QPTD -Thứ Sáu, 16/11/2018, 20:26 (GMT+7)
Quân khu 3 tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Quân khu 3 là địa bàn chiến lược, hướng phòng thủ trọng yếu của đất nước, với hơn 450km bờ biển, 5/9 tỉnh, thành phố ven biển, 04 huyện đảo, hơn 3.000 đảo, cùng nhiều hải cảng lớn, như: Hải Phòng, Đình Vũ, Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Lân, Cẩm Phả (Quảng Ninh), Diêm Điền (Thái Bình), v.v. Vùng biển, đảo của Quân khu có tiềm năng rất lớn về tài nguyên, khoáng sản, du lịch, dịch vụ cảng biển, cửa ngõ quan trọng của đất nước với các hoạt động sôi động về giao thương, xuất, nhập khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế; khu vực trọng điểm về quốc phòng, an ninh, có vị trí then chốt trong tác chiến phòng thủ Quân khu và phòng thủ chiến lược. Đây cũng là địa bàn mà các thế lực thù địch, các loại tội phạm tập trung chống phá. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 phối hợp chặt chẽ với các địa phương, lực lượng trên địa bàn, triển khai nhiều chủ trương, giải pháp nhằm củng cố, tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh trên khu vực biển, đảo và đã thu được kết quả tích cực.

Nổi bật là, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về vị trí, vai trò của biển, đảo và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo được nâng lên; tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên khu vực biển, đảo của Quân khu được tăng cường; chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên biển, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biển, đảo được giữ vững. Việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh ở khu vực ven biển, đảo được đẩy mạnh, ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, trên các đảo đã được các địa phương tích cực triển khai, như: Dự án Bắc Cửa Lục (Quảng Ninh); Cồn Vành (Tiền Hải - Thái Bình); Cồn Xanh (Nghĩa Hưng - Nam Định); Bình Minh 3 (Kim Sơn - Ninh Bình); các dự án kinh tế - quốc phòng trên các huyện đảo: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); dự án đường cao tốc ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; các tuyến đường xuyên đảo; bến cập tàu; Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ,… góp phần quan trọng vào củng cố, tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc trên khu vực biển, đảo Đông Bắc của Tổ quốc. Lực lượng vũ trang Quân khu, nhất là lực lượng phòng thủ đảo được quan tâm xây dựng vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao. Lực lượng dân quân tự vệ khu vực ven biển, trên các đảo, đặc biệt là lực lượng dân quân tự vệ biển được các địa phương chú trọng xây dựng, phát triển, có quy mô, thành phần, số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng cao. Công tác phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng vũ trang Quân khu với các lực lượng chức năng trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, như: Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển,... tiến hành chặt chẽ, hiệu quả, đi vào chiều sâu, v.v.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo trên địa bàn Quân khu cũng còn có một số hạn chế. Nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo chưa thực sự đầy đủ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về chủ quyền, an ninh trên biển, đảo có lúc, có nơi, có vụ việc chưa thật chặt chẽ; chất lượng hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ biển chưa cao, v.v.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực, nhất là tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn sự mất ổn định, bất trắc, khó dự báo, đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nói chung, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn Quân khu 3 nói riêng yêu cầu mới rất cao. Để không ngừng tăng cường sức mạnh bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển đảo, Quân khu tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nội dung, biện pháp; trong đó, chú trọng làm tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng ven biển và hải đảo ngày càng vững chắc. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu, tạo nền tảng, sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Theo đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, nhất là cơ quan quân sự các địa phương quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh xây dựng tiềm lực, thế trận phòng thủ trên hướng biển, đảo vững mạnh. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, nhất là qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), các địa phương phải không ngừng hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế, quy chế xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, đẩy mạnh xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ. Lực lượng vũ trang Quân khu tiếp tục phối hợp, tham mưu cho địa phương làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về biển, đảo; đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là cho nhân dân khu vực ven biển, trên các đảo, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, tạo sự chuyển biến thực sự của các cấp, ngành và nhân dân về vị trí, vai trò chiến lược của biển, đảo. Đồng thời, tham mưu cho địa phương đưa việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, quốc phòng, an ninh với kinh tế trên hướng biển, đảo đi vào chiều sâu; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển khu kinh tế biển, cơ sở công nghiệp, du lịch, dịch vụ theo hướng lưỡng dụng; phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực ven biển, trên tuyến đảo Đông Bắc. Quân khu tập trung nguồn lực đẩy nhanh việc triển khai đầu tư xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng cụm đảo Đông Bắc; phát huy vai trò “đội quân công tác”, tích cực tiến hành công tác dân vận, tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng ven biển, đảo; cùng các địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình đưa dân ra định cư trên các đảo, huyện đảo, xây dựng các đảo lớn và huyện đảo vững về kinh tế, mạnh về quốc phòng. Mặt khác, Quân khu phối hợp cùng các địa phương điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên vùng biển, đảo đến năm 2020 và những năm tiếp, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, lực lượng vũ trang Quân khu tham mưu cho các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng; khảo sát, quy hoạch, quản lý chặt chẽ các công trình quốc phòng, hệ thống hang động tự nhiên trên các đảo và ven bờ. Đồng thời, tích cực huy động nguồn lực đầu tư xây dựng thế trận quân sự trên hướng biển, đảo theo quy hoạch đã xác định, trọng tâm là xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ huyện ven biển, huyện đảo vững mạnh. Trong đó, ưu tiên xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần - kỹ thuật, sở chỉ huy, chốt chiến dịch, hệ thống đài quan sát, công trình chiến đấu khu vực ven bờ và trên các đảo, nhất là đảo tiền tiêu,... tạo thế trận phòng thủ liên hoàn, vững chắc, sẵn sàng vươn xa bảo đảm cho các tình huống quốc phòng, an ninh và tác chiến bảo vệ biển, đảo khi chiến tranh xảy ra.

