QPTD -Thứ Năm, 09/07/2020, 09:34 (GMT+7)
Tăng cường hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh

Hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động bình thường ở những khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế, những năm qua, hợp tác trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh giữa Việt Nam với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trên thế giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nếu như trước đó hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, Việt Nam chỉ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, nay đã mở rộng ra nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, như: Australia, Nhật Bản, Đức, International Centre (IC) và Trung tâm quốc tế Giơ-ne-vơ về khắc phục bom mìn nhân đạo (GICHD), v.v.

Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Trung tâm ký Bản ghi nhớ
về hợp tác và cung  cấp cố vấn kỹ thuật cấp cao cho VNMAC  

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) đã đón, làm việc với 18 lượt đoàn quốc tế và tổ chức 05 đoàn đi công tác nước ngoài1. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, đến nay, Việt Nam đã và đang triển khai một số dự án do nguồn tài trợ của nước ngoài về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ có giá trị lên đến hàng chục triệu đô la. Điều đó đã góp phần quan trọng cùng sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, bảo đảm môi trường sạch, an toàn cho các vùng đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa và trên phạm vi cả nước.

Hiện tại, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn, vật nổ ở nước ta rất lớn (khoảng 6,1 triệu héc-ta); phạm vi ô nhiễm có ở tất cả loại địa hình (rừng núi, trung du, đồng bằng, ven biển) và mọi môi trường (đất liền, các vùng biển gần bờ, sông ngòi, kênh rạch,…). Hơn nữa, theo thời gian, dưới tác động của khí hậu, thủy văn và sự biến đổi của thổ nhưỡng tự nhiên đã tạo ra sự xáo trộn, thay đổi vị trí,… làm cho tính chất phức tạp, nguy hiểm trong công tác rà phá bom mìn, vật nổ trên các vùng bị ô nhiễm càng tăng thêm. Điều đó đòi hỏi phải đầu tư nguồn lực lớn công nghệ hiện đại, nhân lực chuyên môn tốt và các đơn vị có năng lực, kỹ thuật cao mới có khả năng khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ (nhất là số bom mìn, vật nổ nằm sâu trên 05 mét trong lòng đất hoặc dưới mặt nước), v.v.

Để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường huy động các nguồn lực từ bên ngoài, phối hợp với nguồn lực trong nước nâng cao năng lực, hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, thời gian tới, VNMAC tập trung thực hiện một số nội dung cơ bản sau:

Một là, thực hiện tốt công tác xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, dự án hợp tác quốc tế về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ. Trước hết, tập trung thực hiện tốt công tác tham mưu với Bộ Quốc phòng triển khai tổ chức quán triệt và ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 18/2019/NĐ-CP, ngày 01-02-2019 của Chính phủ “Về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh”. Trên cơ sở Chương trình công tác giai đoạn 2018 - 2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 701), chủ động xây dựng, trình thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện chủ trương đầu tư dự án “Khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh tại 05 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Trị” bằng nguồn vốn ODA tài trợ của các nước, tổ chức trong nước và quốc tế. Đồng thời, lập đề xuất, báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng dự án do Nhật Bản tài trợ trang thiết bị rà phá bom mìn, vật nổ, thông qua Công ty NIKEN; xây dựng bản Ghi nhớ với Golden West về tư vấn kỹ thuật và hợp tác xây dựng năng lực triển khai công tác rà phá vật liệu nổ sau chiến tranh và Bản ghi nhớ 3 bên giữa VNMAC với IC và GICHD về hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2019 - 2022, báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc làm việc với nhóm đối tác Hoa Kỳ

