QPTD -Thứ Năm, 19/11/2015, 08:01 (GMT+7)
Quảng Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quốc phòng, quân sự

Công tác quốc phòng, quân sự là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, cơ sở. Đối với Quảng Ninh - một tỉnh biên giới, ven biển, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và thế phòng thủ của Quân khu 3, do đó công tác này càng có ý nghĩa quan trọng và cần được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả.

Các đại biểu tham quan mô hình huấn luyện tại Lễ ra quân huấn luyện năm 2015 (Ảnh: quankhu3.vn)

Quán triệt và thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân và lực lượng vũ trang Tỉnh phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại văn hoá - xã hội,… đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương từng bước được nâng lên. Đáng chú ý là, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ được Tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư xây dựng ngày càng vững mạnh1. Chất lượng tổng hợp, khả năng, trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương được nâng cao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và vùng biển, đảo Đông Bắc Tổ quốc. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 2015, Quảng Ninh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” lần thứ 2.

Bên cạnh kết quả và những thuận lợi, Quảng Ninh đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực. Trong đó, nhiệm vụ quốc phòng và an ninh rất nặng nề, có sự phát triển mới, yêu cầu cao và trên địa bàn còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hoà bình”; tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới, ven biển tiếp tục diễn biến phức tạp; thiên tai, dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, diễn biến khó lường, v.v. Trong khi đó, nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự chưa đầy đủ; việc tổ chức triển khai kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng và an ninh ở một số ngành, địa phương hiệu quả còn thấp; trình độ, khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương có mặt còn hạn chế.

Tình hình đó đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Ninh phải nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, công tác quân sự địa phương, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Với tinh thần đó và biểu thị sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2015 - 2020) xác định: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng tiềm lực quốc phòng đủ mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện…; xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển bền vững”. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và phương hướng trên, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh triển khai xây dựng chương trình hành động; trong đó, về quốc phòng, quân sự, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tốt những nội dung chủ yếu sau:

1- Coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên và toàn dân. Căn cứ vào đặc điểm, điều kiện của địa bàn và kinh nghiệm, kết quả đạt được trong những năm qua2, Tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đưa công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực. Tiến hành củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp, đảm bảo sự ổn định, không để xảy ra tình trạng hụt hẫng, đứt quãng trong hoạt động sau đại hội đảng các cấp. Cùng với đó, chủ động rà soát đối tượng, lập kế hoạch bồi dưỡng và cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định; trong đó, ưu tiên những cán bộ mới được bổ nhiệm các chức danh. Cùng với bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên, Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động mở rộng đối tượng bồi dưỡng; nhất là đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ; chức sắc, chức việc tôn giáo; chủ hộ gia đình trên tuyến biên giới, huyện đảo. Qua đó, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong Tỉnh đối với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Thời gian tới, Tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Cơ quan Quân sự tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên trong hệ thống nhà trường trên địa bàn theo Thông tư 39/2014/TT-BQP, ngày 03-6-2014 của Bộ Quốc phòng. Thông qua đó, trang bị cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên kiến thức, kỹ năng quân sự, truyền thống quê hương cách mạng, tinh thần yêu nước, ý thức, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân, Tỉnh tiếp tục phát huy các phương tiện thông tin đại chúng và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các huyện, để tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao trách nhiệm thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở địa phương, cơ sở.

2- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng và an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ. Quảng Ninh là địa bàn vừa có rừng, vừa có biên giới, biển, đảo, nên Tỉnh chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng và an ninh, nhằm cụ thể hóa và góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng. Việc thực hiện không chỉ được thể hiện ngay từ trong quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể, mà còn được triển khai ở từng ngành, địa phương, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế biển. Trong phát triển nông nghiệp, cùng với chính sách khuyến nông, Tỉnh coi trọng phối hợp với Đoàn 327 (Quân khu 3) xây dựng các nông trường, lâm trường, điều chỉnh thế bố trí lực lượng trên các khu vực trọng điểm, biên giới, biển, đảo; gắn liền với đó, chỉ đạo huyện Đông Triều, Hoành Bồ, Tiên Yên,… phối hợp với các sở, ban, ngành nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng: đường giao thông, kênh mương nội đồng, nước sạch, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Đối với vùng biển, đảo, Tỉnh chú trọng gắn phát triển kinh tế biển với tổ chức xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Trong đó, Tỉnh tập trung đầu tư nguồn vốn xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ; xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và hệ thống cảng biển các huyện: Cô Tô, Vân Đồn, thành phố Móng Cái theo hướng bền vững. Tại khu kinh tế cửa khẩu và hải đảo, Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng các điểm dân cư tập trung và bố trí việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc. Hầu hết các dự án đã và đang được triển khai đều có tính lưỡng dụng cao, đạt hiệu quả thiết thực cả kinh tế và quốc phòng.

Vừa qua, Tỉnh được Quân khu chọn làm đơn vị điểm về xây dựng cơ sở hạ tầng căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ. Theo đó, cùng với xây dựng tiềm lực mọi mặt, Tỉnh phấn đấu đến năm 2018 sẽ hoàn thành để giúp Bộ và Quân khu rút kinh nghiệm chỉ đạo chung. Theo kế hoạch đã xác định, đến năm 2020 Tỉnh xây dựng xong sở chỉ huy cơ bản thời chiến; cấp huyện hoàn thành 55% - 60% các hạng mục công trình. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ; các sở, ngành và doanh nghiệp thực hiện diễn tập khu vực phòng thủ, phòng chống cháy nổ, cháy rừng, tìm kiếm, cứu nạn…; cấp xã (phường, thị trấn) thực hiện diễn tập chiến đấu trị an sát yêu cầu, nhiệm vụ, điều kiện từng địa bàn. Cơ quan quân sự phối hợp với Công an và Biên phòng thực hiện Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội đạt hiệu quả cao. Công tác quản lý nhà nước về quốc phòng có chuyển biến tích cực, nhất là việc sử dụng đất và các công trình quốc phòng. Hoạt động đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân tiếp tục được triển khai và thực hiện tốt, góp phần xây dựng biên giới trên bộ, trên biển hoà bình, hợp tác, phát triển. Các chính sách xã hội và công tác dân vận, công tác xóa đói giảm nghèo tiếp tục được thực hiện, góp phần tăng cường “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo sơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.

3- Lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, làm nòng cốt thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở địa phương. Những năm tới, trên cơ sở phát huy kết quả đạt được về xây dựng lực lượng vũ trang trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Tỉnh tập trung xây dựng lực lượng thường trực theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; đảm bảo vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân. Trong quá trình điều chỉnh tổ chức lực lượng vũ trang, Tỉnh coi trọng gắn với các mô hình kinh tế ở các khu vực kinh tế trọng điểm huyện Vân Đồn, thành phố Móng Cái; kiện toàn đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Quân sự Tỉnh. Đồng thời, coi trọng chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng huấn luyện, nhất là khả năng tác chiến hiệp đồng và huấn luyện phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo sự chuyển biến vững chắc trên các lĩnh vực công tác. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng dự bị động viên và lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đối với Bộ đội Biên phòng, Tỉnh chỉ đạo tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; đồng thời tích cực giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị, nhất là ở vùng biên giới, biển, đảo.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nêu trên, sẽ là cơ sở vững chắc để Quảng Ninh thực hiện thắng lợi công tác quốc phòng, quân sự, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NGUYỄN VĂN ĐỌC, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh
________________

1 - Từ năm 2010 đến quý 1 năm 2015, Tỉnh mở 271 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng với tổng số gần 28 nghìn người; tổ chức được 218 cuộc diễn tập quốc phòng và an ninh; đào tạo được 435 chỉ huy trưởng xã, phường, thị trấn.

2 - Tính từ tháng 01 đến tháng 9-2015, Tỉnh đã mở 1.724 lớp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 65.774 người.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.