Chủ Nhật, 15/09/2024, 07:37 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện “2 khâu đột phá” trong công tác kỹ thuật, ngành Kỹ thuật Hải quân đã tạo được bước tiến bộ đáng kể, góp phần quan trọng xây dựng Quân chủng Hải quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, hoàn thành tốt nhiệm vụ làm nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Quân chủng Hải quân là quân chủng chiến đấu, quân chủng kỹ thuật, được giao quản lý, sử dụng một khối lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, đặc chủng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tính đồng bộ của vũ khí, trang bị kỹ thuật còn hạn chế; việc xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật chưa toàn diện, chưa đều giữa các ngành, các đơn vị. Trước tình hình đó, năm 2006, ngành Kỹ thuật Hải quân đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ đạo thực hiện “2 khâu đột phá”: xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhằm nâng cao chất lượng, năng lực bảo đảm kỹ thuật, phục vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Đây là chủ trương lớn của Quân chủng, có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị. Để đạt mục đích, yêu cầu đề ra, Ngành đã chủ động tham mưu giúp Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ đạo tổ chức hội thảo từ các hải đội đến Quân chủng, nhằm đánh giá thực trạng công tác kỹ thuật Hải quân, xác định nội dung, biện pháp thực hiện. Trên cơ sở đó, Quân chủng có Kế hoạch xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật giai đoạn 2006 - 2010, tầm nhìn 2020; thành lập Ban Chỉ đạo; cấp ủy các cấp ra nghị quyết chuyên đề, người chỉ huy xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện “2 khâu đột phá” trong từng giai đoạn phù hợp với thực tế đơn vị.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống, qua hơn 10 năm triển khai thực hiện “2 khâu đột phá”, công tác kỹ thuật của Quân chủng đã có chuyển biến mạnh mẽ và thu được kết quả đáng khích lệ. Các đơn vị thực hiện tốt Điều lệ công tác kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam, các điều lệ chuyên ngành và Quy định công tác kỹ thuật Hải quân, Chỉ lệnh công tác kỹ thuật của Quân chủng. Nền nếp, chế độ làm việc từng bước được thống nhất, khoa học; bảng biểu, sổ sách đăng ký đúng quy định. Hệ thống cơ sở bảo đảm kỹ thuật bước đầu được nâng cấp, góp phần nâng cao khả năng sửa chữa, khôi phục đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật Hải quân. Số tàu thuyền, vũ khí, trang bị kỹ thuật được sửa chữa, khôi phục đảm bảo tính đồng bộ năm sau cao hơn năm trước. Trình độ, năng lực của cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong tiếp cận, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật được nâng lên. Đặc biệt, thông qua thực hiện “2 khâu đột phá” đã tạo được sự tiến bộ rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo, chỉ huy và toàn thể cán bộ, chiến sĩ đối với công tác kỹ thuật. Ngành Kỹ thuật Quân chủng đã vươn lên khai thác, sử dụng, bảo đảm kỹ thuật cho các loại tàu thuyền, vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, góp phần quan trọng nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của Bộ đội Hải quân và tiến trình xây dựng Quân chủng hiện đại.
Tuy nhiên, việc thực hiện “2 khâu đột phá” trong công tác kỹ thuật ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ này chưa thật đầy đủ; kết quả duy trì, bảo đảm đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật cũ chưa cao; công tác tạo nguồn, đào tạo thợ chuyên môn kỹ thuật cao còn ít; kết quả huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ,… có mặt còn hạn chế, v.v.
Từ những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại đó, trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa trong tình hình mới, thời gian tới, Quân chủng Hải quân xác định tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, thực hiện có hiệu quả hơn nữa “2 khâu đột phá” trong công tác kỹ thuật.
