QPTD -Thứ Năm, 07/05/2020, 07:54 (GMT+7)
Quân chủng Hải quân nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng

Công tác đối ngoại quốc phòng của Quân chủng Hải quân là bộ phận quan trọng của đối ngoại quốc phòng Việt Nam. Nhận thức rõ điều đó, Quân chủng đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chiến cuộc Đông - Xuân năm 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, hòa bình được lập lại trên toàn cõi Đông Dương, nhưng đất nước ta còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền: miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, đi lên chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giải phóng dân tộc. Để bảo vệ chủ quyền, quản lý chặt chẽ một dải bờ biển miền Bắc dài trên 800 km từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17, ngày 07/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể - tiền thân của Quân chủng Hải quân ngày nay. Từ đó đến nay, Quân chủng Hải quân đã nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, bám sát sự chỉ đạo của trên, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân chủng đã tham gia chiến đấu hằng trăm trận lớn nhỏ; đánh chìm, đánh hỏng, bắn cháy hàng trăm tàu chiến, máy bay, hàng nghìn quả thủy lôi và bom từ trường của địch; dũng cảm, táo bạo, kịp thời tiến công giải phóng và làm chủ quần đảo Trường Sa. Đồng thời, tổ chức những con tàu không số hình thành tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển hàng nghìn cán bộ, hàng chục nghìn tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa,… chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân chủng đã phát huy vai trò nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định ở các vùng biển, đảo để phát triển đất nước. Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng ý chí quyết tâm cao, vượt mọi khó khăn, gian khổ và hy sinh, xây đắp nên truyền thống “Chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”, được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý1.

Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Hải quân tiếp Tùy viên Quốc phòng Liên bang Nga đến làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam. (ảnh PV)

Những năm gần đây, tình hình thế giới, khu vực, nhất là Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Quân chủng đã và đang triển khai toàn diện các mặt công tác; trong đó, công tác đối ngoại quốc phòng được xác định là nội dung quan trọng. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm đối ngoại và hội nhập quốc tế về quốc phòng của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; bám sát đặc điểm, nhiệm vụ được giao, Quân chủng chủ động xác định kế hoạch, lộ trình công tác đối ngoại trong từng giai đoạn, từng năm để cụ thể và triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp khoa học, phù hợp. Trong 05 năm gần đây, Quân chủng đón 1.220 đoàn khách nước ngoài đến thăm, làm việc; trong đó, có nhiều đoàn lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Hải quân các nước, bảo đảm chu đáo, trọng thị, an toàn, hữu nghị. Đồng thời, tổ chức 1.180 đoàn cán bộ đi tham quan, giao lưu, hội nghị, hội thảo, triển lãm, tham gia diễn tập, duyệt binh hải quân,… ở nước ngoài2. Hiện nay, Hải quân nhân dân Việt Nam đã thiết lập, duy trì quan hệ song phương với hải quân gần 50 nước, trong đó có các cường quốc hải quân thế giới và tích cực, chủ động hội nhập khu vực, quốc tế, thông qua các diễn đàn, cơ chế hợp tác hải quân đa quốc gia. Nhiều hoạt động đối ngoại, quan hệ hợp tác với hải quân các nước được Quân chủng triển khai với tần suất cao, tạo dấu ấn quan trọng, trở thành điểm sáng trong công tác đối ngoại quốc phòng của Quân đội và Nhà nước.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, song những xung đột về lợi ích, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, nhất là tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định. Những vấn đề đó, tác động rất lớn đến nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu của Bộ đội Hải quân, đòi hỏi công tác đối ngoại quốc phòng cần tiếp tục đổi mới, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ, hợp tác với quân đội và hải quân các nước trên mọi lĩnh vực, nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, duy trì trật tự, an ninh, an toàn biển, đảo. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, Quân chủng tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại quốc phòng của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, nhất là Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 806-NQ/QUTW, ngày 31/12/2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, thực hiện nhất quán phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định, kiên trì nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, làm cho đối ngoại quốc phòng trở thành công cụ hữu hiệu, kênh ngoại giao quan trọng, trực tiếp hỗ trợ cho ngoại giao Nhà nước. Thực hiện chủ trương đó, Quân chủng tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, xác định rõ nội dung, chương trình, hình thức triển khai các hoạt động đối ngoại quốc phòng với quân đội và hải quân các nước, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp thực tiễn đất nước, khả năng của Quân chủng và đặc điểm của từng đối tác. Hoạt động đối ngoại quốc phòng của Quân chủng hướng vào mục tiêu phục vụ nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển và hội nhập. Đồng thời, chủ động nắm, dự báo sớm tình hình, nhất là sự điều chỉnh chiến lược, sách lược của hải quân các nước lớn và các nước trong khu vực, từ đó giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại quốc phòng cũng như xử lý các vấn đề trên biển; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư luận quốc tế, không để bị động, bất ngờ hoặc bị cô lập về ngoại giao trong vấn đề Biển Đông.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng cả trên bình diện song phương và đa phương. Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác đối ngoại quốc phòng của Quân chủng cần được phát triển theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Về đối ngoại quốc phòng song phương, Quân chủng tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng với hải quân các nước, ưu tiên các nước ASEAN, các nước có chung đường ranh giới biển, các nước lớn, bạn bè, đối tác truyền thống. Trong hợp tác luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, không lệ thuộc trong quan hệ quốc tế; chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa duy trì, thúc đẩy các mối quan hệ hiện có đi vào chiều sâu, thực chất với thiết lập các mối quan hệ, các lĩnh vực, cơ chế hợp tác mới, nhất là về đào tạo nguồn nhân lực, khoa học kỹ thuật quân sự, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin cùng quan tâm, phối hợp hoạt động phi tác chiến, tuần tra chung, y học hải quân, cứu hộ, cứu nạn, v.v. Trong đó, đặc biệt chú trọng hoạt động trao đổi đoàn các cấp, đón tiếp tàu hải quân nước bạn và cử tàu ta đi thăm, đáp lễ, duy trì đường dây nóng với hải quân một số nước láng giềng trên biển trong khu vực. Qua đó, tăng cường lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau, tạo nhận thức chung, chia sẻ các vấn đề cùng quan tâm, đặt nền tảng, định hướng thúc đẩy mở rộng hợp tác, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh trên biển, ngăn ngừa va chạm, xung đột. Trên bình diện đa phương, Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp tục tham gia sâu hơn vào các cơ chế hợp tác hải quân đa phương trong khuôn khổ ASEAN và các cơ chế do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, chủ động đề xuất sáng kiến duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cũng như phối hợp hoạt động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, hỗ trợ nhân đạo, bảo vệ môi trường biển, v.v. Trước mắt, Quân chủng tập trung tổ chức thành công các sự kiện đối ngoại quốc phòng năm 2020, như: Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN lần thứ 14; Duyệt binh hàng hải quốc tế; Diễn tập đa phương Hải quân ASEAN lần thứ 2. Qua đó, tạo điểm nhấn trong năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với hải quân các nước, nâng cao vai trò, vị thế của Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.

