QPTD -Thứ Năm, 11/07/2024, 10:03 (GMT+7)
Quân khu 7 xây dựng thế trận quân sự vững mạnh trên hướng biển

Xuất phát từ vị trí trọng yếu, then chốt của hướng biển trong thế trận phòng thủ của cả nước và từng quân khu, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 luôn chú trọng triển khai toàn diện các nội dung, giải pháp xây dựng tiềm lực, thế trận phòng thủ trên hướng biển của mình. Trong đó, cốt lõi là xây dựng thế trận quân sự biển, đảo vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Việt Nam là quốc gia biển, với vùng biển rộng, bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam. Biển, đảo là một bộ phận thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, khi xâm lược nước ta, kẻ thù thường tiến công từ hướng biển. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), hướng biển vẫn là một hướng chủ yếu mà địch sẽ sử dụng để tiến hành chiến tranh xâm lược. Vì thế, xây dựng thế trận phòng thủ trên phạm vi cả nước nói chung, thế trận quân sự hướng biển, đảo vững mạnh trên địa bàn Quân khu 7 nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 kiểm tra phương tiện của Hải đội Dân quân thường trực Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; các nghị quyết, văn bản pháp quy liên quan đến nhiệm vụ phòng thủ quân khu và xây dựng khu vực phòng thủ, trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định số 152/2007/NĐ-CP, ngày 10/10/2007, Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chủ trương triển khai toàn diện các mặt công tác quốc phòng, quân sự. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, cốt lõi là thế trận quân sự hướng biển, đảo vững mạnh, đi vào chiều sâu, tạo nền tảng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phối hợp cùng các lực lượng, bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển trong mọi tình huống.

Tuy nhiên, khi thực hành tiến công xâm lược từ hướng biển, địch sẽ sử dụng lực lượng tác chiến liên hợp (hải quân, thủy quân lục chiến, không quân, tác chiến điện tử,...) có phương tiện hiện đại, vũ khí công nghệ cao, hỏa lực mạnh; tình huống tác chiến sẽ diễn ra rất ác liệt ở cả trên không, trên biển, đảo và môi trường điện tử với phạm vi không gian rộng. Điều đó đòi hỏi Quân khu phải tăng cường củng cố, xây dựng tiềm lực, thế trận phòng thủ, cốt lõi là xây dựng thế trận quân sự trên hướng biển ngay từ thời bình với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp; trong đó, tập trung xây dựng thế trận của các lực lượng tham gia bảo vệ biển, đảo và thiết bị chiến trường theo các phương án, quyết tâm đã xác định.

Lực lượng chủ lực Quân khu là lực lượng chủ yếu tham gia tác chiến bảo vệ biển, đảo. Do vậy, thế trận của lực lượng này luôn giữ vai trò quan trọng, trực tiếp quyết định đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ tác chiến trong mọi tình huống. Để có thế trận vững chắc, trên cơ sở nghiên cứu, dự báo về đối tượng tác chiến, tình hình mọi mặt, phương án, quyết tâm tác chiến,... Quân khu tập trung xây dựng thế trận của lực lượng này bảo đảm vững chắc, vừa có thế bám trụ phòng thủ, vừa tiện cơ động tiến công, thuận lợi cho chỉ huy, hiệp đồng tác chiến, có khả năng chuyển hóa linh hoạt, đánh địch theo nhiều phương án. Yêu cầu các sư đoàn, trung đoàn bộ binh và các lữ đoàn binh chủng, ngành tổ chức bố trí lực lượng phải kết hợp chặt chẽ giữa thế đánh và thế giữ, chú trọng tập trung trên hướng, khu vực biển trọng điểm, thuận tiện cơ động triển khai lực lượng tác chiến kịp thời để ngăn chặn, đánh bại quân địch tiến công từ mọi hướng trong mọi điều kiện thời tiết, giữ vững khu vực, mục tiêu trọng yếu trên biển, các đảo quan trọng (Phú Quý, Côn Đảo).

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu báo cáo kết quả Đề tài nghiên cứu cấp Bộ Quốc phòng.