Trước hết, Quân chủng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, cùng các chỉ tiêu, mục tiêu, yêu cầu của “2 khâu đột phá”, xây dựng động cơ, ý chí quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, qua tổng kết 10 năm thực hiện “2 khâu đột phá” trong công tác kỹ thuật, Quân chủng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, bổ sung chỉ tiêu, chương trình hành động và kế hoạch thực hiện phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Để đạt hiệu quả cao, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên trong lãnh đạo, chỉ đạo; vai trò của cơ quan kỹ thuật trong tổ chức thực hiện. Tập trung vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm, khắc phục triệt để những khâu yếu, mặt yếu, nâng cao chất lượng xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật. Đối với các khu vực, đơn vị được đầu tư tập trung nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, Quân chủng thành lập Sở Chỉ huy trực tiếp tại cơ sở để chỉ huy, chỉ đạo, điều hành và giải quyết kịp thời các vấn đề về kỹ thuật mới nảy sinh. Ban Chỉ đạo, cơ quan kỹ thuật và các tổ nghiên cứu làm chủ chuyên sâu ở các đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng cấp trên thực hiện, báo cáo kết quả đạt được với Ban Chỉ đạo Quân chủng, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện.
Với quan điểm “công tác kỹ thuật phải đi trước một bước”, việc xây dựng chính quy công tác kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong hiện đại hóa Quân chủng. Thực hiện khâu đột phá này, Quân chủng tiếp tục đổi mới lề lối, tác phong công tác; đổi mới công tác quản lý, đăng ký hoạt động công tác kỹ thuật, v.v. Để tạo sự chính quy, thống nhất, khoa học trong chỉ đạo công tác kỹ thuật, ngành Kỹ thuật Quân chủng tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định quản lý kỹ thuật tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, công tác kỹ thuật bảo đảm cho quần đảo Trường Sa, công tác bảo đảm kỹ thuật cho tàu hoạt động dài ngày trên biển. Đồng thời, ban hành hướng dẫn các nội dung thực hiện khi xảy ra sự cố hỏng hóc trang bị dưới tàu; quy trình, thủ tục sửa chữa tàu tại đơn vị; hướng dẫn công tác kỹ thuật khi tàu hoạt động dài ngày trên biển; quy chế sửa chữa tàu tại đơn vị, v.v. Cùng với đó, Quân chủng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án: Công tác kỹ thuật Hải quân; Quy hoạch, đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đặc chủng Hải quân; Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật Hải quân; Xây dựng ngành Kỹ thuật Hải quân chính quy, hiện đại đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Để đạt hiệu quả cao, Quân chủng tăng cường ký kết chương trình hợp tác khoa học, công nghệ với các đối tác trong và ngoài Quân chủng trên 04 lĩnh vực chính: biên soạn, biên dịch tài liệu; huấn luyện làm chủ; sửa chữa đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật; sản xuất vật tư phụ tùng. Đồng thời, coi trọng xây dựng đơn vị điểm công tác kỹ thuật, trong đó hướng vào các đơn vị chưa đạt chuẩn, đơn vị còn khâu yếu, mặt yếu; qua đó, rút kinh nghiệm trong toàn Quân chủng.
