QPTD -Thứ Năm, 06/09/2012, 01:38 (GMT+7)
Phát triển công nghệ thông tin - một giải pháp chiến lược trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân

Xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao là nội dung xuyên suốt trong đường lối quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong Quân đội là một trong những tiền đề rất quan trọng.


Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập Cục Công nghệ thông tin (nguồn: qdnd.vn)

Công nghệ thông tin (CNTT) là một trong bốn trụ cột của kinh tế tri thức, giữ vai trò nền tảng, thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước cũng như xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, đầu tư và phát triển CNTT, nhất là đối với Quân đội. Chỉ thị 58-CT/TW, ngày 17-10-2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) chỉ rõ: “Lực lượng an ninh – quốc phòng nhanh chóng phổ cập, ứng dụng và phát triển CNTT, tạo tiền đề quan trọng góp phần xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; từng bước xây dựng hệ thống tự động hóa chỉ huy, kiểm soát, làm chủ, cải tiến vũ khí, khí tài và phương tiện chiến đấu;… sẵn sàng, chủ động đối phó với chiến tranh thông tin hiện đại”. Đây là định hướng quan trọng của Đảng, tạo cơ sở để các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đẩy mạnh việc ứng dụng, phát triển CNTT nhằm góp phần không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, đối phó thắng lợi với mọi tình huống có thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Ngay sau khi Chỉ thị ban hành, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã ra Chỉ thị số 03/2001-CT/ĐUQSTW về quán triệt và tổ chức triển khai việc ứng dụng, phát triển CNTT trong Quân đội. Bộ Quốc phòng đã có Quyết định số 225/2006/QĐ-BQP về phê duyệt Chiến lược ứng dụng và phát triển CNTT đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Quyết định 254/2011/QĐ-BQP về phê duyệt Quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT đến năm 2020… Nhờ đó, hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trong toàn quân được triển khai sâu rộng, hoạt động có nền nếp và đạt được kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng CNTT trong toàn quân bước đầu đã được tạo lập, bảo đảm kết nối dữ liệu đến tất cả các đầu mối chiến lược, chiến dịch và một số đơn vị chiến thuật trên các hướng, địa bàn trọng điểm. Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ chỉ huy, điều hành và phục vụ cho các chuyên ngành từng bước được xây dựng, vận hành và phát huy hiệu quả. Công tác an toàn, bảo mật thông tin trên môi trường mạng được tập trung đầu tư, bước đầu đáp ứng yêu cầu bảo mật mạng máy tính diện rộng thông suốt toàn quân. CNTT đã được ứng dụng có hiệu quả trong các lĩnh vực: cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật; phục vụ huấn luyện, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, công tác nghiệp vụ và trong công nghiệp quốc phòng. Lực lượng cán bộ làm công tác CNTT được hình thành, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu; có khả năng đảm nhiệm việc chuyển giao công nghệ; nghiên cứu, thiết kế, xây dựng các quy trình xử lý thông tin và chế tạo một số sản phẩm có giá trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò của CNTT còn hạn chế; công tác bảo đảm cơ sở vật chất, trang, thiết bị kỹ thuật CNTT chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ. Các phần mềm dùng chung còn thiếu thống nhất, độ phổ dụng chưa cao; việc ứng dụng CNTT còn chủ yếu tập trung vào các nội dung đơn giản mà chưa đi vào những vấn đề chuyên sâu có tính đặc thù trong hoạt động quân sự. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ đầu ngành về thiết kế, chế tạo và quản lý CNTT còn yếu và thiếu; phần lớn chưa qua và ít được đào tạo cơ bản, theo hướng chuyên nghiệp trong môi trường quốc tế và không được rèn luyện kỹ năng tại các trung tâm CNTT lớn.

