QPTD -Thứ Hai, 12/11/2018, 08:18 (GMT+7)
Tăng cường công tác bảo vệ bí mật quân sự, tích cực phòng ngừa, tránh lộ, lọt thông tin

Bảo vệ bí mật quân sự là một nội dung cơ bản của công tác bảo vệ an ninh Quân đội, có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động của toàn quân, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Trong tình hình hiện nay, công tác bảo vệ bí mật quân sự càng phải được cấp ủy, chỉ huy các cấp coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm.

Quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã ban hành nhiều chỉ thị, quy định, hướng dẫn để thực hiện công tác quan trọng này. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, đề cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đối với công tác phòng gian, giữ bí mật quân sự. Đồng thời, đề ra nhiều nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ tình hình mọi mặt, bảo đảm an toàn tuyệt đối, bí mật, không để lộ, lọt thông tin quân sự. Cơ quan Bảo vệ an ninh Quân đội thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu đề xuất giúp cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động phá hoại, đánh cắp thông tin, bí mật quân sự của các thế lực thù địch, phản động, bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động của toàn quân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và sự ổn định chính trị của đất nước.

Thiếu tướng Dương Đức Thiện phát biểu bế giảng lớp bồi dưỡng
nghiệp vụ bảo vệ năm 2018

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, như: một số cán bộ, nhân viên, chiến sĩ còn chủ quan, mất cảnh giác, thiếu ý thức trách nhiệm, tùy tiện trong phát ngôn hoặc đưa lên mạng những thông tin, hình ảnh sai trái, gây phản cảm; tự ý trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu không đúng đối tượng và phạm vi phổ biến. Đáng chú ý là, tình trạng lộ, lọt bí mật quân sự trên mạng internet và các phương tiện thông tin, truyền thông còn nhiều, nhất là tài liệu thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng liên quan đến một số cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp trong Quân đội, v.v. Điều đó không chỉ ảnh hưởng xấu đến uy tín của Quân đội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Chúng triệt để lợi dụng điều kiện mở cửa, hội nhập quốc tế, sử dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại, mạng xã hội, phương tiện thông tin và truyền thông; những sơ hở, thiếu sót của ta để hoạt động tình báo, gián điệp, thu thập thông tin bí mật nhà nước, bí mật quân sự, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội, v.v. Tình hình đó đặt ra và đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải tăng cường công tác bảo vệ bí mật quân sự. Để đạt hiệu quả, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần tiến hành đồng bộ các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó, tập trung thực hiện tốt những nội dung trọng tâm sau:

1. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên và chiến sĩ về công tác bảo vệ bí mật quân sự trước yêu cầu mới. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu để nâng cao ý thức cảnh giác và triển khai thực hiện tốt mặt công tác này. Thực tế cho thấy, thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội về công tác phòng gian, giữ bí mật quân sự, đã tạo kẽ hở để các thế lực thù địch thu thập tin tức bí mật của ta. Bởi vậy, các cơ quan, đơn vị cần coi trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ: bảo vệ bí mật quân sự vừa là trách nhiệm, vừa là nhiệm vụ của các tổ chức và mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, chứ không phải của riêng cơ quan bảo vệ an ninh Quân đội. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của trên về công tác giữ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, nhất là Chỉ thị 05/CT-TTg, ngày 21-02-2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong tình hình mới”; Thông tư 91/2012/TT-BQP, ngày 26-7-2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (ban hành kèm theo Quy chế về công tác văn thư, lưu trữ và bảo mật tài liệu trong Quân đội); Thông tư 202/2016/TT-BQP, ngày 12-12-2016 của Bộ Quốc phòng “Quy định về bảo đảm an toàn thông tin trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet trong Quân đội nhân dân Việt Nam và các quy chế, quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và yêu cầu của công tác bảo vệ bí mật quân sự trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức, trách nhiệm cho mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ về công tác bảo vệ bí mật quân sự; làm cho mọi người biết tự bảo vệ, lấy phòng ngừa là chính. Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp tiến hành; gắn công tác tuyên truyền, giáo dục với công tác quản lý bộ đội; duy trì nghiêm các chế độ quy định, xây dựng đơn vị an toàn gắn với địa bàn đóng quân an toàn; không ngừng đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động tình báo, gián điệp, đánh cắp thông tin của các thế lực thù địch, phản động.

