QPTD -Thứ Tư, 19/05/2021, 09:25 (GMT+7)
Sự phát triển lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội Việt Nam

Góp phần nhận thức và quán triệt sâu sắc, đầy đủ hơn tinh thần các lời giải cho các câu hỏi mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, chúng tôi xin làm rõ thêm “Sự phát triển lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội Việt Nam”.

1. Đặc trưng của chủ nghĩa xã hội Việt Nam

Đúng như đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định, “Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định” (1). Nhưng đứng trước tình hình cải tổ của Liên Xô có những biểu hiện chệch hướng XHCN, Đảng ta sớm nhận ra phải xây dựng một mô hình CNXH Việt Nam. Trên cơ sở đó Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) ra đời và đề ra mô hình CNXH Việt Nam gồm sáu đặc trưng (2). Tổng kết thực tiễn 10 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, Cương lĩnh 2011 (bổ sung, phát triển) đã bổ sung, phát triển thành tám đặc trưng CNXH Việt Nam: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới” (3). Với tám đặc trưng này, chứng tỏ CNXH mà nhân dân ta xây dựng sẽ đáp ứng mục tiêu xây dựng “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người (4). Mô hình CNXH này cũng chính "là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm” (5). Thực tiễn 35 năm đổi mới ở Việt Nam đã chứng tỏ rất rõ điều này.

2. Phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam

Cương lĩnh 1991 đề ra bảy phương hướng xây dựng CNXH Việt Nam (6), tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, Cương lĩnh 2011 hoàn thiện, bổ sung thành tám phương hướng: Đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ XHCN thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng Mặt trận thống nhất; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh (7). Những phương hướng này vừa là kết quả tổng kết thực tiễn vừa là kết quả nghiên cứu lý luận, học hỏi kinh nghiệm quốc tế của Đảng ta.

3. Các mối quan hệ lớn cần giải quyết khi thực hiện các phương hướng xây dựng CNXH Việt Nam

Tổng kết thực tiễn đã gợi mở cho Đại hội XI của Đảng đi đến nhận thức khi thực hiện tám phương hướng xây dựng CNXH phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt tám quan hệ lớn là những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình đi lên CNXH từ thực tiễn Việt Nam. Đó là: “quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ…” (8). Tổng kết 5 năm giải quyết các quan hệ lớn này, Đại hội XII, hoàn chỉnh quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa thành quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa và bổ sung quan hệ giữa Nhà nước và thị trường (9). Đến Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã hoàn thiện quan hệ "giữa Nhà nước và thị trường" thành quan hệ “Nhà nước, thị trường và xã hội”. Xuất phát từ thực tiễn, Đại hội XIII của Đảng bổ sung thêm quan hệ “giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội” (10).

4. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam

Trước đổi mới, Đảng ta xác định quá độ lên CNXH ở Việt Nam là sự quá độ “bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”Cương lĩnh 1991, xác định: “Nước ta quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản” (11). Đến Đại hội IX, Đảng ta chỉ ra cụ thể hơn: “Con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại” (12). Tất nhiên, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa phải được nhận thức như đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển” (13).

5. Kinh tế thị trường định hướng XHCN như công cụ, phương tiện xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam

Đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng” (14) của Đảng. Mục đích của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho CNXH, nâng cao đời sống của nhân dân. Kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Đây chính là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Mô hình kinh tế này “gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển” (15). Chính thực tiễn phát triển mô hình kinh tế này đã “đem lại những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp cho đất nước trong 35 năm qua” (16).

6. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam - hình thức tối ưu thực hiện quyền lực của nhân dân

Tổng kết việc xây dựng nhà nước XHCN trong quá trình đổi mới, Đảng ta nhận thấy sự cần thiết phải khai thác những giá trị của nhà nước pháp quyền trong lịch sử nhân loại. Tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận đã giúp Đảng ta nhận thức đúng rằng, “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản”; “là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân” (17). Thực tiễn 35 năm đổi mới của Việt Nam đã chứng tỏ nhà nước pháp quyền XHCN là hình thức tối ưu thực hiện quyền lực của nhân dân.

7. Phát triển văn hóa với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội

“Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội” được Đảng nêu ra lần đầu tiên trong Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành T.Ư khóa VII (1-1993), sau đó được khẳng định và bổ sung thêm là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong các Văn kiện Đại hội Đảng. Đây là thành tựu lớn về lý luận của Đảng, là kết quả của sự tổng kết thực tiễn và tiếp thu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như những thành tựu của tư duy nhân loại về văn hóa. Theo quan niệm của Đảng ta, “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao” (18). Đây chính là trụ cột về tinh thần của CNXH Việt Nam.

Trên đây là những nội dung cốt lõi trong sự phát triển lý luận về CNXH Việt Nam của Đảng ta. Sau 35 năm đổi mới, “lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa” (19). Thực tiễn đổi mới cũng chứng tỏ phát triển theo mô hình CNXH Việt Nam mà Đảng đã đề ra không chỉ có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội, môi trường tốt hơn nhiều so với các nước đi theo mô hình phát triển khác. Điều đó cũng chứng tỏ sự lựa chọn con đường phát triển XHCN và gắn độc lập dân tộc với CNXH là sự lựa chọn đúng đắn hợp quy luật khách quan và thực tiễn thời đại.

GS, TS TRẦN VĂN PHÒNG, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
__________________

 (1), (4), (5), (13), (14), (15), (16), (17), (18) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-646305/; ngày 16/5/2021.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. ST, H. 1991; tr. 10-11.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu (ĐHĐB) toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H. 2011; tr. 70.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. ST, H. 1991; tr. 11-13.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H. 2011; tr. 72.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 72-73.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng T.Ư Đảng, H. 2016; tr. 80.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, H. 2021; tập 1; tr. 119.

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. ST, H. 1991; tr. 8.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, H. 2001; tr. 84.

(19) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, H. 2021; tập 1; tr. 103.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.