Thời gian tới, yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội nhân dân theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” với một số ngành tiến thẳng lên hiện đại đòi hỏi phải đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong Quân đội; xem đó vừa là yêu cầu khách quan, vừa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của từng cơ quan, đơn vị. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT… Coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình CNH,HĐH trong từng ngành, từng lĩnh vực”1; trong đó, quốc phòng là một trong những lĩnh vực trọng yếu. Việc ứng dụng, phát triển CNTT trong Quân đội phải theo đúng quan điểm, nguyên tắc, định hướng và mục tiêu đã xác định; phải gắn kết chặt chẽ với Chương trình tổng thể phát triển CNTT quốc gia, nhưng có tính tới những đặc thù và ưu tiên trọng điểm cho lĩnh vực quốc phòng. Đồng thời, phải bảo đảm tính đồng bộ trên các mặt hoạt động của Quân đội, trọng tâm là ứng dụng và phát triển CNTT trong chỉ huy tham mưu; chỉ đạo, điều hành, quản lý; đào tạo, huấn luyện; sản xuất quốc phòng; nghiên cứu khoa học - công nghệ; cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật... Trên từng mặt ứng dụng phải đồng bộ với việc bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu và phòng, chống chiến tranh thông tin trên mạng dưới mọi hình thức. Để thực hiện tốt yêu cầu trên, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn quân, với nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ (CB,CS), nhất là cán bộ chủ trì các cấp về tầm quan trọng của ứng dụng và phát triển CNTT trong Quân đội. Thực tiễn cho thấy, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển CNTT ở một số cơ quan, đơn vị là do nhận thức của một bộ phận CB,CS còn hạn chế, chưa coi CNTT là nhân tố có tính tiền đề cho sự phát triển, dẫn đến thiếu quyết tâm trong chủ trương và tổ chức thực hiện. Trong khi đó, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ trên thế giới, nhất là CNTT đang phát triển như vũ bão; những vấn đề về chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng ngày càng trở nên phổ biến, là thách thức đối với mỗi quốc gia. Vì vậy, nâng cao nhận thức cho CB,CS, nhất là cán bộ chủ trì các cấp về vai trò của CNTT đối với sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội là vấn đề rất quan trọng. Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 58/2000-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH,HĐH; Quyết định 1605/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2010-2015… Thông qua đó, nâng cao nhận thức cho CB,CS, nhất là lãnh đạo, chỉ huy các cấp về sự cần thiết phát triển CNTT trong Quân đội; thấy rõ, tin học hóa trong các cơ quan, đơn vị toàn quân không chỉ là bộ phận hữu cơ của cải cách hành chính quân sự, mà còn là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên nhằm nâng cao khả năng chỉ huy, tham mưu, quản lý, điều hành, nghiên cứu khoa học, sản xuất quốc phòng và bảo đảm các mặt công tác. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cho mọi người nắm vững những kiến thức cơ bản về CNTT; đưa nội dung ứng dụng, phát triển CNTT vào nghị quyết lãnh đạo của từng tổ chức đảng và trở thành kế hoạch, nhiệm vụ thường xuyên ở đơn vị, tạo ra phong trào thi đua sâu, rộng trong toàn quân. Mặt khác, ứng dụng và phát triển CNTT là chương trình, mục tiêu trọng điểm quốc gia; do đó, trong nhận thức, cần thấy hết những đặc điểm thuận lợi, khó khăn để xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện cho phù hợp. Các cấp cần kiên trì mục tiêu đã xác định, tránh chủ quan, nóng vội hoặc trông chờ, ỷ lại; coi trọng phát huy nội lực, tinh thần tự lực tự cường kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế để tận dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, cần có nhiều hình thức, biện pháp xây dựng động cơ, trách nhiệm, động viên khuyến khích CB,CS tham gia hoạt động ứng dụng, phát triển CNTT ở đơn vị đạt hiệu quả thiết thực.

Hai là, tập trung phát triển nguồn nhân lực về CNTT, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. CNTT là một ngành đặc thù, công nghệ cao, muốn ứng dụng và phát triển có hiệu quả, các chủ thể phải có một nền tảng tri thức cùng các điều kiện bảo đảm cần thiết. Do vậy, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới chất lượng, hiệu quả việc ứng dụng, phát triển CNTT trong Quân đội. Để làm được điều đó, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, đánh giá trình độ CNTT của đội ngũ cán bộ; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Trước hết, tập trung xây dựng lực lượng đầu ngành về CNTT trong các học viện, viện nghiên cứu lớn bảo đảm có trình độ chuyên môn cao, đủ sức làm nòng cốt, “đầu tàu” trong việc thiết kế, xây dựng, vận hành và phát triển các hệ CNTT lớn mang đặc thù quốc phòng. Đồng thời, chú trọng việc đào tạo, đào tạo lại nhằm phổ cập kỹ năng sử dụng CNTT thường xuyên cho CB,CS theo yêu cầu chuẩn hóa. Trong quá trình đào tạo, cần thực hiện đồng bộ, hiện đại cả về nội dung, chương trình và trang bị, vật chất bảo đảm; trong đó, chú trọng xây dựng các chuẩn về trình độ kiến thức và kỹ năng CNTT phù hợp với đặc thù từng ngành và từng đối tượng. Đối với lực lượng CNTT chuyên nghiệp, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu, nhất là trang bị các khối kiến thức CNTT phục vụ công tác chỉ huy, tham mưu, quản lý; khai thác đảm bảo số hóa các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật; sản xuất quốc phòng; nghiên cứu khoa học và cho đội ngũ giáo viên CNTT. Đối với CB,CS sử dụng CNTT, cần coi trọng đào tạo, bồi dưỡng thành thạo các kỹ năng về tin học văn phòng, quản trị mạng, an toàn thông tin cùng những vấn đề cơ bản về cơ sở dữ liệu và cách khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phù hợp. Bên cạnh đó, cần chú ý xây dựng lực lượng chuyên sâu về an ninh mạng. Đây là lực lượng đặc biệt, cần được tuyển chọn kỹ cả về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, bảo đảm đủ sức ứng cứu, xử lý kịp thời sự cố mạng trong mọi tình huống. Về lâu dài, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ làm công tác CNTT; gắn phát triển nguồn nhân lực với xây dựng tổ chức biên chế ngành CNTT và các chức danh phù hợp quy định của Nhà nước, đặc thù quốc phòng, góp phần xây dựng, gìn giữ và thu hút nhân tài CNTT phục vụ lâu dài trong Quân đội.

