QPTD -Thứ Hai, 14/08/2023, 07:53 (GMT+7)
Quảng Ninh tăng cường tiềm lực khu vực phòng thủ

Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng tỉnh (thành phố) trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, tỉnh Quảng Ninh luôn đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực trong khu vực phòng thủ, làm nền tảng vững chắc để tăng cường quốc phòng, an ninh. Đây là nội dung rất quan trọng, nhiều khó khăn, thách thức, phải kiên trì thực hiện lâu dài, từ sớm, từ xa.

Quảng Ninh là tỉnh biên giới, ven biển, nằm ở địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, có địa hình đa dạng gắn với biên giới, biển, đảo, hải cảng, cửa khẩu,… nên công tác quân sự, quốc phòng cũng bao hàm nhiều nhiệm vụ phức tạp, như: phòng thủ đảo và các tuyến tiền tiêu; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; ngoại giao nhân dân, đối ngoại quốc phòng,... đặt ra yêu cầu cao cả về tiềm lực và thế trận trong xây dựng khu vực phòng thủ. Mặt khác, trong xu thế toàn cầu hóa, bên cạnh thời cơ, vận hội, Tỉnh cũng chịu nhiều tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới cùng những thách thức mới trong bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, v.v. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng; tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Sau gần 03 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2025, kinh tế tăng trưởng trung bình 10,3%/năm; GDP hơn 7.600 USD/người/năm; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại tiếp tục mở rộng, tạo cơ sở để xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ Tỉnh ngày càng vững mạnh.

Những năm tới, hợp tác, phát triển kinh tế của Tỉnh ngày càng sâu, rộng; nhiều thành tựu khoa học, công nghệ được ứng dụng trong kinh tế, quân sự làm thay đổi mạnh mẽ tư duy về khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh cùng nguy cơ của các loại tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính, viễn thông, sinh học, môi trường,... phát sinh nhiều yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống. Để có thể chuyển đổi, huy động các nguồn lực cho hoạt động quốc phòng khi cần thiết, Tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương linh hoạt phát huy tiềm năng, lợi thế về con người, địa lý, tài nguyên, môi trường; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, nhất là tăng cường tiềm lực cho khu vực phòng thủ; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Bám sát kết quả, kinh nghiệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về xây dựng khu vực phòng thủ; 10 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, bổ sung Chương trình hành động số 27-CTr/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh vững chắc trong tình hình mới”. Ban hành, bổ sung, hoàn thiện, sửa đổi các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, triển khai công tác quốc phòng, quân sự địa phương theo giai đoạn, về: xây dựng lực lượng tự vệ, dân quân thường trực biên giới và địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh; tăng cường lãnh đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương giai đoạn 2020 - 2025; lập quy hoạch xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ và các hướng dẫn triển khai thực hiện, v.v. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong nghị quyết lãnh đạo thường kỳ cần kiên trì mục tiêu, cụ thể hóa chỉ tiêu, đề ra biện pháp thực hiện hiệu quả, sát tình hình thực tế, theo từng năm, giai đoạn. Nâng cao năng lực tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện của cơ quan Quân sự, Công an, Biên phòng; hoàn thiện và thường xuyên vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, phối hợp giữa các lực lượng trong xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

Hai là, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện và tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần. Trước hết, Tỉnh tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; triển khai đề án hợp nhất các cơ quan tham mưu, giúp việc; mô hình cơ quan chuyên trách giúp việc chung khối tổ chức chính trị - xã hội các cấp; nhất thể hóa chức danh; kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường cán bộ Biên phòng tham gia đảng ủy các xã, phường khu vực biên giới, đảo. Chỉ đạo lực lượng vũ trang thường xuyên nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết hiệu quả các tình huống phức tạp xảy ra trên địa bàn. Trong đó, dân quân tự vệ tăng cường phối hợp với công an xã bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuần tra, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động vi phạm đường biên, mốc giới; tích cực vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; Đảng ủy Đồn Biên phòng ký quy chế phối hợp với cấp ủy các xã biên giới, hải đảo; xây dựng mô hình tự quản, hội đồng tự quản đường biên, mốc giới, v.v.

