QPTD -Thứ Năm, 20/07/2023, 08:27 (GMT+7)
Quân khu 7 tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị

Công tác giáo dục chính trị là một hình thức cơ bản của công tác tư tưởng, văn hóa; một nội dung cơ bản của nhiệm vụ huấn luyện bộ đội, góp phần bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội cho cán bộ, chiến sĩ. Đây cũng là công tác được Quân khu 7 hết sức coi trọng cả trong quán triệt và triển khai thực hiện, với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra yêu cầu cao về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, ý chí chiến đấu, trách nhiệm, năng lực và phương pháp, tác phong công tác của cán bộ, chiến sĩ. Nhận thức rõ vấn đề đó, những năm qua, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 124-CT/QUTW, ngày 31/3/2011 của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Quyết định số 2677/QĐ-BQP, ngày 23/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Quá trình triển khai thực hiện, Cục Chính trị đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời; phát huy tốt vai trò của chính ủy, chính trị viên, cơ quan và cán bộ chính trị các cấp quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này.

Điểm nổi bật trong thực hiện công tác giáo dục chính trị của Quân khu là các cơ quan, đơn vị luôn tích cực, chủ động đổi mới nội dung, chương trình bảo đảm toàn diện, hài hòa về khối lượng kiến thức, phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, tính khả thi cao, đồng bộ với nhiệm vụ huấn luyện và các nhiệm vụ khác. Coi trọng lựa chọn những nội dung cơ bản, thiết thực trong hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của Quân đội, Quân khu, đơn vị. Kết hợp chặt chẽ nội dung giáo dục bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước, bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu lý tưởng chiến đấu; tuyên truyền, phổ biến pháp luật với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động; tích cực phòng, ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, nhất là về tư tưởng.

Trên cơ sở đánh giá, nhận định về kiến thức, nhận thức, tư tưởng, nhiệm vụ của bộ đội từng thời điểm, các cấp trong lực lượng vũ trang Quân khu đã biên soạn 1.980 chuyên đề (trong đó cấp Quân khu biên soạn 63 chuyên đề) bảo đảm kịp thời, cụ thể, sát thực tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng đơn vị, lực lượng vũ trang Quân khu và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Hình thức, phương pháp giáo dục chính trị được các cơ quan, đơn vị vận dụng linh hoạt, đổi mới mạnh mẽ theo hướng lấy đối tượng giáo dục làm trung tâm, trình độ nhận thức, bản lĩnh chính trị, niềm tin, tình cảm, ý chí, trách nhiệm và hiệu quả công tác làm thước đo chất lượng.

Để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, cùng với thường xuyên kiện toàn và tổ chức bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy theo phân cấp, việc đầu tư, quản lý, sử dụng ngân sách, trang bị, phương tiện giáo dục chính trị được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm bảo đảm, chỉ đạo chặt chẽ, đúng nguyên tắc. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động sinh hoạt chính trị, tư tưởng ở đơn vị cơ sở, nhất là thực hiện tốt Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần; Ngày Pháp luật, thông báo thời sự, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình; hội thi, hội thao, diễn đàn, tọa đàm, giao lưu văn hóa, văn nghệ, v.v. Với phương châm “Nghe bộ đội nói và nói cho bộ đội nghe”, “Trả lời thấu tình, đạt lý”, hoạt động đối thoại trực tiếp giữa cấp trên và cấp dưới đã phát huy tốt tinh thần dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội và gia đình quân nhân để giáo dục, quản lý bộ đội1. Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47 các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong lực lượng vũ trang Quân khu2.

