QPTD -Thứ Năm, 17/01/2019, 10:27 (GMT+7)
Quân chủng Hải quân đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo

Để phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Quân chủng Hải quân xác định đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo là một trong những yếu tố hết sức quan trọng; coi đó là nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Quân chủng.

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị, Quân chủng Hải quân đã phát huy tốt vai trò làm nòng cốt, đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo với các tỉnh, thành phố, cơ quan Trung ương và cơ quan báo chí (gọi tắt là các cơ quan, đơn vị, địa phương). Đến nay, Quân chủng đã ký kết và đang triển khai thành nền nếp chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo với 58/63 tỉnh, thành phố và 15 cơ quan Trung ương, cơ quan báo chí.

Sau hơn 10 năm thực hiện, công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ thường xuyên, toàn diện của các cơ quan bộ, ban, ngành, đoàn thể và đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương. Với 10 nhóm nội dung phối hợp đã ký kết, hằng năm và trong mỗi giai đoạn, thời điểm cụ thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều xây dựng kế hoạch phối hợp chi tiết, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả to lớn. Công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo luôn bám sát thực tiễn, được triển khai tích cực, chủ động ở nhiều cấp, nhiều ngành, với nhiều lực lượng tham gia. Phạm vi, đối tượng tuyên truyền liên tục được mở rộng, nhất là với cán bộ và nhân dân các địa phương, ngư dân sinh sống và lao động trên biển, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Việc tuyên truyền diễn ra cả trên đất liền, biên giới, biển, đảo; số lượt người được tuyên truyền ngày càng tăng cao1. Nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, có chiều sâu, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; hình thức, biện pháp tuyên truyền đa dạng, hiệu quả và luôn được đổi mới. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh hình thức tuyên truyền miệng, qua báo chí, trực quan; kết hợp tuyên truyền biển, đảo với tổ chức nhiều phong trào hành động thiết thực, như: “Cả nước vì Trường Sa - Vì tuyến đầu Tổ quốc”, “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc”, “Phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, v.v. Thông qua công tác tuyên truyền, đã kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo; lịch sử hình thành và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Đồng thời, làm rõ kết quả hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Hải quân nhân dân Việt Nam, góp phần tạo sự đồng thuận với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết những vấn đề phức tạp ở Biển Đông, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc.

Công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo còn góp phần động viên, phát huy vai trò của các lực lượng, tổ chức, cá nhân ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài ủng hộ cả vật chất và tinh thần cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; nâng cao tiềm lực chính trị - tinh thần, tăng cường thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển ngày càng vững chắc. Các hoạt động phối hợp tuyên truyền biển, đảo đã giúp cho cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị có điều kiện nghiên cứu, nắm bắt tình hình thực tiễn, những diễn biến trên Biển Đông phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về biển, đảo nói chung và hoạt động tuyên truyền biển, đảo nói riêng. Đồng thời, giúp Quân đội, Quân chủng Hải quân huy động được nguồn lực quan trọng xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; có điều kiện thuận lợi để tổ chức tốt các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, vươn khơi bám biển; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai,... làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” ngày càng tỏa sáng trong lòng nhân dân.

Thời gian tới, “tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền ranh giới biển và sự bất đồng giữa các nước tại Biển Đông”2. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đang đặt ra yêu cầu hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Quân chủng Hải quân tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền biển, đảo. Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm từ thực tiễn, những năm qua, Quân chủng xác định tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo bằng các nội dung, giải pháp toàn diện, trong đó tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, nhất là chương trình hành động của các cấp ủy đảng trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI); Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp bảo đảm thực hiện đúng chương trình, kế hoạch, nội dung đề ra. Quân chủng tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền; chú trọng tuyên truyền các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam và vị trí, vai trò, chức năng, sự phát triển của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, qua thực hiện các nhiệm vụ, qua tổ chức các phong trào, các cuộc vận động; tổ chức các đoàn đại biểu đi thăm, động viên quân, dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, v.v.