Ba là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, chỉ huy và cơ sở hạ tầng CNTT trong Quân đội. Trên cơ sở tổ chức, biên chế đã được xác định, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống tổ chức chỉ huy, quản lý CNTT từ cấp Bộ đến cơ sở theo hướng gọn, nhẹ, hiệu quả, đủ sức làm tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trong toàn quân. Việc xây dựng hệ thống này cần theo ngành dọc, từ trên xuống dưới với cơ quan đầu ngành là Cục CNTT, thực hiện nhiệm vụ chuyên trách ngành CNTT và là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CNTT của Bộ Quốc phòng. Đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, có thể tổ chức các phòng, ban, trợ lý CNTT và thực hiện biên chế dần theo nhu cầu phát triển. Đối với các đơn vị cấp chiến dịch, chiến thuật cần xây dựng phù hợp với đặc thù ngành; trong đó, chú ý tận dụng và cơ cấu lại một số ngành, bộ phận liên quan để hạn chế tăng biên chế mà vẫn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. 

Cùng với đó, cần chú trọng đầu tư, phát triển hạ tầng CNTT theo hướng tập trung, đồng bộ, hiện đại, vững chắc để đủ sức triển khai các ứng dụng mạng thông suốt phục vụ chỉ huy, điều hành trong mọi tình huống. Trước hết, cần đẩy mạnh việc nâng cấp và mở rộng mạng Truyền số liệu quân sự hiện có theo công nghệ băng rộng thế hệ mới gắn với các hạ tầng viễn thông quân sự và quốc gia, tạo khả năng kết nối thông suốt từ Bộ đến các đơn vị trong toàn quân, nhất là đến các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo và trên các hướng, địa bàn trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp mạng máy tính nội bộ của các đơn vị, bảo đảm có thể kết nối với mạng Truyền số liệu quân sự thông suốt, thuận lợi. Trên cơ sở đó, chủ động tích hợp để hình thành mạng máy tính quân sự thống nhất, hiện đại, được kết nối vững chắc cả về bề rộng và chiều sâu theo phương châm: làm đến đâu chắc đến đó, kết nối đến đâu bảo mật an toàn đến đấy; lấy xây dựng một trung tâm cung cấp dịch vụ và điều hành mạng của Bộ Quốc phòng làm điểm tựa để tăng khả năng tích hợp, chia sẻ các ứng dụng, dữ liệu và dịch vụ chung. Cơ quan chức năng cần sớm biên soạn và đưa vào ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn về hạ tầng CNTT của Bộ Quốc phòng cho phù hợp với các hoạt động đặc thù của môi trường quân sự, như: các tiêu chuẩn về trang, thiết bị CNTT, về mạng máy tính sử dụng trong lĩnh vực quốc phòng nhằm chuẩn hóa, thống nhất các khâu từ khảo sát, thiết kế, lắp đặt mạng đến vấn đề bảo mật, quản trị, nâng cấp và mở rộng mạng khi cần thiết, góp phần tạo ra hạ tầng CNTT vững chắc, đáp ứng yêu cầu ứng dụng và phát triển CNTT ngày càng cao trong Quân đội.

Trung tướng VÕ VĂN TUẤN

Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam

                  

1 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ khóa XI, Nxb CTQG, H. 2012, tr. 71.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.