Nhờ có chủ trương đúng, với nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo, công tác giáo dục chính trị của Quân khu trong những năm qua đã đạt được kết quả quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức về tình hình nhiệm vụ; xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng cho cán bộ, chiến sĩ. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, tuyệt đại bộ phận đảng viên, cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn vững vàng, kiên định; nhận thức đúng về tình hình, nhiệm vụ của Quân đội, Quân khu và đơn vị; ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật được nâng lên; số vụ việc vi phạm ngày càng giảm. Những kết quả đó đã góp phần tích cực vào việc xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Tuy nhiên, công tác giáo dục chính trị ở Quân khu vẫn còn những hạn chế nhất định; nhận thức của một số bộ phận chưa cao, mức độ chuyển hóa từ nhận thức thành niềm tin, ý chí, hành động thực tiễn của bộ đội còn chậm; hiện tượng cán bộ, chiến sĩ ngại học tập chính trị vẫn còn; công tác kiểm tra, đánh giá kết quả ở một số nơi còn nặng về thành tích, v.v. Trong thời gian tới, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu đặt ra yêu cầu cao. Vì vậy, Quân khu cần có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ hơn nữa nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, trọng tâm là giải quyết tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, đề cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp trong tiến hành công tác giáo dục chính trị. Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, từ đó có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn. Cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì, các đơn vị cần phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng, các lực lượng, phương tiện; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa - giáo dục lành mạnh. Chủ động dự báo, định hướng, giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh. Chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất tinh thần cho bộ đội, tạo sức mạnh tổng hợp trong tổ chức, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng tại đơn vị.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng. Bảo đảm cơ bản, khoa học, đa dạng, phong phú, sát thực tiễn, dễ vận dụng, phù hợp với đặc điểm đối tượng, tình hình, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; gắn học tập chính trị với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo chính trị - thời sự, sinh hoạt tư tưởng, Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần, tăng cường đối thoại dân chủ và hoạt động văn hóa - văn nghệ. Kết hợp linh hoạt các phương pháp truyền thống với hiện đại; giữa truyền thụ kiến thức với trao đổi kinh nghiệm; giữa giáo dục và tự giáo dục; tăng cường liên hệ thực tiễn, định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động. Ngoài những nội dung cơ bản, cần xác định linh hoạt các nội dung giáo dục, nhất là những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm, tác động mạnh mẽ đến Quân đội. Coi trọng giáo dục mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Quân đội và đơn vị; kết hợp giữa “xây” và “chống”, tạo nhân tố tích cực, đẩy lùi tiêu cực. Gắn giáo dục chính trị với quản lý tư tưởng, kịp thời giải quyết những vướng mắc nảy sinh. Quan tâm xây dựng, nhân rộng những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác giáo dục chính trị, góp phần bổ sung, phát triển những giải pháp mới, phù hợp với sự vận động của thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị.

Thứ ba, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực sư phạm cho đội ngũ cán bộ chính trị, nhất là cán bộ giảng dạy chính trị ở đơn vị. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại chất lượng đội ngũ cán bộ chính trị, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng cụ thể cho từng đối tượng; đồng thời, có các chủ trương, biện pháp nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ chính trị, giáo viên kiêm nhiệm và số cán bộ trẻ mới ra trường tự học tập nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực sư phạm; tích cực, chủ động tìm tòi các hình thức, biện pháp để tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở đơn vị đạt kết quả tốt nhất.

Thứ tư, chủ động thông tin định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Đẩy mạnh đấu tranh chống quan điểm sai trái, nhận thức mơ hồ, lệch lạc; âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ,... bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội. Tăng cường kiểm tra, uốn nắn kịp thời những lệch lạc; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, đăng ký thống kê theo dõi, quản lý chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng của đơn vị. Hằng năm, lấy kết quả giáo dục chính trị, tư tưởng là một nội dung để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có nhiều thành tích trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tại đơn vị.

Thứ năm, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị, tư tưởng với xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong sạch, lành mạnh; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, qua đó để lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, cơ quan nắm bắt kịp thời tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, trực tiếp giải quyết những vướng mắc, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của bộ đội. Kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng với công tác chính sách, thi đua, khen thưởng, bảo đảm tốt tiêu chuẩn đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội, kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá, TS. NGUYỄN NHƯ TRÚC, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu
_________________

1 - Phối hợp giáo dục thông qua “Hội trại tòng quân”, “Hội trại giao lưu văn hóa giữa lực lượng vũ trang Quân khu với các dân tộc, tôn giáo”, “Họp mặt với cấp ủy, chính quyền và gia đình quân nhân”, “Nhóm Zalo hậu phương chiến sĩ”, v.v.

2 - Lực lượng 47 Quân khu có hơn 119 trang fanpage có hơn 6,4 triệu người thích, hơn 3,5 triệu người theo dõi; 78 group, hơn 01 triệu thành viên, 05 kênh YouTube và 04 trang, nhóm tuyên truyền bằng tiếng Khmer; thường xuyên có 4 - 5 trang, 4 - 6 nhóm tiêu biểu trong 10 trang, nhóm hoạt động hiệu quả nhất toàn quân.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.