QPTD -Thứ Hai, 07/11/2016, 08:03 (GMT+7)
Quân khu 9 tập trung nâng cao chất lượng công tác hậu cần, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng

Phát huy kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, lực lượng vũ trang Quân khu 9, mà nòng cốt là ngành Hậu cần Quân khu tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác hậu cần, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong giai đoạn mới.

Từ nhận thức “Thực túc thì binh cường”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và huy động mọi nguồn lực để chăm lo đời sống bộ đội. Ngành Hậu cần Quân khu, trước hết là Cục Hậu cần đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chỉ huy cơ quan quân sự các địa phương, đơn vị xây dựng chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác hậu cần phù hợp trong từng giai đoạn. Đồng thời, trực tiếp triển khai các nội dung, biện pháp, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt bảo đảm. Vì vậy, mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng công tác hậu cần của Quân khu đạt được kết quả khá toàn diện. Tiềm lực, thế trận hậu cần khu vực phòng thủ trên địa bàn Quân khu được tăng cường vững chắc. Hệ thống cơ sở bảo đảm hậu cần các cấp được đầu tư, nâng cấp tương đối hoàn chỉnh. Ý thức, trách nhiệm, tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần được nâng lên. Hoạt động bảo đảm hậu cần của Quân khu đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của từng lực lượng, địa phương, đơn vị; chất lượng bảo đảm ngày một nâng cao. Hậu cần các cấp đã chủ động chuẩn bị, bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và các nhiệm vụ đột xuất. Đặc biệt, trong điều kiện giá thị trường không ổn định; tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp,… Quân khu đã chủ động phát huy nội lực, kết hợp khai thác thế mạnh hậu cần tại chỗ, tạo nguồn bảo đảm vững chắc, giữ ổn định và từng bước cải thiện đời sống bộ đội1, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu, bảo đảm cho Quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Trung tướng Nguyễn Hoàng Thuỷ gắn
Huân chương lên Quân kỳ quyết thắng của Cục Hậu cần Quân khu 9.
(Ảnh: qk9. qdnd.vn)

Trong những năm tới, địa bàn Quân khu tiếp tục là một trong những trọng điểm chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo phía Tây Nam tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định. Theo đó, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Quân khu có sự phát triển; vì vậy, công tác hậu cần nặng nề hơn, mục tiêu, yêu cầu đặt ra cao hơn. Trong khi đó, tổ chức biên chế, trang bị, phương tiện và năng lực bảo đảm của Hậu cần Quân khu có mặt chưa theo kịp yêu cầu đòi hỏi, nhất là bảo đảm hậu cần cho các đơn vị ở tuyến biển, đảo. Bên cạnh đó, sự biến đổi khí hậu, trực tiếp là hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn, cùng nguy cơ cạn kiệt nguồn nước do hoạt động khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mê-Kông ngày càng gay gắt, tác động không nhỏ đến hoạt động của lực lượng vũ trang Quân khu, công tác hậu cần, đặc biệt là việc khai thác, tạo nguồn hậu cần tại chỗ, tăng gia sản xuất và đời sống, sức khỏe bộ đội, v.v. Trước thực tế đó, Quân khu chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị, trước hết là ngành Hậu cần tiếp tục nêu cao tinh thần tự lực tự cường, chủ động triển khai các biện pháp nhằm tạo bước đột phá về bảo đảm hậu cần, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu trong tình hình mới.

Thực hiện tư tưởng chỉ đạo đó, ngành Hậu cần Quân khu tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và nắm vững tình hình mọi mặt, làm cơ sở thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp về công tác hậu cần. Trọng tâm tập trung nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, giải pháp xây dựng, kiện toàn tổ chức, biên chế cơ quan hậu cần các cấp, phù hợp với quy hoạch tổ chức lực lượng vũ trang Quân khu; đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt bảo đảm hậu cần; đẩy mạnh xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần khu vực phòng thủ, v.v. Trước mắt, Quân khu tiếp tục kiện toàn lực lượng hậu cần, ưu tiên đơn vị đủ quân, mới thành lập, đơn vị ở tuyến biên giới, biển, đảo; chỉ đạo điều chỉnh lượng vật chất, trang bị hậu cần dự trữ sẵn sàng chiến đấu ở các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; trong đó, tổ chức dự trữ đồng bộ, có chiều sâu đối với đơn vị ở các đảo, địa bàn dễ bị chia cắt. Đặc biệt, Quân khu đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần khu vực phòng thủ. Chú trọng quy hoạch, huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm trong các căn cứ hậu cần Quân khu, căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh, huyện; xây dựng các bệnh viện quân - dân y, đội điều trị trên các hướng tác chiến. Hậu cần Quân khu và cơ quan quân sự các cấp tích cực tham mưu, phối hợp với các địa phương kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ; đẩy mạnh xây dựng lực lượng dự bị động viên hậu cần, xây dựng cơ sở hậu cần tại chỗ. Mặt khác, rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch bảo đảm nhu cầu năm đầu chiến tranh của Quân khu và các tỉnh, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, sẵn sàng huy động khi có tình huống, v.v. Hậu cần Quân khu tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất. Quân khu yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu về hậu cần; tổ chức bảo quản, quản lý chặt chẽ vật chất, phương tiện hậu cần dự trữ theo quy định. Đồng thời, chủ động bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn kiện hậu cần tác chiến và dự kiến phương án bảo đảm hậu cần cho các tình huống đột xuất, cho phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, v.v. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng, hoàn thiện kế hoạch bảo đảm hậu cần cho tác chiến bảo vệ biên giới, biển, đảo Tây Nam, bảo vệ các khu công nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các đơn vị tăng cường tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập bảo đảm hậu cần theo các phương án, tình huống đã xác định; chú trọng huấn luyện nâng cao khả năng cơ động bảo đảm ở địa bàn sông nước, khả năng độc lập tự bảo đảm khi làm nhiệm vụ trên biển, đảo, v.v.

