QPTD -Thứ Năm, 21/06/2018, 10:31 (GMT+7)
Phát triển nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Phát triển nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự là quá trình tạo ra sự chuyển biến căn bản, toàn diện về số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới. Đây là nội dung hết sức quan trọng trong xây dựng lực lượng thông tin hiện đại, tinh nhuệ.

Nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự là toàn bộ đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức, lao động quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, nhà trường, nhà máy thông tin thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ; có nhiệm vụ tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ lãnh đạo, chỉ huy và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị. Đây là bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực quân sự quốc gia, có vị trí, vai trò quyết định đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” trong mọi tình huống, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng Ngô Kim Đồng phát biểu tại buổi tọa đàm phát triển nguồn
nhân lực thông tin liên lạc quân sự ở Quân khu 9 trong thời kỳ mới.
(Ảnh: Lê Đình Dũng)

Là lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, những năm qua, nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự đã được quan tâm đầu tư toàn diện và có bước chuyển biến tích cực về số lượng, cơ cấu, chất lượng1. Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thông tin có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí quyết tâm cao, trình độ, năng lực ngang tầm, khắc phục khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự còn những hạn chế nhất định, cả về tổ chức, biên chế lực lượng, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia đầu ngành và quản lý, sử dụng nguồn nhân lực,… cần phải khắc phục.

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội có bước phát triển mới, thời cơ và thách thức đan xen. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu sắc, toàn diện và tạo ra những thay đổi có tính bước ngoặt trên nhiều lĩnh vực; trong đó, có thông tin liên lạc quân sự. Vì vậy, phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự đủ về số lượng, chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc quân sự, nghệ thuật quân sự và chiến tranh công nghệ cao với đồng bộ các giải pháp.

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thông tin liên lạc phải quán triệt sâu sắc tư duy mới của Đảng, Quân ủy Trung ương về đổi mới và hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc theo hướng tiến thẳng lên hiện đại. Trên cơ sở đó, xây dựng cấp ủy cấp mình trong sạch, vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; nhận thức đúng về tầm quan trọng phát triển nguồn nhân lực ngang tầm nhiệm vụ và sự phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật. Nắm chắc thực trạng, thuận lợi, khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự của đơn vị. Từ đó, vận dụng, cụ thể hóa sát với đặc điểm, tình hình đơn vị để xác định nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch; kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Trong thực hiện, phải đồng bộ, toàn diện, có chương trình hành động cụ thể, thiết thực, sát với từng cấp, từng tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, từng nhiệm vụ cụ thể; tập trung vào những vấn đề mấu chốt, “điểm nghẽn” trong phát triển nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự ở từng thời điểm nhất định; với phương châm thực hiện đến đâu chuyển biến đến đó cả về chính trị, tư tưởng, động cơ, thái độ và hành động, cả con người và tổ chức. Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực của các tổ chức, lực lượng; đề cao vai trò, trách nhiệm, đầu tầu, gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt trong tổ chức thực hiện các nội dung, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự.

Hai là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, tuyển chọn nhân lực thông tin liên lạc quân sự. Với vai trò nòng cốt, Binh chủng chủ động, tích cực tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; phối hợp chặt chẽ với các quân chủng, binh chủng và các đơn vị trong toàn quân chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp xây dựng, thực hiện tốt công tác quy hoạch, tổ chức, biên chế lực lượng thông tin liên lạc quân sự theo hướng “tinh, gọn, linh hoạt, hiệu quả”, phù hợp với nghệ thuật tác chiến, trang bị thông tin thế hệ mới. Công tác quy hoạch phải được tiến hành chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình; bảo đảm tính kế thừa, liên tục, ổn định, vững chắc, có tính vượt trước. Trong quy hoạch tổng thể, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thông tin có số lượng và cơ cấu hợp lý2; kịp thời điều chỉnh, bổ sung và thực hiện tốt quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp, bảo đảm sự kế thừa, phát triển vững chắc, có nhiều nguồn, nhiều độ tuổi, trong đó thường xuyên có 1/3 cán bộ trẻ. Thực hiện tốt quy hoạch, đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng và phát triển, ưu tiên cho các chuyên ngành hiện còn đang thiếu và yếu; tiếp tục chuẩn hóa quy trình tạo nguồn phù hợp với từng chuyên ngành, lực lượng, đáp ứng yêu cầu chung và đáp ứng yêu cầu đặc thù chuyên môn; kết hợp tốt công tác tạo nguồn từ xa với tạo nguồn gần và tạo nguồn trực tiếp. Binh chủng tiếp tục tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng phương án tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ngoài Quân đội, đúng chuyên ngành để tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, giảm chi phí đào tạo, nhất là trên địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo.

