QPTD -Thứ Năm, 11/04/2019, 07:50 (GMT+7)
Quân khu 5 tham gia xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo

Quân khu 5 là một địa bàn chiến lược, có 715,7km đường biên giới với Lào và Cam-pu-chia; bờ biển dài 894km, với gần 100 đảo gần bờ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những lợi thế lớn để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu, hội nhập quốc tế, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, lực lượng vũ trang Quân khu luôn dựa vào nhân dân, tích cực tham gia xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Lực lượng vũ trang Quân khu giúp đồng bào dân tộc thiểu số tái định cư

Quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo

Quán triệt và thực hiện chỉ thị, hướng dẫn của trên, nhất là Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 09-01-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới và Hướng dẫn 7210/HD-BQP, ngày 13-8-2015 của Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu ban hành nhiều kế hoạch, hướng dẫn để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, địa phương tuyên tuyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển, đảo. Đồng thời, thành lập các ban chỉ đạo và ban hành quyết định về việc huy động nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo sát với từng địa phương. Các cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, sát thực tiễn; chủ động xây dựng quy chế, ký kết chương trình phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư,… tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo đi vào nền nếp.

Để thực hiện Phong trào có hiệu quả cao, Quân khu phân công nhiệm vụ cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; gắn trách nhiệm người đứng đầu với hiệu quả công tác của cơ quan, đơn vị mình; tăng cường kiểm tra, tổng kết, đánh giá trên từng mặt công tác, từng nhiệm vụ để rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Qua đó, phát huy được trách nhiệm, tạo sự thống nhất, thông suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Khơi dậy lòng tự hào, trách nhiệm với chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng

Phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo chỉ thực sự có hiệu quả khi mỗi người dân tự giác thực hiện. Điều đó chỉ có được khi khơi dậy lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm của từng công dân đối với chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Nhận rõ điều này, Quân khu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Bộ đội Biên phòng, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh các tỉnh, thành phố,… xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, ngư dân, đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều kênh thông tin, nhiều cấp tổ chức, đa dạng hình thức, như: tuyên truyền lưu động đến từng thôn, xã nơi biên giới, hải đảo; lồng ghép với các hoạt động giao lưu, sinh hoạt kết nghĩa; trực tiếp gặp gỡ nhân dân, thăm hỏi già làng, trưởng bản, vận động người có uy tín để xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân, tạo sự gần gũi, tăng tính thuyết phục trong công tác tuyên truyền. Đồng thời, phát huy hiệu quả tuyên truyền trên các chương trình phát thanh, truyền hình các địa phương, Báo - Truyền hình Quân khu,… với những nội dung chuyên sâu, trực quan, phong phú, đa dạng.

Nội dung tuyên truyền tập trung làm rõ cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử, khẳng định chủ quyền các vùng biển của Việt Nam; đường lối, chủ trương của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về biên giới, biển, đảo và quan điểm nhất quán của ta trong giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình cũng như quyết tâm bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo Tổ quốc; lòng yêu nước, tự tôn dân tộc; mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp đối với các nước láng giềng. Đồng thời, kiên quyết vạch trần những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, v.v. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền biên giới, biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo.

Nhân dân tin yêu từ những việc làm thiết thực của bộ đội

Nói đi đôi với làm, gương mẫu trong thực hiện, Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên tuyến biên giới, biển, đảo tiến hành các hoạt động tuyên truyền gắn với công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo; làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng, ngoại giao nhân dân. Do địa bàn rộng, hệ thống chính trị vùng biên giới, ven biển, đảo nhiều nơi chưa đủ sức tự giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh, Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung hướng về cơ sở; xác định việc phối hợp, tham gia xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách. Bằng nhiều hình thức công tác dân vận, các cơ quan, đơn vị đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn hơn 340 cấp ủy, chi bộ; gần 610 ban điều hành cấp thôn, buôn; hơn 920 tổ chức đoàn thể. Với việc làm tình nghĩa đó, đến nay, trên địa bàn Quân khu không còn thôn, buôn “trắng” đảng viên. Thông qua hoạt động kết nghĩa, phối hợp, Quân khu đã chủ động tham gia kiểm tra, kiểm soát địa bàn; tham mưu và cùng với địa phương vận động, giải quyết dứt điểm những vụ việc phức tạp nảy sinh. Tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp đã phối hợp với tổ chức đoàn địa phương bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho cán bộ đoàn; thực hiện nhận đỡ đầu Đội Thiếu niên tiền phong trong các trường học, địa phương kết nghĩa, tạo sự gắn kết, thúc đẩy phong trào Đoàn, Đội ở địa phương1.