Hai là, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu, trực tiếp là lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có chất lượng tổng hợp và trình độ sẵn sàng chiến đấu cao; trong đó, lấy xây dựng lực lượng phòng thủ đảo, lực lượng vận tải biển và lực lượng vũ trang địa phương ven biển, đảo làm nòng cốt. Theo đó, Quân khu tiếp tục coi trọng kiện toàn tổ chức biên chế, ưu tiên bảo đảm đồng bộ vũ khí, trang bị, xây dựng lực lượng phòng thủ đảo, vận tải biển “tinh, gọn, mạnh, cân đối, đồng bộ”, nhất là lực lượng ở các điểm chốt, đảo xa. Phát huy kết quả đạt được, Quân khu tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành phố coi trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở các huyện ven biển, huyện đảo và trên các đảo ngày càng “vững mạnh, rộng khắp”, có bản lĩnh chính trị vững vàng; quy mô, thành phần, số lượng hợp lý. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ biển. Để khắc phục những khó khăn, bất cập nảy sinh, Quân khu tiếp tục phối hợp với các ban, ngành và địa phương ven biển nghiên cứu xây dựng cơ chế chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và hoạt động của dân quân tự vệ biển, nhằm thực sự phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng đặc thù này, đảm bảo ở đâu có tàu, thuyền hoạt động, ở đó có dân quân, tự vệ. Trước mắt, cơ quan quân sự các địa phương cần đăng ký, quản lý chắc nguồn lao động chính trên biển, làm cơ sở cho tổ chức lực lượng dân quân, lấy các doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã làm nòng cốt để biên chế lực lượng dân quân biển phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng địa phương, bảo đảm đồng bộ ở cả 03 tuyến: ven bờ, lộng, khơi.

Cùng với xây dựng lực lượng, các địa phương, đơn vị phải đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện theo tinh thần Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Quân khu yêu cầu các đơn vị bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu cho các lực lượng theo yêu cầu nhiệm vụ; chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chỉ huy, tác chiến, khả năng phối hợp, hiệp đồng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ; huấn luyện bộ đội cơ động nhanh, kiên cường bám trụ, đánh giỏi khi chiến đấu độc lập, cũng như khi tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng ở môi trường biển, đảo, v.v. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án tác chiến khu vực phòng thủ, kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn, v.v. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị phòng thủ đảo, vận tải biển và lực lượng vũ trang địa phương ven biển, đảo tăng cường tổ chức luyện tập, diễn tập theo các tình huống, phương án tác chiến,... làm cơ sở để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, hoạt động của dân quân tự vệ biển; rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, phương án tác chiến phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tiễn.

Ba là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong quản lý, bảo vệ biển, đảo. Vùng biển, đảo địa bàn Quân khu có diện tích rộng trên 14.000km2; hoạt động của tàu thuyền nước ngoài vi phạm đánh bắt hải sản, thăm dò địa chất, trinh sát quân sự,... diễn biến phức tạp. Để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, cần phải có sự phối hợp, hiệp đồng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng: trên bờ, ven biển, trên các đảo và trên biển. Rút kinh nghiệm công tác phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng vũ trang Quân khu và các lực lượng chức năng có liên quan, các đơn vị, địa phương ven biển cần chủ động, tích cực rà soát, bổ sung quy chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân,... trong trao đổi thông tin, tuần tra, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo. Trong đó, xác định rõ nguyên tắc, cụ thể hóa nội dung, phạm vi, trách nhiệm sát chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa bàn, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất, nhất là trong xử lý các tình huống phức tạp trên vùng biển, đảo. Đồng thời, thường xuyên duy trì chế độ giao ban định kỳ để thông báo tình hình, trao đổi, kiểm tra, xác minh, phân loại thông tin; từ đó, phân cấp, phân nhiệm chủ trì xử lý phù hợp với tính chất nhiệm vụ của từng lực lượng và tình huống cụ thể, xử lý nhanh, gọn từng vụ việc, từng đối tượng, trên từng địa bàn. Đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng, xử lý kịp thời các vụ việc trên biển, đảo, không để các thế lực thù địch lợi dụng làm phức tạp tình hình, giữ vững chủ quyền, môi trường hòa bình, ổn định, phát triển trên vùng biển, đảo Đông Bắc của Tổ quốc.

Thiếu tướng ĐÀO TUẤN ANH, Phó Tư lệnh Quân khu

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.