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự. Quán triệt sâu sắc tư tưởng “thực học”, “thực tài”; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển toàn diện; trong đó, tập trung nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức quân sự, trình độ tin học, ngoại ngữ và năng lực chuyên môn. Binh chủng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình, mục tiêu đào tạo cán bộ thông tin phù hợp với nhiệm vụ bảo đảm thông tin thời kỳ mới; nâng cao chất lượng đào tạo tại các nhà trường, trọng tâm là xây dựng đội ngũ giáo viên Trường Sĩ quan Thông tin và Trường Trung cấp Kỹ thuật thông tin đạt chuẩn quy định. Tích cực đổi mới chương trình, nội dung đào tạo sát với yêu cầu nhiệm vụ và định hướng phát triển hệ thống thông tin liên lạc trong toàn quân; chú trọng đào tạo lực lượng chuyên sâu, đầu ngành, ưu tiên đào tạo cán bộ chất lượng cao cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và nghiên cứu, sản xuất, chế thử. Xây dựng và thực hiện tốt Đề án đào tạo Sĩ quan Chỉ huy - Tham mưu Thông tin cấp phân đội, theo hướng phân chuyên ngành thông tin Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân; Đề án đào tạo nghề và nhân lực chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ thông tin, tác chiến không gian mạng; chủ động hợp tác, liên kết đào tạo trong nước và ngoài nước3. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức công nghệ mới theo phân cấp và thông qua thực tiễn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị. Đẩy mạnh phong trào tự học tập, rèn luyện; gắn học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn với rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng mềm phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Để đạt hiệu quả cao, đội ngũ cán bộ phải nêu gương về tự học tập, tự rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, năng lực thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, công nghệ viễn thông quân sự, tạo môi trường học tập, rèn luyện tích cực cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ.

Bốn là, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự. Các đơn vị thực hiện tốt việc phân cấp quản lý nguồn nhân lực; rà soát, sắp xếp đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật theo đúng chuyên nghiệp quân sự; đào tạo lại số nhân viên chuyên môn kỹ thuật ở các ngành nghề dôi dư biên chế; gắn đào tạo với sử dụng và công tác quản lý. Đẩy mạnh luân chuyển cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật giữa cơ quan, đơn vị, nhà trường để rèn luyện, bồi dưỡng toàn diện ở các cấp. Thực hiện sắp xếp, luân chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu, các nhà trường, trung tâm bảo đảm kỹ thuật phù hợp. Lãnh đạo công tác đánh giá, phân loại cán bộ, nhân viên, quân nhân phải thực sự khách quan, liên tục, chính xác; coi trọng đánh giá thông qua thái độ, phương pháp, tác phong, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Đánh giá phải gắn với bố trí, điều động, bổ nhiệm, sử dụng, đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng nguyên tắc. Khắc phục biểu hiện chủ quan, cảm tính; sử dụng không trên cơ sở quản lý, đánh giá, không đúng chuyên ngành đào tạo, không phù hợp với năng lực, trình độ nguồn nhân lực. Việc bố trí, sử dụng phải căn cứ vào tiêu chuẩn quy định của Đảng và Bộ Quốc phòng đối với cán bộ trong lĩnh vực thông tin liên lạc quân sự, phù hợp tổ chức, biên chế của từng đơn vị, bảo đảm cho cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa lực lượng thông tin liên lạc quân sự.

Năm là, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế, chính sách, tạo môi trường phát triển nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự. Chủ động tham mưu đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng điều chỉnh tổ chức biên chế lực lượng thông tin toàn quân theo hướng tinh, gọn, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sát với địa bàn và khu vực tác chiến. Có nhiều chủ trương, giải pháp thu hút, trọng dụng nhân tài, như: mạnh dạn xem xét, lựa chọn cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ, uy tín bố trí vào các cương vị chủ trì, chủ chốt. Thực hiện tốt công tác chính sách, ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia đầu ngành, mũi nhọn, cán bộ ở địa bàn khó khăn nhằm thu hút, giữ gìn đội ngũ cán bộ, nhân viên yên tâm, gắn bó, cống hiến xây dựng Binh chủng. Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, rèn luyện, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại; làm tốt công tác khen thưởng, tôn vinh những cá nhân tiêu biểu, có nhiều cống hiến xuất sắc. Đồng thời, quan tâm xây dựng môi trường thuận lợi cho quá trình học tập, rèn luyện, cống hiến, phát huy vai trò của các thành phần nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự. Đặc biệt, cần coi trọng xây dựng đời sống văn hóa, phát huy dân chủ, đoàn kết, thống nhất trong toàn đơn vị; bảo đảm kịp thời cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc thiết yếu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sức khoẻ cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ.

Trên đây là những nội dung, giải pháp mà Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc đẩy mạnh thực hiện để phát triển nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Thiếu tướng NGÔ KIM ĐỒNG, Chính ủy Binh chủng Thông tin liên lạc
_______________

1 - Đội ngũ cán bộ có trình độ cao đẳng trở lên đạt 98,1% (13,68% sau đại học); cán bộ được đào tạo ở nước ngoài tăng, đa dạng về bậc học, ngành nghề. Nhân viên chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao đẳng, đại học đạt 3,52%; thợ tay nghề bậc cao đạt 41,3%.

2 - Bảo đảm tỷ lệ cán bộ thừa, thiếu theo chức danh dưới 05%, tỷ lệ cán bộ theo vùng, miền tại chỗ đến năm 2020 đạt 70% trở lên.

3 - Phấn đấu đến năm 2020: tỷ lệ cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên đạt 98,5%; trong đó, sau đại học trên 20%.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.