Để làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, Quân chủng chỉ đạo tiếp tục hướng nội dung đột phá vào nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị, trọng tâm là làm chủ kỹ thuật, công nghệ bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị thế hệ mới. Vũ khí, trang bị kỹ thuật Hải quân được biên chế đa chủng loại; số cũ, qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, vật tư đặc chủng cho thay thế khó khăn; số vũ khí, trang bị kỹ thuật mới là loại hiện đại, ứng dụng công nghệ số và nhúng phần mềm điều khiển, các mô-dul hoặc vật tư nhà sản xuất đặt mã nhận dạng, nên công tác nghiên cứu làm chủ, chế tạo vật tư tương đương khó khăn. Trước thực tế đó, cùng với quan tâm, đầu tư nâng cấp các cơ sở bảo đảm kỹ thuật, Quân chủng quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực làm chủ, khai thác sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa có hiệu quả các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật Hải quân. Đây là nội dung then chốt, có ý nghĩa quyết định hiệu quả thực hiện “2 khâu đột phá”, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của Ngành. Theo đó, một mặt, ngành Kỹ thuật Quân chủng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của bộ đội, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật đối với công tác kỹ thuật nói chung và “2 khâu đột phá” nói riêng. Mặt khác, chủ động rà soát, kiện toàn hệ thống tổ chức, xây dựng cơ quan, đơn vị kỹ thuật các cấp vững mạnh, chính quy, phù hợp với yêu cầu tổ chức, xây dựng Quân chủng. Trong huấn luyện, Ngành đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, nâng cao chất lượng huấn luyện cho các đối tượng. Đặc biệt, với các đơn vị được trang bị tàu thuyền, vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, Quân chủng chú trọng phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật cao được đào tạo ở nước ngoài trong huấn luyện chuyển loại, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ khai thác, sử dụng, bảo quản, sửa chữa; đồng thời, duy trì nền nếp hội thi, hội thao, thi nâng bậc, diễn tập kỹ thuật,… nâng cao trình độ toàn diện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Bên cạnh đó, ngành Kỹ thuật Quân chủng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành chế độ, chính sách ưu đãi đối với cán bộ, nhân viên kỹ thuật, nhất là số cán bộ kỹ thuật có trình độ cao và thợ lành nghề; thực hiện nghiêm túc chế độ luân chuyển cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở tất cả các cấp, các cương vị và địa bàn, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để họ phát huy cao nhất khả năng trong công việc, yên tâm công tác.
Để nâng cao năng lực làm chủ, khả năng khai thác sử dụng, sửa chữa, bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật, Quân chủng phối hợp với các viện nghiên cứu, học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội để nghiên cứu công nghệ mới trong chế tạo vật tư kỹ thuật đặc chủng, sửa chữa, đóng mới, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật Hải quân; nghiên cứu công nghệ bảo quản, niêm cất tăng hạn sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật. Ngoài ra, Quân chủng chủ trương tăng cường hợp tác với các cơ sở công nghiệp dân sự, tận dụng thành tựu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phục vụ công tác sửa chữa, sản xuất trang bị, phương tiện tàu, thuyền Hải quân. Phối hợp với các ngành kinh tế xây dựng các cơ sở công nghiệp, cơ sở bảo đảm hậu cần - kỹ thuật Hải quân trên bờ và trên đảo. Mặt khác, Quân chủng còn mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác với các nước bạn để tranh thủ tiếp cận khoa học - công nghệ kỹ thuật quân sự tiên tiến, mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật và đào tạo cán bộ kỹ thuật Hải quân.
Cùng với các nội dung, biện pháp trên, trong thời gian tới, Quân chủng chỉ đạo cơ quan kỹ thuật tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương thức bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại theo vòng đời1; đầu tư cho các cơ sở bảo đảm kỹ thuật có đủ tài liệu, trang bị công nghệ, để sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại ngay trong nước; nghiên cứu tạo nguồn vật tư Zip sử dụng lâu dài và chế tạo vật tư tương đương, v.v. Phấn đấu đến năm 2025, ngành Kỹ thuật Hải quân cơ bản làm chủ ở mức trung bình khá các tàu, vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, đáp ứng mọi hoạt động của Quân chủng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Đại tá HOÀNG NGỌC TRÁC, Chủ nhiệm Kỹ thuật Hải quân
______________
1 - Đó là phương thức hợp tác với các đối tác trong nước và nước ngoài bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật từ khi đưa vào sử dụng đến khi kết thúc vòng đời trang bị.
Quân chủng Hải quân,2 khâu đột phá,công tác kỹ thuật
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 13/08/2024
Cục Cứu hộ, cứu nạn nâng cao năng lực tham mưu, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 08/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới 29/07/2024
Tỉnh Hòa Bình tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 29/07/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và chính sách hậu phương quân đội 25/07/2024
Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 18/07/2024
Quân khu 7 xây dựng thế trận quân sự vững mạnh trên hướng biển 11/07/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)*