QPTD -Thứ Năm, 21/06/2012, 16:40 (GMT+7)
Sơn La phát huy vai trò các đội công tác tăng cường xây dựng cơ sở trên địa bàn

 Thực hiện Chỉ thị số 123/2002/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Về việc củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ, đội công tác tăng cường cho các cơ sở trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ”, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các đội công tác tăng cường cho một số cơ sở trọng điểm về quốc phòng - an ninh của Tỉnh; coi đó là nhiệm vụ quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.


Là một tỉnh miền núi, biên giới, phía Tây Tổ quốc, Sơn La có diện tích 14,174 km2, 250 km đường biên giới tiếp giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; dân số trên 1 triệu người, gồm 12 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm 54,76%, dân tộc Kinh 18%, dân tộc HMông 13%... Những năm qua, hòa chung tiến trình đổi mới đất nước, Sơn La đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tạo ra sự phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống. Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ngày càng được quan tâm, đầu tư thỏa đáng, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới, Sơn La vẫn còn là tỉnh nghèo, đời sống nhân dân các dân tộc còn nhiều khó khăn; tình hình an ninh chính trị trên địa bàn còn tiểm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định; hoạt động tôn giáo, di dịch cư tự do, các tệ nạn xã hội, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy còn diễn biến phức tạp. Để góp phần khắc phục tình trạng đó, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh đã tăng cường chỉ đạo Đảng ủy Quân sự, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các đội công tác tăng cường cho cơ sở; định kỳ trong từng thời gian, BCHQS Tỉnh tổ chức kiểm tra, nắm tình hình hoạt động của các đội để chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm. Nhiệm vụ chung của các đội công tác xây dựng cơ sở (XDCS) là: bám dân, bám bản, làng, thực hiện 3 cùng với dân để làm công tác vận động quần chúng; chủ động bám, nắm địa bàn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết có hiệu quả những vấn đề phát sinh; tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Do tính chất đặc biệt của nhiệm vụ, nên yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp trong đội công tác là phải có lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt; có kiến thức và năng lực làm công tác vận động quần chúng; có khả năng độc lập xử lý các tình huống; có kiến thức về kinh tế, văn hóa, pháp luật, hiểu biết phong tục, tập quán địa phương; có sức khỏe; ưu tiên người dân tộc thiểu số, địa phương. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, các đội XDCS đã thường xuyên phối hợp với các lực lượng, nắm chắc tình hình thôn, bản, nhất là những nơi phức tạp, trọng điểm về quốc phòng - an ninh (QP-AN), các đối tượng lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lôi kéo dân di dịch cư tự do, vượt biên trái phép,... Thông qua đó, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch QP-AN; phòng, chống thiên tai, bão, lũ, cháy rừng; phát triển KT-XH; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, bản, làng văn hóa, giải quyết những vấn đề phức tạp trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các đội XDCS đã tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực tế cho thấy, các thế lực thù địch luôn lợi dụng những hạn chế trong nhận thức của đồng bào để kích động, xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Nhận thức rõ điều đó, các đội XDCS đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, xuống địa bàn các xã, bản để tuyên tuyền, vận động nhân dân nắm vững các chỉ thị, nghị quyết, chính sách dân tộc của Đảng, những vấn đề cơ bản về pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá cách mạng nước ta. Bằng nhiều nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, các đội đã tích cực vận động, tuyên truyền để người dân nắm được các sự kiện chính trị, xã hội của đất nước; hiểu biết về Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Biên giới, Luật Phòng, chống ma túy; công tác phòng, chống cháy, nổ...; vận động nhân dân không học, truyền đạo trái pháp luật, không di dịch cư tự do, không chặt, phá rừng làm nương, không vượt biên trái phép, không buôn, bán, vận chuyển và tái trồng cây thuốc phiện… Cán bộ, chiến sĩ của các đội còn trực tiếp xuống từng hộ dân, nắm tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những bức xúc trong dân; hướng dẫn, giúp đỡ dân phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản kiểu mẫu. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, đồng bào đã có nhận thức đúng hơn chủ trương phát triển KT-XH của địa phương; không nghe theo lời xúi dục của kẻ xấu; tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc trên địa bàn. 