Đối với thế trận của lực lượng phòng thủ, phòng ngự, căn cứ vào quyết tâm tác chiến phòng thủ, Quân khu chỉ đạo việc bố trí lực lượng trên các đảo, cụm đảo, khu vực phòng thủ ven biển, trên hướng chủ yếu phải bảo đảm hợp lý, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống và sẵn sàng chi viện cho các bộ phận khác. Đồng thời, phải chủ động dự kiến các hướng (khu vực) địch có thể tập trung lực lượng, phương tiện; từ đó, xác định khu vực địa hình có lợi để tổ chức xây dựng thế trận của lực lượng này. Quân khu yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển (Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận) tập trung nỗ lực xây dựng các khu vực phòng thủ, phòng ngự then chốt, các chốt chiến dịch, tạo lập thế trận có chiều sâu, trọng điểm, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới đánh bại địch tiến công lên các đảo, cụm đảo và khu vực phòng thủ ven biển.

Với đặc điểm vùng biển của Quân khu rộng, với nhiều luồng lạch, bãi đổ bộ thuận lợi cho địch tận dụng, triển khai lực lượng và nhanh chóng chuyển hướng tiến công, tạo đột biến trên chiến trường. Vì vậy, Quân khu yêu cầu việc xây dựng thế trận của các cấp, các lực lượng phải đảm bảo liên hoàn, vững chắc, nhưng có khả năng chuyển hóa nhanh, kịp thời điều chỉnh bố trí lực lượng, tạo thế có lợi, chủ động đánh bại mọi thủ đoạn tác chiến của địch. Tác chiến trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phát triển ở trình độ cao, lực lượng vũ trang địa phương sẽ đảm nhiệm tác chiến rộng khắp, lực lượng chủ lực Quân khu tập trung ở các khu vực trọng điểm, then chốt, thực hiện các trận đánh tiêu hao, tiêu diệt lớn. Bởi vậy, Quân khu tổ chức các điểm tựa, cụm điểm tựa phòng thủ, phòng ngự là chủ yếu, khi cần thiết tổ chức khu vực phòng ngự cấp trung đoàn. Trước mắt, tập trung nghiên cứu, dự kiến và từng bước xây dựng các trận địa then chốt, dự bị, khi có điều kiện, tổ chức xây dựng hệ thống công sự vững chắc, các đường hầm, sở chỉ huy, trận địa hỏa lực,... tạo thế trận phòng ngự vững chắc của Quân khu trên các đảo, cụm đảo và khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Cùng với đó, Quân khu chỉ đạo điều chỉnh thế bố trí khu vực đóng quân của các đơn vị lực lượng cơ động phù hợp với ý định xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên các khu vực, địa bàn chiến lược ngay từ thời bình. Các cơ quan, đơn vị cần căn cứ vào phương án, quyết tâm tác chiến bảo vệ biển, đảo; dự kiến các khu vực địch có thể đột nhập, đổ bộ đường không, vu hồi,... để xây dựng thế trận, tổ chức bố trí lực lượng cơ động trên các khu vực, địa bàn dự kiến trong tác chiến bảo vệ biển, đảo.

Xây dựng thế trận của lực lượng vũ trang địa phương (bộ đội địa phương và dân quân tự vệ) thực chất là xây dựng và bố trí các thành phần thế trận của khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố ven biển. Trên cơ sở phương án, quyết tâm tác chiến, nhiệm vụ được giao tham gia tác chiến bảo vệ biển, đảo, Quân khu chủ động triển khai xây dựng thế trận quân sự các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển đảm bảo ngày càng vững chắc, kịp thời xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng, an ninh trong thời bình và phát hiện, ngăn chặn, kiềm chế, bao vây, chia cắt, tiêu hao, tiêu diệt lực lượng, phương tiện của địch ở khu vực biển, đảo khi tác chiến xảy ra. Quá trình xây dựng, Quân khu yêu cầu tăng cường liên kết thế trận của bộ đội địa phương với thế trận của dân quân tự vệ; tận dụng và phát huy hiệu quả hệ thống công sự, trận địa, vật cản, đường cơ động, cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được chuẩn bị, xây dựng trên các hướng, các khu vực, nhất là các khu vực biển, đảo trọng điểm thuộc địa bàn Quân khu đảm nhiệm. Sự kết hợp của thế trận còn phải bảo đảm sự hài hòa giữa thế trận của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, các ban, ngành, đoàn thể,… bảo đảm có sự liên kết, hỗ trợ cho nhau trong từng nhiệm vụ, từng tình huống, trên từng địa bàn, mục tiêu cụ thể trong đấu tranh chống lực lượng nước ngoài xâm phạm và đánh địch xâm chiếm biển, đảo, tiến công vào đất liền. Dự kiến bố trí thế trận của các lực lượng theo phương án tác chiến trên những khu vực để chuyển hóa thế trận kịp thời xử trí các tình huống tác chiến nhanh, linh hoạt, bất ngờ, đánh địch hiệu quả. Đồng thời, bảo đảm cho lực lượng vũ trang Quân khu có đủ cơ sở vật chất, phương tiện hậu cần, kỹ thuật cho tác chiến; kết hợp với cơ động chuyển hóa nhanh, bí mật, bất ngờ, hỗ trợ cho nhau kịp thời trong tác chiến.

