QPTD -Thứ Ba, 16/07/2019, 08:04 (GMT+7)
Quân khu 2 đẩy mạnh thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, phong trào Thi đua Quyết thắng trong lực lượng vũ trang Quân khu 2 luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, tạo động lực to lớn thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trong phong trào Thi đua Quyết thắng của lực lượng vũ trang Quân khu, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, với nội dung, hình thức phong phú, sáng tạo và ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Điển hình là các phong trào: “Ba cùng, hai trước, hai sau”, “Ba đồng hành, một mục tiêu”, “Mỗi ngày một điều luật”, “Bám điểm giỏi, nâng điểm khá, xóa điểm yếu” của Sư đoàn 316; “Mốc thời bình, điểm tựa pháo binh thời chiến” của Lữ đoàn 168; “4 nhất, 2 không, 1 công trình” của Lữ đoàn 543; “3 điểm sáng, 2 đột phá” của Lữ đoàn 604; “Bổ trợ, giáo dục chính trị” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, Lào Cai, v.v. Qua đó, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ trong toàn Quân khu tích cực tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tạo bước chuyển biến tích cực về xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước.

Nét đặc sắc của phong trào Thi đua Quyết thắng trong lực lượng vũ trang Quân khu là gắn kết chặt chẽ với phong trào Thi đua yêu nước, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và các chương trình: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, v.v. Cùng với đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, các cơ quan, đơn vị còn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tích cực tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, tìm kiếm, cứu nạn; xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh và thực hiện tốt công tác chính sách1. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động kết nghĩa, phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân Lào giúp đỡ nhân dân các tỉnh Bắc Lào xây dựng làng, bản an ninh, an toàn; phối hợp tổ chức chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Trung Quốc, thiết thực xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Thông qua phong trào Thi đua Quyết thắng, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu của lực lượng vũ trang Quân khu được các cấp, các ngành, địa phương tôn vinh, khen thưởng2. Đó chính là bằng chứng sinh động thể hiện sức sống và hiệu quả từ phong trào Thi đua Quyết thắng của lực lượng vũ trang Quân khu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhận thức của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò công tác thi đua, khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng chưa thực sự đầy đủ; công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến chưa được quan tâm đúng mức; việc khen thưởng còn chưa kịp thời, cá biệt còn có trường hợp đề nghị mức khen cao hơn thành tích, v.v. Những hạn chế đó, phần nào làm giảm tác dụng, hiệu quả của phong trào Thi đua Quyết thắng trong lực lượng vũ trang Quân khu, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp cần sớm rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục.

Trung tướng Phùng Sĩ Tấn kiểm tra thao trường bắn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ, tháng 6-2019. Ảnh: baoquankhu2.com.vn

Thời gian tới, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với lực lượng vũ trang Quân khu. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, trên địa bàn Quân khu còn nhiều khó khăn, thách thức: đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; các vấn đề về an ninh biên giới, tội phạm xuyên quốc gia, tình trạng di dịch cư tự do, thiên tai, bão lũ, hoạt động truyền đạo trái pháp luật còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, không gian mạng,… để kích động, lôi kéo, mua chuộc một bộ phận nhân dân tụ tập đông người, hình thành “điểm nóng”, gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội hoặc tạo dư luận xấu, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lực lượng vũ trang Quân khu, v.v. Trước tình hình đó, để phong trào Thi đua Quyết thắng tiếp tục được duy trì, giữ vững và phát triển, lực lượng vũ trang Quân khu cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác thi đua, khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng. Để phong trào Thi đua Quyết thắng đạt mục đích đề ra, Quân khu yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác thi đua, khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng. Trong đó, chú trọng gắn những thành tích đạt được thông qua các phong trào, đợt thi đua của các cơ quan, đơn vị với nội dung, chỉ tiêu của phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, nêu gương, quyết thắng”, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng, nhất là cán bộ chủ trì các cấp và khơi dậy ý thức tự giác, sức sáng tạo, tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, xây dựng động cơ phấn đấu bền bỉ, liên tục trong từng tập thể, cá nhân vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, chăm lo bồi dưỡng, không ngừng nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hoạt động thi đua của cơ quan chính trị, hội đồng (tổ) thi đua, khen thưởng các cấp; xây dựng các tổ chức quần chúng (Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Công đoàn,…) vững mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho các phong trào thi đua phát triển.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành công tác thi đua, khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng đơn vị. Với mục tiêu là hướng về cơ cở, phong trào Thi đua Quyết thắng của các cơ quan, đơn vị cần chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch, đổi mới cách thức, biện pháp tổ chức, bảo đảm các phong trào thi đua phát triển thực chất, liên tục, vững chắc, tránh hình thức, phô trương và bệnh thành tích. Quá trình tổ chức thực hiện, cần gắn thi đua thường xuyên với các đợt thi đua cao điểm, đột kích; tập trung đột phá vào những nhiệm vụ đột xuất, mặt yếu kéo dài, việc khó, việc mới, đòi hỏi có sự quyết tâm và nỗ lực cao. Nội dung của phong trào thi đua kết hợp với nội dung, yêu cầu Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các cuộc vận động, phong trào thi đua của các ngành (tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, tài chính,…), các tổ chức quần chúng,… tạo sức mạnh tổng hợp đưa phong trào phát triển lên tầm cao mới. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Chỉ thị 53-CT/ĐU của Thường vụ Đảng ủy Quân khu về nâng cao trách nhiệm của cán bộ chủ trì các cấp trong lực lượng vũ trang Quân khu, tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện “Ba khâu đột phá” về huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu; tổ chức biên chế, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy và tiếp tục ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong chỉ đạo, chỉ huy, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị cần sáng tạo thêm nhiều hình thức thi đua, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực mang tính đột phá, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất.