2. Quản lý chặt chẽ tình hình mọi mặt, không để lộ, lọt thông tin, tài liệu bí mật quân sự. Trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nắm và quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng, kỷ luật và các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Thường xuyên rà soát, đảm bảo tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ làm việc tại cơ quan, đơn vị, vị trí trọng yếu, cơ mật. Thực hiện nghiêm quy định trong quan hệ, tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân nước ngoài; đấu tranh có hiệu quả với việc lợi dụng quan hệ, hợp tác trong lĩnh vực đối ngoại quân sự để thu thập tình báo, bí mật, cài cắm, móc nối, lôi kéo người trong nội bộ. Duy trì nghiêm các chế độ quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên; chế độ thông tin, thông báo tình hình, báo cáo, giao ban, rút kinh nghiệm; khắc phục mọi biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác, sơ hở, lộ bí mật, mất an toàn, để kẻ địch, phần tử xấu tác động, lôi kéo, phá hoại, đánh cắp thông tin bí mật quân sự. Đồng thời, quản lý chặt chẽ công văn, tài liệu, vũ khí, khí tài, trang bị, tài sản của Quân đội, không để lộ, lọt, mất mát. Tăng cường công tác quản lý bí mật quân sự trên các phương tiện thông tin và truyền thông, nhất là quản lý việc sử dụng dịch vụ internet và các thiết bị công nghệ thông tin. Các đơn vị quản lý chặt chẽ thông tin trên mạng, không để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ truy cập vào các trang mạng có nội dung phản động, sai trái; đưa các thông tin, hình ảnh có nội dung liên quan đến bí mật quân sự hoặc “nhạy cảm” trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Khi phát hiện thông tin, hình ảnh liên quan đến bí mật quân sự trên mạng xã hội, cần nhanh chóng báo cáo cấp trên và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Việc trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí, xuất bản, cơ quan nghiên cứu khoa học và các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Quân đội phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ Quốc phòng, không được để lộ, lọt thông tin bí mật quân sự.

3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác bảo vệ bí mật quân sự. Cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành chỉ thị, quy định về phòng gian, giữ bí mật của cán bộ, chiến sĩ, nhất là các biện pháp phòng ngừa, không để lộ, lọt thông tin, tài liệu mật; trong xác minh, xét duyệt, tuyển chọn người vào cơ quan, đơn vị, vị trí trọng yếu, cơ mật, trong tuyển quân, tuyển sinh quân sự, đi học tập, công tác nước ngoài, phòng chống tội phạm; chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động của đơn vị, v.v. Các đơn vị cần chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhận thức và hành động không đúng, biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác, thiếu ý thức trách nhiệm, vô tình hay cố ý để lộ, lọt thông tin bí mật quân sự. Đồng thời, tích cực phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, không để các thế lực thù địch, phần tử xấu tác động, móc nối, lôi kéo thu thập tin tức bí mật quân sự. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác bảo vệ bí mật quân sự; bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định cho phù hợp với thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị. Cơ quan bảo vệ an ninh Quân đội các cấp chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, lực lượng trên địa bàn đóng quân kiểm tra, theo dõi nắm chắc tình hình, tiến hành các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện các vụ việc lộ, lọt bí mật quân sự hoặc các hành vi vi phạm bí mật quân sự để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

4. Xây dựng cơ quan Bảo vệ an ninh Quân đội vững mạnh, làm nòng cốt trong công tác bảo vệ bí mật quân sự. Đây cũng là một giải pháp quan trọng để ngăn ngừa lộ, lọt thông tin bí mật quân sự. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn cơ quan Bảo vệ an ninh Quân đội vững mạnh, có đủ số lượng, chất lượng tốt. Chú trọng giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp tác phong công tác để người làm công tác bảo vệ an ninh Quân đội luôn có bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm cao, mưu trí, dũng cảm, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đồng thời, làm tốt việc lựa chọn cán bộ vào cơ quan bảo vệ an ninh theo đúng tiêu chuẩn, tiêu chí quy định; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác bảo vệ và chiến sĩ bảo vệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài.

Nhận thức đúng và thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ bí mật quân sự là cơ sở quan trọng để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh, an toàn các hoạt động của Quân đội, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng DƯƠNG ĐỨC THIỆN, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.