Các đội công tác được tăng cường xuống cơ sở theo Chỉ thị 123/CT-BQP đã phát huy tốt vai trò tham mưu trong xây dựng hệ thống chính trị; cùng các lực lượng chức năng địa phương phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ vượt biên, tụ tập đông người, gây rối, hoạt động của các tà đạo, đạo lạ. Đồng thời, chủ động phối hợp với Vùng 3 Hải quân mở các lớp tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các phòng, ban, ban chỉ huy quân sự cấp huyện, xã ven biển; tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho thuyền trưởng, máy trưởng, tài công; mở các lớp huấn luyện cho lực lượng đăng ký tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Việc tham gia củng cố, kiện toàn các chi bộ quân sự, chi đoàn dân quân, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ các xã giáp biên, dân quân tự vệ biển cũng được Quân khu quan tâm đúng mức, để họ thực sự là những chiến sĩ nòng cốt, giữ vững “thế trận lòng dân” ở vùng biên giới, biển, đảo.

Để tạo môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực biên giới, Quân khu kết hợp tốt các hoạt động đối ngoại quốc phòng với ngoại giao nhân dân; tăng cường hợp tác, giao lưu với nhân dân, lực lượng vũ trang các tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia, các tỉnh Nam Lào theo phương châm “Nắm chắc tình hình, chia sẻ thông tin, thống nhất nhận định, tham mưu chính xác, xử lý kịp thời” để củng cố mối đoàn kết, tăng cường hiểu biết, đồng thuận trong giải quyết các vấn đề biên giới.

Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng về Quân đội tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở vùng chiến lược gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh; gắn công tác quy hoạch của từng ngành, vùng, địa bàn với xây dựng khu vực phòng thủ, Quân khu đã hoàn thành việc khảo sát, đánh giá, phân loại và tham mưu cho địa phương sử dụng đúng mục đích, hiệu quả các dự án phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng trên địa bàn, không ảnh hưởng đến thế trận khu vực phòng thủ địa phương. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nhiều chính sách phù hợp; huy động các lực lượng của địa phương cùng với bộ đội tiến hành công tác dân vận, tham gia xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh, giúp nhân dân định canh, định cư, lập vườn, hỗ trợ giống cây trồng và hướng dẫn trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp giúp nhân dân ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững. Nhiều phong trào, mô hình, cách làm mới đạt hiệu quả, như: “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Hành quân xanh”, “Huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận”; “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè”; phong trào “Nuôi heo đất vì nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Ngôi nhà vì nghĩa tình biên giới, hải đảo”; tổ chức thăm, tặng quà các “Mẹ Trường Sa” có con hy sinh trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, gia đình cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa,… góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vùng biên giới, biển, đảo trên khu vực Quân khu phụ trách2. Các cơ quan, đơn vị còn tích cực phối hợp, tham gia tuyên truyền, bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giá trị văn hóa biển Việt Nam bằng nhiều hình thức, như: “Ngày hội bánh chưng xanh”, tổ chức các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ với các làn điệu dân ca Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn, Quảng Ngãi; lễ hội Festival Biển Nha Trang, Khánh Hòa, v.v. Từ những việc làm thiết thực đó, lực lượng vũ trang Quân khu đã đến với nhân dân vùng biên giới, biển, đảo bằng tình cảm và trách nhiệm, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, làm cho mối quan hệ quân dân càng thêm bền chặt, sâu sắc, xây nên những “thành lũy” vững chắc từ lòng dân nơi biên cương, biển, đảo.

Kết quả đạt được trong tham gia xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo ở Quân khu thời gian qua đã góp phần làm “An dân, nắm dân, giành và giữ dân”. Đó chính là một việc làm cụ thể, thiết thực trong “lo giữ nước từ lúc chưa nguy” của lực lượng vũ trang Quân khu 5.

Đại tá TRƯƠNG THIÊN TÔ, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu

____________

1 - Chi đoàn có từ 30 cán bộ, đoàn viên, thanh niên trở lên nhận đỡ đầu ít nhất 01 Đội Thiếu niên tiền phong.

2 - Từ năm 2013 - 2018, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức được 672 đợt huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; sửa chữa, làm mới được 36 công trình công cộng; giúp dân tu sửa 172 ngôi nhà; nạo vét được 68km kênh mương; phát quang, dọn vệ sinh được 87,5km đường nông thôn, 93km bờ biển; khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 32.500 lượt người dân; tặng 25 con bò giống cho hộ nghèo.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.