Kết quả nổi bật của các đội XDCS thời gian qua là, đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ QP-AN. Các đội đã chủ động phối hợp với các lực lượng trên địa bàn làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của địa phương, già làng, trưởng bản và người có uy tín trong dòng họ. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và phát huy vai trò của họ trong tiến hành công tác dân vận trên địa bàn; xây dựng kế hoạch huấn luyện, chiến đấu trị an, phòng, chống lụt, bão, cháy rừng; tuyển chọn, sử dụng, đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã và lựa chọn thanh niên nhập ngũ, bảo đảm đúng đối tượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Các đội XDCS đã tích cực vận động nhân dân đăng ký cam kết không di, dịch cư tự do; vận động các đối tượng nghiện hút đi cai nghiện tập trung; tham gia giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, đơn, thư khiếu kiện, hòa giải mâu thuẫn cá nhân và gia đình... Hiệu quả rõ nét nhất trong công tác vận động quần chúng của các đội XDCS là đã phát huy tốt vai trò của nhân dân các dân tộc trong quản lý địa bàn, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các thôn, bản. Khi phát hiện có vụ việc vi phạm hoặc có người lạ, nghi vấn, nhân dân đã kịp thời thông báo với các đội công tác để tham mưu xử lý. Việc làm đó đã giúp địa phương nâng cao năng lực quản lý nhà nước về QP-AN; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không mơ hồ trước âm mưu, thủ đoạn và các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch; không để xảy ra các điểm “nóng” trên địa bàn.

Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, các đội XDCS đã làm tốt công tác tham mưu và tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương. Trong phạm vi phân công phụ trách, các đội đã tiến hành khảo sát, nắm tình hình, xác định khu vực trọng điểm về an ninh chính trị, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở được xác định trước hết là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; bồi dưỡng cho họ có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực vận động quần chúng, quản lý dân cư, quản lý địa bàn. Các đội XDCS đã tập trung tham gia củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy hiệu lực quản lý của hệ thống chính quyền cơ sở; xây dựng các tổ chức quần chúng vững mạnh, các thôn, bản an toàn, làm chủ, các mô hình tự quản về an ninh, trật tự. Riêng năm 2011, các đội XDCS đã tham mưu cho cấp ủy địa phương tách 02 chi bộ bản, bầu 08 bí thư chi bộ, kết nạp 61 quần chúng ưu tú vào Đảng và chuyển đảng chính thức cho 31 đồng chí đúng nguyên tắc, thủ tục. Các đội cũng đã tham mưu cho các địa phương kiện toàn 12 trưởng bản, 01 xã đội trưởng, 01 trưởng công an xã và 03 công an viên, bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đối với nhân dân. Trong hoạt động của các tổ chức quần chúng, các đội đã tham gia củng cố, kiện toàn ban chấp hành 20 Hội Phụ nữ, 16 Hội Nông dân, 21 Mặt trận Tổ quốc, 41 chi đoàn và 03 Hội Cựu chiến binh; tham mưu để các tổ chức này hoạt động có nền nếp, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, với nhiều nội dung phong phú, thiết thực. Ngoài ra, các đội còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở; tuyên truyền, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; coi đó là việc làm thiết thực, nhằm động viên nhân dân nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, tích cực tham gia phát triển KT-XH, củng cố QP-AN, xây dựng địa phương vững mạnh về mọi mặt.

Cùng với đó, các đội còn tích cực tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Các đội XDCS đã chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền cơ sở xây dựng kế hoạch chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, bao tiêu sản phẩm, làm các mô hình kinh tế nhỏ, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình; giúp dân thực hiện tốt Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ và các dự án phục vụ phát triển kinh tế của địa phương. Tham mưu cho địa phương thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xóa bỏ mọi hủ tục lạc hậu; phát huy vai trò của các lực lượng trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn. Để tạo điều kiện cho địa phương cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển KT-XH, các đội XDCS đã tích cực tham gia lao động, tu sửa được 35 km đường liên bản, liên xã; đào và sửa 6 km mương, máng; giúp dân tu sửa, xây dựng 15 nhà mới và 18 Nhà đại đoàn kết; làm 03 nhà bán trú dân nuôi, sửa chữa 06 phòng học, 25 bộ bàn ghế học sinh; vận động nhân dân các dân tộc trồng được 31 ha lúa, ngô lai và giúp dân thu hoạch 20 ha lúa mùa. Trong dịp lễ, Tết, các đội đã thăm và tặng quà cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các gia đình chính sách, gia đình nghèo, già làng, trưởng bản, nhà trường, với 450 suất quà (trị giá gần 90 triệu đồng); phối hợp với Đội tuyên tuyền văn hóa của BCHQS Tỉnh tổ chức chiếu phim, vi-đê-ô, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thi đấu thể thao, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào. Các đội còn tham gia khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân, với 6.050 lượt người (trị giá 65 triệu đồng). Riêng Đội công tác xây dựng cơ sở số 1, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã phối hợp với Bệnh viện 103 tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí được 8.000 xuất thuốc thông thường và thuốc chuyên khoa (trị giá 220 triệu đồng); thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn...

Thời gian tới, Đảng ủy Quân sự, BCHQS tỉnh Sơn La tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, phát huy vai trò của các đội XDCS trong tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn chiến lược phía Tây của Tổ quốc.

Đại tá CẦM VĂN CÂU

Chính ủy BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.