QPTD -Thứ Ba, 17/10/2023, 06:46 (GMT+7)
Quân đoàn 1 - nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

Năm mươi năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 luôn khắc phục khó khăn, đoàn kết, thống nhất, nêu cao quyết tâm chính trị, tinh thần trách nhiệm, lập nhiều chiến công xuất sắc. Đây là niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn để cán bộ, chiến sĩ thi đua xây dựng Quân đoàn ngày càng vững mạnh, phát triển, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là sau nhiều thất bại nặng nề, liên tiếp trên chiến trường, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris (ngày 27/01/1973), rút hết quân khỏi Việt Nam, tạo tương quan lực lượng trên chiến trường có sự thay đổi rõ rệt. Đây là điều kiện, thời cơ thuận lợi để quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, thực hiện trọn vẹn lời huấn thị của Bác Hồ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thời cơ chiến lược đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tổ chức các quân đoàn chủ lực có sức cơ động cao, hỏa lực mạnh, khả năng đột kích lớn để thực hiện các đòn đánh quy mô chiến dịch, chiến lược, kết thúc chiến tranh.

Được sự nhất trí của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết thắng - quân đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cơ động theo yêu cầu, nhiệm vụ của Bộ và đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của chiến trường. Ngay sau khi thành lập, Quân đoàn nhanh chóng ổn định tổ chức biên chế, vừa xây dựng, huấn luyện, chiến đấu, vừa tham gia phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội. Với tinh thần trách nhiệm cao, sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ, chiến sĩ, chỉ trong thời gian ngắn, Quân đoàn đã trở thành đơn vị chủ lực, cơ động chiến lược, có khả năng tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1
(Ngày 16/10/1974). Ảnh: TTXVN.

Trong giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đoàn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, tổ chức nhiều trận đánh quan trọng, giành thắng lợi quyết định, làm thay đổi cục diện chiến trường. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn nhận nhiệm vụ tiến công từ phía Bắc Sài Gòn, bao vây tiêu diệt đối phương ở Phú Lợi, Bến Cát, Bình Dương, Lai Khê, Tân Uyên; ngăn chặn, vô hiệu hóa Sư đoàn 5 ngụy và tiến công đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Bộ Tư lệnh các binh chủng ngụy ở Gò Vấp, Bình Thạnh; tổ chức một lực lượng tiến công hợp điểm với các quân đoàn khác tại Dinh Độc Lập, làm nên thắng lợi lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn, Quân đoàn luôn nghiên cứu, nắm vững tình hình, tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, hoàn thành tốt nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất.

Những năm gần đây, Quân đoàn luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tin tưởng, lựa chọn làm điểm cho các đơn vị trong toàn quân về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; trong đó, tập trung vào nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, xây dựng nền nếp chính quy, quản lý kỷ luật, tạo động lực và sức mạnh mới, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Nửa thế kỷ trôi qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thường xuyên, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cùng với sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn luôn tích cực, chủ động vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, không ngừng phấn đấu vươn lên, lập nhiều chiến công xuất sắc, xây đắp và tô thắm truyền thống “Thần tốc - Quyết thắng”. Với những thành tích đạt được trong chiến đấu, lao động và công tác, Quân đoàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý.

Hiện nay và thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn; tổ chức một số cơ quan, đơn vị có sự điều chỉnh, phát triển,... đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên xây dựng Quân đoàn vững mạnh về chính trị. Đây là giải pháp cơ bản, quan trọng, yếu tố quyết định việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Quân đoàn. Theo đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trong đó, chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng ở các đơn vị mới sáp nhập, bảo đảm có đủ năng lực lãnh đạo, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, gắn xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Quá trình thực hiện, kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ và công tác chính sách, tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ, năng lực toàn diện, đủ đức, đủ tài, uy tín cao, sức khỏe tốt, độ tuổi phù hợp, có số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân đoàn (trên cương vị Tư lệnh chiến dịch Đ22) quán triệt mệnh lệnh chuyển trạng thái SSCĐ từ thường xuyên lên cao và triển khai nhiệm vụ cho các cơ quan

