Thứ Năm, 24/04/2025, 23:37 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tư duy, nhận thức của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển mạnh mẽ, từng bước hoàn thiện, soi đường, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.
Sau thắng lợi lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm 1975, cả nước ta thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội và đã thu được những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử: chính trị ổn định, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Trong công cuộc đổi mới đất nước thì đổi mới về tư duy có vị trí rất quan trọng, trong đó sự phát triển tư duy, nhận thức về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc được thể hiện trên nhiều mặt, nhưng có thể khái quát đó là sự phát triển “từ tư duy quân sự là chủ yếu đến tư duy về quốc phòng là cơ bản”. Đây là sự đổi mới cần thiết và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau.
1. Từ tư duy, nhận thức về xác định kẻ thù đến tư duy, nhận thức về xác định đối tác, đối tượng. Xác định đối tác, đối tượng là vấn đề rất cơ bản, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến chính sách đối nội, đối ngoại của một quốc gia. Từ trước năm 1986, quan niệm của Đảng ta chịu sự ảnh hưởng của tư duy “bạn - thù”, tư duy của “chiến tranh lạnh” và bối cảnh khi đó, nên chúng ta thường xác định kẻ thù và trong những trường hợp cụ thể còn chỉ rõ “kẻ thù cơ bản lâu dài và kẻ thù trực tiếp nguy hiểm”. Trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã phát triển nhận thức từ tư duy xác định kẻ thù đến tư duy xác định đối tác, đối tượng và đến Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) khẳng định: “Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác và bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh”. Xác định đối tượng, đối tác như vậy là sự phát triển rất mới về tư duy, nhận thức của Đảng, nó khắc phục được các nhận thức cứng nhắc về xác định “bạn - thù” - đã là bạn thì cái gì cũng tốt, đã là thù thì cái gì cũng xấu. Đồng thời, mở ra nhận thức mới về đối tượng, đối tác và sự đan xen, chuyển hóa giữa đối tượng, đối tác; theo đó, trong đối tượng có những mặt cần tranh thủ hợp tác, trong đối tác có những mặt cũng cần cảnh giác đề phòng. Xác định đối tác, đối tượng đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.
2. Từ mục tiêu đánh thắng trong các cuộc chiến tranh đến mục tiêu bảo vệ Tổ quốc mà không cần phải tiến hành chiến tranh. Từ trước đổi mới, tư duy của Đảng ta về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc vẫn chịu ảnh hưởng nhiều của tư duy về chiến tranh, đánh thắng trong các cuộc chiến tranh. Đại hội Đảng lần thứ V nêu rõ: “Đất nước ta đang ở trong tình thế vừa có hòa bình, vừa phải đương đầu với một kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt…; đồng thời, phải sẵn sàng đối phó với tình huống địch có thể gây chiến tranh xâm lược quy mô lớn”1. Quá trình đổi mới, Đảng ta đã phát triển nhận thức về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc toàn diện hơn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 xác định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quyền làm chủ của nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực đế quốc, phản động phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”2. Đến Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) và sau này là Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta nhận thức hoàn chỉnh hơn về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Xác định mục tiêu như trên, thể hiện rõ sự phát triển tư duy, nhận thức của Đảng ta, gắn kết chặt chẽ giữa hai mặt tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội trong mục tiêu bảo vệ Tổ quốc.
Trong khi coi trọng chuẩn bị đất nước, sẵn sàng đánh thắng các hình thái chiến tranh dưới mọi hình thức, quy mô (nếu xảy ra), Đảng ta luôn đề cao mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc mà không phải tiến hành chiến tranh, quốc phòng tối ưu là quốc phòng mà không phải tiến hành chiến tranh. Trong tình hình hiện nay, đặc biệt nêu cao mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, nhấn mạnh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ gắn với bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Đó là sự phát triển tư duy, nhận thức của Đảng về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, sự phát triển nhận thức đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của tình hình mới, tạo ra các điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. Từ phương châm chuẩn bị tiến hành chiến tranh đến phương châm ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ xung đột và chiến tranh, thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Từ sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi, đất nước ta trải qua giai đoạn rất khó khăn, bị bao vây, cấm vận, kinh tế khủng khoảng, hậu quả thiên tai nặng nề, lại phải tiến hành hai cuộc chiến tranh biên giới, sau đó phải thường xuyên đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ bên ngoài. Tư duy của chúng ta khi đó vẫn chủ yếu về chuẩn bị và đánh thắng trong các cuộc chiến tranh, nhấn mạnh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đến từ các thách thức bên ngoài là chủ yếu với phương châm tăng cường sức mạnh quân sự là cơ bản. Trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã phát triển nhận thức với phương châm toàn diện hơn, hoàn chỉnh hơn, đó là bảo vệ Tổ quốc được thực hiện trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, cả nhân tố bên trong và bên ngoài, trong đó nhấn mạnh nhân tố bên trong, nội bộ Đảng, Nhà nước là quyết định. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nêu rõ: “Chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”. Kế thừa truyền thống giữ nước của dân tộc - “Giữ nước từ khi nước chưa nguy”, Đảng ta khẳng định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”. Kiên trì phương châm “Kiên định các nguyên tắc chiến lược đi đôi với vận dụng linh hoạt sách lược”, với nội bộ lấy phòng ngừa, xử lý kịp thời các mầm mống có thể gây mất ổn định là chủ yếu, không để bị động bất ngờ. Với các tranh chấp, bất đồng, nhất là các tranh chấp, bất đồng về chủ quyền lãnh thổ, thực hiện phương châm “Giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”. Xác định phương châm về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc như vậy là sự phát triển nhận thức phù hợp đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của từng giai đoạn cách mạng, là sự lựa chọn sáng suốt nhất.
