QPTD -Thứ Năm, 24/09/2015, 13:50 (GMT+7)
Quân khu 1 tăng cường tiềm lực quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Tiềm lực quốc phòng bao gồm các tiềm lực: chính trị - tinh thần, kinh tế, văn hóa, khoa học và tiềm lực quân sự. Đó là những nguồn lực cốt lõi nhất để xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Việt Bắc, 70 năm qua, lực lượng vũ trang và các địa phương trên địa bàn Quân khu 1 đã không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ địa bàn và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Sau khi giành chính quyền, để bảo vệ thành quả Cách mạng, ngày 16-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh tuyên bố tổ chức, kiện toàn, thành lập 12 Chiến khu trong cả nước; trong đó có Chiến khu 1. Từ đó, ngày 16-10 trở thành Ngày truyền thống của lực lượng vũ trang Quân khu 1. Tự hào là nơi Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm căn cứ địa, mở đầu cho thời kỳ đấu tranh vũ trang cách mạng, nhân dân các địa phương thuộc Quân khu 1 luôn thể hiện rõ truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, quyết tâm một lòng sắt son theo Đảng, theo cách mạng. Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Việt Bắc đã tiêu diệt trên 58 nghìn tên địch, thu nhiều vũ khí, trang bị. Nhiều chiến dịch lớn diễn ra trên địa bàn Quân khu đã giành thắng lợi vang dội, điển hình là: Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947, Chiến dịch Biên Giới - Thu Đông 1950, v.v.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân và lực lượng vũ trang Quân khu 1 đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tích cực đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam; đồng thời, trực tiếp tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước sang thời kỳ cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các địa phương và lực lượng vũ trang trên địa bàn Quân khu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố).

Hiện nay, Quân khu 1 gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, với tổng diện tích trên 28.000 km2, dân số trên 5,4 triệu người, gồm 25 dân tộc anh em cùng sinh sống. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, các địa phương trên địa bàn Quân khu có sự phát triển mạnh, toàn diện, nhất là các tỉnh phía Nam Quân khu, như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, tạo thuận lợi để tăng cường tiềm lực quốc phòng. Đối với các tỉnh miền núi, biên giới: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, do đặc điểm địa lý, dân cư, nên đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch ráo riết tiến hành các hoạt động chống phá hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong khi đó, nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc chưa đầy đủ; việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh chưa thật chặt chẽ; chất lượng lực lượng vũ trang có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trình độ, khả năng của lực lượng dự bị động viên, lực lượng dân quân tự vệ. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 và cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn xác định phải quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; tập trung vào Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”, v.v.

Để tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần, các đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu luôn coi trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá của các dân tộc; trong đó, đặc biệt coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Việt Bắc; nhất là truyền thống đoàn kết, trung thành với Đảng, với cách mạng; ý chí quyết tâm đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng; tăng cường giáo dục quốc phòng và an ninh, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân và lực lượng vũ trang đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 2009 đến năm 2014, Quân khu đã mở 362 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 97.725 cán bộ, đảng viên; tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho 1.371.544 học sinh, sinh viên, v.v. Cùng với đó, các địa phương thường xuyên quan tâm xây dựng tổ chức đảng và chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, thực sự “của dân, do dân và vì dân”; nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, quân sự của cấp ủy, chính quyền. Phát huy kết quả Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy, tổ chức đảng đang tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu lên một bước mới. Đồng thời, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong đó, chú trọng đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, nhân dân và lực lượng vũ trang luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Để tăng cường tiềm lực kinh tế cho nhiệm vụ củng cố quốc phòng trong thời bình và sẵn sàng huy động trong thời chiến, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường nhân lực, vật lực, tài lực của nền kinh tế có thể huy động khi cần thiết; đồng thời, đẩy mạnh kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đến nay, kinh tế của các tỉnh trên địa bàn Quân khu có sự tăng trưởng cả về năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương. Đó là điều kiện thuận lợi để tăng cường tiềm lực kinh tế của khu vực phòng thủ các tỉnh (thành phố). Tuy nhiên, do kinh tế giữa các tỉnh có sự chênh lệch khá lớn; các tỉnh miền núi còn khó khăn nên khả năng huy động nguồn lực kinh tế còn hạn chế. Trước tình hình đó, cơ quan quân sự các cấp đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp ngay từ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với đặc điểm địa bàn; chú trọng kết hợp trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Các đoàn kinh tế - quốc phòng của Quân khu được bố trí ở các địa bàn chiến lược quan trọng, hoạt động trên tuyến biên giới thuộc 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng tích cực tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đảm nhiệm nhiều lĩnh vực, như: làm đường giao thông, xây lắp công trình; rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ và phối hợp với các địa phương trong tổ chức quy hoạch, phân bố dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo cơ sở để xây dựng, tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng trên các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Trong thực hiện chính sách xã hội, cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương thường xuyên thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Chú trọng quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách, như: thương binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, hộ nghèo, v.v. Lực lượng vũ trang Quân khu đã quán triệt và thực hiện tốt chức năng “Đội quân công tác”, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. Trong 05 năm qua, đã tổ chức 327 lượt đại đội và 284 tổ, đội công tác với 21.294 lượt cán bộ, chiến sĩ về các xã vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn tổ chức giúp đỡ hàng vạn ngày công và hàng chục tỷ đồng để xây dựng công trình giao thông nông thôn, sửa chữa trường học, bệnh xá, nạo vét kênh mương, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác, các cấp, các địa phương còn tăng cường đấu tranh với hiện tượng lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia; tình trạng lợi dụng chính sách xã hội của Nhà nước để trục lợi, v.v. Qua đó, củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào Đảng, chế độ và sự nghiệp đổi mới đất nước, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về “xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn Quân khu đã chú trọng giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của các dân tộc, địa phương trên địa bàn; hướng hoạt động văn hoá, xã hội vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, chủ động, tích cực đấu tranh đẩy lùi các tệ nạn xã hội, hủ tục và văn hóa độc hại, phản động.