Hai là, triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết, kế hoạch của trên về điều chuyển, sáp nhập, xây dựng Quân đoàn “tinh, gọn, mạnh”. Là đơn vị được Bộ xác định điều chỉnh tổ chức, biên chế, sáp nhập để xây dựng quân đoàn mới mạnh hơn, đáp ứng yêu cầu cơ động chiến lược, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong điều kiện tác chiến mới, Quân đoàn tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của trên về việc điều chuyển, sáp nhập, xây dựng Quân đoàn tinh, gọn, mạnh; Nghị quyết số 283-NQ/ĐU, ngày 03/6/2022 của Đảng ủy Quân đoàn về tổ chức lực lượng trong Quân đoàn năm 2022 - 2023, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức tới hành động, đồng thuận, thống nhất cao, không để xảy ra các hiện tượng dao động tư tưởng. Cùng với đó, tổ chức xây dựng các phương án tiếp nhận, bàn giao đơn vị theo đúng kế hoạch của trên; điều chỉnh, bố trí, sắp xếp cán bộ chủ trì, chủ chốt, chú trọng các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tiếp nhận, bàn giao quân số, vũ khí trang bị khoa học, phù hợp, song vẫn bảo đảm phát huy được sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện, giữ vững ổn định, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ba là, chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện. Để thực hiện tốt giải pháp này, Quân đoàn tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”. Tập trung đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế mới. Quá trình huấn luyện bám sát phương châm, quan điểm, nguyên tắc, các mối kết hợp; chú trọng truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao năng lực thực hành, làm chủ vũ khí, trang bị, khí tài mới, hiện đại và khả năng tác chiến trong điều kiện chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật hiện đại trong huấn luyện, diễn tập, bảo đảm sát thực tế chiến đấu; chú trọng rèn luyện khả năng chịu đựng khó khăn, gian khổ và sức khỏe bền bỉ, dẻo dai cho bộ đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi có tình huống.

Bốn là, nâng cao hiệu quả xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật. Kỷ luật là sức mạnh của Quân đội. Nhận thức rõ điều đó, Quân đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải tiếp tục giáo dục, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, văn bản hướng dẫn của trên về xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật; trong đó, tập trung vào Chỉ thị số 79/CT-BQP, ngày 22/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; Chỉ thị số 11/CT-TM, ngày 12/4/2023 của Tổng Tham mưu trưởng về nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật trong toàn quân. Bên cạnh đó, Quân đoàn tiếp tục chỉ đạo tập trung đột phá thực hiện các nội dung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”; giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng; đề cao trách nhiệm chính trị, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; tin tưởng, đoàn kết, thống nhất, chủ động khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, chủ quan, nóng vội, trông chờ, ỷ lại, thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện.

Năm, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác hậu cần, kỹ thuật. Quân đoàn chú trọng đổi mới về phương thức bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và cơ chế quản lý tài chính, tổ chức bảo đảm đẩy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, nhất là nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch trong quản lý tài chính; không để xảy ra hiện tượng thất thoát, thâm hụt, tham nhũng, lãng phí. Tập trung nâng cao chất lượng đời sống của bộ đội, phấn đấu quân số khỏe luôn đạt trên 98,5%, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chủ động phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị bạn và địa phương nơi đóng quân để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Tổ chức bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật, xe máy đủ về số lượng, tốt nhất về chất lượng, phục vụ tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và các nhiệm vụ khác. Đồng thời, đặc biệt coi trọng việc bảo đảm, không ngừng nâng cao sức cơ động, sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng là đơn vị chủ lực, cơ động, dự bị chiến lược của Bộ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng TRƯƠNG MẠNH DŨNG, Tư lệnh Quân đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.