả nước với chất lượng cao, tiết kiệm chi phí, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh cải cách hành chính công và lộ trình xây dựng chính phủ điện tử, nền hành chính điện tử của đất nước trong tương lai gần. Mạng có tốc độ cao, công nghệ hiện đại, đảm bảo tính chuyên biệt, an toàn, bảo mật và tính dự phòng cao. Cùng với đó, Tập đoàn đã xây dựng cổng thông tin Portal, triển khai hệ thống điều hành trực tuyến e-PAS phục vụ hoạt động điều hành của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 12-2012. Thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg, ngày 22-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, VNPT đã nâng cấp cổng thông tin điện tử VNPT Portal, mở rộng hệ thống thông tin điều hành AIS tới tất cả các đơn vị thành viên, triển khai hệ thống phần mềm quản lý họp tại cơ quan Tập đoàn, thực hiện tối đa hóa việc sử dụng văn bản điện tử thay thế văn bản giấy. Đặc biệt, ngày 16-5-2012, vệ tinh VINASAT-2 được phóng thành công lên quỹ đạo, hoạt động ổn định, cùng với VINASAT-1 tạo thành hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng, góp phần khẳng định vị thế của Viễn thông Việt Nam trên trường quốc tế. Nhờ đó, hệ thống mạng lưới và các dịch vụ của Tập đoàn duy trì ổn định, chất lượng ngày càng được nâng cao, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời, bí mật, an toàn, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN, bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai; đưa thông tin đến vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Hiện nay, VNPT tiếp tục chỉ đạo xây dựng, hoàn chỉnh Chiến lược phát triển Ngành giai đoạn 2012 - 2020; trong đó, đã hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông Đề án Đổi mới mô hình tổ chức của VNPT giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng phát triển của Tập đoàn đến năm 2020. Năm 2013, được VNPT xác định là năm CNTT của Tập đoàn. Theo đó, Tập đoàn sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ CNTT, nâng cao giá trị gia tăng; đồng thời, nâng cao chất lượng mạng di động, đẩy mạnh phát triển hai thương hiệu MobiFone và Vinaphone; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức SX,KD phù hợp, ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, VNPT luôn quan tâm, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách hậu phương quân đội; tiếp tục hỗ trợ cho 2 huyện nghèo Sìn Hồ, Mường Tè (tỉnh Lai Châu) theo tinh thần Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; tích cực tham gia Chương trình “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, chú trọng tiêu chí về bưu chính viễn thông và CNTT.

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị định 119/2004/NĐ-CP của Chính phủ "Về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương", Quyết định 13/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Quy chế kết hợp KT-XH với quốc phòng trong khu vực phòng thủ, cùng với thực hiện nhiệm vụ trung tâm là đẩy mạnh SX,KD, VNPT đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP). Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn toàn Ngành tổ chức thực hiện nhiệm vụ QS,QP; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thành viên quán triệt Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ... và nhiệm vụ QS,QP hằng năm đến từng cán bộ, công nhân viên. Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) các cấp rà soát, nắm chắc số lượng, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo phân cấp, đúng quy định. Năm 2012, Tập đoàn đã triển khai thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo kế hoạch (đối tượng 1, đạt gần 100% chỉ tiêu; đối tượng 2, đạt 60%; đối tượng 3, đạt gần 50; đối tượng 4 và 5, đạt trên 76%); đồng thời, chỉ đạo khối các học viện, nhà trường thuộc Tập đoàn thực hiện nghiêm túc chương trình, nội dung môn học giáo dục QP-AN cho sinh viên.

Nhiệm vụ kết hợp phát triển SX,KD với tăng cường QP-AN luôn được Tập đoàn coi trọng, thực hiện nghiêm túc. Trong các Chiến lược phát triển của Ngành (cả ngắn hạn và dài hạn), bên cạnh việc đảm bảo các yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển SX,KD, bảo đảm thông tin liên lạc trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Tập đoàn đều gắn chặt với việc đảm bảo  phục vụ QP-AN trong mọi tình huống. Tập đoàn và các đơn vị thành viên luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các địa phương và các ban, ngành liên quan thẩm định các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông, thực hiện đúng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN của các địa phương; xây dựng kế hoạch, phương án hiệp đồng bảo đảm an toàn các công trình, nhất là các công trình trên địa bàn trọng điểm, biên giới và biển, đảo. Các đơn vị trong Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch, đầu tư mua sắm các trang bị, thiết bị dự phòng (máy vô tuyến sóng ngắn, xe thông tin chuyên dùng, xuồng cứu hộ, máy phát điện…), bảo đảm phục vụ nhiệm vụ QP-AN và thực hiện tốt công tác báo cáo thống kê với cơ quan quân sự địa phương. Tập đoàn cũng đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, Bộ Tư lệnh Biên phòng lắp đặt, chuyển giao các thiết bị viễn thông (VSAT tại các Nhà giàn DK1, Đảo Bạch Long Vỹ, Đảo Trường Sa Lớn, dự án cáp quang biển xuyên Á…), phục vụ các chương trình, dự án an sinh xã hội, hoạt động tuyên truyền biển, đảo và nhiệm vụ phát triển KT-XH, tăng cường tiềm lực QP-AN trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Tập đoàn luôn coi trọng việc chỉ đạo, củng cố, kiện toàn Ban CHQS các cấp, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác QS,QP và chỉ huy các đơn vị tự vệ tại các đơn vị thành viên. Hiện nay, trên 95% đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc Tập đoàn đã kiện toàn Ban CHQS và cán bộ chỉ huy đơn vị tự vệ. Lực lượng tự vệ được chăm lo xây dựng vững mạnh về mọi mặt, nhất là về chính trị; chú trọng xây dựng lực lượng tự vệ trong các đơn vị thành viên hoạt động ở địa bàn biên giới, hải đảo, ven biển. Ban CHQS các đơn vị thành viên đã phối hợp với cơ quan quân sự địa phương thực hiện đăng ký, khám tuyển nghĩa vụ quân sự, đăng ký nguồn quân nhân dự bị và các phương tiện kỹ thuật, sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ quốc phòng theo quy định. Cùng với đó, VNPT duy trì nghiêm túc chế độ giao ban, báo cáo công tác QS,QP theo định kỳ quý, 6 tháng và năm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác QS,QP; bảo đảm đúng các chế độ, chính sách cho lực lượng tự vệ theo quy định.

Phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, VNPT tiếp tục đổi mới toàn diện, tạo động lực quan trọng để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch SX,KD năm 2013 và thực hiện tốt nhiệm vụ QP-AN, bảo vệ Tổ quốc.

 

PHAN HOÀNG ĐỨC

Phó Tổng giám đốc,

Chỉ huy trưởng Ban CHQS Tập đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.