QPTD -Thứ Hai, 22/11/2021, 08:10 (GMT+7)
Quân đoàn 2 nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu cơ động chiến lược

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác kỹ thuật đối với việc cơ động chiến lược của đơn vị, ngành Kỹ thuật Quân đoàn 2 đang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Kế thừa và phát huy truyền thống “Thần tốc, Táo bạo, Quyết thắng”, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Cục Kỹ thuật đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành toàn diện nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác kỹ thuật; bảo đảm đầy đủ, kịp thời vũ khí, trang bị kỹ thuật, đạn,... cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập và các nhiệm vụ đột xuất; hoàn thành 100% Kế hoạch đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật, diesel hóa ô tô cho các đơn vị đạt kết quả tốt; duy trì, giữ vững hệ số kỹ thuật Kt = 0,97%, riêng vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là phương tiện cơ động làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu Kt = 1, hệ số đồng bộ đạt 80%. Năm 2019, Cục tổ chức thành công cuộc Diễn tập chỉ huy, cơ quan, cơ sở kỹ thuật cấp chiến dịch KT-19  đạt kết quả tốt, được Bộ Tư lệnh Quân đoàn, Tổng cục Kỹ thuật ghi nhận, đánh giá cao.

Trước yêu cầu xây dựng Quân đoàn chủ lực cơ động chiến lược của Bộ theo hướng từng bước hiện đại, đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác kỹ thuật. Trong khi đó, tổ chức, biên chế của ngành phải thực hiện tinh, gọn; thực trạng đội ngũ cán bộ mất cân đối giữa các lứa, lớp; số lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật quản lý, sử dụng lớn, nhiều chủng loại, do nhiều nước sản xuất, cơ bản là thế hệ cũ đã qua sử dụng nhiều năm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi cơ động; công tác quản lý, bảo đảm có loại chưa đồng bộ, chồng chéo; khả năng bảo đảm của các cơ sở kỹ thuật có mặt còn hạn chế, v.v. Những khó khăn, thách thức, bất cập trên đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm kỹ thuật nói chung, cho cơ động nói riêng. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, ngành Kỹ thuật Quân đoàn tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và chất lượng công tác chỉ huy, tham mưu cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật các cấp. Thực hiện tốt công tác này, Đảng ủy, chỉ huy Quân đoàn lãnh đạo, chỉ đạo Ngành, các cơ quan, đơn vị thực hiện đột phá “Nâng cao năng lực chỉ huy, quản lý kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật các cấp”; trong đó, chú trọng công tác quy hoạch, tham mưu, đề xuất sắp xếp, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có cơ cấu, số lượng hợp lý, bảo đảm chất lượng, phát huy được sở trường, thế mạnh của từng cán bộ, có tính kế thừa, phát triển. Cùng với làm tốt công tác quy hoạch, cử cán bộ đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội; tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực tổ chức, chỉ huy tham mưu kỹ thuật theo chức danh, chức trách, nhiệm vụ được giao với quan điểm không đơn thuần lấy văn bằng, chứng chỉ làm tiêu chí đánh giá mà quan trọng là kiến thức, năng lực làm việc thực tế. Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, Cục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quan tâm bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy kỹ thuật có tư duy nhạy bén, nắm chắc nhiệm vụ, ý định của người chỉ huy; chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên, vũ khí, trang bị kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ cũng như đặc điểm thời tiết, khí hậu, cung, chặng đường hành quân và các cơ sở bảo đảm kỹ thuật. Qua đó, nâng cao trình độ, năng lực tham mưu, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ trong xây dựng kế hoạch bảo đảm kỹ thuật sát yêu cầu, nhiệm vụ; nắm chắc chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật; tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng linh hoạt, có chiều sâu phù hợp với nhiệm vụ của từng cung, chặng; có sự thống nhất từ trên xuống dưới, phát huy tính độc lập, tự chủ của các đơn vị và sự phối hợp, chi viện giữa các cấp. Đẩy mạnh tổ chức hội thi, hội thao ở các cấp, xác định đây là kênh quan trọng để bồi dưỡng năng lực tổ chức, chỉ huy, điều hành, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách đãi ngộ phù hợp khuyến khích cán bộ kỹ thuật phát huy tinh thần tự học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tác phong công tác khoa học; tích cực nghiên cứu, ứng dụng và phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm kỹ thuật tại đơn vị.