Cùng với chuẩn bị chu đáo, bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, Quân khu tập trung nâng cao chất lượng toàn diện công tác bảo đảm hậu cần thường xuyên, nhất là chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, giữ ổn định và cải thiện đời sống bộ đội. Thời gian tới, Hậu cần Quân khu đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu công tác hậu cần xác định trong Nghị quyết 430-NQ/ĐU, ngày 24-5-2013 của Đảng ủy Cục Hậu cần về “Lãnh đạo công tác hậu cần giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, gắn với lộ trình thực hiện Nghị quyết 623 của Quân ủy Trung ương. Theo đó, Quân khu tiếp tục phát huy nội lực, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn tại chỗ; thực hiện phân cấp khai thác, bảo đảm hợp lý, mở rộng đấu thầu trong tạo nguồn vật chất và xã hội hóa một số mặt bảo đảm hậu cần, phát huy hiệu quả phương thức bảo đảm hậu cần trong cơ chế thị trường, thế mạnh của địa bàn. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong mọi hoạt động công tác hậu cần. Phát huy kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, Quân khu chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tăng gia sản xuất ở cả ba cấp, theo hướng toàn diện, bền vững, hiệu quả, phù hợp với từng loại hình đơn vị. Trong đó, chú trọng phát huy hiệu quả của các cơ sở tăng gia sản xuất tập trung đã được đầu tư; tiếp tục phát triển mô hình VAC, VACR ở các đơn vị cơ sở, mô hình “tôm - rừng”, “lúa - cá” ở các nông trường,... và tích cực triển khai tăng gia sản xuất tập trung tại căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố; kết hợp tăng gia sản xuất với tham gia phát triển kinh tế địa phương. Quá trình thực hiện, Hậu cần Quân khu chỉ đạo các đơn vị chú trọng tăng gia sản xuất theo chiều sâu, coi trọng hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm; nghiên cứu lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi và mô hình tăng gia sản xuất mới, nhằm chủ động ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, tạo nguồn bảo đảm tại chỗ vững chắc, ổn định lâu dài.

Quân khu tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống nhà ăn, nhà bếp; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội; chỉ đạo thực hiện mở rộng xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội theo lộ trình của Bộ Quốc phòng. Đối với công tác quân y, Quân khu đẩy mạnh đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao khả năng bảo đảm của quân y các tuyến, đặc biệt là quân y trên các đảo. Tiếp tục củng cố Bệnh viện dã chiến Truyền nhiễm số 6 và hệ thống y học cổ truyền ở các bệnh xá, bệnh viện; triển khai các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh, tập trung chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe bộ đội ở tuyến đơn vị và tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình kết hợp quân - dân y trên địa bàn. Để nâng cao điều kiện sinh hoạt của bộ đội, Quân khu đẩy mạnh đầu tư, kết hợp xây mới với sửa chữa, nâng cấp doanh trại, xây dựng các công trình nước sạch, hệ thống sân, đường nội bộ, điện hạ thế, v.v. Tích cực tạo nguồn để xây dựng các công trình doanh trại, đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ hợp thức và tăng cường các biện pháp quản lý đất quốc phòng theo quy định của Chính phủ. Trước nhu cầu bảo đảm xăng dầu, vận tải lớn và chịu tác động của nhiều yếu tố, Quân khu tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác tạo nguồn xăng dầu; thực hiện công khai hạn mức, định mức cho từng ngành, đơn vị; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, phúc tra sử dụng xăng dầu ở các cấp. Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị thực hiện phân cấp vận chuyển hợp lý; kết hợp khai thác có hiệu quả số phương tiện vận tải hiện có với xã hội hóa vận chuyển những mặt hàng thông dụng, nhằm thực hiện tốt kế hoạch vận tải, nhất là cho lực lượng làm nhiệm vụ trên hướng biển, đảo. Đi liền với đó, Quân khu đẩy mạnh đầu tư đổi mới phương tiện vận tải, nâng cấp hệ thống cầu cảng, kho xăng dầu các cấp; chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu cải tiến, sáng chế trang bị, phương tiện hậu cần phù hợp với đặc điểm địa bàn sông nước, v.v.

 Cùng với các nội dung trên, Quân khu chú trọng xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần các cấp vững mạnh toàn diện; chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào thi đua, các hoạt động hội thao, hội thi hậu cần. Đặc biệt là, tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua ‘‘Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy’’, tạo động lực nâng cao chất lượng công tác hậu cần, bảo đảm cho lực lượng vũ trang Quân khu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá ĐẶNG VĂN HIẾU, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu
________________

1 - Trong 06 tháng đầu năm 2016, toàn Quân khu tăng gia sản xuất được 1.780 tấn rau, củ, quả; 578 tấn thịt; 585,5 tấn cá; 6.000 tấn lương thực. Tổng doanh thu 115,95 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 35,5 tỷ đồng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.