4. Từ tư duy, nhận thức về phương thức đấu tranh vũ trang là chủ yếu đến tư duy, nhận thức kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh phi vũ trang, nhấn mạnh phương thức đấu tranh phi vũ trang. Từ trước khi đổi mới năm 1986, Đảng ta cũng đã đề cập đến phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc một cách toàn diện, nhưng do tình hình cụ thể của giai đoạn cách mạng đó, về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đứng trước các mối đe dọa tiềm tàng từ bên ngoài, nên tư duy, nhận thức của chúng ta khi đó vẫn nhấn mạnh đến phương thức đấu tranh vũ trang, phương thức chuẩn bị và sẵn sàng tiến hành chiến tranh. Quá trình đổi mới toàn diện đất nước, nhất là từ khi mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, trong khi vẫn coi trọng chuẩn bị đất nước sẵn sàng đánh thắng trong các cuộc chiến tranh (nếu xảy ra), Đảng ta chủ trương đấu tranh toàn diện trên các mặt của đời sống xã hội (chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, xã hội,...); kết hợp chặt chẽ đấu tranh vũ trang với đấu tranh phi vũ trang, coi trọng phương thức đấu tranh phi vũ trang, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đảng ta khẳng định, nguyên nhân bên trong là chủ yếu, nội bộ là quyết định; đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, phát triển nhận thức về phương thức bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không chỉ có ý nghĩa về mặt tự nhiên - lịch sử mà còn có giá trị to lớn về mặt tinh thần, ý thức, nhận thức trong việc chủ động bảo vệ Tổ quốc từ khi đất nước chưa nguy, bảo vệ Tổ quốc từ thời bình. Đảng ta đã phát triển, hoàn thiện phương thức “tự bảo vệ” trong các điều kiện mới - phù hợp quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về “một cuộc cách mạng chỉ thực sự có giá trị khi nó biết tự bảo vệ”; phù hợp tình hình mới - khi mà các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
5. Một số vấn đề khác. Về xây dựng tiềm lực quốc phòng, trong xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần đã nhấn mạnh đến xây dựng “thế trận lòng dân”. Xây dựng tiềm lực kinh tế coi trọng giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế; giữ vững độc lập, tự chủ trong mở rộng hợp tác quốc tế về kinh tế, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; xác định văn hóa, đối ngoại là những nội dung tiềm lực cơ bản của nền quốc phòng toàn dân. Về xây dựng lực lượng quốc phòng, tiếp tục khẳng định vai trò của lực lượng toàn dân, đồng thời có sự phát triển mới về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, từ xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân đến xây dựng lực lượng vũ trang, gồm: Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ và Công an nhân dân. Về xây dựng thế trận quốc phòng đã có sự phát triển mới về xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc gắn với thế trận phòng thủ quân khu; gắn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với xây dựng thế trận an ninh nhân dân. Coi đây là những nội dung rất cơ bản của xây dựng thế trận quốc phòng bảo vệ Tổ quốc.
Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH _______________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Tập I, Nxb Sự thật, H. 1982, tr. 42.
2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb CTQG, H. 2013, tr. 234.
Quốc phòng,bảo vệ Tổ quốc,thời kỳ đổi mới
Tỉnh Lào Cai đẩy mạnh thi đua “dân vận khéo” 24/04/2025
Trường Sĩ quan Lục quân 1 nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 14/04/2025
Xây dựng ngành Xe máy - Vận tải Quân đội vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ 28/03/2025
Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên vững mạnh về chính trị 28/03/2025
Thanh niên Quân đội sẵn sàng xung kích, tiên phong bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc 24/03/2025
Binh chủng Công binh nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc 17/03/2025
Tỉnh Nam Định tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 17/03/2025
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội 24/02/2025
Binh đoàn 15 nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng 18/02/2025
Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới 13/02/2025
Xây dựng ngành Xe máy - Vận tải Quân đội vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ
Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên vững mạnh về chính trị
Trường Sĩ quan Lục quân 1 nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
Tỉnh Lào Cai đẩy mạnh thi đua “dân vận khéo”