QPTD -Thứ Ba, 06/03/2012, 16:26 (GMT+7)
Tăng cường công tác đối ngoại biên phòng, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới

Công tác đối ngoại biên phòng là một bộ phận của đối ngoại quốc phòng, đối ngoại của Đảng, Nhà nước và là một trong những biện pháp cơ bản, thường xuyên của Bộ đội Biên phòng. Hiện nay, trước những diễn biến mới của tình hình biên giới, biển, đảo, Bộ đội biên phòng cần tiếp tục phát huy vai trò chủ trì, nòng cốt, chuyên trách, đưa công tác này đi vào chiều sâu với những nội dung, hình thức và biện pháp phù hợp.


Trung tướng Võ Trọng Việt, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tiếp xúc cử tri tỉnh Kon Tum

Quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đưa công tác đối ngoại biên phòng (ĐNBP) phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, theo hướng thiết thực, hiệu quả và đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bật là, đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trong xây dựng, quản lý, bảo vệ và phối hợp giải quyết những vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ, phân định vùng chồng lấn với các nước láng giềng, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia (BGQG), mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. ĐNBP đã phối hợp chặt chẽ với các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng liên quan, hình thành thế trận đối ngoại đa dạng, đan xen để bảo vệ Tổ quốc từ xa đến gần, từ ngoài vào trong vững chắc. Đồng thời, ĐNBP còn tích cực tham gia các diễn đàn an ninh khu vực và quốc tế, nhằm phối hợp ngăn chặn, đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, như: tội phạm xuyên quốc gia, các loại dịch bệnh, thiên tai, thảm họa và phối hợp trong tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường… Đặc biệt, trên cơ sở nắm vững quan điểm, đường lối đối ngoại “rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại” của Đảng, ĐNBP đã chủ động đổi mới, sáng tạo mở rộng quan hệ trên nhiều hướng, với nhiều đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước trong khối ASEAN, các nước bạn bè truyền thống; đồng thời, thiết lập quan hệ với nhiều đối tác mới, như: Ô-xtrây-li-a, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Cộng hòa liên bang Mi-an-ma,… Qua đó, tạo sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, cùng hợp tác, phát triển trên nhiều lĩnh vực, góp phần mở rộng và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Năm 2011, công tác ĐNBP đã đạt nhiều kết quả thiết thực ở cả 3 cấp: Bộ Tư lệnh, bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh (thành phố) và ở các đồn, trạm biên phòng. Trong đó, BĐBP các tỉnh (thành phố) và các đồn biên phòng đã thực hiện tốt việc gặp gỡ, hội đàm (định kỳ, đột xuất); phối hợp tuần tra chung; tổ chức thăm hỏi, giao lưu với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng. Đồng thời, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương mở rộng quan hệ với chính quyền địa phương các nước tiếp giáp, giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên biên giới, vùng biển theo đúng các hiệp định, quy chế về biên giới và thỏa thuận giữa Chính phủ và Bộ Quốc phòng nước ta với chính phủ và bộ quốc phòng các nước láng giềng có chung biên giới. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền, an ninh BGQG, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 


Cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh phục kích truy bắt tội phạm

 Trong thời gian tới, nước ta tiếp tục hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn vào khu vực và toàn cầu. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi là cơ bản, chúng ta phải đối phó với không ít khó khăn, thách thức gay gắt; trong đó, vấn đề về biên giới, lãnh thổ và vùng biển, đảo sẽ có những diễn biến mới, phức tạp. Đặc biệt, trên các tuyến biên giới, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các hoạt động ly khai, tự trị để chống phá cách mạng nước ta. Cùng với đó, tình trạng xâm nhập trái phép, truyền đạo trái pháp luật, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai, dịch bệnh ở khu vực biên giới tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh không thể xem thường. Vì vậy, để xây dựng, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG, chúng ta phải phát huy sức mạnh tổng hợp cả ở trong nước và quốc tế, lấy nội lực là chính, với nhiều giải pháp đồng bộ trên các lĩnh vực. Trong đó, đẩy mạnh công tác ĐNBP nhằm phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng và quốc tế trong xử lý các vấn đề về biên giới, lãnh thổ và vùng biển là vấn đề rất quan trọng.


BĐBP làm thủ tục xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới

Hoạt động ĐNBP là một bộ phận quan trọng trong hoạt động đối ngoại quốc phòng của Đảng và Nhà nước, với sự tham gia của nhiều cơ quan, nhiều cấp và nhiều lực lượng; trong đó, BĐBP là một lực lượng nòng cốt, chuyên trách, nên vai trò của BĐBP trong hoạt động này có đặc điểm: vừa trực tiếp tham gia và chủ trì, vừa làm tham mưu và chủ động điều hành mọi hoạt động, mang tính chất ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại quân sự. Do đó, công tác ĐNBP phải theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước; đồng thời, có sự vận dụng thích hợp vào điều kiện cụ thể trên từng địa bàn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trước hết, cần quán triệt và thực hiện tốt các nguyên tắc sau: Thứ nhất, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; bình đẳng, hữu nghị và cùng có lợi. Thứ hai, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên. Thứ ba, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoạt động theo phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Thứ tư, trong thực hiện đối ngoại, phải bảo đảm an toàn nội bộ, giữ nghiêm kỷ luật, thận trọng, chặt chẽ theo đúng nội dung, chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt. Đây là những nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt đối với công tác ĐNBP, bảo đảm cho hoạt động này luôn theo đúng định hướng của Đảng, phù hợp với xu thế của thời đại, góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền, an ninh BGQG, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Để thực hiện tốt yêu cầu đó, thời gian tới, BĐBP cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong hoạt động ĐNBP; tập trung vào một số nội dung cơ bản sau. 

1. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Nghị định số 89/2009/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động ĐNBP. Trên cơ sở đó, ĐNBP tiếp tục tăng cường mở rộng quan hệ giữa BĐBP Việt Nam với các nước, trước hết là các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống, các đối tác mới và các nước trong khu vực trên cơ sở hiểu biết, tin cậy lẫn nhau; tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác và phát triển của mỗi nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền, an ninh BGQG, nâng cao vị thế của nước ta, dân tộc ta trên trường quốc tế.


BĐBP Lạng Sơn tuyên truyền công tác phân giới cắm mốc Việt Nam - Trung Quốc trong thanh niên

2. Tích cực, chủ động đa dạng hóa các hình thức quan hệ hợp tác với các nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và trong xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, phòng chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia. Trong đó, tăng cường hợp tác phát triển kinh tế với các nước trên thế giới, nhất là phát triển các khu kinh tế mở, kinh tế cửa khẩu, kinh tế biển, tạo ra các khu vực có lợi ích đan xen để bảo vệ chủ quyền kinh tế, gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, giao lưu giữa chính quyền các cấp (xã, huyện, tỉnh) hai bên biên giới, nhằm phối hợp thực hiện có hiệu quả thỏa thuận về biên giới đã ký giữa nước ta với các nước có chung đường biên giới. Cùng với nâng cao khả năng, hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng bảo vệ biên giới của hai bên, cần coi trọng việc hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc hai bên biên giới qua lại, thăm, thân; đẩy mạnh các hoạt động kết nghĩa giữa các thôn, bản nhằm giúp đỡ nhau phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện tốt Quy chế biên giới trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, nêu cao tinh thần cảnh giác, không để kẻ địch và phần tử xấu lợi dụng phá hoại tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

3. ĐNBP cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong các lĩnh vực: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại quốc phòng để bổ sung, hỗ trợ cho nhau; tăng cường các kênh đối ngoại, trao đổi thông tin, phối hợp nghiên cứu cơ bản nhằm tạo sự thống nhất trong đánh giá tình hình, xác định thời cơ, nguy cơ, đối tác, đối tượng,… trong các quan hệ quốc tế, làm cơ sở để tham mưu cho Đảng, Nhà nước và phối hợp giải quyết các vấn đề nảy sinh liên quan đến biên giới - quốc phòng - an ninh - đối ngoại, không để bị động bất ngờ về chiến lược.


BĐBP Lào Cai vận động đồng bào các dân tộc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia

4. Trên cơ sở nắm vững nguyên tắc, cần xác định rõ mục tiêu, phương châm đối ngoại phù hợp, nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề về biên giới, lãnh thổ với các nước hữu quan. Trong đó, phải lấy bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu cao nhất, tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế, lợi ích địa phương mà quên đi chủ quyền và lợi ích của đất nước. Tuy nhiên, việc quan hệ đối ngoại với các nước cần tính đến lợi ích chính đáng của mỗi bên, thực hiện vừa đấu tranh, vừa thương lượng, thỏa thuận với nhau theo nguyên tắc “có đi, có lại”. Đặc biệt, trong quá trình đàm phán giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ chúng ta cần nắm vững luật pháp quốc tế, nghệ thuật đàm phán cùng các chứng cứ pháp lý và lịch sử; luôn kiên định về nguyên tắc, lấy đại cục làm trọng, nhưng linh hoạt, mềm dẻo về phương pháp hội đàm; nêu cao cảnh giác, tránh mắc mưu các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động gây chia rẽ của các thế lực thù địch. Trong mọi trường hợp, phải cố gắng tìm ra điểm tương đồng làm cơ sở tạo ra sự đồng thuận; đồng thời, lựa chọn điểm khác biệt để cùng nhau thương lượng giải quyết, nhằm thu hẹp sự bất đồng, giữ gìn mối quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế -  xã hội của đất nước.  

5. Trước những thời cơ, thuận lợi và thách thức mới, ĐNBP phải chủ động, nhạy bén nắm bắt tình hình và tích cực đổi mới, sáng tạo, tạo chuyển biến về chất trong các quan hệ đối ngoại. Trước hết, tập trung nâng cao hiệu lực lãnh đạo, quản lý của các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy BĐBP đối với công tác ĐNBP; tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chế, quy định, thủ tục hành chính và công tác bảo đảm cho ĐNBP phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác ĐNBP, nhất là về trình độ ngoại ngữ, tác phong, nghiệp vụ đối ngoại, bảo đảm cho đội ngũ này có phẩm chất, trình độ, năng lực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở Nghị định số 89/2009/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 88/2010/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về tổ chức, quản lý và phối hợp công tác đối ngoại quân sự, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức biên chế; tăng cường bổ sung trang, thiết bị hiện đại; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ĐNBP trong tình hình mới.

Thiếu tướng TRẦN ĐÌNH DŨNG

Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.