Kiểm tra đội hình trên đường cơ động

Hai là, đầu tư dây chuyền công nghệ, trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực, chất lượng sửa chữa của các cơ sở kỹ thuật và lực lượng sửa chữa cơ động. Để khai thác, sử dụng, duy trì chất lượng, đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật cần có các trang thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại cho các cơ sở sửa chữa nhằm giảm nhân công, tăng hiệu suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Với nhận thức đó, thời gian qua, Cục đề nghị trên quan tâm đầu tư mua sắm các trang thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại cho tiểu đoàn sửa chữa, các trạm, xưởng; biên chế đủ xe công trình xa ở các cấp; tích cực nghiên cứu cải tiến, đầu tư bổ sung trang bị hiện đại, có tính đa năng cho các xe công trình hiện có để nâng cao năng lực, chất lượng bảo dưỡng, sửa chữa của các cơ sở bảo đảm kỹ thuật. Đến nay, tiểu đoàn sửa chữa, các trạm, xưởng đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, như: Thiết bị kiểm tra góc đặt bánh xe sử dụng công nghệ 3D, kỹ thuật số model C3000; Cẩu nâng xếp kéo cố định Stratos S36; Máy đánh bóng xilanh M832; Máy rà xupap ZECAART; Thiết bị đo áp suất buồng đốt BANZAI; Thiết bị chuẩn đoán động cơ ACKAN8,… góp phần nâng cao năng lực bảo dưỡng, sửa chữa của các cơ sở bảo đảm kỹ thuật.

Công tác sửa chữa cơ động chiếm hiệu suất tương đối lớn trong công tác bảo đảm kỹ thuật, tác động trực tiếp đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của Quân đoàn. Trước thực tế đó, Cục chỉ đạo các đơn vị, trạm, xưởng ưu tiên lựa chọn những nhân viên chuyên môn, thợ sửa chữa có kiến thức, trình độ, tay nghề cao của các chuyên ngành, trách nhiệm, nhiệt tình với công việc tham gia lực lượng sửa chữa cơ động chuyên trách. Thường xuyên tổ chức cơ động sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các đơn vị trong huấn luyện, diễn tập, nhằm rèn luyện bản lĩnh, trình độ, tay nghề, xây dựng lực lượng này đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Ba là, huấn luyện kỹ thuật toàn diện, chuyên sâu cho các đối tượng, bảo đảm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cơ động. Cục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh “Nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu”; chú trọng xây dựng nội dung, chương trình, hình thức huấn luyện kỹ thuật phù hợp với từng đối tượng, theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu. Đối với cán bộ, chỉ huy tham mưu kỹ thuật, Cục tập trung huấn luyện tính năng kỹ, chiến thuật các loại vũ khí, trang bị, nhất là các trang bị mới, hiện đại, tính cơ động cao; nắm chắc yêu cầu kỹ thuật của từng loại trang bị trong cơ động; nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy, điều hành, sử dụng lực lượng, dự kiến các tình huống, v.v. Đây là những dữ liệu khoa học để tham mưu cho người chỉ huy quyết định cung, chặng đường hành quân phù hợp. Với đội ngũ lái xe, tăng cường huấn luyện thực hành, bổ túc tay lái trên mọi địa hình, đường sá, điều kiện thời tiết, huấn luyện đêm để nâng cao tay nghề, khả năng quan sát, thực hiện nhiệm vụ độc lập; rèn luyện kỹ năng lái xe bảo đảm tốc độ, cự ly, giãn cách giữa các xe theo quy định trong hành quân. Đồng thời, nắm chắc tính năng kỹ thuật, chiến thuật, khai thác, sử dụng thành thạo các loại xe hiện có; quy trình, biện pháp kiểm tra kỹ thuật, cách phát hiện, khắc phục những hư hỏng thông thường, phối hợp tổ chức cứu kéo và tự cứu kéo khi có tình huống xảy ra trên đường cơ động.