Cùng với đó, chủ động mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng, như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hung-ga-ry, Nhật Bản, Nga; thúc đẩy các bên tham gia thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ 03 bên giữa VNMAC với International Centre (IC), Trung tâm quốc tế Giơ-ne-vơ về khắc phục bom mìn nhân đạo (GICHD) và hỗ trợ hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2019. Chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Ban Chỉ đạo 701, Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai Dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; xây dựng kế hoạch hợp tác 03 năm về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Phối hợp với NPA tiếp tục triển khai huấn luyện Đội Quản lý chất lượng quốc gia các dự án khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực trạng và hậu quả bom mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh nhằm vận động tài trợ quốc tế. Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, công tác tuyên truyền, vận động chính phủ các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức và cá nhân nước ngoài về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn những quốc gia, các tổ chức quốc tế,… chưa hiểu rõ thực trạng, mức độ nghiêm trọng và sự tác động ghê gớm do ô nhiễm bom mìn, vật nổ đối với con người và sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Trong khi đó, việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh là vấn đề nhân đạo, được chính phủ nhiều nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân tiến bộ trên thế giới hết sức quan tâm. Vì vậy, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tham mưu, phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đối với nhiệm vụ này theo hướng tích cực, chủ động, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, với nhiều lực lượng tham gia, bằng nhiều hình thức và biện pháp đa dạng, phong phú.

Để phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, góp phần huy động nguồn lực lớn hơn nữa từ cộng đồng quốc tế cho nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ, bên cạnh việc chú trọng tuyên truyền hướng vào các đối tác tích cực, tiềm năng để dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư, tài trợ, nhất là chính phủ các nước trực tiếp và gián tiếp tham chiến tại Việt Nam, cần có kế hoạch tuyên truyền theo hướng mở rộng đến các nước phát triển, các nước cùng bị tác động do ô nhiễm bom mìn, vật nổ gây ra. Nội dung chủ yếu tập trung tuyên truyền thực trạng và hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh; quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam; các chương trình, dự án và kết quả thực hiện các chương trình, dự án, v.v. Quá trình tuyên truyền cần khéo léo, mềm dẻo, kết hợp giữa vận động tài trợ với đấu tranh ngoại giao đòi công lý; giữa lồng ghép nội dung các chương trình, đề án,… trong các cuộc viếng thăm, tiếp xúc, gặp, hội đàm,… với đối tác nước ngoài của các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước và các cuộc gặp gỡ song phương, đa phương hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ. Chủ động phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế tổ chức các diễn đàn, hội thảo,… trong nước, khu vực và quốc tế; hoặc hợp tác với hãng truyền thông nước ngoài tuyên truyền trên lĩnh vực truyền thông, như: xây dựng phim tài liệu, các bài viết, bài phỏng vấn,… khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, nhằm nâng cao sự hiểu biết về các tác động nguy hại của bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh và nhu cầu cấp thiết của việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ở Việt Nam. Thông qua đó, tạo sự ủng hộ về tinh thần, sự giúp đỡ, hỗ trợ về tài chính (nhất là nguồn vốn ODA), vật tư, trang thiết bị,… không chỉ của những nước đã từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, mà còn đối với chính phủ các nước, các tổ chức và cá nhân trên thế giới.

Ban Tổng Giám đốc Trung tâm làm việc với Đoàn Tư lệnh Binh chủng Công binh Liên bang Nga

Ba là, thường xuyên kiện toàn về tổ chức và không ngừng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đầu mối chuyên trách cấp quốc gia thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, trực tiếp vận động và tiếp nhận tài trợ quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, Trung tâm chú trọng kiện toàn, giữ vững ổn định tổ chức biên chế, phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng hướng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, bổ sung quy chế, kế hoạch công tác theo hướng phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tập thể và cá nhân, nhằm phát huy cao nhất tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Trước những yêu cầu cao của hợp tác quốc tế trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, vừa phải bảo đảm đúng nguyên tắc ngoại giao và các quy định pháp luật hiện hành, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu của các nhà tài trợ, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị cần tổ chức quán triệt cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nắm chắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định về công tác đối ngoại quân sự của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đặc biệt, chú trọng bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác đối ngoại,… cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhất là số cán bộ chủ trì phòng, ban, cán bộ tham gia các dự án và cán bộ trực tiếp làm công tác đối ngoại, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, hướng tới mục tiêu “Vì một Việt Nam không còn bom mìn”, vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.

Đại tá NGUYỄN HẠNH PHÚC, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam
_______
________

1 - Làm việc với các tổ chức: Văn phòng Hợp tác Quốc tế Đại sứ quán Hoa Kỳ; MAG, IC, Công ty NIKEN; Tổ chức Nhân đạo và Hòa nhập (HI); Tổ chức IC, GICHD, Tổ chức Viện trợ nhân dân Na-uy (NPA); Hội Hữu nghị Việt Nam - Hung-ga-ry; Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.