QPTD -Thứ Năm, 23/07/2020, 08:03 (GMT+7)
Quân đội nỗ lực đẩy nhanh giải quyết các tồn đọng chính sách đối với người có công với cách mạng

Chính sách đối với Người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Người có công và gia đình họ. Vì thế, đẩy nhanh việc giải quyết các tồn đọng của chính sách này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp.

Quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, Tổng cục Chính trị hướng dẫn thực hiện chính sách đối với Người có công với cách mạng, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thiết thực, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn quán triệt, triển khai nghiêm túc, tổ chức xác nhận khối lượng lớn hồ sơ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước và ngoài nước; thực hiện chu đáo, đầy đủ, kịp thời chế độ ưu đãi đối với Người có công với cách mạng trong Quân đội và tổ chức tốt các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đề xuất với Đảng, Nhà nước sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chủ trương, chính sách và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về ưu đãi Người có công với cách mạng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời khắc phục sai sót, tiêu cực, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội ở từng địa phương và trong phạm vi cả nước, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Truy điệu và di chuyển hài cốt liệt sĩ quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Lào về nước tại tỉnh Nghệ An

Nổi bật là, tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về thực hiện chính sách đối với Người có công với cách mạng. Các cơ quan, đơn vị luôn bám sát các đối tượng được thụ hưởng, giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng hy sinh, bị thương trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, trọng tâm giải quyết các tồn đọng chính sách đối với Người có công, bảo đảm chặt chẽ, đúng chế độ, quy định. Nhiều trường hợp đơn thư kiến nghị, khiếu nại tồn đọng kéo dài hàng chục năm, nay được xem xét giải quyết tích cực, được nhân dân đánh giá cao. Từ năm 2012 đến nay, đã xác lập, xét duyệt, thẩm định cho gần 10.000 hồ sơ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; tổ chức chi trả trợ cấp ưu đãi đối với Người có công trong Quân đội, bảo đảm chu đáo, kịp thời, đầy đủ, đúng quy định.

Triển khai thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ với tình cảm và trách nhiệm cao. Các cơ quan, đơn vị đã có nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, như: vận động cung cấp và xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tổ chức rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị Quân đội trong chiến tranh; lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tích cực triển khai thực hiện Đề án 150 về xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế; bảo đảm đầy đủ, kịp thời kinh phí, trang bị, phương tiện phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ năm 2012 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập 15.367 hài cốt liệt sĩ (trong nước 7.215, ở Lào 2.445, Campuchia 5.707).

Công tác chăm sóc gia đình Người có công và hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” được cấp ủy, người chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả. Tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí đối với đối tượng chính sách và Người có công. Đồng thời, tích cực xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng “Nhà Tình nghĩa”; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, giải quyết việc làm cho vợ, con liệt sĩ và con thương binh, bệnh binh nặng đang điều dưỡng tại các Trung tâm; tặng phương tiện, trang thiết bị y tế, trang thiết bị dùng chung cho các Trung tâm điều dưỡng Người có công; đỡ đầu Làng Hữu nghị của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, hỗ trợ tiền cho Hội Nạn nhân chất độc Da cam/dioxin Việt Nam, v.v. Từ năm 2012 đến nay, đã xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền trên 473 tỷ đồng; xây tặng 8.757 “Nhà Tình nghĩa”; tặng 6.669 sổ tiết kiệm; tặng trang thiết bị cho các Trung tâm điều dưỡng Người có công, với số tiền trên 84 tỷ đồng; phụng dưỡng 2.867 “Mẹ Việt Nam anh hùng”; giải quyết việc làm cho 338 trường hợp là vợ, con liệt sĩ và con thương, bệnh binh nặng; hỗ trợ Hội Nạn nhân chất độc Da cam/dioxin Việt Nam, với số tiền trên 24 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, toàn quân đã tích cực triển khai thực hiện chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ1. Theo đó, từ năm 2012 đến nay, toàn quốc đã giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với 2.361.995 trường hợp, với số tiền 7.789 tỷ đồng và giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng đối với 11.578 trường hợp. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai tổng kết việc thực hiện chính sách đối với dân công hỏa tuyến theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg, ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện Nghị định số 102/2018/NĐ-CP, ngày 20/7/2018 của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và người làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách đối với Người có công còn một số hạn chế, vướng mắc. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách Người có công ở một số đơn vị, địa phương chưa thường xuyên, sâu rộng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn. Việc chỉ đạo xác lập hồ sơ xác nhận Người có công, nhất là hồ sơ thương binh, liệt sĩ diện tồn đọng ở một số nơi thực hiện chưa đúng quy trình, thiếu chặt chẽ; tiến độ xác lập hồ sơ, giải quyết chế độ còn chậm. Hiện nay, các đối tượng chính sách Người có công còn tồn đọng, hầu hết không lưu giữ được giấy tờ hoặc giấy tờ bị rách nát, nên việc xác lập hồ sơ, giải quyết chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, Người có công gặp rất nhiều khó khăn.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả và giải quyết kịp thời các tồn đọng chính sách đối với Người có công, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chính sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Quân đội đối với Người có công, nhất là Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Người có công. Chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, địa bàn vùng sâu, vùng xa để các chế độ, chính sách được chuyển tải đến tận cơ sở, đến từng người dân và đối tượng chính sách. Qua đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của toàn xã hội trong việc tổ chức hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và chăm sóc đối với Người có công.

2. Chủ động nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và Người có công theo tiến trình cải cách chính sách tiền lương và chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, bảo đảm cho các chính sách ban hành đồng bộ, tạo thuận lợi cho việc thực hiện kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả. Trước mắt, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương tham gia nghiên cứu, đề xuất ban hành Pháp lệnh ưu đãi Người có công (sửa đổi) phù hợp với tình hình thực tiễn.

3. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách đối với Người có công; người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách đối với các trường hợp hy sinh, bị thương trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc, hạn chế trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với Người có công. Tiếp tục làm tốt việc tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định hồ sơ các đối tượng ở các cấp bảo đảm công khai, dân chủ; trường hợp nào rõ thì làm trước, chưa rõ thì kiểm tra, xác minh, làm sau, ưu tiên đối tượng già yếu hoặc bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày; những trường hợp phải xác minh hoặc trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự thì phải tiến hành kịp thời; giải quyết cơ bản hồ sơ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh còn tồn đọng ở các cấp.

4. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, lực lượng, cơ quan, đơn vị và địa phương; phát huy vai trò của cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp trong thực hiện chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và Người có công. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 1237 của Thủ tướng Chính phủ về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; tích cực giải quyết hoàn thành bộ cơ sở giữ liệu quốc gia, tiến tới công bố giữ liệu quốc gia về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Đồng thời, hoàn thành việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở ba cấp (xã, huyện, tỉnh) trong phạm vi toàn quốc và quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở địa bàn trong nước; mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ, hoàn thành cơ bản việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào, Campuchia và nước ngoài.

5. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, động viên và kết hợp các nguồn lực; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và thực hiện xã hội hóa sâu rộng việc chăm sóc Người có công. Đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” bằng nhiều nội dung, chương trình hoạt động và cách làm sáng tạo, thiết thực. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình: “Nhà Tình nghĩa”, “Nhà Đồng đội”; tiếp tục giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện chế độ, chính sách đối với Người có công, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, không để xảy ra sai sót, tiêu cực. Kiên quyết xử lý những tập thể, cá nhân sai phạm trong việc thực hiện chính sách đối với Người có công, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Thiếu tướng TRẦN QUỐC DŨNG, Cục trưởng Cục Chính sách
______________

1 - Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, ngày 09/11/2011; Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg, ngày 14/10/2015.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.