Với đội ngũ thợ sửa chữa, nhân viên kỹ thuật, thực hiện phương châm “một người giỏi một nghề, làm được nhiều nghề”, Cục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung huấn luyện nâng cao khả năng bảo dưỡng, sửa chữa cụm, hệ thống trong điều kiện dã ngoại; khai thác, vận hành thành thạo, đúng tính năng các trang thiết bị bảo đảm kỹ thuật hiện có; phân tích, chẩn đoán, khắc phục nhanh các hư hỏng trên đường hành quân. Lực lượng kho, trạm tập trung huấn luyện triển khai trạm, xưởng, xe công trình xa trong điều kiện dã ngoại; tiến hành tiếp nhận, cấp phát vật tư; các bước mở niêm cất, chằng buộc, ngụy trang, che đậy, đưa vào vị trí phòng tránh; luyện tập thuần thục các phương án chiến đấu bảo vệ khu vực triển khai các phân đội kho, trạm; nội dung phối hợp, hiệp đồng giữa các bộ phận, phân đội khi đơn vị tổ chức diễn tập vòng tổng hợp hoặc kết hợp với huấn luyện chiến đấu bảo vệ cơ sở kỹ thuật, phòng, chống cháy nổ, thiên tai.

Bốn là, phối hợp, hiệp đồng bảo đảm kỹ thuật với các lực lượng khu vực phòng thủ, quân chủng, binh chủng trong cơ động. Công tác bảo đảm kỹ thuật trong cơ động phụ thuộc lớn vào phương tiện hành quân (ô tô, máy bay, tàu hỏa, tàu biển); phương pháp hành quân (bộ, cơ giới, hỗn hợp) và nhiệm vụ hành quân (chiến đấu, di chuyển, thực hiện các nhiệm vụ). Do vậy, quá trình chuẩn bị hành quân, cơ quan, Chủ nhiệm kỹ thuật cần nắm chắc nhiệm vụ, kế hoạch, phương pháp, phương tiện, kế hoạch hành quân để xây dựng phương án bảo đảm kỹ thuật cho cơ động lực lượng. Tổ chức phối hợp, hiệp đồng với lực lượng kỹ thuật trong khu vực phòng thủ, quân chủng, binh chủng và các cơ sở kỹ thuật của nền quốc phòng toàn dân sẵn sàng chi viện cho cơ động. Nội dung phối hợp, hiệp đồng cụ thể về thời gian, cung, chặng đường hành quân, dự kiến tỷ lệ hư hỏng trang thiết bị và các tình huống kỹ thuật,... để khai thác tối đa khả năng bảo đảm kỹ thuật của khu vực phòng thủ và các lực lượng trên địa bàn cơ động. Đồng thời, quy định rõ thời gian, địa điểm giao, nhận, số lượng, chất lượng trang bị kỹ thuật; lực lượng áp tải, canh gác bảo vệ tại các khu vực trọng điểm, bảo đảm chính xác, kịp thời. Kết thúc hành quân cơ động, khẩn trương tổng hợp, nắm chắc tình hình, khả năng bảo đảm kỹ thuật, tiến hành kiểm tra, bảo quản, sửa chữa, khắc phục ngay những hư hỏng của trang bị kỹ thuật.

Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên là cơ sở quan trọng để ngành Kỹ thuật Quân đoàn 2 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu cơ động chiến lược của Quân đoàn trong thực hiện nhiệm vụ.

Đại tá LÊ LUẬT, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.