Tiềm lực quân sự là cốt lõi của tiềm lực quốc phòng, trực tiếp tạo ra sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc. Tiềm lực quân sự của Quân khu thể hiện chủ yếu ở thế trận và lực lượng trên địa bàn. Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ) vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao, đủ sức làm nòng cốt trong công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Trong đó, tập trung xây dựng các đơn vị thường trực theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng b­ước hiện đại”. Trước hết, xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và niềm tin của cán bộ, chiến sĩ. Chú trọng giáo dục cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cùng với đó, các cấp còn chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự biễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Quân khu hiện đang điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng có cơ cấu, thành phần hợp lý, cân đối, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Quán triệt Nghị quyết 765-NQ/QUTW, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, giáo dục pháp luật, điều lệnh, rèn luyện thể lực; thực hiện tốt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Trong 05 năm qua, đã có 173 đề tài khoa học và hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu. Các đơn vị đã hoàn thành 100% nội dung, chương trình huấn luyện, diễn tập với quân số đạt từ 95% - 98%. Từ năm 2009 đến năm 2014, đã có 6/6 tỉnh và 59/59 huyện, thị xã, thành phố tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ. Trong diễn tập, các địa phương chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp, hiệp đồng của các sở, ban, ngành. Các đơn vị chủ lực của Quân khu diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật, được tăng cường binh khí kỹ thuật của Bộ (máy bay, tàu thủy, tên lửa,...) đạt kết quả tốt, an toàn tuyệt đối.

Lực l­ượng dự bị động viên được xây dựng theo hướng: toàn diện, chất lượng cao, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng quản lý, huấn luyện, chú trọng huấn luyện cán bộ gắn với nâng cao tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự.

Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo Đề án và trên cơ sở Luật Dân quân tự vệ, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của địa phương, cơ sở. Trong đó, chú trọng tổ chức lực lượng dân quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới và lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp. Hiện nay, Quân khu có trên 1.000 cơ sở dân quân tự vệ, được xây dựng vừa rộng khắp vừa có trọng điểm, với tỷ lệ quân số đạt 1,7 % dân số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trong thời bình và thời chiến. Các đơn vị dân quân thường trực ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng được tổ chức chặt chẽ, thực hiện tốt việc phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuần tra, kiểm soát, xử lý các tình huống về quốc phòng - an ninh trên khu vực biên giới.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, các đơn vị của Quân khu còn tập trung nâng cao chất lượng công tác hậu cần; coi trọng bảo đảm đúng quy định về lượng dự trữ sẵn sàng chiến đấu, trong đó có nhiều mô hình bảo đảm hậu cần được nghiên cứu áp dụng. Công tác kỹ thuật được chỉ đạo thực hiện toàn diện, tập trung nâng cao chất lượng quản lý, bảo quản, giữ gìn vũ khí, trang bị kỹ thuật. Từ năm 2009 đến năm 2014, lực lượng vũ trang Quân khu đã đồng bộ xe tăng, thiết giáp và bảo dưỡng súng pháo đạt 100% kế hoạch; sửa chữa nhỏ đạt 103% kế hoạch; sửa chữa vừa đạt 104% kế hoạch, v.v.  Hệ thống kho tàng được xây dựng cơ bản, chính quy, khoa học; các cơ sở kỹ thuật từng bước được nâng cấp,... góp phần tăng cường tiềm lực quân sự, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang.

Để xây dựng thế trận quân sự vững chắc, Quân khu chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tập trung tổ chức bố trí lực lượng phù hợp với phương án tác chiến phòng thủ; xây dựng, củng cố hệ thống công trình quốc phòng (sở chỉ huy, công trình chiến đấu, căn cứ hậu cần - kỹ thuật các cấp). Hiện nay, các địa phương trên địa bàn Quân khu đang tập trung thực hiện tốt Đề án quy hoạch, xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp các công trình quốc phòng; phấn đấu đến năm 2020 xây dựng sở chỉ huy thời chiến cấp tỉnh đạt 70% - 80%, cấp huyện đạt 30% - 50%. Cơ quan quân sự các cấp, các đơn vị tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống văn kiện sẵn sàng chiến đấu, kế hoạch động viên quốc phòng, kế hoạch chuyển hoạt động của địa phương từ thời bình sang thời chiến, kế hoạch phòng thủ dân sự; thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch đất đai, nhất là ở Trường bắn quốc gia Khu vực 1.

Phát huy truyền thống “Trung hiếu, tiên phong, đoàn kết, chiến thắng”, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Quân khu 1 nguyện viết tiếp trang sử vẻ vang của mình, không ngừng nâng cao tiềm lực quốc phòng, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Trung tướng PHAN VĂN GIANG, Tư lệnh Quân khu

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.