Hai là, không ngừng mở rộng đối tượng, phạm vi tuyên truyền, đưa công tác tuyên truyền biển, đảo đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa rộng. Quân chủng Hải quân sẽ tổ chức ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo với 05 tỉnh còn lại (Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bình Phước) và mở rộng với các cơ quan Trung ương, cơ quan báo chí trong cả nước. Trên cơ sở chương trình phối hợp đã ký kết với các cơ quan, đơn vị, địa phương, Quân chủng xây dựng chương trình, kế hoạch hằng năm và trong từng hoạt động cụ thể. Đồng thời, kiện toàn ban chỉ đạo, cơ quan thường trực, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, với phương châm “chủ động, trách nhiệm, thường xuyên, kịp thời, an toàn, hiệu quả”, hướng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cùng với đó, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong phối hợp, hiệp đồng, triển khai các hoạt động tuyên truyền; kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng nội dung tuyên truyền; xử lý nhanh chóng, hiệu quả các vấn đề nảy sinh, làm cho công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo ngày càng đi vào nền nếp, thực chất, hiệu quả hơn. Thực hiện tốt việc kết hợp giữa công tác tuyên truyền biển, đảo với tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Cùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Biên phòng,… chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình, dự báo chính xác âm mưu, thủ đoạn và những động thái mới của nước ngoài đối với Biển Đông; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, kịp thời xử lý các tình huống, kiên quyết không để bị động, bất ngờ, thực sự là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Ba là, chăm lo xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền biển, đảo. Tích cực phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông để tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, hội thi nhằm nâng cao trình độ tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên các cấp. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên có hiểu biết sâu sắc về biển, đảo, về vai trò, ý nghĩa chiến lược của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những khó khăn, thách thức trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay. Điều quan trọng là, đội ngũ này phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm chính trị cao, kỹ năng tuyên truyền tốt; thực hiện thông tin, tuyên truyền đến các đối tượng bảo đảm kịp thời, đúng định hướng, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.

Bốn là, chủ động nghiên cứu những vấn đề nảy sinh, bất cập trong công tác phối hợp tuyên truyền; tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng hoàn thiện cơ chế phối hợp tuyên truyền biển, đảo trong toàn quân, toàn quốc, tránh trùng lắp, phân tán hoặc để khoảng trống về nội dung, đối tượng tuyên truyền. Xây dựng và thực hiện đúng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương. Quan tâm bảo đảm đúng, đủ chế độ, chính sách cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, lực lượng làm nhiệm vụ tuyên truyền biển, đảo; khen thưởng, vinh danh những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực về vật chất và tinh thần cho công tác tuyên truyền về nội dung này. Đồng thời, bảo đảm kinh phí, nâng cấp các cơ sở vật chất và hiện đại hóa phương tiện hoạt động tuyên truyền cho các đơn vị, đội ngũ báo cáo viên.

Năm là, thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Sau mỗi nhiệm vụ, mỗi đợt tuyên truyền, nhanh chóng tổ chức rút kinh nghiệm. Hằng năm, có sơ kết 6 tháng và tổng kết năm; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết theo giai đoạn 03 năm, 05 năm, 10 năm với những quy mô khác nhau (với từng tỉnh, theo cụm, theo khu vực hay với tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương). Thông qua đó, đánh giá đúng thực chất kết quả, ưu điểm và những hạn chế, khuyết điểm; đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung nội dung, hình thức, biện pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo.

Công tác tuyên truyền biển, đảo ngày càng đóng vai trò to lớn trong việc huy động các nguồn lực cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và là một phương thức quan trọng trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Quân chủng Hải quân đã và đang chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước đẩy mạnh công tác này, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chuẩn Đô đốc ĐẶNG MINH HẢI, Phó Chính ủy Quân chủng

____________

1 - Hằng năm, Quân chủng Hải quân cử hơn 1.000 lượt báo cáo viên trực tiếp tuyên truyền cho hơn 200.000 lượt cán bộ và nhân dân các địa phương.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2018, tr. 80-81.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.