Đồng thời, cấp ủy các cấp cần coi trọng phát triển chi bộ, khắc phục thôn, bản trắng đảng viên; xây dựng tổ chức đảng, chính quyền các cấp đoàn kết, thống nhất, đủ năng lực lãnh đạo, điều hành hoạt động của khu vực phòng thủ. Để thực hiện, cần tăng cường phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng, kết nạp đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong, gương mẫu, có tâm, đủ tầm, kiên định mục tiêu, lý tưởng. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xóa đói, giảm nghèo; thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng, nâng cao đời sống, bảo đảm công bằng xã hội. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân; để nhân dân giám sát, phản biện, góp ý xây dựng đảng, chính quyền; coi trọng tính thực chất trong các hoạt động; nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua; xây dựng thôn, xóm, khu dân cư văn hóa. Giải quyết tốt chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công, dân tộc, tôn giáo; xây dựng địa bàn an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu; đấu tranh đẩy lùi quan điểm sai trái, làm thất bại sự phá hoại của thế lực thù địch,... tạo cơ sở để huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Để đạt hiệu quả cao, Tỉnh đẩy mạnh đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; chú trọng mở rộng đối tượng đến chức sắc, chức việc tôn giáo, chủ hộ gia đình biên giới, biển, đảo, dân tộc ít người. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về công tác quân sự, quốc phòng thông qua duy trì chuyên trang, chuyên mục trên phương tiện thông tin đại chúng và phát huy vai trò tổ tuyên truyền pháp luật cấp xã. Thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tuyên truyền đặc biệt; biên soạn thêm nhiều loại tài liệu, tờ rơi, đĩa hình có nội dung tuyên truyền các văn bản luật về: phòng thủ dân sự, phòng, chống tội phạm, ma túy, dân tộc, tôn giáo, biên giới, biển, v.v. Vận động người có uy tín trong cộng đồng, người hiểu rõ lịch sử đường biên, cột mốc, người có quan hệ thân tộc hai bên biên giới cung cấp tình hình cho công tác bảo vệ biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ.

Ba là, nâng cao hiệu lực quản lý quá trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Bộ Chỉ huy Quân sự tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì tham mưu cho Tỉnh điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch quốc phòng theo thời kỳ, khu vực; quy hoạch các cụm kinh tế - quốc phòng, an ninh để hình thành cụm phát triển kinh tế gắn với tác chiến phòng thủ các cấp; thẩm định, giám sát kỹ việc triển khai các dự án. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng ven biển và kinh tế biển; phát triển, bảo vệ rừng, quản lý khai thác khoáng sản, bảo vệ địa hình có giá trị quân sự. Ưu tiên phát triển các doanh nghiệp cơ khí, luyện kim, hóa chất, điện tử; các trung tâm hậu cần, nghề cá đủ công năng phục vụ khai thác hải sản trên Vịnh Bắc Bộ; xây dựng cảng biển dân sinh gắn với quốc phòng trên tuyến đảo; nâng cao công suất hệ thống cảng biển có sức chứa lớn; phát triển hạ tầng viễn thông có ưu tiên bảo đảm cho các căn cứ chiến đấu, khu vực phòng thủ then chốt. Tham mưu cải tạo nâng cấp quốc lộ; có chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với các dự án xây dựng hạ tầng nông thôn, công trình phúc lợi xã hội; nâng cấp, phát triển đường kết nối địa phương, vùng kinh tế, công nghiệp, bến cảng,... tạo hạ tầng giao thông liên hoàn, thông suốt, bảo đảm nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế và hoạt động quốc phòng, quân sự. Tỉnh khuyến khích mở rộng các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, sử dụng lao động tại chỗ để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, kết hợp phát triển kinh tế với dự trữ nguồn nhân lực quân sự. Thường xuyên khảo sát, hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng sản xuất hàng quốc phòng để xây dựng phương án huy động nhân lực, trang bị lưỡng dụng. Tích cực phát triển du lịch bền vững, y tế, viễn thông theo hướng hiện đại, rộng khắp, nông nghiệp công nghệ cao,... bảo đảm an ninh lương thực và sẵn sàng động viên.

Bốn là, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh. Tiếp tục quán triệt và triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, Tỉnh tập trung xây dựng lực lượng thường trực “tinh, gọn, mạnh”, xây dựng lực lượng vũ trang các cấp vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quốc phòng, an ninh. Xây dựng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp” có cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng cao. Quản lý tốt nguồn dự bị động viên, sắp xếp “gần, gọn địa bàn”, đúng chuyên nghiệp quân sự. Thường xuyên bổ sung phương án tác chiến, kế hoạch động viên, chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến; tăng cường huấn luyện, giáo dục chính trị, kết nạp đảng viên để phát triển số lượng đi đôi với nâng cao chất lượng, nhất là độ tin cậy về chính trị, nhạy bén về tình hình địa bàn. Tăng cường diễn tập khu vực phòng thủ các cấp gắn với hoàn thiện các hạng mục công trình quân sự; kịp thời rút kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, cơ chế hoạt động của khu vực phòng thủ; hoàn thiện các kịch bản thực binh A2, chống khủng bố trên biển, tiếp nhận người tỵ nạn, nhất là trong xây dựng kế hoạch B. Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để mô phỏng quy trình diễn tập; chỉ huy thực binh qua cầu truyền hình.

Cùng với đó, Tỉnh chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới; trồng, bảo vệ rừng, giúp dân xóa đói giảm nghèo; vận động nhân dân ra định cư, định canh ở vùng giáp biên, trên đảo Trần, v.v. Qua đó, củng cố tiềm lực quốc phòng khu vực phòng thủ Tỉnh về mọi mặt, sẵn sàng huy động  bảo vệ vững chắc địa phương, Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đại tá KHÚC THÀNH DƯ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.