Ba là, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Đây là biện pháp tổ chức thực tiễn khoa học, nhằm lấy quần chúng để động viên quần chúng, lấy phong trào để nuôi dưỡng, thúc đẩy phong trào, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, bảo đảm cho phong trào Thi đua Quyết thắng đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả. Do đó, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục bám sát Kế hoạch 510/KH-CT “Về xây dựng và nhân điển hình tiên tiến trong Quân đội” và Kế hoạch 471/KH-CT “Về tuyên truyền các phong trào thi đua, điển hình tiên tiến, mô hình mới trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng” của Tổng cục Chính trị; chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến sát thực tiễn, thể hiện rõ mục đích, yêu cầu, nội dung và tính khả thi cao. Thường xuyên bám sát các phong trào thi đua, kịp thời phát hiện những tập thể, cá nhân có cách làm sáng tạo, hiệu quả để quan tâm, tạo điều kiện cho các điển hình được thử thách trong môi trường khó khăn, phức tạp, việc khó, việc mới. Quá trình đó, cần tiến hành theo lộ trình phát triển: từ nhân tố mới lên điển hình tiên tiến một mặt, tiến tới điển hình tiên tiến toàn diện. Đồng thời, vận dụng phong phú các hình thức tuyên truyền, như: tham quan, tọa đàm, trao đổi, tổ chức Đại hội Thi đua Quyết thắng, gặp mặt, tôn vinh điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa, hiệu ứng sâu rộng, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lôi cuốn, cổ vũ cái tốt phát triển hòa quyện với hoạt động thực tiễn của cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến cần có quan điểm đúng mức, tránh dồn hết đầu tư cho điển hình mà không quan tâm tới toàn bộ phong trào.

Bốn là, thực hiện nghiêm quy chế khen thưởng. Khen thưởng là một nội dung rất quan trọng trong công tác thi đua. Khen thưởng chính xác, kịp thời sẽ có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương, cổ vũ thi đua phát triển lên tầm cao mới. Ngược lại, nếu khen thưởng không kịp thời, không đúng, sẽ triệt tiêu động lực, thậm chí gây hậu quả xấu đối với thi đua. Do đó, cần phải thực hiện tốt công tác khen thưởng, đưa công tác khen thưởng vào nền nếp, bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng, chính xác, đúng người, đúng việc, đúng thành tích và kịp thời. Quá trình bình xét các danh hiệu thi đua và khen thưởng, các cơ quan, đơn vị phải bám sát tiêu chuẩn, đúng hướng dẫn, quy định của trên và kết quả thực hiện chỉ tiêu thi đua của từng tập thể, cá nhân đã đăng ký; chú trọng khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đột xuất, huấn luyện, phòng, chống bão lụt, tìm kiếm, cứu nạn,... khắc phục việc khen thưởng không đúng thành tích và những biểu hiện lệch lạc trong thi đua, khen thưởng.

Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa phong trào Thi đua Quyết thắng trong lực lượng vũ trang Quân khu với phong trào Thi đua yêu nước ở địa phương. Các cơ quan, đơn vị ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Nâng bước em tới trường”,... cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tham gia các chương trình xóa đói giảm nghèo, củng cố xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn. Đối với lực lượng vũ trang địa phương, cần phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng đi vào chiều sâu, vững chắc; gắn phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Các đơn vị bộ đội Biên phòng, các đoàn kinh tế - quốc phòng, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên bám sát, nắm vững địa bàn, tích cực giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế bằng các mô hình sáng tạo, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đối với các đơn vị bộ đội chủ lực, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng địa bàn đóng quân an toàn; kết hợp huấn luyện dã ngoại với thực hiện công tác dân vận, chú trọng địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Cùng với đó, phong trào Thi đua Quyết thắng cũng cần hướng vào thực hiện công tác đối ngoại quốc phòng, gắn đối ngoại quốc phòng với ngoại giao nhân dân. Thông qua tổ chức tốt các hoạt động cụ thể, như: tuần tra chung, giao lưu hữu nghị quốc phòng, kết nghĩa giữa chính quyền, nhân dân các địa phương khu vực hai bên biên giới và phối hợp tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ,... góp phần giữ vững an ninh chính trị, củng cố quốc phòng, tăng cường niềm tin chiến lược, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ an toàn địa bàn, giữ vững chủ quyền quốc gia trong mọi tình huống.

Trung tướng PHÙNG SĨ TẤN, Tư lệnh Quân khu

___________

1 - Năm 2018, Quân khu đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền 821 buổi cho 49.116 lượt người; cử 9.060 lượt cán bộ xuống 8.443 cơ sở nắm tình hình, củng cố hoạt động của các tổ chức; góp 48.963 ngày công giúp nhân dân làm mới, tu sửa 218km đường, 08 cầu tạm, nạo vét 122,4km mương nội đồng, giúp 405 hộ nghèo và gia đình chính sách khắc phục, sửa chữa nhà bị hư hại do thiên tai; tu sửa 22 điểm trường, 07 nhà văn hóa; khám, cấp thuốc miễn phí cho 6.627 lượt người dân, v.v.

2 - Từ năm 2014 đến nay, toàn Quân khu đã có 10 lượt đơn vị được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 40 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng, hàng trăm đơn vị được tặng Cờ thi đua của Quân khu và đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.