Tàu 016 tham gia Duyệt binh tàu quốc tế tại Liên bang Nga. (7/2019), (ảnh Vũ Hưởng)

Ba là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại quốc phòng, làm cho hải quân các nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về chính sách quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thời gian qua, hoạt động thông tin tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc được Quân chủng hết sức chú trọng cùng với quá trình mở rộng quan hệ quốc phòng với quân đội và hải quân các nước. Theo đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng có trách nhiệm truyền đi thông điệp về đất nước, con người Việt Nam thân thiện, là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; khẳng định lập trường nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng chủ quyền biển, đảo của các nước, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Thời gian tới, nội dung thông tin tuyên truyền đối ngoại quốc phòng của Quân chủng tiếp tục tập trung làm rõ cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển (nhất là đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa), kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đi liền với phản bác những quan điểm, hành động sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển, đảo để chống phá đất nước, chia rẽ quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Để chất lượng công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại quốc phòng ngày càng cao, Quân chủng Hải quân tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hoàn thiện nội dung, đổi mới phương pháp, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, bảo đảm cung cấp nhiều thông tin, nhanh chóng, chính xác, kịp thời định hướng dư luận và tạo hiệu ứng ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chuẩn Đô đốc TRẦN THANH NGHIÊM, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân chủng
______
_____________

1 - 02 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1989, 2014), 02 Huân chương Sao vàng (1985, 2010), 02 Huân chương Hồ Chí Minh (1979, 2011), 01 Huân chương Độc lập hạng Nhất (2000), 01 Huân chương Độc lập hạng Nhì (1965), 01 Huân chương Quân công hạng Nhất (1984), 02 Huân chương Quân công hạng Nhì (1964, 1983), 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2014), v.v.

2 - Hội thảo Hải quân Tây Thái Bình Dương, Hội nghị Sức mạnh Hải quân thế giới, Hội nghị quốc tế về an ninh biển, Diễn tập đa phương Hải quân ASEAN, Diễn tập KOMODO, Duyệt binh hàng hải quốc tế, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.