Xây dựng thiết bị chiến trường là nội dung quan trọng trong xây dựng thế trận quân sự nói chung, trên hướng biển, đảo của Quân khu nói riêng để cùng với thế trận của các lực lượng tạo thành thế phòng thủ hoàn chỉnh, liên hoàn, vững chắc. Để làm được điều đó, Quân khu chỉ đạo các địa phương, đơn vị triệt để tận dụng địa hình có lợi trên các đảo, cụm đảo, khu vực phòng thủ ven biển để xây dựng hệ thống thiết bị chiến trường rộng khắp, có chiều sâu, tập trung trên hướng, khu vực tác chiến chủ yếu. Các đơn vị, địa phương cần căn cứ vào quyết tâm tác chiến phòng thủ trên từng địa bàn, từ đó xác định các khu vực, địa bàn trọng yếu để tập trung xây dựng các công trình phòng thủ, công sự kiên cố, địa đạo, hầm ngầm bí mật kết hợp với trận địa dự bị, trận địa làm sẵn để có thể bám trụ đánh địch dài ngày. Đối với hệ thống vật cản, Quân khu yêu cầu các lực lượng tập trung vào xây dựng hệ thống vật cản mặt đất, mặt nước, trên biển, cả vật cản nổ và không nổ, nhằm ngăn chặn, giảm tốc độ cơ động, hoạt động của địch trên biển và khi địch triển khai tiến công lên đảo, khu vực phòng thủ ven biển. Hệ thống vật cản phải bố trí thống nhất theo kế hoạch tác chiến của Quân khu với các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển và lực lượng công binh, hải quân. Đồng thời, phải kết hợp chặt chẽ với hệ thống hỏa lực, hệ thống công sự trận địa. Tập trung có trọng điểm trên các hướng, khu vực tác chiến chủ yếu của Quân khu, nơi xác định các hướng, khu vực địch tập trung cơ động, triển khai tiến công trên biển, nơi dễ uy hiếp mục tiêu trọng yếu. Đối với hệ thống hỏa lực phải kết hợp chặt chẽ nhiều tầng, nhiều lực lượng, phát huy hiệu quả cao nhất từng loại hỏa lực cả khi đánh độc lập, đơn lẻ và khi đánh tập trung, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; đồng thời, có biện pháp phòng, chống trinh sát, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng và vũ khí công nghệ cao của địch. Trong xây dựng hệ thống đường cơ động, hình thành mạng giao thông rộng khắp, kịp thời cơ động lực lượng, phương tiện trên địa bàn Quân khu, trên từng khu vực phòng thủ, phòng ngự, trong từng trận đánh của Quân khu. Hệ thống đường cơ động trên các trục đường quan trọng cần xác định một số khu vực trọng điểm, có trận địa hỏa lực bảo vệ, đường vòng tránh bảo đảm an toàn cho lực lượng vũ trang Quân khu cơ động an toàn.

Trên cơ sở thế trận tác chiến bảo vệ biển, đảo được xây dựng trước một phần từ thời bình, khi có chiến tranh xảy ra tiến hành điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh thế trận, kịp thời chuyển hóa linh hoạt, phù hợp với diễn biến cụ thể trong mỗi giai đoạn, nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo, nhất là chuyển hóa thế trận thực hiện nhiệm vụ tác chiến chủ yếu, các trận đánh then chốt trên biển, trên các đảo, cụm đảo, khu vực phòng thủ ven biển, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu để giành thắng lợi tác chiến bảo vệ biển, đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiếu tướng ĐẶNG VĂN HÙNG, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.